Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã và đang trở thành xu hướng tất yếu để báo chí có thể hoà mình cùng dòng chảy của xã hội. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số hiện nay kéo theo sự thay đổi của độc giả trong cách thức tiếp nhận thông tin, chuyển đổi số báo chí là đòi hỏi mang tính sống còn bởi không chuyển đổi số thì sẽ mất độc giả.
Dù rằng chuyển đổi số là “cuộc chơi” bắt buộc song tiến trình này cũng sẽ đặt ra không ít
thử thách đối với các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số
hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới,
sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với
môi trường chuyển đổi số.
Với truyền thống năng động, sáng tạo, báo chí phải là lực lượng đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số (Ảnh minh hoạ). |
Báo chí sẽ mất độc giả nếu không chuyển đổi số
Tại diễn đàn chuyển đổi số báo chí diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn
quốc năm 2022, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban
Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt
Nam khẳng định: “Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm
ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều thay đổi về công
nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán
thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hoá". Tuy vậy,
đồng chí Lê Quốc Minh cũng thừa nhận hiện nay nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu
rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số
chương trình phần mềm và cho đó là mình đã thực hiện chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà
còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố nhưng nếu
lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn
ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn
cũng cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ
digital (kỹ thuật số) cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển
sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.
Cũng theo đồng chí Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của
các cơ quan báo chí hiện nay song không phải cơ quan báo chí nào cũng có được
các chiến lược chuyển đổi số cụ thể. Những yếu tố để chuyển đổi số thành công
bao gồm: có những lãnh đạo am hiểu công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ
nhân viên của tương lai; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới;
tăng cường sử dụng các công cụ digital. Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho biết, hiện
nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam cũng như
các cơ quan truyền thông lớn đang phối hợp để có định hướng, hướng dẫn các cơ
quan báo chí xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt
Nam cũng cho rằng: Với tư cách là một ngành nghề luôn phản ứng nhanh nhạy với mọi
biến động xã hội, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Vì thế,
báo chí tất nhiên phải là lĩnh vực đi đầu trong công cuộc này. Thậm chí, để có
thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, chuyển đổi số phải là xu thế
tất yếu của báo chí hiện nay. Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, ngày
càng xuất hiện những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như
longform, e-magazine, mega-story, infographics… và chắc chắn trong tương lai sẽ
còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa.
Trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí hiện nay đang tập
trung phát triển báo điện tử, xây dựng fanpage trên Facebook, lập kênh YouTube
để tạo ra những đường dẫn giúp người đọc có thông tin nhanh, đúng và hiệu quả
nhất. Ngoài ra, các xu hướng báo chí đang thịnh hành trên thế giới đều gắn một
phần hay hoàn toàn với hoạt động chuyển đổi số như xu hướng báo chí đa nền tảng,
báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…
“Cũng giống như một số lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong báo chí không
đơn thuần là đưa thông tin lên mạng Internet, nó còn phải thể hiện ở cả các hoạt
động mang tính cốt lõi, đó là sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động
của các cơ quan báo chí. Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa
phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm; có sự thống nhất và phân
chia nhiệm vụ giữa các bộ phận xuất bản in, phát thanh, truyền hình, điện tử, để
làm sao thông tin đến với công chúng hiệu quả nhất” - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn
mạnh.
Xây dựng nền tảng chung hỗ trợ báo chí chuyển đổi số
Chia sẻ về hành trình chuyển đổi số của một trong những nhật báo có số
lượng phát hành lớn nhất cả nước, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo
Tuổi trẻ cho rằng, ở giai đoạn đầu, việc triển khai cũng khá gian nan. Nhưng với
quyết tâm chuyển đổi, tờ báo đã kiên trì và cương quyết chuyển đổi số mạnh mẽ.
Với quan điểm bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó, Báo Tuổi trẻ đã quyết tâm lên mạng
cùng bạn đọc bởi "bạn đọc lên mạng, báo chí cũng phải lên mạng, phải chuyển
đổi số".
Về giải pháp chuyển đổi số, nhà báo Lê Xuân Trung gợi ý từ kinh nghiệm
của Báo Tuổi trẻ là có thể cân nhắc 3 phương án: một là tuyển người để có lực
lượng tại chỗ làm công nghệ, hai là thuê công ty bên ngoài, ba là lực lượng tại
chỗ phối hợp với thuê bên ngoài. Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông
tin Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Đinh Đắc Vĩnh cũng cho biết, để có sự thay đổi
về tư duy, nhận thức trong chuyển đổi số, VTV đã trải qua quá trình dài và phải
mất vài năm mới có được nhận thức vấn đề và lại phải tiếp tục thay đổi theo xu
thế chung.
"Chúng tôi xác định, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số
không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng
phải vào cuộc" - ông Đinh Đắc Vĩnh chia sẻ. Còn theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ
tịch Le Group of Companies, có ba vấn đề trọng tâm mà các toà soạn phải giải
quyết trong chuyển đổi số, gồm: Mô hình vận hành tòa soạn, doanh thu và công
nghệ.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng
Cục Báo chí, Bộ TT&TT nhìn nhận: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nên những
cá nhân, những bộ phận không thay đổi sẽ không có chỗ trong “cuộc chơi” báo chí
mới. Bên cạnh cơ hội, chuyển đổi số cũng sẽ đặt ra không ít thách thức và khó
khăn nhưng hãy quyết tâm biến khó thành dễ. Vấn đề đặt ra là các cơ quan báo
chí phải tìm được cách đi, cách làm riêng; cơ quan báo chí và Nhà nước sẽ cùng
phối hợp.
“Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển
đổi số. Trước đây Nhà nước hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ
quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành thì
nay Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số” -
đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Bày tỏ sự đồng cảm với việc hiện một số cơ quan báo chí vẫn còn chậm
chuyển đổi số bởi lãnh đạo báo chí, phóng viên đều không nắm bắt được nhiều về
công nghệ, không biết bắt đầu từ đâu, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số lại lớn,
song Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn vẫn cho rằng, báo chí phải khắc phục
khó khăn để chuyển đổi số vì đó là “cuộc chơi” bắt buộc, nếu các tờ báo không
muốn mất độc giả. Các cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số hiệu quả phải thay đổi
từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn,
trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực
hiện ngay: Thứ nhất là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí.
Thứ hai là quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung, việc này cần một nguồn kinh
phí đầu tư rất lớn.
Để giải quyết những khó khăn này cho các cơ quan báo chí, Bộ TT&TT
đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn đảm bảo độc lập chủ quyền trên
không gian mạng. Hiện nay Bộ TT&TT đang đề xuất với Chính phủ đầu tư nền tảng
lớn dùng chung cho 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đặc biệt, với vai trò dẫn dắt
chuyển đổi số, Bộ TT&TT cũng sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng
chung, tránh tình trạng cùng một nền tảng, nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch
quá lớn giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng khuyến khích các báo
đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư xây dựng, phát triển những nền tảng riêng,
các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT nhìn nhận: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nên những cá nhân, những bộ phận không thay đổi sẽ không có chỗ trong “cuộc chơi” báo chí mới. Bên cạnh cơ hội, chuyển đổi số cũng sẽ đặt ra không ít thách thức và khó khăn nhưng hãy quyết tâm biến khó thành dễ. Vấn đề đặt ra là các cơ quan báo chí phải tìm được cách đi, cách làm riêng; cơ quan báo chí và Nhà nước sẽ cùng phối hợp.
Huyền Thanh - Báo điện tử CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét