Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Cồn 98 độ

Hoàn không thấy mệt mỏi. Cô cặm cụi lau chùi giường chiếu, vật dụng bằng cồn. Và rửa tay bằng nước sát trùng cũng sực mùi cồn. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, Hoàn không còn ghét mùi cồn nữa. Thậm chí cô cảm giác như những an toàn nào đó khi mùi cồn phảng phất trên nắm cửa, bàn ghế. Thậm chí cả giỏ xách hay cái chìa khóa nhà. Khi mọi việc đã xong, Hoàn tranh thủ lướt web, tìm kiếm thông tin về dịch bệnh. Cô điếng người khi thông tin hai người trong thang máy lúc 18 giờ hôm ấy đã có thông báo nhiễm COVID - 19. Hoàn bật khóc.



Diễn không có ở nhà khi nàng về. Đèn phòng khám không bật sáng như mọi khi. Giờ ấy đáng lẽ Diễn đang ở đó. Phòng khám sẽ thấp thoáng bóng những bệnh nhân nữ ngồi cách nhau quãng ngắn, kiên nhẫn chờ đến lượt bác sĩ gọi tên. Hoàn đi chân trần, ngang qua hành lang nhỏ hẹp, lá xanh chen nhau dưới ánh sáng nhạt của đèn rọi xuống từ chái hiên, cô mở cửa sổ phòng ăn, bật quạt cho thoáng rồi ra hiên, ngồi bệt xuống thềm. Nghĩ ngợi linh tinh. Lâu rồi, Hoàn ít khi nghĩ về Diễn. Có khi anh cũng thế không chừng.

Ngôi nhà rất yên ắng. Con đường dẫn vào nhà Hoàn, cách siêu thị một quãng chừng vài trăm mét. Vừa đủ rộng để hai xe có thể lướt qua nhau. Cây khế nơi mé sân luôn rợp mát. Những chiếc lá mảnh, hoa tím li ti, hễ cơn gió lùa qua sẽ rơi khẽ khàng xuống mặt sân, lẫn vào vuông cỏ nhung xanh mướt. Ngồi ở đây, ngửa mặt lên trời có thể nhìn được đám mây trắng lững lờ trôi đủng đỉnh. Cây khế ấy, Hoàn đã trồng nó khi ngôi nhà được xây xong một tháng. Bây giờ nó đã vững chãi hơn rất nhiều. Thời gian vừa đủ để cây con trở nên sừng sững. Chỉ khác là thời gian trôi qua làm nhạt đi tình cảm của Diễn và Hoàn.

Vừa lúc ấy có khách đến. Có lẽ nhìn thấy bên phòng khám chưa sáng đèn, người phụ nữ nhấp nhổm nhìn qua khe cổng, cất tiếng gọi nhỏ. Hoàn bước ra, vẫn cái kiểu thong thả như hôm nào. Rằng Diễn chưa về. Có số điện thoại của bác sĩ Diễn ở trên bảng hiệu. Chị cứ gọi điện nhé. Chỉ thế. Khi người phụ nữ quay đi thì Hoàn quay vào nhà. Vẫn tâm trạng nặng trĩu như hôm nào đó. Dù Hoàn không hỏi chị muốn gặp bác sĩ Diễn làm gì? Khám thai ư? Hay giải quyết. Cô kéo dây ống nước, vặn romine, nước tung trắng xóa. Rất mạnh. Hoàn tưới đẫm cây trong vườn, quên mất mới đêm trước trời vừa mưa một trận rất to.

 

Sau khi tưới cây, xếp đồ ăn và ít thức uống vào tủ lạnh, lựa chọn và bỏ đi vài thứ rau củ đã héo rũ thì Hoàn nấu cơm. Trong tủ bếp toàn mì tôm. Diễn luôn thế. Khi có một mình, anh không bao giờ nấu nướng một cách đàng hoàng. Luôn ăn uống tạm bợ. Diễn bảo thói quen của anh là có em trong căn bếp này. Căn nhà nhỏ nhưng bếp phải rộng, kê chiếc bàn ăn, bốn chiếc ghế. Trên bàn luôn có hoa tươi cắm trong chiếc lọ sành màu xanh lục bảo. Hoàn luôn rửa mọi vật dụng làm bếp sau khi nấu ăn xong. Diễn không thích sự ngổn ngang của bát đĩa, dù anh ngồi quay lưng với chậu rửa.

Đèn chùm ba chiếc ở phòng khách là màu vàng sậm. Ấm. Khi Hoàn bật đèn, thứ ánh sáng vàng ấy bùng lên chiếm lĩnh căn phòng tầng hai. Ở đó có một bức tranh mới. Chúng được treo vào vị trí tấm ảnh cưới rất cũ của hai vợ chồng. Hoàn muốn khóc. Cô đã chọn chế độ đèn mờ vừa đủ, khóa cửa và ra về.

Nhà ấy của Hoàn. Và cuộc hôn nhân với Diễn. Nhưng bây giờ khi Hoàn rời khỏi đây. Một tháng mười tám ngày, khi quay trở về lấy một số giấy tờ thì mọi thứ vẫn nguyên vẹn như hôm trước. Chỉ có duy nhất bức tranh đã xuất hiện, thay thế cho sự hiện diện của Hoàn trên tấm ảnh cưới trên tường.

*              

Diễn thường về nhà lúc 17 giờ 25 phút.

Đường từ bệnh viện về đến nhà là 20 phút. Từ tầng ba khoa sản. Xuống bãi xe. Giờ khám bệnh ở phòng khám tại nhà từ 17 giờ 30 phút. Thường thì Diễn không bao giờ muộn. Trừ khi có ca mổ, thời gian trở về nhà của anh sẽ lệch một chút. Hay nhiều hơn. Phụ tá của phòng khám sẽ thông báo với bệnh nhân để chờ. Đôi khi Hoàn sẽ làm điều đó. Nhưng cô ấy không mấy khi bước xuống tầng một, có mặt ở phòng khám. Hoàn chỉ ở bên nhà, quanh quẩn trong căn bếp để nấu nướng. Rảnh rỗi sẽ tưới cây, đọc sách ở ngoài vườn hoặc ở trên sân thượng. Hoàn không thích mùi cồn sát trùng trong phòng khám. Cô ấy bảo ngợp thở khi mùi cồn ngập giữa những sáng choang của vật dụng inox ở đấy.

 

Ngày trước, khi yêu Diễn, Hoàn chưa bao giờ nói rằng mình không thích nghề bác sĩ của anh. Chỉ là cô luôn lo lắng vì đồng nghiệp của anh chỉ toàn phụ nữ. Những khi Diễn trực đêm, Hoàn thường tiễn anh ra cửa. Tần ngần. Anh đi trực  nhớ tranh thủ chợp mắt nhé. Đôi khi cô bâng quơ. Anh đẹp trai, em cũng lo. Em chỉ nói vớ vẩn. Đâu, em chỉ bâng quơ thế thôi. Em tin anh. Vậy là được rồi. Sống với nhau. Không tin nhau thì chỉ làm khổ nhau mà thôi. Hoàn gật nhẹ. Nhưng khi Diễn rời nhà, Hoàn vẫn không bao giờ ngủ được giấc trọn vẹn.

Căn nhà của Diễn luôn im ắng. Giá như sự im ắng ấy bị phá vỡ bởi tiếng trẻ con chạy tung tăng nô đùa thì hay biết mấy. Sân vườn bên cạnh phòng khám đủ rộng để có thể kê thêm chiếc xích đu, cầu tuột. Thảm cỏ nhung xanh mướt đủ êm để nếu trượt chân ngã xuống, đứa trẻ con nào đó sẽ không bị xước đầu gối mà khóc òa. Ở tầng hai, bên cạnh căn phòng rộng hai mươi tám mét vuông của vợ chồng Diễn là căn phòng nhỏ, hai cửa sổ lắp rèm màu xanh nhạt có những bông hoa li ti. Diễn muốn có đứa con. Đứa bé sẽ suốt ngày líu lo ở đấy. Mỗi buổi sáng, khi vừa tỉnh giấc, nó sẽ lồm cồm bò dậy, gọi ba mẹ đến váng cả nhà. Vợ chồng anh sẽ chạy xoắn lo đánh răng rửa mặt. Hoàn sẽ nấu thức ăn sáng. Diễn sẽ đưa con đến trường. Khi dừng xe trước cổng trường, anh sẽ dắt con sang đường, hôn nhẹ lên gò má thơm mùi sữa, trao con cho cô giáo rồi sẽ đi làm.

Bao nhiêu lần, khi trên đường đi làm, ngang qua trường tiểu học. Diễn đã bần thần khi nhìn thấy những gã thanh niên lóng ngóng đưa con đi học. Và nghĩ đến điều ấy. Cả khi đứa trẻ nào đó khóc um, quặp hai chân vào hông của bố nó nhất quyết không chịu vào lớp, Diễn đã nghĩ, mình sẽ làm gì để dỗ con.

Hoàn có hiểu những điều đó không? Diễn không biết. Vì chưa bao giờ anh nói với cô về những mong ước thầm kín ấy. Chưa một lần nào. Hoàn nhạy cảm. Và  khóc suốt. Nhất là sau những chuyến đi thăm khám phụ sản từ thành phố trở về, Hoàn sẽ nhốt mình trong phòng suốt. Cô bảo mình không có phước để được làm mẹ. Một đôi khi Hoàn nức nở. Có khi nào tại anh. Diễn sững sờ. Tiếng của Hoàn dội vào lòng anh như những mũi kim nhọn hoắt giữa lúc khuôn mặt của cô nhòa nước mắt.

*

Diễn không ở nhà. Anh đã đến bệnh viện. Hay có thể đi đâu đó mà điện thoại không thể liên lạc được. Hoàn đã gọi liên tục. Cô muốn nói với anh mình đã tìm được luật sư. Họ sẽ giải quyết rất nhanh chuyện của chúng ta. Chuyện chia tài sản cũng đơn giản như thế. Nhà này anh sẽ ở. Căn hộ ở chung cư sẽ là của cô. Chúng ta không có con cái. Việc ly hôn chắc sẽ nhanh gọn.

Hoàn ngồi ở bếp, ngay bàn ghế gỗ, tiếng nước trên bếp réo từ khi nào. Hoàn đã rời nơi này, chuyển đến căn phòng một trăm mét vuông trên tầng thứ 16 ở chung cư H. Khi ấy Diễn hỏi Hoàn. Chúng ta không thể ngồi lại để nói chuyện với nhau sao? Mười sáu năm, hôn nhân của chúng ta chấm dứt một cách nhanh chóng thế này thì anh không đành lòng. Hoàn cương quyết. Em muốn mình có thời gian để suy nghĩ. Em thấy mệt.

Không biết Diễn có cảm thấy mệt không. Nhưng lúc ấy anh im lặng. Kể cả khi cô kéo vali ra xe tắc xi thì Diễn đứng yên lặng ở trước cửa phòng khám nhìn theo. Hai tay anh đút vào túi áo blu. Chắc chắn khi xe lướt đi, Diễn sẽ quay vào với việc khám thai cho những bệnh nhân đang chờ. Sau khi kết thúc thì Diễn ăn cơm, ngồi quay lưng lại với chậu rửa như mọi khi.

*

Hoàn tỉnh dậy khi tiếng loa của chung cư vang lanh lảnh. Loa thông báo khu chưng cư H của cô có người nhiễm COVID -19. Những ai đi chung thang máy B vào lúc 18 giờ ngày 18 tháng này đề nghị xuống khai báo để test. Hoàn rụng rời. Giờ ấy, cô rời nhà Diễn, ghé siêu thị và mua lỉnh kỉnh thức ăn dự trữ cho một tuần sau đó. Thang máy có bốn người, họ cùng tầng 16 với cô. Không mấy khi gặp nhau, chào hỏi ríu rít. Người đàn ông nhà số 16.8 còn cầm hộ cô cái túi đựng trái cây nặng trĩu. Anh ta được xét nghiệm dịch tễ và nhiễm COVID-19.

Kết quả âm tính. F1. Hoàn được chuyển vào khu cách ly cùng những người còn lại có mặt trong thang máy B lúc 18 giờ tối hôm ấy. Cô gọi cho mẹ. Thông báo bằng giọng nhẹ bẫng. Con vẫn ổn mẹ ạ. Tiếng mẹ hốt hoảng. "Cầu trời Phật con không sao. Trời ơi, mẹ chỉ có mình con". Hoàn vội vàng cúp máy, chỉ sợ mình khóc. Mẹ cô cao huyết áp, nhỡ đâu bà lo lắng quá mức.

Diễn gọi cho Hoàn lúc cô vừa tỉnh dậy, ăn sáng bằng cái bánh bao còn ấm treo ở tay nắm trước cửa phòng khu cách ly. Khi ấy, Hoàn đang tựa vào lan can, nhìn mọi thứ từ tầng thứ tư của dãy lầu cao. Ngợp màu xanh của cây. Thậm chí phía xa xa, Hoàn nhìn thấy cây khế xanh mướt. Thốt nhiên Hoàn nhớ căn nhà của mình với Diễn. Lòng hơi nhói khi điện thoại nháy lên số máy của anh.

- Em ổn chứ.

- Em ổn.

- Em ở cùng phòng với mấy người?

- Ba người. Không sao. Chỉ là cách ly thôi mà. Ngày mai sẽ test lần hai. Em hy vọng mình ổn để về.

- Khu chung cư giăng dây rồi. Khi nào về nhà thì em quay về nhà mình nhé. Anh vào bệnh viện trực luôn rồi. Anh được điều sang hỗ trợ với anh em để chữa trị bệnh nhân COVID - 19.

 Giọng Diễn ấm. Tha thiết dặn Hoàn đừng nghĩ ngợi nhiều. Cũng đừng lo. Hoàn cười buồn.

 

-Em cũng muốn mình đừng lo.

Hoàn không thấy mệt mỏi. Cô cặm cụi lau chùi giường chiếu, vật dụng bằng cồn. Và rửa tay bằng nước sát trùng cũng sực mùi cồn. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, Hoàn không còn ghét mùi cồn nữa. Thậm chí cô cảm giác như những an toàn nào đó khi mùi cồn phảng phất trên nắm cửa, bàn ghế. Thậm chí cả giỏ xách hay cái chìa khóa nhà. Khi mọi việc đã xong, Hoàn tranh thủ lướt web, tìm kiếm thông tin về dịch bệnh. Cô điếng người khi thông tin hai người trong thang máy lúc 18 giờ hôm ấy đã có thông báo nhiễm COVID - 19. Hoàn bật khóc. Người phụ nữ cùng phòng nhỏm dậy. Hí hoáy nhắn tin. Ba mươi phút sau, cô ấy được chuyển sang phòng khác. Cô ấy sợ Hoàn nhiễm. Và thực sự không sai. Sáng hôm sau, sau khi test lần ba, Hoàn được thông báo điều cô vẫn lo sợ. Nhiễm COVID - 19 rồi.

Có lẽ người ta sẽ hoảng loạn. Nhưng Hoàn không thế. Sáng sớm nay vừa tỉnh giấc, cô đã xếp gọn mọi thứ vào vali. Khăn mặt, kem đánh răng và vài thứ lặt vặt được cất vào túi ni lông có khóa kéo. Hoàn được chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhẹ. Phòng B2 ở tầng thứ hai. Nơi dãy hành lang nhiều ánh nắng.

Hoàn không báo tin cho mẹ nữa. Cô muốn mẹ nghĩ mình đang ở khu cách ly. Với bệnh cao huyết áp như bà, có lẽ đó là điều tốt nhất. Mẹ sẽ ngủ được. Mặc nhiên bà nghĩ cô hết hạn cách ly sẽ về nhà. Hoàn không báo tin cho Diễn. Nhưng anh biết điều đó trước khi cô biết kết quả mình bị nhiễm COVID - 19. Bệnh viện anh đang công tác điều trị bệnh nhân tầng 3. Cô mới là bệnh nhân nhẹ. Hoàn không muốn một ngày nào đó như hôm nay gặp anh ở đó. Cô sợ.

Mỗi ngày, sau ca trực, Diễn tranh thủ gọi điện cho Hoàn.

 Lúc nào giọng anh cũng rất ấm.

- Em nhớ tập thể dục nhé. Vận động nhẹ thôi, tắm nắng nữa. Sẽ tốt.

 Hoàn gật. Videophone của Diễn rung rung. Anh già hẳn, mọc râu. Tóc đã dài và phủ qua trán. Diễn không bao giờ thích bất kỳ sự luộm thuộm cẩu thả nào, dù là đầu tóc hay quần áo. Bây giờ nhìn anh chẳng còn sự chỉn chu ấy.

-  Công việc của anh ở bệnh viện có vất vả không?

- Cũng không vất vả mấy.

 Còn một mình trong phòng nghỉ, Diễn tháo khẩu trang, mặt anh hằn lên vết dây đeo làm Hoàn thấy xót xa.

- Nhìn anh không giống anh nữa.

 Hoàn thở hắt.

- Không sao. Lúc này, anh không nghĩ nhiều đến điều đó. Em ăn uống thế nào?

- Cơm hộp. Em ăn được gần hết mỗi bữa. Còn anh.

- Cũng cơm hộp. Cũng ổn.

 Diễn cúp máy vì có tiếng y tá gọi. Hoàn ngồi thừ trên giường. Cô nghĩ Diễn nói thế. Nhưng chắc mọi việc không phải dễ dàng. Mười sáu năm sống với nhau, Diễn không bao giờ ăn cơm hộp. Nếu không phải một bữa cơm tươm tất, nóng sốt do Hoàn nấu thì Diễn sẽ ăn mì tôm. Những hôm đi tiếp khách, Diễn ăn nhẹ, cầm chừng. Anh luôn bảo chỉ quen thức ăn của Hoàn nấu.

Bao nhiêu lần, sau bữa cơm tối, Diễn lên phòng làm việc thì Hoàn dọn dẹp một mình. Rất nhanh. Cô thường đọc sách ở chiếc ghế bành ở bên cửa, gió từ phía ngoài sân thổi vào mát rượi. Diễn đã mua cho vợ chiếc đèn đọc sách bằng inox cong cong điệu đàng, đèn tỏa thứ ánh sáng vừa đủ sáng. Đôi khi cô chỉ ngồi ở đấy, không bật đèn. Bật nhạc. Nửa nằm nửa ngồi. Diễn luôn khẽ đưa mắt nhìn Hoàn. Không biết lúc ấy anh có thấy lòng mình ngổn ngang. Nhất là khi nghe tiếng trẻ con nhà hàng xóm ríu ran học bài hay đùa giỡn ầm ĩ. Nhất là khi tiếng người lớn mắng chúng tập trung học đi thì Diễn khẽ bước tới khép cửa. "Em đi ngủ đi".

Bây giờ. Khi cô trong căn phòng rộng thênh. Phòng được trưng dụng từ ký túc xá của trường cao đẳng. Bốn chiếc giường tầng. Hai chiếc quạt trần quay chậm rì. Cô và một bệnh nhân nữa ở hai giường cách xa nhau, hơn cả khoảng cách hai mét quy định. Cô ấy không hay nói chuyện. Thường xuyên im lặng. Lúc nào vẻ mặt cũng rất buồn. Sau khi nhập viện chừng ba ngày, cô mới kể cho Hoàn lý do ấy. Cô ấy bị cả khu phố trách cứ vì cô mà họ bị cách ly cả mấy chục ngày trong vùng phong tỏa. Hoàn nghĩ, không biết mình có may mắn gặp lại người đàn ông từng xách hộ túi trái cây cho mình trong thang máy để trách cứ anh ta không?

Nửa đêm, Hoàn vẫn không ngủ được. Ngột ngạt. Hơi thở ra rất nặng. Lồng ngực căng. Cô nhỏm dậy, nửa nằm nửa ngồi. Lúc chập tối cô đã xông mũi bằng viên xông. Chút xả. Sáng nay khi đo huyết áp và khám cho cô, bác sĩ báo các chỉ số vẫn ổn. Bữa ăn chiều cô ăn được một chút vì thấy mỏi người và ngán. Khi ấy Hoàn nghĩ mình nhớ cơm nhà. Giờ chiều, cô vẫn thường vào bếp, không biết vì thế những lúc ăn cơm hộp cô luôn cảm giác được mùi thơm của cơm vừa sôi tới ở đâu đó. Hoàn cố gắng nhắm mắt, hít thở đều hơn một chút. Xoay người sang bên trái để đổi tư thế. Mỗi khi khó ngủ, cô vẫn xoay về phía ấy, nơi Diễn nằm, chỉ cần thấy anh thở đều đều là Hoàn sẽ thấy nhẹ bẫng. Sẽ im lìm trôi vào giấc ngủ mọi khi.

 

Chỉ khác là đêm nay Hoàn không im lìm. Lúc bốn giờ sáng cô thấy khó thở thật sự. Hoàn nhấn số của Diễn.

- Em không ổn đúng không anh. Em rất mệt.

 Tiếng Diễn hốt hoảng phía bên kia điện thoại. Nhưng Hoàn đã buông máy, thở dốc. Cô gái cùng phòng nhấn chuông gọi bác sĩ. Chỉ mười phút, Hoàn được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nằm trên băng ca trong xe cấp cứu, Hoàn mở mắt, máy ôxy chụp trên mũi, cảm giác ngợp thở nhẹ hơn một chút. Nhưng một chốc lát thì cô thiếp đi. Trôi bồng bềnh. Mọi thứ trắng toát, xe hú còi và vun vút lướt đi.

*

Không phải một đứa trẻ.

Rất nhiều trẻ con. Váy trắng. Váy hồng. Chúng tung tăng và líu lo như chim. Phải là những câu chuyện cổ tích được vang lên. Hoàng tử cưỡi ngựa trắng. Công chúa có đôi môi đỏ như tuyết, chiếc hài thủy tinh bé xíu bị mắc lại ở cầu thang của sảnh cung điện… Câu chuyện như thế sẽ dẹp yên những ồn ào của bọn trẻ. Chúng tròn mắt để nuốt từng lời. Trong trẻo quá. Thanh khiết quá. Thoắt cái chỉ còn lại màu trắng muốt bao phủ. Bọn trẻ có những tiếng cười giòn biến mất. Hoàn mở mắt. Ga giường, tường nhà. Mùi cồn hăng vừa đủ để cô nhận ra mình không phải đang tồn tại giữa xứ sở của nơi nào đó vừa thoáng qua trong giấc mơ. Phòng cấp cứu trắng toát. Hoàn đưa mắt, định thần nhìn hai bác sĩ mặc đồ bảo hộ màu xanh kín bưng đang chăm chú. Những dây nhợ chằng chịt trên mặt mũi, trên cánh tay, trên người Hoàn. Tạ trời đất, em đã tỉnh. Tiếng của Diễn. Nghe như tiếng reo lẫn tiếng khóc. Hoàn nhận ra ánh mắt ấm của chồng sau lớp khẩu trang kín bưng.

Phải thế không? Hoàn đã thấy mình trôi đi. Lồng ngực căng lên. Ngợp thở. Có phải hai lá phổi của cô đã đông đặc không? Có phải không chút không khí nào trong đó. Lúc ấy, Hoàn đã nghe tiếng khóc nức nở của mẹ. Sao mẹ lại khóc. Cô đã báo tin cho bà biết rằng mình đã nhiễm bệnh COVID-19 đâu. Chỉ có tiếng Diễn thầm thì.

- Cố gắng lên em. Phải mạnh mẽ. Có anh ở đây. Em phải khỏe lại. Chúng mình còn bao nhiêu việc để làm. Dậy đi em nhé. Vâng. Em dậy ngay đây. Sẽ nấu cơm cho anh. Lâu quá, anh ăn cơm hộp mãi rồi. Ừ. Về nhà với anh. Nhà mình đấy em ạ. Tấm ảnh cưới anh đã treo trong phòng ngủ hôm trước. Thì ra thế. Hoàn cười. Ngước lên chỉ cảm nhận ánh mắt ấm, cái nắm tay của Diễn có lẽ cũng ấm như thế, dù nó được mang găng tay y tế rồi.

Căn phòng im ắng, chỉ có tiếng máy bíp bíp liên hồi. Và sực mùi cồn. Nhưng Hoàn thấy dễ chịu quá. Cả những giọt nước mắt ấm nóng nhỏ xuống bàn tay cô. Nó đã truyền vào trái tim đang yếu ớt những nhịp rất đều.

Truyện ngắn của Niê Thanh Mai – Văn nghệ CAND

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Cho vay qua App để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 29/9, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức vay tiền qua App.



Mới đây, bà N.T.K.T nhận được tin nhắn của tài khoản Zalo có tên Money App hỏi có nhu cầu vay tiền không. Do đang cần thêm khoảng 150 triệu để giải quyết công việc nên bà T đồng ý vay. Tài khoản Money App gửi cho bà T. đường link vào Website Money88. me rồi hướng dẫn bà C. chuyển tiền cho chúng để được "cấp mã giải ngân". Do số tiền chuyển không phải nhỏ nên bà T. thắc mắc thì đối tượng trấn an "chị cứ gửi để chúng tôi xác minh sau đó sẽ chuyển trả lại hết số tiền này cùng với 150 triệu đồng được giải ngân". Khi bà T. chuyển tổng cộng hơn 425 triệu đồng vào tài khoản thì đối tượng cắt đứt liên lạc…

Tương tự, ông N.N.S., nhận được tin nhắn Zalo từ một đối tượng tự xưng tên Phong là nhân viên Công ty Tài chính N.T hỏi ông S. có vay tiền lãi suất chỉ 0,5%/tháng hay không? Ông S. đồng ý vay 50 triệu đồng. Phong kết nối cho ông S. gặp một đối tượng tên Vinh để hướng dẫn thủ tục. Vinh yêu cầu ông S. chuyển 10 triệu đồng vào số tài khoản do Vinh cung cấp để được cấp mã số rút tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì đối tượng này nói chưa nhận được vì sai số tài khoản, sai tên họ… rồi cho ông S. nhiều số tài khoản khác để chuyển lại tiền. Cứ thế đối tượng này đã dẫn dụ ông S. chuyển khoản số tiền lên đến 523 triệu đồng nhưng vẫn… chưa thành công. Những ngày sau đó, Vinh tiếp tục hối thúc ông S. chuyển tiền, nghi ngờ bị lừa, ông S. trình báo công an.

Các vụ bị lừa, nạn nhân đều là người nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật nên dễ dàng sập bẫy kẻ bất lương. Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi được chuyển khoản, đối tượng lừa đảo tiếp tục chuyển số tiền sang nhiều tài khoản khác nhau. Sau đó thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số hoặc dịch vụ đổi tiền bất hợp pháp... để chuyển ra nước ngoài dẫn đến công tác xác minh, điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng. Không chuyển tiền cho các đối tượng lạ qua các App vay tiền vì không có tổ chức tín dụng, ngân hàng nào cho vay mà bắt buộc người vay phải đóng một số tiền lớn để xác minh cấp mã số nhận tiền cả. Đồng thời, không truy cập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Khi có nghi vấn, cần nhanh chóng trình báo cho cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa.

P.Tuyền - Báo CAND

Virus chống phá lại “biến màu”

Việc Việt Nam tiếp tục đứng vững trong đợt dịch lần thứ 4 và đang dần dần ổn định tiến tới tiêm chủng toàn dân để sống chung với dịch COVID-19 khiến cho các thế lực thù địch tỏ ra “thất vọng” và tiếp tục tìm cách chống phá.



Tại Thông báo số 256/TB-VPCP ngày 23/9/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Nhiều nhà khoa học thống nhất việc không thể kiểm soát dịch COVID-19 một cách tuyệt đối, vì vậy chúng ta thống nhất cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; cần có biện pháp, bước đi phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh. Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến và khẩn trương nghiên cứu, xác định rõ các tiêu chí thế nào là thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng an toàn có kiểm soát; tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh.

Như vậy, quan điểm này sẽ định hướng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, sau thời gian nhiều địa phương phải quyết liệt áp dụng giãn cách xã hội, ngăn chặn với mục tiêu truy vết, không để F0 tồn tại trong cộng đồng.

Thủ đoạn mới, âm mưu cũ

Trước sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thế lực thù địch tiếp tục tìm cách chống phá, bóp méo, chỉ trích công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta nhằm hướng lái dư luận và sự chú ý của quần chúng theo âm mưu, ý đồ của chúng, tiến tới kích động biểu tình, bạo loạn.

Việc Việt Nam tiếp tục đứng vững trong đợt dịch lần thứ 4 và đang dần dần ổn định tiến tới tiêm chủng toàn dân để sống chung với dịch COVID-19 khiến cho các thế lực thù địch tỏ ra “thất vọng” và tiếp tục tìm cách chống phá.

Để phủ nhận công sức của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như gây hoang mang cho người dân trước việc Việt Nam đang chuẩn bị từng bước cho việc mở cửa dần dần kinh tế - xã hội, các đối tượng bịa đặt, đưa thông tin sai trái, lợi dụng một số sai sót trong phòng, chống dịch của Việt Nam để xuyên tạc, thổi phồng. Đó là việc đưa thông tin trên mạng xã hội những số liệu không chính xác; cho rằng “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hoàn toàn bất lực trong chống dịch nên bắt dân phải sống chung với COVID-19”, vu cáo “chính quyền hoàn toàn không quan tâm gì đến người dân sống khổ sở trong thời đại dịch ra sao, chỉ nghĩ làm sao moi tiền dân bằng mọi cách”.

Thậm chí, các thế lực thù địch và các tổ chức phản động còn trắng trợn bịa đặt: “Nhìn Việt Nam mà lo, chỉ thương cho đồng bào chưa chết vì dịch thì nhiều người đã có khả năng chết vì đói. Suốt mùa dịch người dân chả nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước thì chớ, lại còn bị bóp họng bắt phải đóng góp tiền mua vaccine”! Từ đó, chúng hướng đến kích động “thương cho người Việt mình còn phải tiếp tục chịu đựng cái Đảng cầm quyền bất lực, tham lam này cho đến bao giờ”!

Tráo trở hơn, các đối tượng còn cắt ghép nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc về lực lượng Quân đội, Công an, cho rằng chính quyền huy động các lực lượng này để “đàn áp nếu dân đói xuống đường đòi quan chức mở kho lương”, vu cáo “Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để o ép dân chứ không phải chống dịch”! Không chỉ tung thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên các nền tảng mạng xã hội ở trong nước, các đối  tượng còn đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc trên các trang thông tin nước ngoài nhằm hạ uy tín của Việt Nam, khiến cho bè bạn quốc tế có cái nhìn không đúng về công tác phòng, chống dịch của nước ta. Đồng thời thông qua đó gián tiếp tác động đến hoạt động ngoại giao vaccine của Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng, trong thời gian qua, các tổ chức phản động ở bên ngoài tiếp tục duy trì, lập mới hàng nghìn website, blog, fanpage Facebook trên không gian mạng nhằm đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân đối với chế độ.

 

Điểm mới trong phương thức, thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng so với trước là: Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, ứng dụng các loại hình dịch vụ mới trên không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin sai trái, thù địch trên diện rộng với nhiều bình luận phức tạp. Sử dụng ứng dụng thoại trên Internet, thư điện tử, phần mềm chuyên dụng, mạng xã hội để hoạt động chống phá.

Chúng lập các nhóm kín trên mạng xã hội, phân chia theo khu vực địa lý để tập hợp lực lượng trong nước tham gia tổ chức, chỉ đạo chống phá. Các đối tượng chống đối, bất mãn, khiếu kiện, lợi dụng tôn giáo thường xuyên liên hệ, trao đổi qua mạng với các đối tượng phản động lưu vong để nhận sự giúp đỡ hoặc trả lời phỏng vấn, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.

Đặc điểm chung của hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về sự chuẩn bị của Đảng, Nhà nước ta cho giai đoạn phòng, chống dịch trong tình hình mới và hướng tới mở cửa nền kinh tế, chung sống với dịch bệnh là bác bỏ, phủ nhận các chủ trương, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước; đồng thời cố tình hướng lái sự hy sinh, vất vả, nguy hiểm mà các lực lượng đang ngày đêm quên mình chống dịch như lực lượng Y tế, Công an, Quân đội…, kích động người dân không thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch. Trong đó phải kể đến một số thủ đoạn, âm mưu nguy hiểm sau:

Thứ nhất, lợi dụng việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ tại các địa phương có diễn biến dịch phức tạp để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về quyền tự do đi lại, vu cáo “ngăn sông cấm chợ”... gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chúng phỏng vấn một số trường hợp người lao động tự do rồi cắt ghép nội dung, đổi trắng thay đen hòng “củng cố” cho những luận điệu xuyên tạc của mình.

Thứ hai, xuyên tạc về công tác điều trị dịch bệnh, cho rằng chính quyền không chủ động trong ứng phó dịch bệnh mà nay lại tìm cách “sống chung với dịch” là bỏ mặc dân. Phỏng vấn trực tiếp, tạo hiệu ứng đám đông cho các đối tượng chống đối cộm cán trong nước với danh nghĩa “chuyên gia”, người “uy tín” và những đối tượng là người nước ngoài không có thiện cảm với Việt Nam, sau đó phát tán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông ngoài nước. Sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận; đăng bài viết có tiêu đề giật gân nhưng nội dung thì xáo lại chuyện cũ nhằm tăng tỉ lệ tương tác, lượt like, câu “view”, tư lợi, “đánh bóng tên tuổi”…

Tỉnh táo trước thông tin độc hại

Để chuẩn bị cho giải đoạn mới mở cửa nền kinh tế, tiến tới chung sống với dịch COVID-19, người dân cần phải làm gì trước thông tin xuyên tạc sai sự thật, kích động của kẻ xấu? Theo chúng tôi, cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước hết, khi tiếp cận những thông tin không rõ nguồn trên mạng Internet cần thận trọng; với thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động, người dân cần hết sức bình tĩnh, chắt lọc, đối chiếu với thông tin chính thống để tìm ra những điểm bất hợp lý, điểm sai trái không đúng sự thật, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả, gây hoang mang dư luận. Việc không share, like, comment những thông tin trên cũng góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Không nghe theo kẻ xấu kích động mà cần làm đúng theo hướng dẫn của chính quyền, hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng trong khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người, tham gia sàng lọc khi có yêu cầu và tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cộng đồng, góp phần sớm đưa Việt Nam bước vào giai đoạn sống chung với dịch COVID-19.

Tỉnh táo, cảnh giác trước những lời lẽ kích động, xúi giục của số đối tượng chống phá. Đừng vì lợi ích viển vông mà tự hủy hoại tính mạng, sức khỏe, tự đạp đổ “chén cơm” của mình, khiến mình rơi vào vòng lao lý và làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của bản thân, cùng sẻ chia khó khăn với đồng bào và đất nước. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam chúng ta đã và đang đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước phục hồi kinh tế.

Bình Nguyên - Hoàng Ly Báo CAND

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Lực lượng Công an luôn đồng hành cùng người dân đẩy lùi dịch bệnh

“Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” là khẩu hiệu luôn được cán bộ chiến sĩ Công an huyện Bến Lức, tỉnh Long An khắc ghi.

Với quyết tâm luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn của người dân trên địa bàn huyện để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh, ngay từ những ngày đầu bùng dịch, Công an huyện Bến Lức đã nhanh chóng quán triệt toàn thể lực lượng phát huy vai trò “mỗi CBCS Công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch”, đồng lòng triển khai “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo ANTT trên địa bàn vừa chung tay kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Những chương trình thiết thực nhanh chóng được triển khai như: “San sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch”; mô hình “Đường dây nóng nghĩa tình mùa dịch COVID-19”. Xuyên suốt những ngày chống dịch, Công an huyện Bến Lức đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm gồm gần 50 tấn gạo, 11 tấn rau củ, 2.000 thùng mì tôm, 18.000 trứng, trao tặng cho gần 12.000 trường hợp người ở trọ tại các khu cách ly, phong tỏa và những người dân có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Vận động trao tặng thiết bị, vật tư y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch với kinh phí 200 triệu đồng…

Công an huyện Bến Lức luôn đồng hành cùng người dân trên địa bàn để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn bước đầu được kiểm soát, hầu hết các địa phương trở thành “vùng xanh”, chỉ còn một số nơi ở mức nguy cơ cao (ấp 1, 4, 5, xã Đức Hòa Đông), mức nguy cơ (ấp Bình Tiền 1, Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ; ấp Bàu Sen, Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ).

Thượng tá Trương Nhật Minh- Trưởng Công an huyện chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện Bến Lức triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ANTT gắn với thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để đảm bảo cho người dân an tâm ở nhà phòng chống dịch, Công an huyện Bến Lức đã chú trọng đến công tác an dân, đảm bảo an sinh xã hội. Công an huyện đã tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân… đóng góp kinh phí, vật chất để hỗ trợ cho người nghèo, những hộ khó khăn, công nhân, người lao động do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Với những nỗ lực, phấn đấu, Công an huyện Bến Lức vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen 1 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.

Tại huyện Gò Công Đông, huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang, từ 0h ngày 16/9, cùng 7 huyện, thị khác của tỉnh Tiền Giang, được nới lỏng dần, đảm bảo sự an toàn và tiến tới trạng thái “bình thường mới”. Thị trấn Tân Hoà, trung tâm của huyện Gò Công Đông, đã qua 45 ngày không có ca mắc mới. Công an thị trấn đã nỗ lực cùng các ngành bảo vệ vững chắc “vùng xanh”.

Những ngày thị trấn thực hiện Chỉ thị 16 sau khi ghi nhận 67 ca mắc COVID-19, từng CBCS đã nỗ lực tham gia truy vết, khoanh vùng dập dịch, kiểm soát chặt người và phương tiện. Ông Lê Minh Thành, tiểu thương thị trấn Tân Hòaphấn khởi: “Nhờ chính quyền hết sức chăm lo, trong đó có lực lượng Công an đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Chúng tôi hiện nay đã trở lại sinh hoạt bình thường nên rất phấn khởi”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tây cho biết: Tân Tây là địa phương đầu tiên của huyện Gò Công Đông, xuất hiện ổ dịch. Từ khi thực hiện đề án bố trí Công an chính quy về xã, lực lượng này đã góp phần tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền tham gia truy vết, kiểm soát các khu phong tỏa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Đến nay xã đã kiểm soát tình hình, đời sống người dân từng bước trở lại bình thường.

Để có kết quả trên, ngay từ ngày đầu tiên (12/7) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Đảng ủy - Ban lãnh đạo Gò Công Đông (Tiền Giang) đã quán triệt xuyên suốt đến từng cán bộ chiến sĩ, xác định vai trò nòng cốt, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo giữ vững ANTT và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tập thể Công an huyện Gò Công Đông đã vượt qua nhiều khó khăn, chung sức cùng cấp ủy và chính quyền địa phương, thực hiện đồng bộ và hiệu quả giải pháp phòng, chống dịch.

“Từng đồng chí trong Ban lãnh đạo đến CBCS đều nỗ lực, chung sức cùng đồng đội và các lực lượng khác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung và khu phong tỏa. Công an huyện đã phân công các tổ công tác bám địa bàn, kể cả trên không gian mạng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm và vận động người dân nâng cao ý thức phòng ngừa COVID-19, ai ở đâu thì ở đấy”,Thượng tá Võ Phương Thuận - Trưởng Công an huyện chia sẻ.

Ba tháng qua, nhiều đồng chí đã khắc phục hoàn cảnh khó khăn và xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Các đồng chí này, có vợ chồng cùng là Công an hoặc chồng là Công an và vợ là nhân viên y tế. Anh em đã sắp xếp ổn thỏa, chung sức cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Quá trình làm nhiệm vụ có trường hợp CBCS không may mắc COVID-19, trở thành F0 nhưng sau khi điều trị khỏi bệnh và hoàn thành cách ly, đã lập tức quay trở lại tuyến đầu và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống, chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Minh Đức- Nhựt Thành.

Những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan

Ngày 21/9/2021, trong báo cáo hằng năm mang tựa đề “Tự do trên mạng 2021: Nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ”, tổ chức Freedom House (FH) đã đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ðây không phải lần đầu tiên FH đưa ra những đánh giá mang tính phiến diện, vô căn cứ dựa trên thông tin sai sự thật như vậy, nên cũng không có gì lạ sau khi công bố, bản báo cáo đã lập tức bị phản đối mạnh mẽ.

Người dân phường 2, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. (Ảnh: nhandan.vn)

Trong báo cáo vừa được công bố, FH “chấm điểm” Việt Nam ở mức 19/100 điểm, thuộc nhóm các quốc gia theo đánh giá của FH là “không có nhân quyền, không có tự do Internet, không có tự do tôn giáo, không được tự do bầu cử, bị hạn chế đi lại, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số”. Về tổng thể, báo cáo của FH đánh giá nhân quyền, dân chủ của Việt Nam “kém về mọi mặt” so với năm 2020. Việc lặp lại các luận điệu áp đặt quen thuộc, không dựa trên tình hình thực tế, bỏ qua mọi thành tựu mà chính quyền và nhân dân Việt Nam đã đạt được, được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao,... càng bộc lộ rõ hơn thái độ thiên kiến, thiếu thiện chí của FH. Chính vì thế, đề cập vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 23/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Ðây không phải là lần đầu tiên FH đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Thực tế, những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của FH là vô giá trị và không cần thiết phải bình luận thêm.

Trên thực tế, những thành tựu mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là những bằng chứng không thể phủ nhận cho các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người. Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người luôn được Ðảng, Nhà nước ta thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Người dân luôn được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách, với mục tiêu quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân ngày càng được phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn. Việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam luôn được tuân thủ nghiêm túc theo những cam kết, nghĩa vụ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, tiếp tục triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều năm qua với tư cách là thành viên của cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người của LHQ, Việt Nam đã chủ động thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết, duy trì chính sách nhất quán về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định: phát triển con người toàn diện; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam. Một biểu hiện cụ thể và sinh động về vấn đề này là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhất quán với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người gặp khó khăn, bất kể đó là công dân Việt Nam hay người nước ngoài cư trú ở Việt Nam...

Tại Hội thảo quốc tế về xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ do Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức ngày 14/7/2021 với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế, thành tựu của Việt Nam về công tác nhân quyền tiếp tục được ghi nhận. Ðại diện LHQ, ông Kamal Malhotra - Ðiều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, hoan nghênh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và bảo vệ quyền con người mà minh chứng là quyết định thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. LHQ đánh giá cao Việt Nam đã chủ động đương đầu với các thách thức trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, sẵn sàng chấp thuận, có hành động triển khai các khuyến nghị trong những lĩnh vực còn khó khăn. Trước đó, Việt Nam đã bảo vệ thành công các báo cáo UPR chu kỳ I, II, đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá cao trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị về bảo đảm an sinh xã hội, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, quyền của các nhóm yếu thế, tăng cường giáo dục quyền con người... Trong năm 2020, theo báo cáo của UNDP, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2019, HDI của Việt Nam tăng gần 46%, thuộc các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.

Bất chấp thực tế đó, chỉ dựa trên tin tức bịa đặt, một chiều, FH cố tình đưa ra đánh giá sai trái về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, dựng đứng chuyện Việt Nam “không có tự do internet”, người dân “gần như bị cấm truy cập vào mạng xã hội”. Nếu đó là sự thật, thì sẽ không có con số trên 68 triệu người Việt Nam (tương đương 70% dân số) đang dùng internet. Việt Nam càng không thể được xếp vào nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet cao nhất thế giới với 94% số người thường xuyên vào mạng, thời gian trung bình trên 6 giờ/ngày. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ mạng, trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới,... của các cơ quan chức năng là hoàn toàn nằm trong thẩm quyền cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. Thực tế, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiến hành công việc này để tạo một môi trường internet an toàn, lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng. Nếu thật sự quan tâm đến con người, FH cần xác định rõ một nguyên tắc cơ bản là mọi sự tự do, dù trên không gian mạng, đều phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ðó cũng chính là cơ sở mà Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Và ở các quốc gia, mọi hành vi lừa đảo, đưa tin giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kỳ thị sắc tộc, kích động bạo lực, khủng bố,... trên internet đều bị xử lý nghiêm khắc.

Tương tự, khi vu cáo Việt Nam “không có tự do bầu cử”, FH đã làm ngơ trước thực tế tại Việt Nam, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 23/5/2021 đã có 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu. Trong số 868 ứng cử viên đại biểu Quốc hội có 74 người ngoài Ðảng, 9 người tự ứng cử. Cuộc bầu cử được tổ chức trên nguyên tắc dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm. Người dân cả nước được tự bầu chọn người đại diện xứng đáng cho mình để tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương. Bên cạnh việc bầu đúng, bầu đủ theo số lượng, điểm đáng chú ý của kỳ bầu cử lần này là tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp là người dân tộc ít người và phụ nữ trúng cử đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Chưa kể, mặt bằng về trình độ chuyên môn của người trúng cử cũng cao hơn.

Liên quan lĩnh vực tôn giáo, bằng thủ đoạn đổi trắng thay đen, FH cố tình biến việc các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý một số hoạt động đội lốt tôn giáo để vi phạm pháp luật, hoặc các hoạt động tôn giáo vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh,... thành chuyện “quyền tự do tôn giáo Việt Nam bị hạn chế và căng thẳng”. Ðó là sự bịa đặt và xuyên tạc trắng trợn. Ở Việt Nam, việc bảo đảm, thực hiện quyền tự do tôn giáo được khẳng định qua Ðiều 24 của Hiến pháp: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Ðó cũng là nguyên tắc của một xã hội văn minh: mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng phải tuân thủ pháp luật. Các hoạt động tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật luôn được tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển. Và để bảo đảm mục tiêu này, việc xử lý theo pháp luật một số tổ chức đội lốt tôn giáo, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tuyên truyền trái pháp luật, chính sách của Nhà nước, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh, thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia,... là cần thiết.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi những đánh giá của FH về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã nhanh chóng bị bác bỏ cả trên bình diện quốc tế. Trước những đánh giá vô căn cứ được FH thể hiện trong các báo cáo, GS. TSKH. Vladimir Kolotov - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Saint-Peterburg - LB Nga) cho rằng: “Năm nào họ cũng công bố bảng danh sách mang tính chủ quan, không có gì thay đổi, không phản ánh tình hình thực tiễn về các khía cạnh nhân quyền của các nước trên thế giới. Họ không dựa trên cơ sở thực tế. Họ tự cho mình cái quyền cáo buộc nước khác vi phạm nhân quyền, quyền tự do tín ngưỡng,... và dựa vào đó để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”. Từ các trải nghiệm của bản thân tại Việt Nam, ông Yerlan Baizhanov - Ðại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, bình luận: “Có những tổ chức nhân quyền có tư tưởng rất cứng nhắc, phiến diện. Họ bị chi phối bởi tham vọng chính trị. Họ không chú ý đến sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa. Khi lập báo cáo, họ thường bị yếu tố chính trị và định kiến chi phối. Chúng ta sống và làm việc không phải để làm hài lòng những tổ chức như FH, mà Nhà nước của chúng ta hoạt động để người dân có cuộc sống tốt lên trên thực tế. Ðó mới là điều quan trọng nhất”. Thực tế, nhiều năm qua, trong tiến trình nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe các ý kiến góp ý chân thành, thiện chí để điều chỉnh sao cho nhân quyền ở Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đối với những ý kiến sai trái, vô căn cứ, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam như FH đã công bố thì chỉ càng làm lộ hơn bản chất của tổ chức này, cũng như không thể nào ngăn cản được Việt Nam trên con đường tiến lên phía trước./.

Thành Sơn (nhandan.vn)


Không lợi dụng dịch bệnh để thực hiện mưu đồ chính trị

[QĐND] Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam thì trên một số trang mạng xã hội cũng bùng phát một loại “virus” nguy hiểm không kém biến thể Delta, đó là việc xuyên tạc công tác phòng, chống dịch (PCD) tại Việt Nam. Đằng sau sự xuyên tạc này là những mưu đồ chính trị, “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tung tin giả, phá hoại thật

Tung tin giả để phá hoại thật là một trong những chiêu trò của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn thường áp dụng để xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch mới xuất hiện, tin giả đã “ăn theo” virus khiến cho dư luận hoang mang. Gần đây, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tin giả cũng “tái bùng phát” trên mạng xã hội, thậm chí chúng còn đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài xuyên tạc công tác PCD ở Việt Nam.

Khi một số địa phương triển khai giãn cách xã hội, chúng vu cáo Việt Nam vi phạm về quyền tự do đi lại, cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thực hiện “ngăn sông cấm chợ” gây khó khăn cho cuộc sống của người dân”. Nguy hiểm hơn khi chúng phỏng vấn một số trường hợp người lao động tự do, cắt ghép, rồi “củng cố” cho những luận điệu xuyên tạc của mình.

Khi Chính phủ Việt Nam quyết định lập ra “Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19” với mục đích vô cùng tốt đẹp là tiêm vaccine miễn phí cho người dân thì chúng lại bóp méo sự thật rằng chính quyền không chủ động trong ứng phó dịch bệnh. Sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận; đăng bài viết có tiêu đề giật tít, nhưng nội dung thì “không có gì” chỉ để tăng tỷ lệ tương tác, lượt like nhằm mục đích câu “view”, “đánh bóng tên tuổi” và sâu xa hơn là lợi dụng điều đó để nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng chống phá đã soạn thảo, tán phát hàng chục nghìn bài viết, bình luận sai sự thật chống Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh trật tự trên hàng trăm website và hàng nghìn nhóm, tài khoản mạng xã hội. Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề: Xuyên tạc về diễn biến dịch, nguồn lây nhiễm, số người nhiễm bệnh, số ca tử vong, công dụng của thuốc và vật tư y tế PCD, kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; kích động, gây chia rẽ quan hệ ngoại giao Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương trong PCD, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, người mắc bệnh và người có nguy cơ lây nhiễm. Chúng còn kêu gọi biểu tình, tẩy chay, phản đối việc cài đặt phần mềm Bluezone, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài; kêu gọi tích trữ lương thực, thực phẩm, gây hoảng loạn trong quần chúng nhân dân; trục lợi kinh tế thông qua buôn bán, làm giả vật tư, thiết bị PCD...

Điển hình của việc “tung tin giả, phá hoại thật” là bức ảnh chụp nhiều thi thể nạn nhân trong bệnh viện. Ảnh được chụp ở một nước khác thì lại bị các đối tượng gán là “chụp ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh” .

Đoàn sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trước khi nhận nhiệm vụ tại các điểm phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ phản biện thành phản bội

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người nhiễm bệnh và tử vong ở Việt Nam tăng cao, một số phần tử phản động người Việt bèn nêu ra quan điểm thoạt đầu nghe rất êm tai rằng “phản biện giải pháp phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam”. Thế nhưng bản chất của chúng lại là phản bội lại Tổ quốc, phản bội lại nhân dân. Chúng “phán” rằng: “Dịch bệnh lan rộng ở Việt Nam có nguyên nhân sâu xa là do thể chế, do một đảng lãnh đạo, là vì chống dịch theo mô hình xã hội chủ nghĩa"... Đó là những cái nhìn phiến diện, đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc sự thật nhằm chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền Nhà nước với nhân dân. Thủ đoạn nham hiểm của chúng là biến không thành có, biến ít thành nhiều, biến hiện tượng cá biệt thành bản chất.

Lợi dụng dịch bệnh, các đối tượng chống đối còn tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã tài trợ in hơn 1 triệu khẩu trang có hình lưỡi bò tán phát trong nước nhằm khuếch trương thanh thế; tán phát “Thư kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tù nhân trong đại dịch Covid-19”...

Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” lợi dụng giãn cách xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia tổ chức, nhất là những người trẻ tuổi có nhận thức chính trị hạn chế, người có hoàn cảnh khó khăn, bất mãn xã hội, ảo tưởng chính trị để kích động, khoét sâu bất mãn với chính quyền, hứa hẹn “cấp phát nhà miễn phí”. 

Có lẽ chúng không biết hoặc cố tình không biết rằng, không phải ở Việt Nam mà ngay tại các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới cũng đều phải gặp khó khăn khi đối phó với đại dịch Covid-19.

Một số người còn cho rằng, Việt Nam gặp khó trong PCD là do thể chế, do chế độ, do một đảng lãnh đạo. Họ không hiểu thực tế là nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu nền kinh tế của chúng ta không vận hành theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chắc chắn việc phòng, chống dịch bệnh của chúng ta còn gặp khó khăn gấp rất nhiều lần, số người bị bệnh, số người tử vong chắc chắn sẽ rất lớn. Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá như vậy.

Cũng cần phải nói thêm là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân từ rất sớm và là một trong số không nhiều quốc gia trên thế giới sớm có chủ trương tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà cho toàn dân, coi đó là một giải pháp chiến lược để đẩy lùi dịch bệnh. Điều này thể hiện tinh thần nhất quán “lo cho dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Việt Nam là nước nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và là nước có tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, thế nhưng với phương châm: “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, ngay sau khi phát hiện những trường hợp dương tính đầu tiên ở trong nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế nhưng quyết tâm phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong gần hai năm qua. Cùng đó, chúng ta cũng đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19; phát động toàn dân, toàn quân “chống dịch như chống giặc”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ “ngoại giao vaccine”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chúng ta đã tổ chức khoanh vùng, dập dịch thành công ba đợt lớn và đang khống chế thành công đợt dịch thứ tư.

Nhìn lại kết quả công tác PCD Covid-19 trong thời gian qua ở Việt Nam có thể thấy, điểm mấu chốt tạo thành sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh chính là sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, chính quyền các cấp và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn dân. Điều này không chỉ được chúng ta khẳng định mà bạn bè quốc tế cũng đã ghi nhận.

Tìm hiểu thực tế công tác PCD Covid-19 tại Việt Nam, mới đây, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đánh giá cao công tác PCD Covid-19 của Việt Nam. “Tôi hiểu rằng Chính phủ hiện đang cố gắng xây dựng lộ trình để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 và tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi đất nước sang một trạng thái bình thường mới”, ông Kidong Park nói và đưa ra khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xem xét, xây dựng lộ trình thực hiện linh hoạt các biện pháp ngăn chặn thiệt hại về xã hội, kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra.

Câu trả lời từ thực tế

Thực tế, sau thời gian nỗ lực phòng, chống, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã từng bước được kiểm soát.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, tính đến ngày 24-9, trong đợt dịch lần thứ tư, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (69%) và hơn 18.000 ca tử vong. Tuần qua, cả nước ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó; số ca tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó. Đã có 16/63 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào.

Đáng chú ý, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày gần đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước. Các địa phương khác tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.

Về tiêm chủng, tính đến hết ngày 24-9-2021, cả nước đã tiêm được 37,6 triệu liều vaccine, tỷ lệ sử dụng đạt 72% so với tổng số vaccine phân bổ, trong đó khoảng 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 7,3 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine (tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 41,1% dân số từ 18 tuổi trở lên). Còn khoảng 14 triệu liều đang tiếp tục tiêm, trong đó có khoảng 10,5 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 16-9-2021.

Trên cơ sở phân tích công tác PCD Covid-19 trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm cần thấm nhuần như: Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là khi dịch chưa đến hoặc đã kiểm soát được tình hình, đồng thời tránh hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát, lây lan. Phải nhất quán, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo, song áp dụng linh hoạt vừa tập trung, vừa phân tán căn cứ đặc thù của từng địa phương, thời điểm. Việc phân cấp thực hiện phòng, chống dịch phải xuống tận cơ sở, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tổ chức xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng dịch tốt, nhất là tại địa bàn, đối tượng có nguy cơ cao; thấm nhuần phương châm “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể đến sức khỏe, tính mạng và nhiều mất mát khác”.

Như vậy, thực tế đã trả lời về hiệu quả công tác PCD Covid-19 của chúng ta.

Trên cơ sở hiệu quả PCD, Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 đã thống nhất chuyển chủ trương từ: “Không Covid” sang: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”; vừa PCD hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết ngày 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt chính sách này, trên tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Sự thật đã được sáng tỏ. Thế nhưng các thế lực thù địch chắc chắn sẽ tiếp tục có những âm mưu, thủ đoạn mới, sẽ tiếp tục đăng đàn xuyên tạc, kích động nhằm tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Mục đích nguy hiểm của chúng nhằm đánh lạc hướng, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với công tác PCD Covid-19 ở nước ta. Sâu xa hơn là chúng muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ định thành quả của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đoàn kết của dân tộc ta, muốn chúng ta đi chệch hướng.

Thế nhưng dẫu có bôi nhọ và xuyên tạc đến đâu thì các thế lực phản động, cơ hội chính trị cũng không thể bẻ cong được sự thật, khi mà nhiều quốc gia, tổ chức uy tín trên thế giới đã và đang đánh giá cao Việt Nam trong xử lý đại dịch Covid-19. Điều đó khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đoàn kết một lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, PCD Covid-19 nói riêng.

ĐỖ PHÚ THỌ

“Bảo bối” giúp Đảng trong sạch, đội ngũ vững mạnh

[QĐND] Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng tạo bước chuyển biến toàn diện đối với công tác hệ trọng bậc nhất của Đảng. Đó có thể ví như “bảo bối” để giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như niềm tin vững bền của nhân dân với Đảng.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

NQTƯ 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ tồn tại: “Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới". Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm... Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm minh”. Trên cơ sở nhận diện rõ, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực tiễn triển khai thực hiện nghị quyết 5 năm qua đã minh chứng sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta trong việc chấn chỉnh đội ngũ và làm cho tổ chức đảng thêm trong sạch vững mạnh.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ thăm mô hình sản xuất lúa sạch tại huyện Vĩnh Thạnh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: TRUNG HIẾU 

Có thể khẳng định, chưa bao giờ có số lượng lớn cán bộ bị xử lý kỷ luật như nhiệm kỳ qua. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, thứ trưởng, bộ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, đến Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự). Có cả những người trước kia được phong danh hiệu anh hùng, nhưng khi vi phạm vẫn bị Đảng ta xử lý nghiêm khắc, đúng như lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”.

Không chỉ có cán bộ cấp cao đương chức, mà cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu cũng bị truy tố trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc khi vi phạm kỷ luật, nguyên tắc Đảng trong thời gian công tác. Chính bởi cách làm nghiêm minh này đã loại bỏ được “tư duy nhiệm kỳ” của một bộ phận cán bộ-một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà nghị quyết chỉ ra: Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.

Trong xử lý cán bộ vi phạm, Đảng ta nhất quán và quyết liệt thực hiện phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào; càng trên cao, càng giữ trọng trách thì càng phải xử lý nghiêm để nêu gương. Kết quả đó đã góp phần dập tan dư luận, cũng như khắc phục tồn tại “nhẹ trên, nặng dưới” trong xử lý cán bộ vi phạm mà NQTƯ 4, khóa XII chỉ rõ. Sự hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ” được làm sáng tỏ, là cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức.

Tại Phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 8-2021), các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận rất cao, khẳng định: Công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đẩy mạnh, góp phần tạo cơ sở chính trị-pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tiêu cực một cách đồng bộ, hiệu quả.

Đánh giá đó là hết sức đúng đắn, sát thực tiễn và hợp lòng dân. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện tháng 8-2020, có 93% người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Qua kết quả khảo sát của Báo Quân đội nhân dân tại 16 đảng bộ cấp huyện thuộc đảng bộ 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi), cũng cho thấy, niềm tin của nhân dân dành cho tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ cơ sở được tăng cường theo hướng tích cực sau 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII. Đó là một thành công lớn, một dấu ấn quan trọng, khẳng định uy tín lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng trong điều kiện mới.

Phá điểm yếu ở “khâu then chốt”

NQTƯ 4, khóa XII đã khẳng định hiệu lực, hiệu quả từ việc hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm minh. Nhưng cần khẳng định rằng, Đảng ta không lấy kỷ luật cán bộ là mục tiêu hàng đầu, mà thông qua đó để răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm. Việc kết hợp giữa “xây” và “chống” trên tinh thần lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lấy “chống” là nhiệm vụ thường xuyên thông qua kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện NQTƯ 4, khóa XII với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong 5 năm qua tạo ra những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị. Việc xây dựng cam kết, kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương tâm đắc: Điểm mới là trong tự phê bình và phê bình gắn với NQTƯ 4, khóa XII, chúng ta không làm từ trên xuống, không làm từ dưới lên, cũng không làm từ giữa ra mà tiến hành đồng thời ở các cấp, nghĩa là các cấp cùng tiến hành nhưng ở cấp nào cũng lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm. Khi các cấp ủy chọn được trọng tâm, trọng điểm thì nhất thiết phải có gợi ý kiểm điểm sâu và cấp ủy phải chỉ đạo theo dõi sát sao. Ví dụ, Bộ Chính trị gợi ý kiểm điểm cho một số ban thường vụ tỉnh ủy. Tất cả những nơi được Bộ Chính trị gợi ý đều phân công một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị về dự chỉ đạo, theo dõi và có các cơ quan Đảng chỉ đạo, giám sát. Ở các địa phương, tất cả vấn đề lớn, vấn đề nổi cộm, vấn đề được báo chí, dư luận công luận bức xúc, lên án đều được đưa vào chương trình kiểm điểm gắn với việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII. Các tỉnh ủy, thành ủy có quy định rõ, hằng tháng chi bộ sinh hoạt thì các đảng viên phải đối chiếu với 27 biểu hiện để tự phê bình và phê bình. Đến nay, 27 biểu hiện được hầu hết cán bộ, đảng viên nắm chắc để tự soi chiếu vào mình, từ đó phòng tránh, ngăn ngừa, đấu tranh.

Nhận định về sự chuyển biến tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng nhiều lần tâm huyết: Việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII không chỉ giúp tầm soát, thanh lọc đội ngũ, mà còn là dấu ấn rõ nét, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, thực hành đạo đức công vụ, từng bước xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, hành dân, tham nhũng vặt... Về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với phòng, chống các biểu hiện suy thoái, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nhiều nhiệm kỳ, Đảng nhận thức rất rõ vai trò của cán bộ và công tác cán bộ, nhưng vấn đề cán bộ luôn phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực và khó phát hiện, xử lý. Công tác cán bộ vẫn là khâu yếu và luôn là một trong những vấn đề bức xúc nhất mà dư luận xã hội quan tâm. Tại nhiều hội nghị, diễn đàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng.

Từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ đã được NQTƯ 4, khóa XII nêu ra, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung rất cao để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành hệ thống quy định, quy chuẩn, nguyên tắc, cách thức chấn chỉnh và đổi mới toàn diện về công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm số một, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn... về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy cấp tỉnh ban hành hơn 6.200 văn bản các loại, trong đó có nhiều văn bản về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Việc ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy các cấp đã từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Nhìn lại kết quả lựa chọn cán bộ từ đại hội đảng các cấp vừa qua cho thấy, trong công tác cán bộ, nhân sự, Đảng ta áp dụng rất nhiều điểm mới quan trọng so với các nhiệm kỳ trước, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy, quy trình công tác nhân sự và đặc biệt là thực hiện giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện. Qua thực hiện cho thấy cấp tỉnh giảm 6,2%, cấp huyện giảm 11,6%, cấp cơ sở giảm 12,5% và qua đó góp phần giảm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng/năm. Điểm đáng chú ý, dù giảm số lượng cấp ủy nhưng chất lượng, hiệu quả lãnh đạo lại tăng lên nhiều. Bởi chúng ta mở rộng dân chủ, tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong lựa chọn giới thiệu người tham gia cấp ủy, có sự thẩm định, giám sát của nhiều bên.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, việc chuẩn bị, giới thiệu nhân sự tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được tiến hành chặt chẽ hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ. Đây là kết quả của cả quá trình đổi mới công tác cán bộ một cách bài bản, đúng hướng trên tinh thần bám sát cương lĩnh, nghị quyết, Điều lệ Đảng. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy các cấp những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất năng lực kém, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chạy chức chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

"Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân" (Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG).

TẤN TUÂN - HOÀNG TIẾN - BÁ HIÊN - HỒNG THẠNH

(còn nữa)

Vụ án Ethanol Phú Thọ: Nói lời sau cùng, các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt

Chiều muộn 28/9, phiên toà hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 6 bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học-Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ) kết thúc phần tranh luận. Trước khi nghị án, HĐXX phúc thẩm cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Bị cáo Vũ Thanh Hà (SN 1962, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) mong HĐXX xem xét có tình, có lý những nội dung bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo đã trình bày. Bị cáo Hà trình bày các lý do như: Khai báo thành khẩn, hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra và xét xử vụ án, có nhiều đóng góp cho ngành, ăn năn, hối cải… Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo hưởng mức án thấp hơn mức án mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo. Bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thuỷ.

Bị cáo Phạm Xuân Diệu (SN 1960, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC) trình bày, cả đời công tác, bị cáo đều tận tâm, tận tụy, luôn cống hiến vì sự phát triển của ngành và đất nước. Gần đến khi nghỉ hưu thì bị cáo vướng vòng lao lý. Trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo có trách nhiệm hợp tác với cơ quan điều tra và Toà án để làm sáng tỏ vụ án. Nay bị cáo tuổi cao, sức yếu, lại đang phụng dưỡng mẹ già, thờ cúng liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng chỉ vì mong muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện chỉ đạo của cấp trên mà bị cáo phải đứng trước toà để trả món nợ này. Bị cáo rất mong HĐXX xem xét và giảm án cho bị cáo, để bị cáo sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Bị cáo Diệu bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Vũ Thanh Hà.

Bị cáo Lê Thanh Thái (SN 1960, cựu Trưởng phòng kinh doanh, PVB) trình bày, bị cáo sinh ra trong gia đình cách mạng. Quá trình công tác, bị cáo luôn cống hiến và làm việc với trách nhiệm cao, đạt được nhiều thành tích. Sau khi xảy ra vụ án này, bị cáo cảm thấy đau xót khi dự án không thể hoàn thành và còn kéo theo nhiều người vào vòng lao lý. Bị cáo rất mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo, miễn trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Bị cáo Thái bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng tù.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Xuân Thủy (SN 1961, cựu Phó trưởng Phòng Đầu tư dự án, PVB), bị cáo Khương Anh Tuấn (SN 1975, cựu Phó trưởng Phòng thương mại, PVB) và bị cáo Hoàng Đình Tâm (SN 1981, cựu Kế toán trưởng PVB) đều mong muốn HĐXX xem xét đến hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo, chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bị cáo Tuấn và bị cáo Tâm đề nghị thêm HĐXX miễn trách nhiệm dân sự và án phí dân sự cho mình.

Trước đó, trong phần tranh luận, 6 bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo không tranh luận về tội danh đối với các bị cáo mà chỉ đề nghị đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo so với bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.

Toàn cảnh phiên toà.

Về phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Mai Phương do ông Kiều Đào Lâm (Giám đốc Công ty Mai Phương) là đại diện khi tranh luận tiếp tục đề nghị đại diện Viện Kiểm sát và HĐXX xem xét, trả lại 3.400m2 đất biệt thự tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cho Công ty Mai Phương, và xin được nộp bồi thường ngay hai bị cáo trong vụ án này là Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC) và Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc- PVC Kinh Bắc) số tiền 13 tỷ đồng. 

Theo ông Kiều Đào Lâm, để mua lại mảnh đất này, ông đã phải vay mượn rất nhiều và phải đầu tư thêm số tiền lớn để cải tạo, sửa chữa nhà trên khu đất đã mua. Việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên trả khu đất cho PVC đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình của ông. Ông Lâm khẳng định, hiện gia đình ông đã vay mượn đủ số tiền hơn 13 tỷ đồng. Nếu HĐXX chấp thuận, Công ty Mai Phương xin được nộp ngay số tiền hơn 13 tỷ đồng tại phiên toà để bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng khắc phục hậu quả cho PVC.

Chiều nay (29/9), HĐXX sẽ tuyên án.

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...