Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Phòng, chống những biểu hiện dân túy trong cán bộ, đảng viên hiện nay - Bài 1: Nhận diện chủ nghĩa dân túy và những biểu hiện hiện nay

Chủ nghĩa dân túy là những trào lưu tư tưởng, khuynh hướng, thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới và có tác động, ảnh hưởng đến đời sống chính trị-xã hội nước ta.

Trên thực tế, “đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”(1). Do vậy, phòng, chống những biểu hiện dân túy trong cán bộ, đảng viên là một yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân hiện nay.

Bài 1: Nhận diện chủ nghĩa dân túy và những biểu hiện hiện nay

Từ khi ra đời đến nay, để khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã phải luôn đấu tranh quyết liệt với những trào lưu tư tưởng đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tác động, ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy.

Nguyên nhân nảy sinh chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy là trào lưu tư tưởng, đường lối chính trị bắt đầu xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào giữa thế kỷ 19 ở Pháp, đến cuối thế kỷ trỗi dậy mạnh mẽ ở nước Nga, do một bộ phận trí thức có sự đồng cảm với giai cấp nông dân, chủ trương xây dựng các “công xã nông thôn” trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Lúc đầu, chủ nghĩa dân túy cũng có vai trò nhất định trong đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột, bất công; tuy nhiên, quá trình phát triển đã ra sức cản trở Chủ nghĩa Mác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng vô sản. V.I.Lenin đã gọi phái dân túy là kẻ thù công khai của phong trào cách mạng Nga. Năm 1894, ông đã viết tác phẩm “Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao” để vạch trần bọn dân túy là những “bạn dân” giả dối, giả hiệu; đồng thời khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân là phải luôn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng và nông dân là người bạn đồng minh chiến lược của công nhân. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 không những đã chứng minh cho những quan điểm khoa học, cách mạng của V.I.Lenin mà còn để lại bài học kinh nghiệm quý giá về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản và sự liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân cùng tầng lớp trí thức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Khác với trước đây, chủ nghĩa dân túy hiện nay là khái niệm được sử dụng để chỉ các trào lưu tư tưởng, khuynh hướng, thủ đoạn chính trị có tính mị dân của cá nhân, tổ chức, chủ trương đánh vào tâm lý đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm tranh thủ sự ủng hộ và lôi kéo quần chúng phục vụ cho mưu đồ, lợi ích chính trị, kinh tế của họ. Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị-xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa” mà chỉ xuất hiện với tính cách là quan điểm, tư tưởng nhỏ lẻ, không thành hệ thống và biểu hiện ở những phát ngôn, hành động của một số cá nhân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Về nguyên nhân xuất hiện các phát ngôn và hành động có tính dân túy, bên cạnh những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài còn có các nguyên nhân chủ quan như: 4 nguy cơ đã được Đảng ta chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), đến nay vẫn còn tồn tại và có mặt gay gắt hơn. Đáng chú ý, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cùng với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những bức xúc xã hội còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, vai trò nêu gương về lời nói và hành động của một số cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; nhận thức về dân chủ, về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế đã dẫn đến việc thực hiện trên thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả, hoặc lẫn lộn giữa dân chủ và dân túy. Những bất cập trong giải quyết một số vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, sự chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng... cũng là những điều kiện để các phát ngôn, hành động dân túy bột phát, nảy nở. Bên cạnh đó, các thế lực phản động, cơ hội về chính trị luôn lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền... để xuyên tạc, chống phá đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động có tính dân túy. Do vậy, chúng ta phải chủ động nhận diện và phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện dân túy trong cán bộ, đảng viên.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Biểu hiện của chủ nghĩa dân túy hiện nay

Trên các diễn đàn, hội nghị có những phát ngôn, hành vi “gây sốc” để tạo dựng hình ảnh và lấy lòng quần chúng. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cán bộ, đảng viên đều phải chấp hành nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trước nhân dân từ lời nói đến việc làm. Tuy nhiên, một số ít cán bộ, đảng viên khi dự các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có đông người tham gia thường có những phát ngôn gây sốc nhằm tạo dựng hình ảnh và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng. Trên một số diễn đàn, hội nghị, không giống với những hình ảnh mô phạm và phát biểu có phần thận trọng ở các đại biểu, số cán bộ, đảng viên này thường sử dụng những lời nói, hành vi mạnh mẽ, biết chọn đúng vấn đề nóng, bức xúc đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội; từ đó đưa ra những kiến nghị, điều kiện giải quyết “hợp lòng dân”, nhưng lại vượt quá quyền hạn của bản thân, hoặc không có đủ cơ sở để thực hiện trên thực tế. Khi có điều kiện tiếp xúc với nhân dân, số cán bộ này tỏ ra rất nhiệt tình, trách nhiệm trong tiếp nhận, hứa hẹn sẽ chỉ đạo hoặc trực tiếp xử lý những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, bức xúc... của nhân dân, nhưng lại mắc phải “bệnh hứa”, làm cho người dân cứ chờ đợi, không biết khi nào mới được giải quyết.

Mượn danh nghĩa “đại biểu nhân dân” để sửa chữa, vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước có lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Tuy nhiên, một số ít cán bộ, đảng viên, nhất là khi đã đạt được một vị trí cao trong xã hội lại lợi dụng danh nghĩa nhân dân để biến thật thành giả, giả thành thật, nhằm trục lợi cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích. Điều dễ nhận thấy, số cán bộ, đảng viên này thường rất “nhạy bén” trong phát hiện và đề xuất các vấn đề có liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhân dân như địa phương này, vùng kia, do tác động của suy thoái kinh tế, hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh, sự cố môi trường, thiên tai, hỏa hoạn... đang phải đối mặt với những khó khăn, từ đó đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, biện pháp tháo gỡ, nhưng lại tìm cách “sửa chữa” hoặc vận dụng không đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm có lợi cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của họ. Trong xây dựng, thẩm định, phê duyệt một số đề án, công trình hoặc chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong xã hội, số cán bộ này thường “biết cách” xử lý nhanh chóng nhằm đem lại những lợi ích cục bộ, trước mắt cho một bộ phận nhân dân, nhưng sau đó lại ngấm ngầm “điều chỉnh” chính sách để trục lợi cá nhân. Nếu được một số phương tiện truyền thông tung hô, số cán bộ này sẽ được dư luận xã hội đánh giá là người quyết đoán và “vì nhân dân”. Chỉ đến khi các cơ quan kiểm tra vào cuộc, công bố rõ những sai phạm, lúc đó người dân mới nhận rõ bản chất của vấn đề.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, trục lợi cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích. Hiện nay, bên cạnh đa số cán bộ lãnh đạo thật sự gần dân, chăm lo cho dân, vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên có hành động quan liêu, hách dịch, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong các diễn đàn, hội nghị, những cán bộ này thường phát biểu rất đúng với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng thực tế lại thờ ơ, vô cảm với những khó khăn, thậm chí tính mạng của nhân dân, có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đánh giá trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”. Số cán bộ, đảng viên này thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết về dân chủ của một bộ phận nhân dân và chọn thời điểm người dân có những việc cần giải quyết ngay, hoặc đang gặp khó khăn trong cuộc sống để ngầm đưa ra những “yêu sách” có lợi cho họ, nhóm lợi ích của họ.

Để che mắt nhân dân và những người khác, số cán bộ này thường tỏ ra gần gũi với quần chúng, hoặc luôn lấy những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước làm bình phong, thậm chí chủ định làm một vài “việc tốt” để lấy lòng đồng nghiệp và nhân dân. Điều đó cho thấy, những động thái “vì dân” đó luôn được che đậy dưới một vỏ bọc rất tinh vi, không phải lúc nào cũng có thể nhận diện ngay được.

Lấy danh nghĩa “bảo vệ quyền và lợi ích nhân dân” để tập hợp, tuyên truyền, kích động quần chúng, gây mất ổn định an ninh, chính trị-xã hội. Ở nước ta, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị luôn câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài “mượn gió bẻ măng”, tung hô ngọn cờ bảo vệ “nhân quyền”, “dân chủ”, “lợi ích của nhân dân”, nhưng thực chất là xúi giục, kích động người dân chống lại Đảng, chính quyền, gây mất trật tự xã hội. Một số ít cán bộ, đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng đã phụ họa theo, đòi các cấp ủy đảng, chính quyền phải “mở rộng dân chủ”, xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Ở một số ít địa phương, số cán bộ, đảng viên này (thường đã nghỉ hưu và không tham gia sinh hoạt Đảng) còn mượn danh nghĩa “bảo vệ lợi ích của nhân dân” để tổ chức tụ tập đông người, khiếu kiện, khiếu nại, thậm chí có những hành động quá khích, kích động các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đảng ta đã chỉ rõ: “Một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”(2).

Có thể thấy, sự xuất hiện của những biểu hiện dân túy trong cán bộ, đảng viên là rất nguy hiểm và khó lường. Bởi các biểu hiện đó thường được che đậy dưới “vỏ bọc cứng” (quyền lực chính trị) và “vỏ bọc mềm” (uy tín giả) nên không phải lúc nào cũng có thể nhận biết ngay. Những biểu hiện dân túy lây lan dần sẽ trở thành một xu hướng mới trong đời sống chính trị-xã hội ở nước ta, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý xã hội của Nhà nước và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đồng thời tạo kẽ hở cho các phần tử phản động, cơ hội, bất mãn cổ xúy, câu kết, tạo thành lực lượng để chống phá. Nếu không chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, nó sẽ giống như một thứ virus độc hại, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ.

(còn nữa)

---------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.195

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.185

Đại tá, TS VŨ ĐÌNH ĐẮC, Chủ nhiệm Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan Chính trị

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...