[CAND] Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, khoa học công nghệ và chuyển đổi số toàn diện mang lại nhiều tiện ích với cuộc sống nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa,
bảo vệ an toàn tài sản của bản thân, người dân, Bộ Công an cũng như Công an các
đơn vị, địa phương liên tục tuyên truyền, khuyến cáo, nhưng vẫn có không ít người
dân vẫn bị “sập bẫy”.
Nhiều người sử dụng điện
thoại thông minh không lạ gì công nghệ Deepfake. Công nghệ này được sử dụng
trong các ứng dụng (app) vui “hoán đổi khuôn mặt” với tính năng dễ dàng thay
khuôn mặt, giọng nói của người sử dụng vào những nhân vật nổi tiếng trong các bộ
phim; hoặc trào lưu chế ảnh, lồng tiếng hài hước cho các clip từng gây sốt thời
gian trước.
Người dân cần cảnh giác với thủ đoạn sử dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, người dùng
không biết khi sử dụng app đó nhà phát triển, cung cấp ứng dụng đã thu thập dữ
liệu thông tin người dùng với hình ảnh khuôn mặt, giọng nói thật... Khi đã thu
thập đủ dữ liệu, những kẻ lừa đảo lợi dụng ứng dụng Deepfake để tạo cuộc gọi
video call giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước (công an, cơ quan thuế, tòa án…) hoặc
người quen để gọi cho nạn nhân nhằm tạo sự tin tưởng, từ đó khai thác, thu thập
các thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo tài chính.
Ứng dụng công nghệ trí
tuệ nhân tạo này đã nhanh chóng được các đối tượng lừa đảo lợi dụng khiến không
ít người dân “sập bẫy”. Các đối tượng sử dụng ứng dụng này để tạo ra các đoạn
video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh thật của người
dùng muốn giả mạo để lừa đảo nạn nhân chuyển tiền…
Anh Trần Mạnh Đạt ở xã
Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định – một nạn nhân của tội phạm công nghệ mạng
cho biết, qua ứng dụng Facebook, vừa qua, anh đột nhiên nhận được tin nhắn của
chú ruột đề nghị chuyển tiền với nội dung “Tài khoản cháu còn đủ 19 triệu không,
chuyển cho chú qua đây để mua vật tư, sang tháng chú gửi lại được không?” và
yêu cầu chuyển thẳng số tiền đó vào tài khoản của người thứ 3 (người bán vật
tư) để “đỡ mất công phải chuyển đi chuyển lại. Lúc nào chuyển xong thì chỉ cần
chụp hình ảnh gửi cho chú…”.
Nghi ngờ Facebook người
chú bị chiếm tài khoản nên anh Đạt đã gọi video để kiểm chứng. Phía bên kia bắt
máy, mở video cho anh Đạt thấy mặt. Nhìn đúng là hình ảnh của người chú nhưng mờ
nên anh Đạt thắc mắc thì phía bên kia trả lời “đang trong vùng sóng yếu”. Mặc
dù trong lòng cảm thấy có chút băn khoăn vì từ trước đến nay chú ít khi hỏi vay
một số tiền lớn như vậy song thấy hình ảnh video qua Facebook đúng là người
nhà, lại biết chú hiện đang xây nhà nên anh Đạt thôi nghi ngờ và chuyển đủ 19
triệu đồng vào tài khoản cung cấp. Sau khi chuyển tiền thành công anh Đạt gọi
điện thoại trực tiếp cho chú để thông báo thì mới biết mình bị lừa…
Có thể thấy, ứng dụng
Deepfake đang là mối đe dọa đối với người dân thiếu kinh nghiệm về công nghệ, vốn
tin tưởng vào sự trung thực và chính xác của video, hình ảnh thông qua các cuộc
gọi trực tuyến trên nền tảng quen thuộc như Facebook, Zalo, Viber, Skype... Bởi
chất lượng các video Deepfake được tạo nên ngày càng thật, tinh vi hơn, được
các đối tượng sử dụng thường xuyên cho mục đích tống tiền và lừa đảo. Để thực
hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá
nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng
xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake AI để tạo sẵn những video có cả hình ảnh,
giọng nói thật của cá nhân, rất khó phân biệt thật - giả để phục vụ cho “kịch bản
lừa đảo”.
Nguy hiểm hơn, trong
các vụ lừa đảo bằng công nghệ Deepfake, người dùng sẽ rất khó khăn khi chứng
minh với ngân hàng là mình bị lừa; phải mất nhiều thời gian và có sự tham gia của
nhiều bên như nhà mạng hoặc Công an. Nhiều vụ lừa đảo, số tiền nạn nhân bị lừa
không nhỏ…
Theo Thiếu tá Nguyễn
Văn Chiển, Phó Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Định, dấu hiệu nhận biết
các cuộc gọi này thường là: Thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây; khuôn
mặt biểu hiện không linh hoạt, thiếu cảm xúc và khá “trơ” khi nói, hoặc tư thế
trông lúng túng, không tự nhiên...; màu da của hình ảnh nhân vật trong video có
nhiều bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Giọng nói sẽ
không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không
có âm thanh. Cuộc gọi thường ngắt giữa chừng với lý do là mất sóng, sóng yếu;
yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản nhận tiền lại không phải của người đang thực
hiện cuộc gọi...
Trước tình hình tội phạm
công nghệ có chiều hướng gia tăng cùng những phương thức thủ đoạn ngày càng
tinh vi, Công an tỉnh Nam Định khuyến cáo người dân nếu nhận được cuộc gọi yêu
cầu chuyển tiền gấp, trước tiên phải bình tĩnh và xác minh thông tin bằng cách
liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua điện thoại; kiểm tra kỹ số
tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất không nên tiến
hành giao dịch. Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy
gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận có đúng là ngân hàng thực hiện
hay không. Khi nhận các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn cần
cảnh giác nghi ngờ tính xác thực của cuộc gọi…
Tuyệt đối người dân
không cung cấp thông tin cá nhân: Số điện thoại, số CMT/CCCD, số tài khoản, mã
OTP, địa chỉ cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa rõ mục đích sử dụng. Hãy
luôn nghi ngờ với mọi thông tin yêu cầu (cài phần mềm, đăng nhập vào website,
cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền…) trên mạng. Với tất cả các thông tin
nhờ chuyển tiền, vay tiền, bình chọn... đều cần phải xác minh lại qua một kênh
độc lập như điện thoại thường. Ngoài ra, không nên truy cập vào các địa chỉ
website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm
đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng, truy cập thẻ
nhớ, danh bạ, vị trí, chụp ảnh…
Thảo
Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét