16-9 là ngày mà Bác Hồ đã làm bài thơ “Không có
việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”
tặng thanh niên, nhắn nhủ thanh niên phải chú trọng bồi dưỡng chí khí cách mạng.
Đây cũng là ngày truyền thống ngành Quân khí quân đội, ngày bộ đội ta tiêu diệt
cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 và là ngày bộ đội ta
rút khỏi Thành cổ Quảng Trị, kết thúc trận chiến ác liệt 81 ngày đêm tại đây.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trung tuần tháng 9 năm 1950
trên đường đi chiến dịch Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị
thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch. Người đã làm bài thơ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ
lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” tặng
thanh niên.
(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 6
, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật 2011, tr404)
Qua bốn câu thơ, Bác muốn
nhắn nhủ thanh niên phải chú trọng bồi dưỡng về chí khí cách mạng. Người cho
rằng, thanh niên muốn thực hiện ước mơ, hoài bão cao đẹp, muốn làm được việc lớn
ích nước, lợi dân thì trước hết phải tự mình nâng cao chí khí, tuyệt đối trung
với nước, với Đảng, hiếu với dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1-5-1952). Ảnh: hochiminh.vn |
Học tập và làm theo lời Bác dạy, lớp lớp
các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn tiếp nối truyền thống cha anh, phát huy
tinh thần đoàn kết, xung kích, sáng tạo, vươn lên chinh phục các đỉnh cao trên
mọi lĩnh vực công tác, góp phần vào thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống
thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng đất nước. Trong thời kỳ đổi mới đất
nước, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,
thanh niên Việt Nam tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trên các lĩnh vực, là lực lượng
quan trọng góp phần đưa đất nước hội nhập nhanh hơn, sâu hơn; thanh niên thực
sự là lực lượng nòng cốt, là động lực của sự phát triển đất nước trong thời kỳ
đổi mới.
Thanh niên phải có tinh thần:
Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, gian khổ thì đi trước, hưởng thụ
sau mọi người, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Trong sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc rèn luyện và nâng cao chí khí cách
mạng đang đặt ra cho mọi đoàn viên, thanh niên trên tất cả lĩnh vực hoạt động,
nhất là đối với những việc mới, việc khó cần sự nỗ lực, cố gắng cao. Mặt trái
của cơ chế thị trường đang tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ. Chính vì vậy, công
tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên sống có chí khí, hoài bão, lý
tưởng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, để thanh niên không mất phương hướng,
không bị lôi cuốn vào những thói hư tật xấu, lối sống thực dụng… là việc rất
quan trọng và cấp bách. Giáo dục thanh niên học tập và làm theo lời dạy của
Người còn góp phần tích cực vào việc đào tạo những chủ nhân tương lai của nước
nhà, để họ trở thành những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của cha
anh.
Là một bộ phận của thanh niên
Việt Nam, thanh niên quân đội luôn có vai trò hết sức quan trọng; đã kế thừa,
phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tình nguyện, góp phần cùng toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên
truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong thời kỳ đổi
mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên quân đội luôn là
lực lượng xung kích nòng cốt, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đi đầu
trong phòng, chống thiên tai; khắc phục khó khăn, gian khổ; nêu cao tinh thần
cảnh giác cách mạng, tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt mọi
nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, công tác đoàn và
phong trào thanh niên quân đội có sự phát triển toàn diện, là nòng cốt của
Phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân, luôn khẳng định là lá cờ đầu về
công tác đoàn và phong trào thanh niên cả nước. Một số phong trào tiêu biểu của
thanh niên quân đội trong thời gian qua: “Phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”,
“Chi đoàn văn hóa”, “Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích,
quyết thắng”, “Thanh niên quân đội vươn tới những đỉnh cao” và “Thanh niên quân
đội tiến quân vào khoa học và công nghệ”. Từ các phong trào thi đua, đã tạo ra
môi trường và động lực mới cho thanh niên quân đội thi đua học tập, rèn luyện,
cống hiến trưởng thành, thông qua đó, nhiều tấm gương tiêu biểu của thanh niên
quân đội trên các lĩnh vực được phát hiện, góp phần làm ngời sáng phẩm chất Bộ
đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Tuổi trẻ thanh niên quân đội luôn đi đầu trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Ảnh: QĐND |
Từ những phong trào nói trên,
những năm qua, đã có hàng vạn lượt tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên đạt
danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; hàng nghìn gương mặt thanh
niên điển hình, tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực được vinh danh từ cơ sở
đến toàn quân. Hằng năm, thanh niên quân đội đều có đại biểu được bình chọn là
một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước.
Kể từ khi đại dịch Covid-19
bùng phát đến nay, ngay từ những ngày đầu tiên, thanh niên quân đội đã chung
tay góp sức vào cuộc chiến chống Covid trên mọi mặt trận. Họ giữ gìn biên giới
cửa khẩu không cho người nước ngoài vượt biên trái phép vào Việt Nam, hay
nhường doanh trại, tham gia nấu ăn, phục vụ cho người dân cách ly y tế, tham
gia kiểm soát tại các chốt chống dịch, phát lương thực thực phẩm thuốc men cho
người dân. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, bằng những việc làm thiết
thực, tuổi trẻ quân đội tiếp tục khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện trên
tuyến đầu chống dịch, góp phần lan tỏa và tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong
thời kỳ mới.
Theo dấu chân Người
Ngày 16-9-1945, Chủ tịch Hồ
Chí Minh tiếp Lư Hán, người đứng đầu lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng đang
tràn vào Bắc Việt Nam. Tại cuộc gặp đầu tiên này, Lư Hán đã ép Chính phủ Việt
Nam phải chấp nhận giá hối đoái theo đồng “quan kim” đang mất giá, phải cung
cấp lương thực và các phương tiện liên lạc cho quân đội Trung Hoa... Chính sau
cuộc gặp này, để bảo toàn lực lượng vũ trang và tránh bị khiêu khích, Bác đã
quyết định đổi tên Quân Giải phóng thành Vệ Quốc đoàn.
Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi
đồng bào toàn quốc” nhân dịp khai mạc “Tuần lễ vàng” do các nhà công thương yêu
nước tổ chức hưởng ứng “Quỹ Độc lập”... Thư viết: “Muốn củng cố nền tự do độc
lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng
ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa
“Tuần lễ vàng” là ở đó. Tuần lễ vàng sẽ thu giúp số vàng trong nhân dân và nhất
là của nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc
này là việc quốc phòng. Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn
thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh
giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở
hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để
phụng sự Tổ quốc...”.
Ngày 16-9-1946, Chủ tịch Hồ
Chí Minh rời Pari bằng xe lửa để đi Mácxây kết thúc chuyến đi thăm nước Pháp.
Bác cảm ơn các quan khách Pháp ra tiễn và nói với bà con Việt kiều cần tin
tưởng vào bản Tạm ước, để đoàn kết, kỷ luật thực hiện mệnh lệnh của Chính phủ,
tranh thủ cảm tình của các bạn Pháp. Trước khi tàu chuyển bánh, Bác để lại một
lời nhắn nhủ: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”.
Ngày 16-9-1948, trong thư gửi
nhi đồng nhân Tết Trung thu, Bác viết: “Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống
nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những Tết Trung Thu
tưng bừng vui vẻ. Vinh hoa bù lúc phong trần. Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh
khoẻ và gửi các cháu nhiều cái hôn Trung thu” .
Ngày 16-9-1950, Bác đến trận
địa, quan sát trận công kích Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới. Trước đó,
Bác đã đến thăm Trung đoàn 296 Đoàn Sông Lô, giao nhiệm vụ: Phải đánh thắng
trận mở màn của Chiến dịch Biên giới. Xế chiều, Bác trở về căn cứ thăm tướng
Trần Canh, cố vấn Trung Quốc. Nhân đó, Bác chép tặng bài thơ vừa sáng tác bằng
chữ Hán “Đăng Sơn” (Lên núi). Bản dịch của Xuân Diệu: “Chống gậy lên non xem
trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề
diệt xâm lăng lũ sói cầy” .
Ngày 16-9-1953, Báo Nhân Dân đăng
bài “Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng” của Bác trong đó có đoạn: “9 Tết
Trung thu/ 8 năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác
gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những Thu qua/
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.../ Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông/ Đưa tin
thắng trận cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay!/ Bác cũng vui thay!/ Thu sau so
với Thu này vui hơn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với con em các gia đình có công với Cách mạng tại Pác Bó (2-1961) . Ảnh: hochiminh.vn |
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc
gia-Sự thật, 2010)
Dấu
ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân
dân số ra ngày 16-9-1969 có trích đăng lời di chúc của Hồ Chủ tịch: “Đảng
ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức
cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật
trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành
của nhân dân”.
Trang nhất Báo Quân đội
nhân dân số ra ngày 16-9-1970 trích đăng lời Hồ Chủ tịch: “Đế quốc Mỹ đang thất bại và đã hoàn toàn thất bại. Nhân dân ta
đang ở thế tiến công và nhất định sẽ giành được thắng lợi vẻ vang”.
Sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-9
Sự
kiện trong nước
16-9-1950: Bộ đội ta tiêu
diệt cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch Biên giới và kết thúc vào ngày 14-10
năm đó.
16-9-1951: Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 227/QĐ “Về việc thành lập Cục Quân khí”. Theo
đó, ngày 16-9-1951, Cục Quân khí chính thức bước vào hoạt động; ngày 16-9 trở
thành Ngày truyền thống của ngành Quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ,
công nhân viên ngành Quân khí, phát huy truyền thống và khắc ghi lời dạy của
Bác Hồ kính yêu: "Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu
của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng
hợp lý...", đồng thời tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được
giao, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện
đại”, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong
tình hình mới.
Trải qua 70 năm xây dựng,
chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ
Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật; được sự quan tâm,
giúp đỡ tận tình của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương; sự
phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài
Quân đội; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và
viên chức quốc phòng Ngành Quân khí Quân đội đã phát huy bản chất tốt đẹp và
truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; luôn đoàn kết,
chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chỉ đạo, hướng dẫn
công tác kỹ thuật quân khí toàn quân; bảo đảm trang bị, kỹ thuật, bảo đảm an
toàn và đồng bộ súng, pháo, khí tài, đạn dược phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm
vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội; góp phần vào sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa; xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và Quân
đội đã trao tặng.
16-9-1972: Bộ đội ta rút khỏi
thành cổ Quảng Trị, kết thúc trận chiến ác liệt tại đây. Trong 81 ngày đêm lửa
thép Quảng Trị, ta liên tục chiến đấu ngăn chặn các cuộc tiến công của địch,
bảo vệ thị xã và Thành cổ. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 26 nghìn
tên địch, phá huỷ 349 xe quân sự, hàng chục trận địa pháo của địch, bắn rơi gần
200 máy bay các loại.
Sự
kiện quốc tế
16-9-1992: Bảng Anh bị loại
ra khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu trong ngày Thứ Tư Đen và bị mất giá
mạnh.
16-9-1963: Malaya, Singapore,
Bắc Borneo, và Sarawak hợp nhất thành Liên bang Malaysia.
16-9-1957: Ngày mất Tề Bạch
Thạch - thiên tài hội hoạ, một danh nhân văn hóa thế giới. Ông sinh ngày
22-11-1863 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
16-9-1745: tại Pêtécbua đã ra
đời người con ưu tú, vị thống soái Nga Kutuzốp. Người đã đánh bại đội quân
Napôlêong trong cuộc chiến tranh ái quốc năm 1812 của nước Nga và chôn vùi mộng
bá chủ thế giới của Napôlêong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét