(TG) - “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”(1) là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng và hệ thống chính trị, của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Ảnh minh họa |
NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG CỦA TOÀN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường của
tình hình thế giới, khu vực; những thuận lợi, thời cơ, triển vọng và cả những
khó khăn, thách thức mới của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất
nước… đã xuất hiện và phát triển những quan điểm sai trái, thù địch với nhiều cấp
độ, trình độ và hình thức biểu hiện từ nhiều đối tượng khác nhau. Những quan điểm
này của các thế lực thù địch; các phần tử phản động, thoái hóa, cơ hội chính
trị, bất mãn và có cả những người trong nội bộ chúng ta do trình độ lý luận,
trình độ nhận thức chính trị yếu kém mà nảy sinh những quan điểm sai trái, đang
tấn công toàn diện, vừa trực tiếp vừa gián tiếp vào những vấn đề về tư tưởng,
chính trị đến các vấn đề xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh; từ những vấn đề
về đối nội đến các vấn đề đối ngoại; từ những vấn đề về chủ trương, chính sách
đến các vấn đề thuộc tổ chức thực hiện; từ con người đến tổ chức, đặc biệt là tổ
chức Đảng; từ quá khứ, lịch sử đến hiện tại và cả tương lai phát triển của dân
tộc; từ cả những thành tựu, ưu điểm đến những hạn chế, nhược điểm, khó khăn,
thách thức đối với chúng ta…Điều đó đã và đang gây nên nhiều nguy hại đối với sự
nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội
chủ nghĩa. Đáng chú ý là, những quan điểm sai trái, thù địch chống phá chúng ta
được các thế lực thù địch và những kẻ đưa ra cố tình luận chứng và khoác cho một
cái vỏ “khoa học và khách quan”, vì dân, vì nước, vì sự phát triển của quốc gia
dân tộc Việt Nam. Nhiều người trong số họ còn có trình độ học vấn, trình độ lý
luận khá cao. Đây thực sự là khó khăn, thách thức đối với chúng ta trong việc
làm thế nào để đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch một cách
có hiệu quả.
XÂY DỰNG LÝ LUẬN SẮC BÉN ĐỂ ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÓ HIỆU QUẢ CÁC QUAN ĐIỂM
SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, nhất thiết chúng ta phải
xây dựng được hệ thống lý luận thật sự sắc bén. Lý luận sắc bén thực chất là
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được các chủ thể nhận thức đúng
đắn, thật sự sâu sắc trên lập trường của giai cấp công nhân, nắm vững bản chất
cách mạng và khoa học, làm tươi mới và vận dụng sáng tạo, phát triển trong đời
sống xã hội, trong thực tiễn đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch. Lý luận sắc bén để đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái,
thù địch còn là đường lối đúng đắn của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với thực tế Việt Nam.
Nội hàm cơ bản và tính thực tiễn của lý luận sắc bén biểu hiện ở chỗ,
nó phải có đủ sức, đủ khả năng vạch rõ được âm mưu, thủ đoạn, tính chất sai
trái, phản khoa học, phi lịch sử, tính chất nguy hại... của các quan
điểm sai trái, thù địch, phải đấu tranh, phản bác thật sự thuyết phục. Thực
tế, lý luận đấu tranh, phản bác của chúng ta đôi lúc còn thiếu độ sắc bén, tính
thuyết phục chưa cao. Không ít bài viết đấu tranh mới chủ yếu nhấn mạnh tính chất
phản động, chống Đảng, chống chế độ, mà chưa vạch rõ được tính chất sai trái,
phản khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch.
Một số công trình khoa học, tác phẩm, bài đấu tranh còn thoát ly, xa
rời thực tiễn xã hội và thực tế đấu tranh, đưa ra quan điểm ở dạng mô phỏng,
minh họa đường lối, quan điểm của Đảng, thậm chí mô phỏng còn hời hợt, nông cạn
và chưa cắt nghĩa được đủ độ sâu các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Không ít công
trình nghiên cứu sử dụng các luận điểm kinh điển chỉ để minh họa, không phân
tích sâu sắc bản chất của các sự vật, hiện tượng, làm cho chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị xơ cứng, thiếu tính sáng tạo, sống động, nên đấu
tranh, phản bác kém hiệu quả.
Xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm
sai trái, thù địch là một vấn đề tất yếu, rất cấp thiết và đặc biệt quan trọng
hiện nay. Đó không phải là hoạt động tức thì, mà là một quá trình luôn gắn chặt
với thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch. Quá trình xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh phản bác,
cũng đồng thời là quá trình vận dụng, đưa lý luận vào thực tiễn đấu tranh, phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận gắn
bó chặt chẽ, đảm bảo cho nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch có hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác cần
quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận là đem thực tế
trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu xem xét, so sánh thật
kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó
là lý luận chân chính”(2).
TRIỂN KHAI HỆ THỐNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN
Trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc
các quan điểm của Đảng về công tác lý luận, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là các quan điểm
trong Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng
nghiên cứu đến năm 2030”; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch trong tình hình mới”; Quy định số 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Dân
chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước”. Đồng
thời phải thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó tập trung
vào một số điểm chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.
Yêu cầu cơ bản đặt ra đối với công tác nghiên cứu lý luận là phải nắm
chắc hơn, sâu sắc hơn những nguyên lý lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm chắc hơn đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đấu tranh, phản bác.
Cần làm rõ những giá trị bền vững; những luận điểm lý luận đã bị lịch sử vượt
qua, hoặc từng bị hiểu sai; những luận điểm lý luận không còn phù hợp với thực
tế hiện nay.
Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay chúng ta cần thực hiện tốt
công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với phương pháp thực sự khoa học.
Nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về kinh điển. Nếu không nắm chắc lý luận,
không hiểu một cách sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì
không thể làm sáng tỏ được thực tiễn của đời sống xã hội rất phong phú sinh động,
không ngừng biến động và càng không thể phát triển được lý luận. Đồng thời, cần
quan tâm nghiên cứu các trào lưu tư tưởng, các lý thuyết mới trên quan điểm
khách quan và biện chứng, tiếp thu những giá trị tiến bộ.
Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta đang diễn ra
trong sự vận động của thế giới đương đại với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhiều vấn đề thực tiễn bức thiết đòi hỏi phải được làm sáng tỏ; nhiều vấn đề lý
luận cần được bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Điều đó đòi hỏi càng phải thực
hiện tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với phương pháp thực sự
khoa học. Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh đòi hỏi các chủ thể nghiên cứu vừa phải đứng vững trên lập trường cách
mạng, lập trường của giai cấp công nhân vừa phải thực hiện việc nghiên cứu với
một tinh thần và phương pháp khoa học nghiêm túc, đúng đắn. Phải quán triệt
nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, lấy thực tiễn làm điểm xuất phát
và điểm đến của nghiên cứu lý luận; nghiên cứu lý luận, vận dụng và phát triển
lý luận phải dựa chắc trên cơ sở hiện thực. Kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện
của bệnh chủ quan duy ý chí, cực đoan, phiến diện, bảo thủ, trì trệ, hời hợt, đại
khái trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.
Hai là, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận giỏi, có
trình độ cao.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận giỏi, có trình độ cao là cốt “vật chất”
và là yêu cầu cơ bản trong xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có
hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Vấn đề cấp thiết mà Đảng ta xác định là phải: “Đầu tư thích đáng cho việc
xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm
thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành”[3]. Theo đó, các chế độ, chính
sách cần tạo động lực cho lực lượng này đi sâu vào chuyên môn để trở thành những
chuyên gia lý luận giỏi thật sự, chứ không phải hướng họ theo “con đường quan
chức”. Phải tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu lý luận trong tự học, tự bồi dưỡng
lý luận; gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, kiên quyết khắc phục bệnh lười học,
lười nghiên cứu hoặc học lý luận để đối phó, chạy theo bằng cấp để có điều kiện
tiến thân nơi công quyền.
Mỗi cơ quan khoa học, cơ sở nghiên cứu cần chủ động với sự đầu tư thỏa
đáng hơn trong việc xây dựng, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu lý luận một cách toàn
diện, đặc biệt chú ý bồi dưỡng nâng cao trình độ tư duy lý luận, khả năng nắm
chắc “ta” và “địch”, đối tượng, đối tác trong đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch. Cán bộ lý luận phải nắm chắc nội dung, ý đồ tư
tưởng, dụng ý, mưu đồ, các góc độ ảnh hưởng, tác động của các quan
điểm sai trái, thù địch, bối cảnh và lực lượng, chủ thể cụ thể đưa
ra quan điểm sai trái, thù địch đó...Càng nắm kỹ, đầy đủ những yêu
cầu trên, thì càng có cơ sở đấu tranh, phản bác, phê phán một cách
có hiệu quả, làm suy giảm và mất hiệu lực, làm giảm ảnh hưởng và
tác động xấu của quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời chúng ta
mới có thể sử dụng đúng, dùng đủ lý luận, luận cứ và đúng bút
pháp đấu tranh, nâng cao chất lượng đấu tranh.
Bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận phương pháp khoa học
trong nghiên cứu lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh; phương pháp đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Khắc phục tình trạng xa rời thực
tiễn, không bám chắc vào thực tiễn cách mạng sôi động của đất nước, thực tiễn đấu
tranh lý luận. Tăng cường đưa các nhà khoa học, lý luận ra nước ngoài học tập,
bồi dưỡng, tham gia các hội thảo quốc tế, trao đổi chuyên gia, học thuật, tiếp
cận thông tin, hợp tác nghiên cứu với các cơ quan khoa học nước ngoài. Cần chuẩn
bị tốt về nhận thức chính trị, chuyên môn, phong cách, ngoại ngữ cho cán bộ lý
luận trong hợp tác quốc tế về lý luận.
Ba là, xây dựng các cơ quan nghiên cứu lý luận thực sự vững mạnh.
Xây dựng cơ quan nghiên cứu lý luận mạnh có nhiều việc phải làm, song
điều quan trọng là phải chú ý giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan nghiên cứu
lý luận với đội ngũ cán bộ lý luận. Có cơ quan nghiên cứu lý luận mạnh mới có
cán bộ lý luận mạnh; cán bộ lý luận mạnh lại là “cốt vật chất” bảo đảm cho cơ
quan nghiên cứu lý luận mạnh. Không thể có cơ quan nghiên cứu lý luận mạnh, nếu
không có được đội ngũ cán bộ lý luận mạnh; đội ngũ cán bộ lý luận mạnh chỉ có
thể phát huy tốt sức mạnh và trình độ lý luận của mình trong một môi trường làm
việc thuận lợi của cơ quan nghiên cứu lý luận thực sự vững mạnh. Đó là mối quan
hệ hữu cơ, phải được nhận thức, giải quyết tốt trong thực tiễn xây dựng các cơ
quan nghiên cứu lý luận hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, cần “tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức,
phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan
nghiên cứu lý luận”(4); kiện toàn hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng;
sắp xếp lại các cơ quan cho phù hợp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu
quả, chú ý đặc thù hoạt động khoa học của từng cơ quan. Đổi mới cơ chế quản lý
hoạt động lý luận, thực hiện tốt dân chủ trong nghiên cứu lý luận. Xây dựng cơ
chế gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, giữa công tác nghiên
cứu lý luận và công tác đào tạo, giảng dạy lý luận, giữa cán bộ lý luận và cán
bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Quan tâm xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ
quan lý luận với nhau; giữa các cơ quan lý luận với các cơ quan chỉ đạo đấu
tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch; giữa các cơ quan lý luận với các cơ quan tư vấn, hoạch định chính
sách, cơ quan tham mưu, cơ quan chỉ đạo thực tiễn./.
Thiếu tướng, PGS. TS. NGƯT NGUYỄN VĂN THẾ
----------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.183.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2011, tr. 273.
(3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.182, 182.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét