Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Cái nôi của phong trào Đồng Khởi phát huy truyền thống anh hùng

VOV.VN - Đảng bộ và nhân dân xã Định Thủy hôm nay đang ra sức làm nên cuộc “Đồng Khởi mới”, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, chống lại đói nghèo, lạc hậu để vùng quê này ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, là nơi diễn ra cuộc Đồng Khởi đầu tiên ở tỉnh Bến Tre. Đúng 8h sáng 17/1/1960 tại xã Định Thủy, nhân dân đã nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre. Làn sóng Đồng Khởi như nước vỡ bờ lan ra khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ.

Định Thủy hôm nay không còn là xã “địa hình” hẻo lánh nữa, con đường từ trung tâm huyện Mỏ Cày Nam về xã Định Thủy nay đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, láng nhựa, thông thoáng. Hai bên đường, nhà kiên cố mọc lên san sát, vùng quê cách mạng xưa kia vốn rất khó khăn nay đã thay màu áo mới.

Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Định Thủy Nguyễn Văn Rồi không giấu được niềm vui, cho biết, vào đầu năm nay, nhân kỉ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi 17/1, xã vinh dự được ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Bến Tre được công nhận danh hiệu này.

Toàn xã Định Thủy có hơn 3.100 hộ dân, chủ yếu sinh sống với vườn dừa thương phẩm hơn 1.100 ha, nuôi đàn heo, bò với trên 7.000 con. Gần đây, địa bàn xã còn phát triển được 150 cơ sở sơ chế biến dừa, 1 hợp tác xã nông nghiệp gắn với gần 180 ha dừa hữu cơ làm đầu mối cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp xa gần.

Dù đầu ra nông sản có thăng trầm do nhu cầu thị trường nhưng phải khẳng định với ý chí chăm lo lao động, tinh thần bám trụ, vượt khó của người dân “cái nôi” quê hương Đồng Khởi đã giúp cuộc sống bà con từng bước vươn lên và ổn định.

Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Định Thủy là 71 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 95 hộ (chiếm 2,9%), hộ cận nghèo 62 hộ (chiếm 1,9%). Toàn xã có 517 liệt sĩ, 222 thương bệnh binh, 40 mẹ Việt Nam Anh hùng. Các gia đình chính sách, người có công cách mạng đã được chăm lo, phụng dưỡng và có mức sống ngang bằng với khu dân cư.

Đáng ghi nhận là hạ tầng nông thôn của vùng quê cách mạng này đã đổi thay rõ nét; 100% tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm Đảng ủy, chính quyền địa phương còn huy động “xã hội hóa” được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng, làm cầu đường tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân. Trên địa bàn xã Định Thủy hiện có 3 trường học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và trạm y tế xã đều đạt chuẩn cấp Quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Rồi, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Định Thủy cho biết thêm, Đảng ủy, UBND xã Định Thủy tập trung chăm lo phát triển kinh tế, đi đôi với kinh tế dừa, chăn nuôi, Định Thủy gắn khu di tích Quốc gia đặc biệt phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt tập trung chăm lo hộ chính sách, hộ nghèo và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Xã tiếp tục phấn đấu xây dựng đạt chuẩn của phường trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, những người con Định Thủy đang sinh sống và làm việc trong và ngoài tỉnh  hướng về Định Thủy cùng chung tay, góp sức với Đảng bộ xã chăm lo cho bà con, phát triển cầu đường, tạo điều kiện giao lưu hàng hóa để phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Phát huy truyền thống của “cái nôi” phong trào Đồng khởi năm xưa, cán bộ, đảng viên và người dân địa phương đoàn kết, chung lòng, thực hiện tốt các phong trào thi đua, đi đầu các chương trình, hành động cách mạng. Thanh niên địa phương tiếp bước cha anh, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Công tác tuyển quân hàng năm của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn Đảng bộ xã có 16 chi bộ, với 396 đảng viên, mỗi năm xã kết nạp được từ 5-6 đảng viên mới, 4 năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu “ Trong sạch- vững mạnh”.

Cựu chiến binh xã là lực lượng nòng cốt trong việc phát huy truyền thống yêu nước của vùng quê cách mạng trong lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu cũng như công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, cựu chiến binh vừa đảm nhiệm Trưởng ấp, kiêm Bí thư Chi bộ ấp Định Thái, xã Định Thủy - là tấm gương điển hình về công tác nhiệt tình và lao động giỏi tại địa phương. Trước đây, ông là bộ đội của Đoàn 29, Lữ đoàn 29 thông tin, Quân khu 9. Năm 1983, ông xuất ngũ về nhận công tác tại ấp và trồng 1,2 ha đất vườn dừa hữu cơ nuôi xen tôm càng xanh cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực của ông là mô hình mới có triển vọng được nhiều nông dân nhân rộng.

Ông Nguyễn Trung Tuấn chia sẻ, nuôi tôm càng xanh toàn đực rất thuận lợi, tôm ít bệnh, môi trường nước phải sạch sẽ. Ông sẽ giữ vững và phát triển mô hình nuôi tôm, đồng thời vận động nhiều hộ cùng nuôi.

Toàn xã Định Thủy hiện có 326 hội viên cựu chiến binh, với mô hình trồng dừa hữu cơ, chăn nuôi gia súc, thủy sản đến nay, toàn Hội chỉ còn 2 hộ cận nghèo, số còn lại đã vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Quang Đệ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Định Thủy cho biết thêm: "Cựu chiến binh xã thực hiện nhiều mô hình làm kinh tế cơ bản phát triển. Các hội viên rất gắn bó, tương trợ lẫn nhau. Cựu chiến binh có mô hình 5+1, là 5 hội viên giúp đỡ một cựu chiến binh nghèo để phát triển kinh tế. Ngoài ra có mô hình “hụi không lời”, “nghĩa tình đồng đội”,“bụi chuối tình thương”. Tham gia các mô hình, cựu chiến binh phát triển được, làm ăn được, hiện chỉ còn 2 hội viên cận nghèo”.

Giáo dục truyền thống yêu nước về “cái nôi” của phong trào Đồng khởi năm 1960 là một nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương đối với thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên, học sinh và khách đến tham quan du lịch thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động phong trào.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đồng khởi Bến Tre được xây dựng tại trung tâm xã trên một diện tích 5.000m2 rất khang trang, gồm nhà bảo tàng một trệt, một lầu để trưng bày các hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch… Năm 2022, khu di tích có 120 đoàn khách với hơn 6.400 người đến tham quan, nghiên cứu.

Chị Bùi Thị Hồng Châu, thuyết minh của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre rất vui và hạnh phúc khi đảm nhận nhiệm vụ tại đây. Để làm tốt công việc, chị thường xuyên đi học, dự tập huấn, bổ sung kiến thức chuyên ngành để phục vụ khách tham quan hiểu hơn về phong trào Đồng khởi năm xưa.

"Cái gì không hiểu hết, tôi đi gặp các anh, các chú, anh chị đi trước để hiểu hơn về các mốc lịch sử để phục vụ du khách. Tôi rất tự hào khi được giới thiệu về lịch sử, phong trào Đồng khởi  của Bến Tre, xem như là nhiệm vụ của tuổi trẻ địa phương”, chị Hồng Châu chia sẻ.

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất kiên trung, bất khuất và chịu bao đau thương mất mát năm xưa giờ đã thay da đổi thịt. Đảng bộ và nhân dân xã Định Thủy hôm nay đang ra sức làm nên cuộc “Đồng Khởi mới”, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, chống lại đói nghèo, lạc hậu, tiếp tục nâng chất các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu để vùng quê này ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền nhân để cho thế hệ hôm nay có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

VOV.VN - Sức mạnh nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam và chiến lược tiến công, bằng các nghệ thuật được kế thừa truyền thống của ông cha, đã giúp quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ, khiến cả thế giới khâm phục.

48 năm trước, ngày 30/4/1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau cách mạng tháng 8/1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân thống nhất đất nước. Từ đây, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.

Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử về những kỷ niệm của ông và phân tích nghệ thuật quân sự làm nên chiến thắng của chiến dịch này.

PV: Cách đây 48 năm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lúc đó là Trung đoàn trưởng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Thượng tướng có thể kể đôi nét về cuộc tiến công này?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B của Quân đoàn số 1, đã thực hiện một cuộc hành quân thần tốc bằng bộ binh cơ giới từ Tam Điệp vào Đông Hà tập kết, chuẩn bị giải phóng Huế và Đà Nẵng. Do chiến đấu của chúng ta phát triển rất nhanh, nên tiếp tục cuộc hành quân theo đường Trường Sơn vào đến Đồng Xoài và đêm 29 rạng ngày 30/4/1975, Trung đoàn đã tập kích ở Búng, chính đêm hôm đó liên lạc với bà má Sáu Ngẫu và má trao cho bản đồ thành đô.

Chính nhờ bản đồ này, sáng 30/4 bắt đầu cùng với 5 cánh quân thực hiện một cuộc tấn công bằng bộ binh cơ giới theo trục đường 13, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 10 cây số. Sau đó cùng với các hướng tấn công trên 5 mũi đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp của quân VNCH ở Gò Vấp, chiếm lục quân công xưởng và chiếm Bộ Tổng tham mưu VNCH, cùng với 5 cánh quân vào lúc khoảng 10h30 ngày 30/4/1975 hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

PV: Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi thống nhất nước nhà là một mốc son lịch sử chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc, vậy dư âm của chiến thắng khi đó như thế nào, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Lúc đó, theo dõi trên Đài Giải phóng cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam, thế giới họ rất bất ngờ, tại sao Việt Nam nhỏ bé lại đánh được một chiến dịch tổng hợp mà chúng ta lại đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu, đập tan chế độ VNCH do Mỹ ủng hộ ở Nam Việt Nam, lại giải phóng được miền Nam, bảo vệ được nhân dân Việt Nam.

Không phải như địch họ nói: Sẽ là biển máu khi Quân giải phóng vào Sài Gòn, nhưng thực chất khi chúng ta đánh vào Sài Gòn thì nhân dân nổi dậy ùa ra đường để reo hò, chào mừng Quân giải phóng cùng với 5 mũi tiến công.

Thực tế, đối với những người lầm đường lạc lối, họ đã theo phía bên kia, chúng ta đều cho đi cải tạo và khoan hồng. Sau đó cho phép họ được đi bất kể nước nào, chứ chúng ta không chém giết đổ máu như các thế lực thù địch tuyên truyền.

PV: Thắng lợi này cũng thể hiện rõ một nghệ thuật quân sự bài bản và sáng tạo, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chúng ta đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và biệt động thành. Nên chúng ta đã nắm được thời cơ khi mở chiến dịch Tây Nguyên đánh vào Buôn Mê Thuật, toàn bộ hệ thống quân Mỹ - VNCH vỡ trận phải co về hướng Sài Gòn.

Khi thời cơ xuất hiện, Bộ tham mưu chiến lược của Đảng, đó là Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, mà trước đó đã định đánh trong 2 năm 1975 đến năm 1976. Đây là quyết định hết sức sáng tạo và quyết đoán của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị là mở chiến dịch Hồ Chí Minh bằng 5 mũi tiến công, bỏ qua các vòng ngoài và đánh thẳng vào mục tiêu chính là đầu não quân Mỹ - VNCH ở Sài Gòn.

Cuộc tiến công này là sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân đó là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và trong nội thành có lực lượng biệt động thành và nhân dân nổi dậy. Nên cuộc tấn công này của chúng ta đánh rất nhanh, trong ngày 30/4/1974 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, đã thực hiện trọn vẹn lời di chúc của Bác Hồ, đó là "Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn".

PV: Nghệ thuật quân sự này phải chăng là có kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha ta xưa kia?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nếu nói về lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ nước, cha ông ta rồi đến thời đại Hồ Chí Minh đều đánh với các thế lực đế quốc xâm lược hùng mạnh, như Pháp và Mỹ. Đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh, bằng sức mạnh, bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, truyền thống của dân tộc chúng ta đã đánh thắng sức mạnh Hoa Kỳ và sức mạnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Đặc biệt không thế lực nào có thể phá vỡ được nền văn hóa của Việt Nam. Chính sức mạnh này là sức mạnh nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam và chiến lược tiến công, bằng các nghệ thuật mà chúng ta kế thừa truyền thống của ông cha, nên đã thắng được đế quốc to, trong điều kiện sức mạnh của ta nhỏ bé hơn các đế quốc xâm lược. Chính điều đó làm cho cả thế giới khâm phục.

Đó là sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh này được kế thừa và phát huy bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, cả thế giới đều khâm phục.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Chuyện chưa kể về người lính vẽ bản đồ trận chiến lịch sử Xuân Lộc

VOV.VN - Nhờ những nét vẽ chính xác trên bản đồ trận chiến Xuân Lộc cùng tinh thần dũng cảm, kiên cường, sau 12 ngày đêm, quân đội ta đã tấn công chính xác, tiến vào Sài Gòn.

Ông Thiên nói: "Mỗi ngày, tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo chỉ huy để cập nhật tình hình, dùng những nét chì để điều chỉnh bản đồ kịp thời, chính xác. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi vẽ bản đồ ngay dưới hầm, có những lúc không đủ ánh sáng tôi phải dùng cả đèn pin hoặc đèn bão để vẽ".

Từng "vào sinh ra tử" ở chiến trường Xuân Lộc, Đại tá, cựu chiến binh Lê Tiến Hạt, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 266 vẫn không quên hình ảnh về "em út" Đàm Duy Thiên. 

Theo ông Hạt, bản đồ tác chiến trước mỗi trận đánh có ý nghĩa rất quan trọng. Những người cầm bút như ông Thiên phải thể hiện chính xác trận địa tấn công của ta thế nào, trận địa phòng ngự của địch ra sao để cấp trên vạch kế hoạch tác chiến. Nếu vẽ sai chỉ một chút, quân ta có thể sẽ không đánh trúng mục tiêu hoặc sẽ gặp những tổn thất lớn.

"Sở chỉ huy Trung đoàn trong thời chiến là những mô đất được công binh đào thành hầm, hào. Địa thế phức tạp, gồ ghề như vậy là thử thách không nhỏ cho người vẽ bản đồ. Ngoài ra, trong quá trình tác chiến quân đội phải di chuyển liên tục. Dù khó khăn như vậy, đồng chí Thiên vẫn tỉ mỉ, cẩn thận, ghi chép đầy đủ và kịp thời các vị trí tiến công trên bản đồ", ông Hạt kể lại. 

Nhắc về Xuân Lộc, trong ký ức của ông Hạt không chỉ là chiến thắng hào hùng, vang dội mà còn có xương máu của biết bao đồng đội ngã xuống trong suốt 12 ngày đêm.

Rưng rưng nước mắt, cựu chiến binh 82 tuổi kể lại: "Với tầm quan trọng đặc biệt của Xuân Lộc, bên địch dùng rất nhiều loại hoả lực, có sức sát thương lớn để phản kích. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc liệt sĩ Nguyễn Viết Sử thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 270, dù bị thương nặng vẫn quyết nằm trên hàng rào để làm cầu nối cho đồng đội xung phong tấn công vào thị xã Xuân Lộc".

Sau khi chiến thắng Xuân Lộc, dù bị tiêu hao một phần lực lượng, Trung đoàn 266 vẫn tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Trong đó có trận đánh vào khu vực phòng thủ Hưng Nghĩa - ấp Bàu Cá - Trảng Bom và tiến thẳng vào Sài Gòn trong đêm 29/4.

Gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2023), những người lính Cụ Hồ vẫn chưa thể quên những trận đánh khốc liệt, sinh tử nơi chiến trường. Trận chiến Xuân Lộc - đánh sập cánh cửa thép ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn - là một trong những dấu ấn không thể phai mờ.

Những nét vẽ dưới hầm

Trong căn nhà trên phố Hoài Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cựu chiến binh Đàm Duy Thiên niềm nở, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng 4 lịch sử ở chiến trường miền Nam.

Tròn 48 năm trước, ông Thiên khi đó thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 nhận lệnh hành quân vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ), tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên cánh quân phía đông tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định. 

Nhắc về con đường binh nghiệp, năm 1972, chàng thanh niên Đàm Duy Thiên khi đó vừa tròn 16 tuổi đã gác lại ước mơ trở thành bác sĩ để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khi gia nhập Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, ông là người nhỏ tuổi nhất đơn vị. Vốn có năng khiếu hội hoạ, ông được cấp trên giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến các trận đánh.

Tháng 4/1975, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ tấn công Xuân Lộc - nơi được ví như "cánh cửa thép" cuối cùng để tiến vào Sài Gòn. Ông Thiên khi đó được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc.

Dù nhiều lần cầm bút vẽ bản đồ tác chiến huấn luyện, nhưng nhiệm vụ ở trận chiến Xuân Lộc vẫn khiến chàng thanh niên 19 tuổi không khỏi căng thẳng.

"Ở trận Xuân Lộc, khi đến địa bàn mới, được nhiều thông tin về phía địch từ các trinh sát gửi về, tôi phải cố gắng thu thập, quan sát và vận dụng trí nhớ của mình kết nối mọi dữ liệu. Lúc ấy, chỉ huy nói đến đâu phải ghi chép ngay đến đó. Ngoài ra, khi các đơn vị, bộ phận đi trinh sát báo về cũng cần nắm thông tin rồi thể hiện trên bản đồ chính xác, ông Thiên bồi hồi kể.

Trong những ngày đầu tại trận Xuân Lộc, dù chiếm được một số mục tiêu trong thị xã, nhưng bộ đội ta vẫn chưa diệt gọn được các lực lượng của địch. Trước tình hình đó, chiến thuật tấn công có những thay đổi, khiến bản đồ thực chiến phải linh hoạt theo kế hoạch mới của cấp trên.

Nhờ những nét vẽ chính xác trên bản đồ cùng tinh thần dũng cảm, kiên cường, sau 12 ngày đêm (từ 9/4-20/4/1975), quân đội ta đã tấn công chính xác, phá tan "yết hầu" của Sài Gòn. Chiến thắng vang dội ở Xuân Lộc cũng khích lệ tinh thần chiến sĩ, mở ra chiến thắng lịch sử 30/4/1975, thống nhất đất nước./.

Người dân tụ hội về đất lửa Quảng Trị tri ân anh hùng liệt sỹ

VOV.VN - Những ngày cuối tháng tư, từng đoàn người tìm về vùng đất lửa Quảng Trị, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Họ là những người dân, cựu chiến binh, thân nhân, học sinh, sinh viên và khách du lịch, đến đây, kính cẩn cúi đầu thắp nén hương tưởng nhớ người thân và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay. 

Bà Trần Thị Lương sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hà Tây (cũ). Mười ba tuổi, theo phong tục xưa, bà đính hôn với chàng trai cùng xóm. Mười bảy tuổi, độ đẹp nhất của đời con gái, người yêu bà vừa tuổi mười tám, xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh được biên chế vào tiểu đoàn vận tải, chở vũ khí đạn dược tiếp tế cho miền Nam. Năm 1962, đoàn xe vận tải mới vào tới Quảng Trị thì trúng bom, người yêu của bà đã hy sinh!

Ngày thống nhất đất nước, gia đình, bạn bè an ủi, động viên mãi, bà Lương mới quyết định về chung nhà với một sĩ quan Không quân đóng tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Ông là người Quảng Trị tập kết ra Bắc. Hai vợ chồng đưa nhau về quê chồng sinh sống ở khu phố 2, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà.

Năm 2005, trong một lần đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, trước hàng ngàn tấm bia mộ nghi ngút khói hương, bà nhìn thấy tấm bia mang tên liệt sĩ Trần Đình Miều, người yêu cũ của bà.

Bà Lương bảo rằng, gần một đời người mà câu chuyện chiến tranh, chia ly, đoàn tụ - như vừa mới hôm qua: “Khi tôi đi tham quan cùng chị em Quảng Trị, như kiểu ai xui thế nào ấy, tự nhiên lại thấy mộ anh ấy. Cảm xúc tôi lúc ấy hồi hộp, vừa mừng, vừa tủi, vừa thương anh ấy nữa, hy sinh từ ngày ấy đến giờ chẳng ai biết chỗ anh ấy ở đâu cả. Tôi cảm động, tôi mới vào nói chuyện với ông chồng tôi, ông chồng tôi nói, rứa em phải ra ngoài đó mà tin cho gia đình người ta để đem hài cốt của anh ấy về nghĩa trang ngoài quê mình cho nó gần gũi, thắp nhang hương khói cho anh kẻo tội. Hàng năm, đến ngày 27/7, tôi mua giấy áo thắp nhang cho anh”.

Cứ đến dịp 30/4 hàng năm, gia đình liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ lại vào Nghĩa trang Quốc gia đường 9, thắp nén hương tưởng nhớ người thân. Chiến sĩ Bùi Kim Đỉnh hy sinh trên đất Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, lúc anh 28 tuổi. Sau này, đồng đội đã mang chiếc ba lô có đựng các kỷ vật cùng 12 cuốn nhật ký từ chiến trường miền Nam về trao lại cho gia đình. Năm 2012, Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của người chiến sĩ trong suốt 8 năm trời trên chiến trường miền Nam, từ năm 1964 đến 1972.

Anh Bùi Hùng Tuấn, em trai của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh cho biết, gia đình phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị thành lập Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh, dùng một phần số tiền phát hành cuốn sách “Khát vọng sống và yêu” để gây quỹ khuyến học. Học bổng Bùi Kim Đỉnh được trao mỗi năm 1 lần vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4.

Anh Bùi Hùng Tuấn tâm sự, chúng ta đã đi qua cuộc chiến tranh, mọi người gác lại nỗi đau, chung tay xây dựng đất nước thịnh vượng, gìn giữ hòa bình: “Tôi nghĩ rằng để đất nước hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay thì bao thế hệ cha anh đã phải hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Và việc đi thăm viếng các liệt sĩ để bày tỏ lòng tri ân với các liệt sĩ. Thứ hai là đối với liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh anh đã để lại bộ nhật ký chiến trường, phổ biến nhật ký là những ước mơ, nguyện ước của các anh trước lúc hi sinh”- Anh Tuấn nói.

Tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Mảnh đất chịu nhiều nỗi đau chiến tranh quá lớn, khát vọng hòa bình càng lớn. Vùng đất Quảng Trị mạnh mẽ vươn dậy sau 48 năm thống nhất non sông. Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Trương Đức Hai ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho rằng: Đến Quảng Trị hôm nay, ngoài Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 thì mọi người còn nhìn thấy nhiều cánh rừng cao su, cà phê xanh tít tắp, những khu dân cư trù phú, khu du lịch biển Cửa Tùng, Cửa Việt đang đổi thay từng ngày. Những hình ảnh đó trên mảnh đất tưởng chừng không còn sự sống sau chiến tranh đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành điểm đến của những ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam.

Ông Trương Đức Hai khẳng định trên vùng đất thiêng Quảng Trị luôn nồng ấm khát vọng sống và yêu thương: “Ngày 30/4 ngày đất nước hoàn toàn giải phóng để lại trong ký ức bao người phấn khởi. Trong niềm vui chung thì cũng có những nỗi buồn, trong đó có những đồng đội, đồng chí, những người đã có quá trình cống hiến tuổi xuân, khi người ta chưa có gia đình và không gặp được người thân, hiện giờ có nhiều gia đình không tìm ra được những hài cốt của những liệt sĩ đó. Hằng năm không những cá nhân mà anh em còn lại luôn luôn đi thăm hỏi gia đình có những đứa con đã hy sinh cho quê hương. Năm nào cũng thế đến dịp 27/7, dịp lễ Tết, 30/4 anh em đồng đội đều đến nghĩa trang để tri ân đồng đội đã hy sinh”./.

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...