Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Đánh ghen, nhiều phụ nữ từ nạn nhân trở thành tội phạm

VOV.VN  Khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì mọi người cần phải thật sự bình tĩnh, tìm hiểu rõ và có những đánh giá chính xác nhất các vấn đề, rồi có những trao đổi thẳng thắn với nhau, tránh những quyết định vội vàng khi còn nóng giận.

Mới đây, vụ việc nhóm người đánh ghen cắt tóc, lột đồ cô gái giữa đường ở Bình Dương gây ám ảnh cho dư luận.

Những cảnh tượng đánh ghen, lột đồ dù không còn quá xa lạ trên mạng xã hội nhưng hình ảnh cô gái bị lột quần áo, cắt tóc giữa thanh thiên bạch nhật vẫn làm nhiều người ớn lạnh.

Từ người vợ, người mẹ trở thành người phạm tội

Trong rất nhiều vụ việc đánh ghen, nhiều người vợ từ vai trò là nạn nhân khi bị phản bội, chồng "cặp bồ" đã trở thành thủ phạm sau cuộc đánh ghen.

Điển hình như vụ tạt xăng đánh ghen ở Quảng Nam làm dư luận bàng hoàng. Theo thông tin vụ việc, nghi ngờ chồng có quan hệ tình cảm ngoài luồng, chị Nguyễn Thị Diễm Phượng và mẹ chồng tìm người phụ nữ chen chân vào gia đình để tưới xăng lên và châm lửa đốt.

Sau sự việc, chị Phượng và mẹ chồng bị khởi tố về tội "Giết người". Còn vụ việc ba người phụ nữ tại Bình Dương, cũng đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi “Làm nhục người khác”.

Dưới góc độ tình cảm, hành vi đánh ghen là một hành động, một dạng phản ứng có điều kiện. Nhiều khi hành động đó, được dư luận cổ vũ, tung hô, quay clip đưa lên mạng xã hội….Nhưng trong giây phút mất kiểm soát đó, nhiều người vợ, người mẹ đã biến mình thành tội phạm.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” Do đó, việc “đánh ghen” dùng bạo lực, chửi bới, đánh đập, cắt tóc, lột quần áo của “tình địch” giữa đường, hay ghi hình và đăng tải các clip, hình ảnh đánh ghen đó lên mạng internet đều là các hành vi xâm phạm trực tiếp và trái pháp luật đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì các hành vi này có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Phân tích từ vụ việc nhóm người đánh ghen cắt tóc, lột đồ cô gái giữa đường ở Bình Dương, luật sư Hùng cho rằng, hành vi cắt tóc, lột đồ người khác giữa đường (nơi công cộng, với sự chứng kiến của nhiều người) đã xâm hại nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có dấu hiệu của “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp có hành vi đánh đập, xâm hại sức khỏe gây thương tích cho người khác, thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, với mức phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội cố ý gây thương tích” (Điều 134 Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, các hành vi đánh ghen mà gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối, lầm mất trật tự công cộng. Tại Điều 318 Bộ luật hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” thì người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Đăng tải hình ảnh đánh ghen lên mạng xã hội có thể phạt tù 3 tháng đến 2 năm

Ngoài việc đánh ghen, việc đăng tải các clip, hình ảnh đánh ghen bạo lực, cắt tóc, lột hoặc xé quần áo lên mạng internet, theo luật sư Hùng cũng là hành vi xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, danh dự và nhân phẩm của người khác (được quy định tại Điều 20 và Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015).

“Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, mục đích vi phạm, thì người đăng tải các clip hoặc hình ảnh này lên mạng internet có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp chia sẻ thông tin “xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức”- luật sư Hùng phân tích.

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức; Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác”, với tình tiết định khung tăng nặng là “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, có khung hình phạt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (điểm e Khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự), hoặc “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Hùng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng (Khoản 1 Điều 2);  Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình (Khoản 1 Điều 19); Nghiêm cấm “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” (điểm c Khoản 1 Điều 5).

Không thể giải quyết cái sai đó bằng một cái sai khác

Hành vi ngoại tình là trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: Các hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”, hoặc “chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ” thì có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Còn trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng (làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” (Điều 182 Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Mặc dù việc ngoại tình là sai trái, vi phạm đạo đức xã hội, và mọi người đều có quyền bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình, nhưng không thể giải quyết cái sai đó bằng một cái sai khác, đánh ghen bằng bạo lực, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe, tính mạng của người khác cũng là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và đều có thể bị xử lý và phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, việc giải quyết các vấn đề này cần phải được thực hiện một cách văn minh, tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không ai có quyền “tự xử” bằng việc xâm hại trái pháp luật đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác.

Khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì mọi người cần phải thật sự bình tĩnh, tìm hiểu rõ và có những đánh giá chính xác nhất các vấn đề, rồi có những trao đổi thẳng thắn với nhau, tránh những quyết định vội vàng khi còn nóng giận, khi chưa có sự suy nghĩ và cân nhắc một cách thấu đáo, không nên có những lời nói và việc làm tổn thương lẫn nhau, làm trần trọng hơn mối quan hệ hôn nhân. Cũng đừng nghĩ đến việc “đánh ghen” hay làm “rùm beng” mọi chuyện. Bởi vì, những việc đó chỉ làm những người trong cuộc đều bị tổn thương và có thể khoét sâu hơn những mâu thuẫn vợ chồng. Đồng thời, người thực hiện việc “đánh ghen” cũng rất dễ vướng vào các rắc rối, thậm chí là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thay vào đó, mọi người hãy lựa chọn những cách ứng xử văn minh, có văn hóa, phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, để có thể bảo vệ tốt nhất hạnh phúc gia đình, tránh việc hôn nhân bị “đổ vỡ” và các hậu quả đáng tiếc khác có thể xảy ra./.

Đảng viên người Mã Liềng: "Tôi Hồ Phình, nguyện hết mình!"

VOV.VN - Ông Hồ Phình, ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong những người Mã Liềng đầu tiên ở địa phương này vào Đảng. Ngày ông Hồ Phình được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ bản, ông đã hứa trước bà con rằng: "Tôi Hồ Phình, nguyện hết mình!"

0 seconds of 5 minutes, 18 secondsVolume 90%


Con đường vào nhà ông Hồ Phình, 47 tuổi, ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa vòng vèo vắt qua mấy quả đồi. Trước đây, gia đình ông Phình thường xuyên thiếu ăn. Nhà có 6 người nhưng chỉ có 2 sào đất trồng hoa màu và 1 sào đất trồng lúa, năm nào mất mùa, cả nhà ông trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Không cam chịu cảnh nghèo đói, ông Hồ Phình tìm tòi thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Từ khoản tiền 50 triệu đồng vay của Ngân hàng chính sách xã hội, ông mua giống bò, lợn và cây giống để trồng rừng. Qua nhiều năm tích lũy, ông Hồ Phình có 5 ha rừng cùng nhiều trâu bò, lợn gà. Ông còn trồng thêm lúa, ngô…, thu hoạch từ lúa đủ ăn quanh năm, ngô dùng cho chăn nuôi lợn, gà. Kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Sự vươn lên của gia đình ông Hồ Phình đã thay đổi tư duy về làm kinh tế của bà con người Mã Liềng. Khi no đủ, có cái ăn, cái mặc, ông Phình viết đơn xin thoát nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn.

“Vẫn còn nhiều mặt khó khăn nhưng mà phải cố gắng, làm ăn phát đạt hơn nữa. Dù vẫn còn nghèo nhưng mình vẫn khấm khá hơn bà con một tý. Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo để Đảng, Nhà nước giúp đỡ người khó khăn hơn mình nữa. Những nhà khó khăn thì mình cũng giúp đỡ bà con, chưa biết làm vườn thì mình hướng dẫn bà con làm vườn.”, ông có suy nghĩ đơn giản như thế.

Ông Hồ Phình là một trong những người Mã Liềng đầu tiên được kết nạp vào Đảng và cũng là người đầu tiên tại xã Lâm Hóa viết đơn xin thoát nghèo. Lá đơn của ông không chỉ nhường nguồn hỗ trợ cho người khó khăn hơn mà còn là sự khích lệ bà con người Mã Liềng noi gương ông để thoát nghèo.

Ngày Hồ Phình được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ bản Kè, ông hứa chắc nịch: "Tôi Hồ Phình, nguyện hết mình!". Thế là ông luôn hết mình làm kinh tế gia đình, hết mình hướng dẫn bà con làm kinh tế và luôn hết mình trong công tác vận động dân bản chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hồ Phình mong muốn bản nghèo nơi ông sinh ra sẽ phát triển, đổi thay từng ngày, bà con ấm no hạnh phúc hơn. Bà Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, muốn vận động bà con Mã Liềng phát triển kinh tế thì các đảng viên phải làm trước, phải thoát nghèo trước, nói đi đôi với làm thì bà con mới tin theo. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, ông Hồ Phình còn đến từng nhà trong bản, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng rừng, tặng giống cây, con vật nuôi. Theo bà Cao Thị Vân, tấm lòng của ông Hồ Phình đã tiếp thêm nghị lực cho người Mã Liềng tự tin hơn khi thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế:

“Anh Hồ Phình đi từng nhà giải thích, động viên bà con, nếu gặp những khó khăn gì thì giúp đỡ. Để vận động bà con ở đây thì cán bộ “miệng nói kèm theo cầm tay chỉ việc” thì bà con mới hiểu được. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, giúp đỡ bà con rất nhiều, bà con ngày càng phát triển, có nhà ở, đường sá, điện sáng và có trường học cho học sinh.”

Người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa thuộc dân tộc Chứt, được vận động về định canh, định cư tại các bản Kè, Cáo, Chuối từ những năm 90 của thế kỷ trước. Xã Lâm Hóa có hơn 150 hộ với khoảng 650 nhân khẩu là người Mã Liềng. Những năm gần đây, nhờ sự trợ giúp từ các chương trình, dự án, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Mã Liềng đã quen dần với cuộc sống hiện đại. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bản Kè là một trong những bản dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác phát triển Đảng.

Ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, bản Kè là một trong những bản đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình có nhiều đảng viên, với 10 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên là người Mã Liềng. Trên cương vị là Phó Bí thư Chi bộ, ông Hồ Phình cùng các đảng viên tại bản Kè luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Theo ông Đinh Văn Bắc, Hồ Phình được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã 5 năm liền. Năm ngoái, ông là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác của Đảng viên phát huy được hiệu quả trong việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân về phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh tại các bản. Cuộc sống thay đổi rất nhiều, đặc biệt bà con tự giác trong phát triển kinh tế, xã hội.”, ông Bắc nói.

Ông Bùi Thanh Chuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, những năm qua, địa phương rất quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Tuyên Hóa có 44 đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn văn hóa dân tộc tại các bản làng nơi biên giới. 

“Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc phát triển Đảng viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số để ngày càng có nhiều đồng bào được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành hạt nhân, nòng cốt và là chỗ dựa, người tiên phong đi đầu trong vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách”- ông Bùi Thanh Chuyên cho hay./.

Gần 2 triệu thuê bao sắp bị khóa một chiều

30-31/3 là hai ngày cuối để các thuê bao sai thông tin đi chuẩn hóa nếu không muốn bị khóa liên lạc một chiều. Trong khi hiện vẫn còn gần 2 triệu thuê bao sai thông tin, theo số liệu của Cục Viễn thông.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối chiều 29/3, có 1,9 triệu thuê bao trên tổng số 3,85 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. Hiện vẫn còn 1,95 triệu thuê bao sai thông tin so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm hơn 50%.

Ông Nhã cho biết, hai ngày 30 và 31/3 sẽ là hạn cuối để các thuê bao sai thông tin thực hiện chuẩn hóa. Sau ngày 31/3, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định, sau khi khóa liên lạc một chiều, 15 ngày sau, nhà mạng sẽ thực hiện khóa 2 chiều với các thuê bao vẫn chưa chuẩn hóa. Một tháng sau khi khóa hai chiều, nhà mạng sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng, thu hồi số với các thuê bao vẫn chưa chuẩn hóa.

Trong khoảng thời gian này, chủ các thuê bao cần thực hiện chuẩn hóa qua các kênh như sử dụng ứng dụng di động, thực hiện trên trang web hay đến các điểm giao dịch của các nhà mạng. Những trường hợp gặp khó khăn trong đi lại có thể liên hệ với nhà mạng để được hỗ trợ tại nhà.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, sau ngày 31/3, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các mạng phải thông báo tới khách hàng và xây dựng nhiều kênh hỗ trợ chuẩn hoá thông tin (trực tuyến qua ứng dụng, trang web, đến trực tiếp cửa hàng hoặc nhân viên nhà mạng tới gặp khách hàng).

Các nhà mạng phải rà soát phân loại, cá thể hóa theo từng nhóm thuê bao cần chuẩn hoá để truyền thông, bảo đảm người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, dễ dàng cập nhật, đồng thời tránh làm phiền khách hàng đã có thông tin đúng.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội. Từ đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục…

Thuê bao chưa chính chủ có bị khóa liên lạc?

Hiện nay, xuất hiện tình huống nhiều thuê bao chưa chính chủ nhưng không nhận được thông báo của nhà mạng về việc chuẩn hóa thông tin. Giải thích cho tình huống này, đại diện các nhà mạng cho biết, lần thực hiện chuẩn hóa này tập trung vào các thuê bao có thông tin đăng ký chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với các thuê bao có thông tin đăng ký trùng khớp nhưng chưa chính chủ (thông tin đăng ký đứng tên người khác) sẽ không bị khóa liên lạc trong dịp này.

Dù vậy, nhà mạng đề nghị thuê bao chưa chính chủ nhanh chóng đăng ký thông tin thuê bao để tránh những rủi ro về pháp lý như tranh chấp thuê bao. Đặc biệt, thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công của khách hàng, nhất là dịch vụ cần được xác thực, thông báo qua số điện thoại cá nhân.

Để kiểm tra xem thuê bao của mình đã chính chủ hay chưa, khách hàng nhắn tin TTTB gửi 1414, nếu phát hiện sai lệch thông tin hoặc chưa chính chủ thì cần đến điểm giao dịch của nhà mạng để đăng ký thông tin thuê bao.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng lưu ý, thuê bao chỉ thực hiện chuẩn hóa khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các nhà mạng nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin để lừa đảo. Cụ thể, với Viettel, khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin khi nhận được tin nhắn có định danh VIETTEL hoặc cuộc gọi từ số 02462660198 (tên hiển thị VIETTELCSKH) và 02466888098 (tên hiển thị VIETTELCARE). Với VinaPhone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh VinaPhone, cuộc gọi từ số 0888001091, 0911001091 hoặc cuộc gọi hiển thị VinaPhone. Với MobiFone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh MobiFone hoặc cuộc gọi từ số 9090./.

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Chuyện về những người đi "mở đường" hoạt động đàm phán các hiệp định thương mại

[CAND] Trong chặng đường 70 năm phát triển, lực lượng An ninh kinh tế nói chung, Cục An ninh kinh tế nói riêng đã có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước. Một trong những chiến công nổi bật đó là việc tham mưu với Đảng, Nhà nước và Bộ Công an các chủ trương, chính sách pháp luật và chương trình, kế hoạch trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là quá trình đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có FTA.

1.Năm 2010, Cục An ninh kinh tế (trước là Cục An ninh kinh tế tổng hợp) được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ là thành viên tổ Tổng hợp của Đoàn đám phán Chính phủ, chủ trì tiến hành công tác bảo đảm an ninh quốc gia đối với các hoạt động đàm phán các hiệp định thương mại. Vào thời điểm đó, các cán bộ Cục An kinh tế tham gia nhóm Tổng hợp của Đoàn đàm phán rất lo lắng. CPTPP và EVFTA là 2 FTA thế hệ mới với mức độ tự do hoá cao, phạm vi tự do hoá rộng với nhiều cam kết mà Việt Nam chưa từng ký kết trong bất cứ bản hiệp định nào. Đồng thời, từ trước đến nay, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an chưa từng đàm phán, ký kết và thực thi bất cứ một FTA nào, bởi đây là nhiệm vụ của các bộ, ngành phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Vì thế, việc xây dựng phương án, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thực sự là một thử thách rất lớn đối với các thành viên của nhóm Tổng hợp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong khi đó, các đối tác tham gia FTA có thể chế chính trị, xã hội, trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế hoàn toàn khác biệt với Việt Nam. Đảm bảo an ninh quốc gia là điều kiện, tiền đề quan trọng để nền kinh tế nước ta gia tăng sức mạnh nội lực, năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, có những bước phát triển vững chắc trong bối cảnh tình hình thế giới biến động. Nhưng làm thế nào để cùng lúc vừa đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nhớ lại.

Cán bộ Cục An ninh kinh tế tham gia tổ Tổng hợp của Đoàn đàm phán Chính phủ.

Khi đó, các thành viên của Tổ đàm phán, trong đó có cán bộ Cục An ninh kinh tế đều nhận thức rằng, tham gia các FTA sẽ mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song không vì thế mà ký kết hiệp định bằng mọi giá. Quá trình đám phán phải đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. “Ngay từ những ngày đầu tiến hành các hoạt động đàm phán các FTA thế hệ mới, tôi đã chủ động đánh giá, dự báo chính xác những vấn đề phức tạp của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và khai thác có hiệu quả những thời cơ do quá trình hội nhập quốc tế mang lại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Trung tướng Nguyễn Đình Thuận cho biết. Khi đó, các thành viên của tổ công tác đã ngày đêm nghiên cứu các tài liệu trong nước và quốc tế. Từ đó, phân tích, đánh giá các thông tin để tổng hợp, phân tích… Trong quá trình đó, các trinh sát Cục An ninh kinh tế đã thể hiện sự mưu trí, linh hoạt, chủ động kết hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu chiến lược. Từ đó, kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ tham mưu cho Chính phủ và trao đổi với các bộ, ngành chức năng về những vấn đề liên quan đến an ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong đàm phán FTA với các nước nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế và chủ quyền lãnh thổ…

2. Hoạt động đàm phán chủ yếu diễn ra ở nước ngoài; nhiều phiên kéo dài thâu đêm, nhiều phiên chênh lệch về múi giờ… Đó là những khó khăn mà các cán bộ Cục An ninh kinh tế tham gia tổ Tổng hợp của Đoàn đàm phán Chính phủ gặp phải trong quá trình đám phán. Vì thế, lãnh đạo Cục An ninh kinh tế phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, nắm vững từng chi tiết của cam kết để có thể đưa ra những phương án tối ưu nhất trước sức ép rất lớn từ phía đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn… Tuy nhiên, với sự mưu trí, đánh giá chính xác tình hình, cán bộ Cục An ninh kinh tế đã cùng các thành viên của Tổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự thành công của việc ký kết hiệp định, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Cho đến bây giờ, các trinh sát Cục An ninh kinh tế còn ấn tượng lần đàm phán CPTPP, cuộc hội đàm này diễn ra bên lề của hội nghị APEC 2019. Phiên đàm phán diễn ra đến 1 giờ sáng… Sau một ngày làm việc vất vả, anh em ai cũng thấm mệt nhưng niềm vui của họ vỡ oà vì một số điều khoản được đàm phán thành công.

Mỗi cuộc đàm phán là một cuộc “đấu trí”. Song trong quá trình đó, các trinh sát Cục An ninh kinh tế là thành viên của tổ Tổng hợp của Đoàn đàm phán Chính phủ đã sáng tạo, dũng cảm, chấp nhận khó khăn, thử thách khi đề xuất, xử lý những tình huống mới, chưa từng có tiền lệ trong công tác Công an. Trên cơ sở các thông tin nắm bắt được, lãnh đạo Cục An ninh kinh tế đã báo cáo lãnh đạo Bộ, tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất phương án đàm phán nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia. Những thông tin, tài liệu của Cục An ninh kinh tế cung cấp là cơ sở quan trọng để các nhóm đàm phán nghiên cứu, sử dụng, đánh giá các nội dung, phục vụ công tác đàm phán, góp phần không nhỏ vào thành công của việc đàm phán, ký kết các FTA đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh quốc gia trong điều kiện mới.

Vất vả nhất có lẽ là những ngày, đêm nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của lĩnh vực mua sắm công vụ phục việc rà soát, xây dựng bản chào mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ của Bộ Công an; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng bản chào mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ thuộc lĩnh vực do Bộ Công an phụ trách. Qua nghiên cứu chi tiết, cụ thể của cam kết, các thành viên của tổ đàm phán đã tính toán phương án tối ưu nhằm tuân thủ thực thi cam kết những vấn đề đảm bảo các yếu tố giữ vững an ninh quốc gia.

Khi tham gia vào các FTA thế hệ mới, những tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp nhất thế giới, chưa từng có trong lịch sử thương mại quốc tế CPTPP, EVFTA, các cam kết về doanh nghiệp Nhà nước được cụ thể hoá, nâng cấp và yêu cầu cao ở nhiều hoạt động.

Để phục vụ hoạt động đàm phán mang lại những lợi ích tối đa cho quốc gia; nhận thấy thông tin là yếu tố quan trọng để các nhóm đàm phán có cơ sở đưa ra những phương án tối ưu nhất. Những thông tin được cung cấp kịp thời đã hỗ trợ không nhỏ cho các nhóm đàm phán trao đổi, đánh đổi các lợi ích trong tiến trình đám phán nhằm đem lại lợi ích cho Việt Nam trong quá trình thực thi các hiệp định. Từ các cuộc đàm phán, lãnh đạo Cục An ninh kinh tế đã chỉ đạo các trinh sát ngay từ đầu đánh giá tác động của cam kết để từ đó đề xuất các biện pháp chủ động. Trên cơ sở đánh giá này, các bộ, ngành đã nghiên cứu để xây dựng phương án đàm phán cân bằng lợi ích, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia.

Ngoài ra, cán bộ của Cục An ninh kinh tế tham gia ý kiến đối với bản chào mở cửa thị trường các mặt hàng, mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư và các vấn đề phi thương mại khác dưới góc độ an ninh. Đây là những nội dung quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên các góc độ kinh tế và an ninh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đàm phán. Đến nay, việc tham gia FTA đã và dự kiến sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đánh giá, các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước; kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội hợp tác về vốn, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; toàn cầu hoá, hợp tác và liên kết kinh tế đa tầng tiếp tục dược thúc đẩy thì việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch kinh tế, Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Xuân Mai

Ngăn chặn có hiệu quả các thông tin xấu độc liên quan đến ngành công thương

Ngày 29-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Công Thương, Trưởng ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương chủ trì lễ phát động.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng cơ quan, đơn vị; của cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động ngành công thương.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Công Thương, Trưởng ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương chủ trì lễ phát động.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, các tác giả tham dự cuộc thi cần tập trung tuyên truyền, gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn phát triển của ngành công thương, nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên cơ sở sự gương mẫu, nghiêm túc và chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tích cực, xây dựng trong công việc; chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội về những nội dung sai trái liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành công thương.

Tăng cường nêu bật các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các cơ quan, tổ chức, lĩnh vực thuộc ngành công thương, cũng như khẳng định được những thành tựu, đóng góp to lớn của ngành trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều dấu ấn nổi bật trên các mặt công tác để từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn ngành.

Chú trọng những nội dung mang tính định hướng nhận thức về ngành công thương cũng như những nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó giúp tăng cường nhận thức, sẻ chia và đồng thuận xã hội với các khó khăn, thách thức mà ngành Công Thương cũng như cả hệ thống chính trị đang đương đầu nhằm “tiếp tục đổi mới, vươn tới những đỉnh cao” trong sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, đối tượng dự thi là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động đang công tác ở Bộ Công Thương và bạn đọc cả nước. Mỗi tác giả/nhóm tác giả có thể gửi bài dự thi với số lượng không giới hạn.

Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi bắt đầu từ khi phát động cuộc thi cho đến hết ngày 30-5-2023 (tính theo dấu bưu điện).

Quang cảnh lễ phát động. 

Địa chỉ nhận tác phẩm và hồ sơ dự thi: Văn phòng Báo Công Thương-Tầng 10&11, Toà nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trên tác phẩm dự thi và ngoài bì thư ghi rõ “Tác phẩm Cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Hoặc gửi qua Email: cuocthibvnttt.bct@gmail.com

Lễ công bố và trao giải Cuộc thi được tổ chức vào cuối tháng 6-2023. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và vinh danh cho các tác giả/tác phẩm theo cơ cấu 24 giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 8 giải Khuyến khích, 5 giải Chuyên đề.

Sau khi kết thúc cuộc thi Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương dự kiến sẽ lựa chọn các tác phẩm, tác giả tiêu biểu để thực hiện cuốn sách về ngành Công Thương với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; phát hành sâu rộng trong toàn ngành và tới bạn đọc cả nước.

Nội dung thể lệ, thông tin chi tiết về cuộc thi xin truy cập: https://congthuong.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang

Tin, ảnh: VŨ DUNG

 

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...