Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Làm gì để lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật?

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội dậy sóng với những hành vi “lệch chuẩn” trong giới nghệ sĩ. Những chuyện như văng tục chửi bậy trên mạng xã hội, tuyên truyền các phương pháp chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học, quảng cáo tiền ảo, quảng cáo không đúng sự thật và gần đây nhất là vấn đề thiếu minh bạch trong quyên góp từ thiện khiến công chúng không khỏi thất vọng.

Để chấn chỉnh những hành vi kém văn hóa của một số người nổi tiếng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường hoạt động nghệ thuật, mới đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử để xin ý kiến các Hội, ngành liên quan, trong đó gồm các nội dung nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người làm nghệ thuật. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng phải thừa nhận rằng, những quy định này là cần thiết, góp phần lành mạnh hóa đời sống nghệ thuật.

Dự thảo quy tắc ứng xử của nghệ sĩ được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa ra lấy ý kiến các Hội chuyên ngành.

Khung ứng xử dành cho nghệ sĩ

Bộ Quy tắc ứng xử gồm 3 chương, 11 điều có phạm vi áp dụng dành cho những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động tự do hay biên chế ở các đơn vị công lập. Dự thảo nhấn mạnh các vấn đề như: ứng xử của nghệ sỹ trong mối quan hệ với đồng nghiệp và công chúng,  phát ngôn chuẩn mực trên báo chí, truyền thông.

Trên mạng xã hội, nghệ sĩ phải phát ngôn trung thực, không dùng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, không đăng tải các thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác. Dự thảo cũng đề xuất yêu cầu nghệ sỹ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện, không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm.

Nghệ sỹ không được thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động trái quy định pháp luật… Ngoài ra dự thảo còn nhắc tới quan hệ giữa các nghệ sĩ với nhau: không công kích, bài xích mà nên cạnh tranh lành mạnh. Đối với công chúng, nghệ sĩ có trách nhiệm tận tâm cống hiến, lắng nghe góp ý của khán giả, không lợi dụng danh tiếng để trục lợi.

Các nghệ sĩ vướng vào nghi vấn thiếu minh bạch trong quyên góp từ thiện thời gian vừa qua.

Sau khi sơ bộ hoàn thành dự thảo, Bộ VH-TT&DL đã gửi đến 6 đơn vị gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ để xin ý kiến đóng góp hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ ban hành chính thức một bộ quy tắc áp dụng cho tất cả nghệ sĩ, được xem như một cơ sở để đánh giá tư cách nghệ sĩ để các cơ quan chức năng và dư luận xã hội lên tiếng trong những trường hợp cần thiết. Ai vi phạm vào các chuẩn mực đạo đức sẽ phải chịu sự phán xét của dư luận, và có thể bị thanh lọc khỏi đời sống nghệ thuật.

Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết Bộ Quy tắc sẽ chỉ được áp dụng sau khi lấy ý kiến các Hội và có định chế riêng cho từng Hội. Và đây chỉ là quy tắc ứng xử chung, chứ không có phần xử phạt. Như vậy có thể hiểu đây là một cái khung quy định, để người làm nghệ thuật soi vào đó, tự căn chỉnh, tiết chế chính mình làm sao để có những ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội. Không có việc cấm hành nghề hay cấm sóng các nghệ sĩ, vì tất cả những hành vi vi phạm dẫn đến những mức hình phạt nặng nề khác đã được quy định trong các văn bản pháp luật mang tính bắt buộc.

Một văn bản quy định về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ vì sao lại cần được ban hành vào thời điểm này? Câu trả lời có lẽ đã rõ. Khi công nghệ phát triển, mạng xã hội đang mở ra một không gian mênh mông cho người sử dụng. Nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong công chúng. Có người có số lượng fan theo dõi lên đến hàng triệu, hàng chục triệu. Những cơ hội lớn về thu nhập, quảng cáo, quảng bá sản phẩm cá nhân cũng từ đó. Nhưng khi họ có những phát ngôn hay hành vi thiếu chuẩn mực, thì hệ lụy tiêu cực đến công chúng cũng rất lớn, nhất là với những người trẻ tuổi.

Chúng ta đã thả nổi rất lâu cho nghệ sĩ, để mặc họ muốn nói gì, làm gì trên mạng xã hội: từ chuyện phát ngôn đến tung các sản phẩm thiếu văn hóa, từ chuyện bán hàng online bát nháo đến quảng cáo không đúng chất lượng sản phẩm, từ chuyện quyên góp tiền từ thiện vô tội vạ đến những chiêu trò trục lợi tiền thiện nguyện của người hâm mộ… Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là, cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trên cơ sở phân tích thấu tình đạt lý, để bộ quy tắc ứng xử đi vào đời sống có tác dụng rõ rệt. Trong đó quan trọng nhất là răn đe, kiểm soát hành vi nghệ sĩ, để họ ý thức rõ hết về vị trí, vai trò của mình trong xã hội, làm lành mạnh, trong sáng môi trường nghệ thuật và để cho những người làm nghề thực sự có cơ hội cống hiến.

Băn khoăn và đồng thuận

Trên các diễn đàn, một số nghệ sĩ tỏ ra băn khoăn về những quy định trong Bộ quy tắc và mong muốn cần được phân tích kỹ lưỡng. Đầu tiên là khái niệm nghệ sĩ. Quy chế áp dụng cho cả nghệ sĩ tự do và nghệ sĩ biên chế trong các đoàn nghệ thuật.

Nữ nghệ sĩ trẻ này từng chịu chỉ trích của cộng đồng mạng khi phát ngôn cho rằng ăn giun đất chữa được bệnh COVID-19.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL giải thích: Nghệ sĩ tự do là các nghệ sĩ không thuộc nhà hát công lập, họ có thể là thành viên của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Nhưng trên thực tế, có không ít người chẳng qua trường lớp đào tạo, cũng chẳng thuộc về một đơn vị hay tổ chức nào, vẫn được gọi là nghệ sĩ. Có không ít cá nhân tài năng thì chẳng có gì nhưng sẵn sàng bỏ tiền đầu tư quảng bá sản phẩm, PR tên tuổi và nhờ đó trong một thời điểm nào đó trở nên nổi tiếng hơn cả những nghệ sĩ tài năng có những tác phẩm giá trị. Vậy có nên làm rõ hơn thế nào là nghệ sĩ để làm rõ đối tượng áp dụng quy tắc.

Không ít ý kiến cho rằng, nghệ sĩ phải là những người được cấp chứng chỉ hành nghề. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, rất cần sự phân tích thấu đáo tình hình xã hội thời điểm hiện tại, xem đạo đức giới văn nghệ sĩ băng hoại đến đâu, hệ lụy ở mức độ nào để cần đến bộ quy tắc này.

Theo GS.TS Từ Thị Loa- Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong Bộ Quy tắc ứng xử rất cần được làm rõ những hành vi thế nào bị coi là “trái thuần phong mỹ tục”, “phản cảm”, “đi ngược với truyền thống”… để áp dụng chính xác, tránh chủ quan cảm tính, hoặc đưa ra những mức độ xử phạt gây tranh cãi.

Việc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử này cũng gây ra tâm tư cho một số nghệ sĩ. Họ cho rằng nếu chỉ dựa trên một số hiện tượng cá biệt để đưa ra một khung ứng xử bắt buộc nghệ sĩ phải tuân theo thì dường như cơ quan quản lý đang “túm hết nghệ sĩ vào một rọ”, khiến cho những người làm nghệ thuật chân chính có chút chạnh lòng. Bởi lẽ, những nghệ sĩ thật sự luôn luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Họ biết mình phải tuân theo những chuẩn mực của cộng đồng. Với tư cách công dân, mọi hành vi của họ đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhà nước, như thế việc đưa ra một bộ quy tắc cho riêng giới nghệ sĩ liệu có thực sự cần thiết?

Mặc dù có những băn khoăn, nhưng nhìn chung việc đề ra Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ vẫn nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội. Xét cho cùng, dù là công dân, nhưng những người nghệ sĩ lại là những “công dân đặc biệt”. Về phương diện văn hóa, họ có sức ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng, từ phong cách ăn mặc đến phát ngôn, đến thái độ ứng xử.

Nghệ sĩ Đức Hải gây tranh cãi vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Nghệ sĩ trước hết phải là những người biết ứng xử sao cho đẹp, cho tương xứng với vị thế của mình. Có rất nhiều hành vi, nếu xét về mặt pháp luật thì chưa thể coi là vi phạm pháp luật, nhưng về mặt tư cách, đạo đức, lại gây ra những hệ lụy khó lường. Thời gian vừa qua đã có không ít nghệ sĩ ỷ vào sự nuông chiều của khán giả mà có những phát ngôn phản cảm, có lối sống buông thả, bất chấp, thậm chí sử dụng danh tiếng để tiếp tay cho hàng giả, quảng cáo những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí trục lợi cá nhân gây bức xúc, mất lòng tin trong công chúng.

Với những nội dung được quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử, như minh bạch từ thiện, không quảng cáo bừa bãi, phát ngôn thiếu trách nhiệm, không đưa tin giả trên mạng xã hội… công chúng sẽ có thêm một căn cứ để đánh giá tư cách nghệ sĩ. Dẫu không có chế tài hình phạt ở đây, nhưng những vi phạm của nghệ sĩ trong giới hạn bộ quy tắc sẽ tạo ra dư luận, có thể ủng hộ hay tẩy chay. Nghệ sĩ là những người cần đến công chúng nhất, vì vậy, sự tự giác, nghiêm túc trong các hành vi đôi khi có tác dụng ngang với chế tài hay hình phạt. Khi nghệ sĩ vi phạm các nguyên tắc ứng xử, công chúng có quyền lên tiếng phán xét.

NSND Lan Hương chia sẻ, Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ là cần thiết, và đáng ra nó phải có sớm hơn, để bớt đi những câu chuyện lùm xùm liên quan đến nhiều vấn đề tiêu cực, nhức nhối trong đời sống nghệ thuật thời gian qua. Nhìn chung, quy định này sẽ khiến cho môi trường nghệ thuật sạch sẽ hơn, lành mạnh hơn và qua đó cũng sẽ tốt hơn cho toàn xã hội. Vấn đề chỉ là, các cơ quan liên quan cần xem xét kỹ lưỡng để cụ thể hóa các quy định việc nào nên làm, việc nào không nên làm, cũng như đưa ra những hoàn cảnh, điều kiện nhất định để nghệ sĩ tuân thủ, tránh việc quy định chung chung gây tranh cãi.

Bảo Bình - CAND

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...