[QĐND] Kết luận số 14-KL/TW (Kết luận 14) ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị đã tạo được cơ sở chính trị quan trọng, khơi dậy được tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ các cấp. Tuy nhiên, để tinh thần “6 dám” có thể chuyển hóa thành hành động của cán bộ trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ thì vẫn còn nhiều lực cản.
1. Để lý giải cặn kẽ
nguyên nhân dẫn đến tâm lý sợ sai không dám làm, hành vi đùn đẩy công việc, né
tránh trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên thời gian qua thì có nhiều.
Trong quá trình khảo sát thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận được nhiều
câu trả lời có chung một đáp án. Trước hết, xét về góc độ tâm lý học, sợ sai,
không dám làm là một biểu hiện có phần tiêu cực, nhưng một trong các nguyên
nhân dẫn đến biểu hiện tâm lý này lại đến từ những kết quả tích cực trong công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.
Đồng chí Hồ Trung Việt,
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau thẳng thắn thừa nhận: “Thời gian qua, công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Trung ương mà đứng đầu là Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với tinh thần “không có vùng
cấm”, “không có ngoại lệ”. Nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử, hàng loạt quan
chức hầu tòa, nhiều cán bộ vướng vòng lao lý... Chính những kết quả này vô hình
trung đã tạo ra hiệu ứng lây lan trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Song song
đó, Trung ương ban hành nhiều quy định, chỉ thị, kết luận nhằm siết chặt kỷ
cương của Đảng và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại “cố
thủ”, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Ảnh minh họa. Ảnh: tcnn.vn |
Một nguyên nhân khác xuất phát từ sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản nhằm thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Kết luận 14 nêu rõ: “... kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp...”. Kết luận 14 được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-9-2021 và có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành. Ngày 29-9-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố, từ đội ngũ cán bộ các cấp đến lãnh đạo các địa phương cho rằng, vì chưa có văn bản thể chế hóa, chưa có cơ sở pháp lý nên rất khó triển khai trong thực tiễn.
Đồng chí Phan Thanh
Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm: “Kết luận 14 của Bộ Chính
trị là văn bản của Đảng mang tính định hướng lớn. Mặc dù đội ngũ cán bộ rất phấn
khởi, anh em thêm vững tin trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, tuy
nhiên những nội dung tại Kết luận 14 còn mang tính bao hàm, chung chung, chưa
rõ, chưa cụ thể. Trước khi có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ, anh em
không khỏi e ngại vì nếu thực hiện đột phá, đổi mới, sáng tạo nhưng có sai sót
thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự”.
2. Quá trình khảo sát tại
các địa phương, các đồng chí lãnh đạo đều có chung đánh giá, Kết luận 14 đã tạo
ra sức lan tỏa về tinh thần đổi mới chung trong đội ngũ cán bộ các cấp, nhưng vẫn
chưa thể có những đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá như Kết luận 14 mong muốn.
Một nguyên nhân khác khiến cán bộ chùn bước, e ngại không dám đổi mới và chỉ có
thể “sáng tạo trong khuôn khổ”, không dám “vượt rào” đến từ những bất cập, hạn
chế từ các quy định của chính sách pháp luật hiện hành.
Trên thực tế, hệ thống
pháp luật ở nước ta chưa đồng bộ, còn nhiều chồng chéo. Đại hội XIII của Đảng
chỉ ra: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp
thời yêu cầu thực tiễn; việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một
số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa
pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”. Và trong nhiều trường hợp, cán bộ
muốn sáng tạo thì đồng nghĩa với việc phải làm “trái luật”.
Tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh
Lưu, Nghệ An), đồng chí Hồ Đức Vĩ, Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết: Giai đoạn
trước, đất nông nghiệp trong xã bị bỏ hoang rất nhiều. Để khắc phục tình trạng
này, UBND huyện cho chủ trương tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ trồng lúa sang
các mô hình kinh tế trang trại. Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân mở rộng quy mô
sản xuất, lãnh đạo UBND xã Quỳnh Đôi cho phép nhân dân xây dựng các công trình
cất trữ thức ăn chăn nuôi phù hợp với quy mô trang trại. Từ chủ trương này, Quỳnh
Đôi xuất hiện nhiều mô hình trang trại quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế
cao, được các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền, kịp thời nhân rộng. Tuy
nhiên, khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, kết luận các công trình xây dựng
vượt quá diện tích cho phép theo những quy định của pháp luật và Chủ tịch UBND
xã bị kỷ luật khiển trách, hạ bậc lương trong 6 tháng.
Bàn sâu kỹ hơn về vấn đề
này, đồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tâm huyết chia sẻ: Rất
nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp, hoặc chưa theo kịp với thực tiễn nên dù
địa phương có rất nhiều trăn trở, vướng mắc nhưng không tìm được cách giải quyết.
Kết luận 14 nêu rõ: “Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải bảo đảm không
trái với Hiến pháp và điều lệ Đảng”. Trong khi đó, pháp luật là sự cụ thể hóa
Hiến pháp, nếu pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn mà cán bộ vẫn cố làm
ngược lại thì có thể còn bị quy vào tội cố ý làm trái. Đó là chưa kể, không ít
trường hợp, dù cán bộ đã làm đúng theo quy định pháp luật, nhưng khi xảy ra vấn
đề, khi kiểm tra, thanh tra vẫn bị kết luận là làm sai vì cách áp dụng quy định
của luật khác nhau, có luật thì cho phép, nhưng luật khác lại không. Chính những
bất cập này khiến cán bộ chùn bước, tạo ra tâm lý e ngại, thậm chí tạo sức ì xã
hội vì cán bộ không dám làm, công việc không trôi chảy.
Chỉ ra những vướng mắc
trong các quy định của pháp luật, đồng chí Lê Văn Sử nêu dẫn chứng, cụ thể: Từ
năm 2007, tỉnh giao cho một doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển du lịch ven
biển và hoàn toàn phù hợp với Luật Đầu tư. Đến năm 2010, vùng ven biển Cà Mau bị
sạt lở nghiêm trọng, do đó doanh nghiệp phải tìm cách bảo vệ đất ven biển đã được
giao khai thác, quản lý, sử dụng. Thời điểm năm 2016, trong chuyến khảo sát của
Thủ tướng Chính phủ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo tỉnh kiến nghị
cho phép tỉnh triển khai các biện pháp để bảo vệ khu vực ven biển bị sạt lở và
được Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo các bộ, ngành rất ủng hộ. Nhưng khi
địa phương làm văn bản đề nghị gửi ra, các cơ quan Trung ương lại cho rằng vướng
các quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và một số luật khác. Sau đó các
bộ, ngành gửi văn bản đề nghị tỉnh Cà Mau phải thực hiện theo đúng các quy định
của pháp luật.
Từ những thực tế trên,
đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, để có những đổi mới, sáng tạo,
“xé rào” cơ chế, liên quan đến thẩm quyền của cấp nào thì xin cấp đó phê duyệt.
Nhưng hiện nay những vướng mắc từ các quy định pháp luật khiến cho cấp thẩm quyền
ở cơ sở không thể phê duyệt, mà để có thể phê duyệt được thì lại phải chờ Quốc
hội xem xét sửa luật. Như vậy những vấn đề về cơ chế, chính sách, luật pháp...
khiến cho tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ vẫn trong vòng luẩn quẩn. Do
đó, cần phải có cơ chế linh hoạt hơn, phân cấp về cơ sở mạnh hơn. Theo đó, nếu ở
cơ quan, đơn vị, địa phương phát hiện những quy định của pháp luật không phù hợp
với thực tiễn và trình đến cấp có thẩm quyền xin được thí điểm thực hiện thì
nên cho phép.
3. Một lực cản khác khiến
cán bộ không quyết tâm đổi mới, sáng tạo là chưa có cơ chế khích lệ tương xứng.
Trong không ít báo cáo, chỉ thị, nghị quyết, Trung ương đã chỉ ra thực trạng
chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ
cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu,
chưa phản ánh đúng thực chất. Xét ở khía cạnh thu nhập, việc trả lương công chức,
viên chức vẫn theo hệ số, có tính chất “cào bằng”, mặc dù áp lực công việc lớn
nhưng mức thu nhập nhận lại không cao khiến cho cán bộ thiếu động lực phấn đấu.
Ở khía cạnh thăng tiến trong nghề nghiệp, tình trạng bổ nhiệm cán bộ “đúng quy
trình” nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực vẫn là vấn đề nhức nhối; việc
trọng dụng người tài có lúc, có nơi vẫn thiếu sự sòng phẳng, chưa thực sự công
bằng. Đó là chưa kể, ở một số cơ quan, đơn vị đã xảy ra tình trạng né tránh,
đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, khi khen thưởng thì nhận thành tích từ trên
xuống dưới nhưng khi xử lý sai phạm thì “trên nhẹ, dưới nặng”.
Minh chứng như tại Bạc
Liêu, với đam mê nghiên cứu khoa học, đồng chí Dương Văn Ngô, Trưởng phòng Kỹ
thuật Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tỉnh Bạc Liêu) và một số cán bộ ở trung tâm đã nghiên cứu thành công giống
lúa BL9. Khi giống được lưu hành, UBND tỉnh đã tặng bằng khen tập thể và cá nhân
anh Ngô. Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Thực tế trong lĩnh vực nông nghiệp, cán bộ rất
vất vả nhưng cơ chế động viên, khích lệ chưa thật xứng đáng với công sức bỏ ra.
Chỉ xét ở trường hợp đồng chí Dương Văn Ngô, nếu ở doanh nghiệp, với việc
nghiên cứu thành công giống lúa chất lượng như BL9 thì anh sẽ được khen thưởng,
đãi ngộ xứng đáng. Nhưng trong khu vực công thì bản thân anh chỉ được nhận bằng
khen của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm số tiền 1,8 triệu đồng...”.
Xét ở khía cạnh khác,
chiếc “gọng” đang “kìm hãm” sự sáng tạo của cán bộ còn nằm ở vai trò người lãnh
đạo chủ chốt của từng địa phương, đơn vị... Thực tế, ngay tại Nghị định số
73/2023/NĐ-CP đưa ra quy định “Kế hoạch đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ được
gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ để xem xét, quyết định”. Tuy
nhiên, nếu người đứng đầu cơ quan nhận thấy những đề xuất đổi mới, sáng tạo
không đúng quy định pháp luật thì rất có thể sẽ không cho phép triển khai. Hay
như nghị định cũng quy định, cấp nào cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo
thì người cho phép chịu trách nhiệm về việc phê duyệt đề xuất nên rất dễ nảy sinh
tâm lý không ai dám làm...
Trung tướng Lưu Phước
Lượng, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9,
cho rằng, đã là đổi mới, sáng tạo thì có thể đúng, có thể sai, có thể mang lại
hiệu quả hoặc gặp thất bại. Vấn đề đặt ra là phải có cách đánh giá, nhìn nhận
thực sự phù hợp. Với những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả,
cùng với việc khen thưởng, biểu dương, các cơ quan chức năng cũng nên “có gan”
cất nhắc cán bộ một cách tương xứng. Ngược lại, với những trường hợp đổi mới,
sáng tạo, vì lợi ích chung nhưng không thành công, có sai sót thì cũng cần động
viên, khích lệ cán bộ một cách phù hợp. Nếu ví Kết luận 14 như một chiếc chìa
khóa thì những người lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị chính là người tra
chiếc chìa vào ổ khóa, dẫn dắt cán bộ, đảng viên mở ra cánh cửa dám nghĩ, dám
làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Từ những vấn đề nêu
trên, để sức sáng tạo của cán bộ thực sự được “giải phóng”, để tinh thần “6
dám” trong đội ngũ cán bộ các cấp chuyển hóa thành hành động thì còn rất nhiều
vấn đề đang đặt ra. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP; trước
đó Bộ Chính trị ban hành Quy định số 117-QĐ/TW ngày 18-8-2023 về xin lỗi và phục
hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan đã đáp ứng được mong mỏi
của đội ngũ cán bộ; đồng thời đây là những cơ sở chính trị, hành lang pháp lý rất
quan trọng để các cấp triển khai thực hiện Kết luận 14 hiệu quả.
Nhóm PV Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét