Vụ việc 6 cô gái mới đây bị đưa sang Campuchia theo lời mời từ một người lạ quen biết qua mạng xã hội, nhưng may mắn được Cục Cảnh sát hình sự phát hiện và đưa về trao trả cho gia đình an toàn, đã khiến dư luận rất lo lắng, bức xúc về tình trạng các cá nhân, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc trái phép hiện nay.
Trong loạt bài này, Chuyên đề An ninh thế giới sẽ giúp bạn đọc hình
dung về thực trạng đang gây bức xúc dư luận, đồng thời cảnh báo tới các nạn
nhân, đặc biệt là những thanh niên mới lớn, cần phải hết sức cảnh giác trước những
lời rủ rê, những đối tượng quen biết qua mạng xã hội về miền đất hứa với việc
nhẹ lương cao...
Bài 1: Ký ức kinh hoàng nơi đất khách
1. May mắn trở về nước sau nhiều tháng làm việc tại một casino ở
Campuchia, em T.T.D (sinh năm 2003, ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) vẫn
còn sợ hãi mỗi khi nhớ lại quãng thời gian bên Campuchia. Đầu năm 2022, qua mạng
xã hội, D được một người bạn cũ ở Nam Định rủ sang Campuchia làm việc nhẹ
nhàng, lương cao mà không cần giấy tờ, không cần tiền, mọi chi phí sang
Campuchia đều có người lo hết.
Công an thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa làm việc với một trường hợp xuất cảnh trái phép sang Campuchia vừa trở về. |
Ngày 14-2-2022, D cùng bạn vào TP. Hồ Chí Minh gặp một người đàn ông và
được người này đưa lên cửa khẩu Long Bình, cả nhóm vượt biên sang Campuchia. D
được đưa vào sòng bạc ngay cạnh cửa khẩu. Bước qua cánh cửa sòng bạc cũng là
lúc D không liên lạc được với người đàn ông đi cùng nữa và được chủ sòng bạc
thông báo là mình đã bị bán với số tiền 2.700 USD.
Biết bị lừa nhưng thân cô thế cô nơi đất khách quê người, D đành chấp
nhận làm việc với hy vọng có tiền để tìm cách về nước. Sau 3 tháng làm công việc
bưng bê nước, phục vụ khách ở casino thì D nhận được thông báo đã bị bán tiếp
cho một công ty khác với giá 4.600 USD. Tại công ty mới, D được phát cho máy
tính, điện thoại để tư vấn những nội dung được các đối tượng lập trình sẵn cho
khách đánh bạc qua mạng.
“Mỗi ngày em phải làm việc 14-15 tiếng, liên tục bị bảo vệ cầm súng kiểm
tra, đe dọa nếu lơ là. Mọi sinh hoạt đều khép kín trong khuôn viên của công ty,
không ai được phép bước chân ra ngoài. Trong khoảng thời gian làm việc ở đây,
em không nhận được một đồng lương nào. Lí do đưa ra là trừ vào chi phí sinh hoạt
và tiền môi giới sang Campuchia. Khi em và người bạn xin nghỉ việc thì được chủ
công ty nói phải nộp tiền chuộc với số tiền 140 triệu đồng/người, nếu không thì
sẽ bị bán tiếp sang công ty khác. Không còn cách nào khác, em phải gọi điện về
nhà cầu cứu gia đình để gửi tiền sang đưa cho các đối tượng để được trở về
quê”, D cho biết.
Ngồi cạnh con, chị Trần Thị Chung cho biết: “Hôm con gọi về thông báo
tình hình công việc bên Campuchia và cầu cứu bố mẹ gửi tiền sang chuộc thì
chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Vợ chồng tôi đã chạy vạy khắp nơi vay mượn, cắm
cả sổ đỏ căn nhà đang ở gom góp được 140 triệu đồng gửi sang chuộc con về.
2. Cũng như D., khi gặp chúng tôi, em N.V.B, ở huyện Quảng Xương, Thanh
Hóa vẫn chưa hết hoảng sợ. Theo lời kể của B, em được một người bạn giới thiệu
sang Campuchia làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Sẵn biết chút ngoại
ngữ và công nghệ thông tin nên em liều thử vận may với hy vọng tìm được công việc
làm nhàn hạ, lương cao bên miền đất hứa Campuchia.
Nhưng, sang đến Campuchia, niềm hy vọng của B đã sụp đổ hoàn toàn. Nơi
mà em được đưa đến để làm việc là một khu nhà được bao bọc bởi những bức tường
cao chót vót, phía trên giăng thép gai trông như nhà tù; bên trong nhóm bảo vệ
người Campuchia luôn kè kè súng trong tay, chỉ mới nhìn thôi cũng đã ớn lạnh.
Biết đã bị lừa nhưng không thể làm gì khác, B phải nghe theo sự sai khiến,
sắp đặt của bọn chúng, em phải làm việc trong một sòng bạc trực tuyến. Công việc
của B là hack Facebook của những người có độ tương tác cao (đa số là Facebook
người Việt Nam) rồi bán cho sòng bạc để thực hiện những việc lừa đảo qua mạng.
Hoặc chiếm đoạt Facebook của những người khác sau đó đổi tên, đổi hình đại diện
thành những cô gái trẻ đẹp và tìm kiếm những Facebook “tiềm năng” để tư vấn,
chào mời họ đánh bạc trực tuyến. Trò mà B tư vấn là “tài xỉu”. Mỗi ngày giới chủ
đưa cho B một list những câu cần tư vấn và buộc B phải làm theo hướng dẫn của họ.
“Qua một thời gian làm việc, em thấy đa số người tham gia đánh bạc là
những thanh niên trẻ, những người nhàn rỗi, cô đơn... Nói chung, đã tham gia
chơi là chỉ có thua vì giới chủ đã cài đặt sẵn, họ muốn cho ai thắng thì thắng,
cho ai thua thì thua. Ban đầu, họ sẽ để cho người chơi thắng với số lượng tiền
ít ỏi, khi người chơi đã say thì họ sẽ có cách lột sạch tiền của họ”, B nói.
Ông chủ còn ép nhân viên lên mạng lôi kéo thêm nhiều người khác sang
Campuchia làm việc cho chúng. Nếu không đủ chỉ tiêu, không tuyển được người sẽ
bị chửi bới, đánh đập, rồi bị bán cho công ty khác với giá cao hơn. Để giới chủ
tin tưởng, không nghi ngờ, một mặt B vẫn đăng tin tuyển lao động qua Facebook của
mình (bị các đối tượng theo dõi, giám sát) với nhiều lời mời chào hấp dẫn được
sắp sẵn, nhưng khi có điều kiện thuận lợi, B lại lén nhắn tin qua một tài khoản
mạng khác nói rõ thủ đoạn, âm mưu lừa đảo của bọn chúng và khuyên họ không nên
sang Campuchia để tránh bị lừa.
T.T.D vẫn chưa hết hoang mang dù đã được về nhà. |
Thấy B ngoan ngoãn, biết nghe lời và chăm chỉ làm việc, chủ đã không
nghi ngờ gì nhiều. Lấy lý do bố ốm nặng để xin về quê, nhưng ông chủ buộc B phải
nộp tiền chuộc là 52 triệu đồng mới được về. Không còn cách nào khác, B. đã cầu
cứu gia đình vay mượn gửi tiền sang Campuchia nộp cho chủ.
“Hơn 3 tháng làm tại đây, em nhận được 15 triệu đồng tiền công nhưng phải
trả 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, chi phí xe cộ, sinh hoạt ở
công ty. Vẫn còn may mắn là em trở về an toàn, chứ bên công ty em làm có rất
nhiều người Việt Nam, họ muốn về cũng không thể về được vì không có tiền chuộc.
Thực tế là không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng như các đối tượng
môi giới vẽ ra mà chỉ có áp lực làm chuyện phi pháp, bị tra tấn, đánh đập nếu
không “lừa” được người khác chơi game hoặc dụ dỗ thêm người sang làm việc. Giữ
được mạng sống để trở về Việt Nam là may mắn lắm rồi”, B chua chát nói.
3. Đúng là mất tiền nhưng giữ được mang sống trở về đã là may mắn. Bi kịch
nhất là trường hợp Trần Văn Hiếu, SN 2002, ở ở thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long,
huyện Quảng Xương.
Đầu năm 2022, Hiếu xin phép bố mẹ đi làm ở Bắc Ninh. Trong thời gian
làm việc ở đây, Hiếu được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc, với
lời hứa sẽ có thu nhập cao hơn. Ngày Hiếu đi có gọi điện về nhà nói sang Campuchia
làm việc, còn làm việc gì thì không nói, sau đó mất liên lạc. Gia đình cũng rất
lo lắng tìm mọi cách để liên lạc với Hiếu nhưng không được. Nghĩ con sang đấy
làm việc, có bạn có bè chắc không có gì bất trắc, ai ngờ một thời gian sau, có
người gọi điện về cho gia đình và nói muốn đưa Hiếu về nước thì phải nộp tiền
chuộc cho công ty bên Campuchia 76 triệu đồng.
Nhận được tin, gia đình ông Trần Văn Trung đã dự liệu có việc chẳng
lành nhưng không thể nào liên lạc được với con trai để tìm hiểu thêm sự tình.
Đang không biết làm thế nào thì ngày 24-5-2022, một người khác lại gọi về nói
con ông bị đánh đập, tra tấn dẫn đến tử vong. Muốn nhận được xác con về thì phải
thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia can thiệp.
Nhận được tin con trai đã mất, ông Trung thất thần, đau đớn tìm mọi
cách để nhờ anh em, bạn bè bên Campuchia đến nơi làm của con để dò hỏi tin tức
nhưng không thể nào tiếp cận được. Nơi con ông làm việc, họ bảo vệ rất nghiêm
ngặt, chỉ giao tiếp qua một ô cửa nhỏ, luôn có người cầm súng đe dọa những ai
dám chống đối, gây sự. “Tôi chỉ mong có một phép màu là con vẫn còn sống và nếu
con thực sự đã chết thì mong cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa thi thể con về
quê an táng”, người cha nói xong thì gục mặt vào hai bàn tay khóc nấc.
Nhiều ngày qua, ông Trung cũng như những người thân trong gia đình đều
đau đớn trước cái chết oan khuất của con, ai cũng đứng ngồi không yên vì không
biết bằng cách nào để đưa thi thể con từ Campuchia về nước.
Lực lượng Công an phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát người lao động sang nước ngoài trái pháp luật. |
4. Còn rất nhiều câu chuyện chúng tôi tìm hiểu được qua các nạn nhân
may mắn được trở về nhà, có người bị đối xử tàn tệ, lao động nam thì bị đánh đập,
bỏ đói, lao động nữ thì bị xâm hại, làm nhục.. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa, hiện nay có khoảng 381 công dân xuất cảnh sang Campuchia lao động
trái pháp luật. Trong đó, các lực lượng chức năng đã phối hợp đưa 179 công dân
về nước (giải cứu 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc,
casino, game online, 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về...).
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an
tỉnh Thanh Hóa, trong số 19 nạn nhân ở tỉnh Thanh Hóa vừa được lực lượng chức
năng giải cứu, trao trả về nước, đa số các nạn nhân đều bị các đối tượng có mối
quan hệ quen biết, thông qua mạng xã hội rủ rê, lôi kéo sang Campuchia làm việc
với những lời mời chào hấp dẫn. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm tới đều là những
thanh niên trẻ, khỏe, không có việc làm ổn định, biết sử dụng sơ bộ về máy
tính... Để nạn nhân dễ dàng sập bẫy, các đối tượng môi giới ban đầu thường tổ
chức cho các nạn nhân sang từ trước ăn chơi, làm việc trong những nơi sang trọng,
điều kiện làm việc tốt để chụp ảnh, quay phim gửi cho những con mồi và vẽ ra viễn
cảnh công việc bên Campuchia nhẹ nhàng (làm việc trên máy tính, điện thoại) với
mức lương từ 700-1.000 USD/tháng và công ty sẽ chi trả toàn bộ chi phí xuất cảnh.
Mỗi khi có người đồng ý, chúng tiếp tục đề nghị họ tìm kiếm, giới thiệu
thêm bạn bè, người thân đi cùng với lập luận “để tiện chuyến xe công ty đưa đi,
hạn chế thời gian chờ đợi lâu của người lao động”. Để tiếp tục củng cố niềm tin
cho bị hại, các đối tượng môi giới còn chủ động mua vé máy bay và gửi cho nạn
nhân một số tiền nhất định để phục vụ chi phí đi lại và ấn định thời gian để
thuận tiện cho chúng tổ chức đưa người xuất cảnh ở biên giới phía Tây Nam sang
Campuchia.
Với những thủ đoạn trên, nhiều thanh niên đã dễ dàng tin rằng mình sẽ
kiếm được một công việc nhẹ nhàng, lương cao bên đất Campuchia. Nhiều người đã
tìm mọi cách để được sang Campuchia làm việc với giấc mơ đổi đời mà không lường
được hậu quả rất xấu đang chờ đón họ ở phía trước.
(Còn tiếp)
Đình Hợp - Đinh Hiền - Báo CAND online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét