Năm Canh Dần (19-5-1890) một làng quê nghèo của Việt Nam đã chào đón một sinh linh ra đời mà cả cuộc đời và sự nghiệp đã làm xoay chuyển cả một dân tộc, khai sinh ra thời đại mới của nước Việt Nam, đó là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh.
Bác Hồ trò chuyện cùng các cháu thiếu nhi. Ảnh - Tư liệu |
Thân phụ Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 1862, quê ở làng
Kim Liên (thường gọi là làng Sen), nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh
Nghệ An. Ông Nguyễn Sinh Sắc xuất thân trong một gia đình nghèo khó, mồ côi cha
mẹ từ sớm, từ nhỏ đã chịu khó làm lụng và ham học. Vì vậy, ông được cụ Hoàng Đường
ở làng Hoàng Trù, cùng xã Kim Liên, xin họ Nguyễn Sinh đem về nuôi, cho ăn học.
Khi trưởng thành ông kết hôn với người con gái đầu của cụ là bà Hoàng Thị Loan,
sinh năm 1868. Ông Sắc và bà Loan sinh hạ được bốn người con. Nguyễn Sinh Cung
là người con thứ ba, chị cả là Nguyễn Thị Thanh còn có tên là Nguyễn Thị Bạch
Liên, sinh năm 1884. Anh là Nguyễn Sinh Khiêm sau được cha đổi thành Nguyễn Tất
Đạt, sinh năm 1888, cậu em út mất từ khi mới sinh. Thuở ấu thơ, Nguyễn Sinh
Cung sống cùng gia đình trong một căn nhà tranh ba gian nhỏ, trên đất vườn nhà
ông bà ngoại ở làng Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An.
Năm Nhâm Dần, 1902 (12 tuổi)
Nguyễn Sinh Cung đã được cha đổi tên là Nguyễn Tất Thành, được học chữ Nho với
các thầy đồ nổi tiếng, cậu tiếp thu tư tưởng, đạo đức Nho giáo thông qua các bậc
cha, chú và thầy học.
Năm Giáp Dần, 1914 (24 tuổi). Sau khi qua Pháp, Mỹ và một số nước châu
Phi, Nguyễn Tất Thành đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh, làm các việc rất cực nhọc
(quét tuyết, làm phụ bếp…) để kiếm sống và lấy tiền học tiếng Anh. Thành dồn sức
học ngoại ngữ để dùng nó làm chìa khóa mở cửa kho tàng kiến thức của nền văn hóa
phương Tây - nơi khai sinh các tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ, nơi phát minh
ra nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nơi nảy sinh các tư tưởng đế quốc, thực
dân, đồng thời cũng là nơi khởi phát các tư tưởng XHCN và phong trào đấu tranh
của giai cấp công nhân. Nhờ vậy, Nguyễn Tất Thành có một nhãn quan chính trị sắc
sảo. Anh viết thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp, đưa ra những nhận xét về cuộc
chiến tranh thế giới đang diễn ra và dự đoán những biến đổi của tình hình thế
giới trong thời gian tới. Năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp
và lấy tên mới là Nguyễn Ái Quốc.
Năm Bính Dần, 1926 (36 tuổi). Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc, với bí danh
Vương Đạt Nhân được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Quốc dân đảng
(Trung Hoa) mời đến dự và phát biểu ý kiến tại phiên họp lần thứ 9 của Đại hội.
Bằng những dẫn chứng chân thực, Người đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với
nhân dân Việt Nam, Hoa kiều và sự công kích, phá hoại của chúng đối với Chính
phủ cách mạng Quảng Châu (Trung Quốc). Cuối cùng, Người kết luận: “Tất cả các
dân tộc bị áp bức đều cùng chịu sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc, chúng ta cần
phải cùng nhau liên hiệp lại, đánh đổ đế quốc Pháp, đánh đổ chủ nghĩa đế quốc
trên thế giới… Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống
kẻ thù chung của chúng ta”(1). Người viết bài “V.I.Lê-nin và phương Đông” đăng
trên báo Gudok ở Mát-xcơ-va, nhân kỷ niệm ngày mất của V.I.Lê-nin, trong đó có
những đoạn quan trọng như: “V.I.Lê-nin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một
thời đại mới, thật sự cách mạng trong các thuộc địa… Đối với tất cả các dân tộc
bị áp bức và bị nô dịch, V.I.Lê-nin đã thể hiện một bước ngoặt lịch sử trong cuộc
đời đau khổ và mất quyền của họ, đã tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn”(2).
Người đề nghị Ủy ban thiếu nhi Liên Xô giúp đỡ nhận một nhóm thiếu nhi Việt Nam
sang học tập ở Mát-xcơ-va. Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng -
trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, vừa học xong lớp chính trị, về
nước tổ chức, giác ngộ quần chúng gây dựng phong trào, tổ chức đường dây giao
thông Hải Phòng - Hương Cảng đưa thanh niên ra ngoài nước học tập, đồng thời
tìm cách vận chuyển sách báo từ nước ngoài về nước. Đây là một trong những công
việc trong thời gian này Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm để đào tạo gấp cán bộ
cho phong trào. Khoảng từ năm 1921-1926, Nguyễn Ái Quốc đã viết và cho in một
loạt bài bằng tiếng Pháp đăng trên các báo ở Pa-ri và Mát-xcơ-va.
Năm Mậu Dần, 1938 (48 tuổi). Đây là một trong những năm cam go nhất và
khổ tâm nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh. Nhưng cùng với thời gian và qua diễn biến của phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế cũng như thực tiễn cách mạng nước ta từ khi Người sáng lập ra Đảng
Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930) đến năm 1940 khi Người chuẩn bị về nước trực
tiếp lãnh đạo cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, thì lại
là khoảng thời gian chứng tỏ sự vượt trội về lý luận cách mạng và tầm nhìn xa của
Người so với các đồng chí trong nước cũng như quốc tế cùng thời. Thời gian này
cách ứng xử của Hồ Chí Minh cũng để lại cho hậu thế thấy được sự mẫu mực về
tinh thần hy sinh cá nhân để giữ gìn đoàn kết trong Đảng vì lợi ích tối cao của
dân tộc. Thời gian khó khăn ấy đã bộc lộ một nhân cách lớn, một ứng xử mẫu mực
văn hóa - chính trị kiệt xuất riêng có của vĩ nhân Hồ Chí Minh.
Năm Canh Dần, 1950 (60 tuổi). Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta là ra sức chuyển mạnh từ thế cầm cự sang thế phản công tích cực
để tiến tới tổng phản công, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp. Tư tưởng chiến lược này được Bác Hồ nhấn mạnh trong “Thơ chúc năm mới”:
“Kính chúc đồng bào năm mới/ Mọi người càng thêm phấn khởi/ Toàn dân xung phong
thi đua/ Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới/ Chuyển mau sang tổng phản công/ Kháng chiến
nhất định thắng lợi”(3). Bài thơ đã cụ thể hóa nhiệm vụ chiến lược của cách mạng
Việt Nam ở vào thời điểm bước ngoặt quan trọng của đất nước. Lời thơ như một luồng
gió mới mát mẻ, trong lành, làm cho mọi người “càng thêm phấn khởi”. Liền sau
đó trên báo Sự Thật số 126 đăng bài “Bệnh máy móc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Sau khi nêu nguyên nhân, Người đưa ra “đơn thuốc” để chữa bệnh: “Bất kỳ việc to
việc nhỏ đều/ Phải xem xét kỹ lưỡng/ Phải bàn bạc kỹ lưỡng/ Phải hỏi dân kỹ lưỡng/
Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân/ Phải luôn luôn gần gũi dân”(4).
Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời tuyên bố: “Chính phủ Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt
Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng
đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ
quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa
bình và xây đắp dân chủ thế giới”(5).
Ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh, Người được Thủ tướng
Chu Ân Lai đón tiếp rất nồng nhiệt. Sau đó hai người cùng đi Mát-xcơ-va. Khoảng
giữa tháng 2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va và có cuộc hội đàm với
Xta-lin. Đầu tháng 3-1950, Người từ Liên Xô về Bắc Kinh. Tại đây, Người hội đàm
với Thủ tướng Chu Ân Lai. Từ sau chuyến đi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh quan hệ
Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác được củng cố
và mở rộng. Việt Nam đã chính thức là thành viên của hệ thống các nước dân chủ
nhân dân do Liên Xô đứng đầu và góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của cách
mạng thế giới.
Ngày 24- 4-1950, đến thăm và nói chuyện với học viên khóa II Trường Đảng
Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc, Người căn dặn: “Việc học không chỉ xem sách nhiều
là được. Như vậy là lý luận suông. Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi
đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động”. Người nhấn
mạnh “Cần, kiệm, liêm, chính và gần gũi quần chúng, hai điều ấy các đồng chí phải
làm cho được, như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng”(6).
Ngày 9, 10-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại
hội lần thứ II của Đảng. Phát biểu ý kiến về việc đổi tên Đảng, Người nhấn mạnh
“đó là điều cần thiết... bởi vì có như thế mới tập hợp được tất cả các phần tử
tiên tiến trong công, nông, trí thức vào Đảng... dễ kêu gọi dân tộc hơn vì ta
đang cần đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp”(7).
Ngày 25-8-1950, Bác Hồ viết thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng
toàn quốc, Người căn dặn: Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cần dạy cho các
cháu biết “Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, học văn
hóa”, đồng thời “phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động,
trẻ trung của mình”(8).
Ngày 2-9-1950, Người viết bài “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên
báo Sự Thật số 140 chỉ ra “thang thuốc chữa bệnh quan liêu” là: Phải đặt lợi
ích dân chúng lên trên hết, trước hết/ Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi
dân/ Phải thật thà, thực hành, phê bình và tự phê bình/ Phải làm kiểu mẫu: Cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư(9).
Ngày 8, 9-7-1950, trả lời nhà báo Léo Figures về việc đế quốc Mỹ công
nhiên can thiệp vào nội tình Việt Nam, Người nói: “Việc can thiệp đó có tính chất
xâm lược, phản dân chủ và không Mỹ chút nào. Nhất định đế quốc Mỹ sẽ thất bại ở
đây cũng như ở Trung Hoa trước kia”(10). Trước ngày 10-9-1950, trên đường đi
chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm
đường phục vụ chiến dịch, Người đã tặng thanh niên 4 câu thơ: “Không có việc gì
khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”(11).
Ngày 10-9-1950, tới Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại làng Tả Phầy Tử, huyện
Quảng Uyên phía bắc thị xã Cao Bằng, Người đã phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ
huy chiến dịch gồm bốn bước: Đánh Đông Khê, đánh quân tiếp viện của địch lên
Đông Khê, đánh Thất Khê, đánh Cao Bằng. Cùng ngày, bài viết của Người với nhan
đề “Chỉnh đốn Đoàn thể và Chính quyền” đăng trên báo Sự Thật số 141. Bài báo có
đoạn: “Người ta mỗi ngày ai cũng rửa mặt, vài hôm phải tắm giặt để giữ thân thể
cho sạch sẽ, mạnh khỏe. Người cách mạng cũng thế, trước hết là cán bộ chính quyền
và đoàn thể cách mạng, mỗi người cũng phải rửa các mặt tinh thần, tư tưởng của
mình để tẩy sạch những chứng bệnh, những khuyết điểm. Chính quyền và đoàn thể
cũng cần thường thường rửa các bộ máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất
chính, đầu cơ, và chỉnh đốn lại cách làm việc cho gọn gàng mau chóng”(12).
Ngày 11-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị cán bộ chỉ huy do Bộ
chỉ huy chiến dịch triệu tập. Người chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa được coi
là đã chuẩn bị xong. Quân sự thì phải chuẩn bị mãi... toàn thắng mới là chuẩn bị
xong... Quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều.
Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Kiên quyết và bạo dạn không phải là một người mà
phải toàn bộ tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết và bạo dạn thì phải có kỷ
luật... Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”(13). Cũng thời gian
này, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê
Hồng Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc phải chú ý: “1. Đề cao kỷ luật…/ 2.
Triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên…/ 3. Thương yêu đồng đội…/ 4. Tôn trọng
nhân dân…/ 5. Giữ gìn của công, chiến lợi phẩm.../ 6. Thành thật tự phê bình và
phê bình…/ 7. Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm. Muốn tự
phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải
làm gương trước…(14).
Ngày 9-11-1950, Người viết thư gửi họ Nguyễn Sinh về việc anh cả Nguyễn
Sinh Khiêm của Người mất: “Nghe tin anh
Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc
anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than
ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một
người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”(15).
Trong năm này, việc nước, việc dân, nội trị, ngoại giao... trăm việc bộn
bề hôm sớm, nhưng lòng Bác vẫn đau đáu một nỗi lo về công tác cán bộ. Nhân rút
kinh nghiệm về vụ kỷ luật một cán bộ cao cấp trong Quân đội, Người nói: “Về vụ
Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính
sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân
phong kiến, xã hội cũ, hám danh lợi, danh lợi dễ hư người... Bây giờ chúng ta
dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đây là
khuyết điểm. Chính sách cán bộ thế nào? Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức,
chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra
việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”(16). Năm
này, Hồ Chí Minh để lại cho nền văn học cách mạng Việt Nam những bài thơ sống
mãi cùng lịch sử hào hùng của non sông đất nước.
Năm Nhâm Dần, 1962 (72 tuổi). Đầu xuân Bác có thơ chúc tết:
Năm Dần, mừng xuân thế giới/ Cả năm châu phấp phới cờ hồng/ Chúc miền Bắc
thi đua phấn khởi/ Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong/ Chúc miền Nam đấu tranh tiến
tới/ Sức triệu người hơn sóng biển Đông/ Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/ Hòa
bình thống nhất quyết thành công(17).
Ngày 20-1-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn
đề chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Người nhấn mạnh: Phải hiểu vì dân mà chống
tham ô, lãng phí... Người lo nhất là tình trạng mất dân chủ và tệ quan liêu,
lãng phí, tham ô ở tất cả các cấp, các ngành vì những cái đó làm hại dân, hại
nước, là những hành vi có tội với nhân dân. “Ai cũng phải chống. Giáo dục không
đủ, phải có kỷ luật, có thưởng, có phạt... phải làm từ trên xuống, dưới lên,
dân chủ và phải trường kỳ... Đối tượng này là con người, mà con người có tổ chức
cao nhất là đảng viên. Các đồng chí phụ trách chi bộ phải làm cho đúng, phải
làm cho chi bộ vững. Trung ương có hội, có nghị, có quyết mà không hành là do
mình không cương quyết. Phải có quyết tâm làm cho tốt”(18).
Chiều 5-2-1962 (mồng 1 Tết Nhâm Dần) tại Văn Miếu Hà Nội, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đọc hai câu thơ mừng tuổi các cụ phụ lão: “Tuổi già nhưng chí không
già/ Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”(19). Ngày 10-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí
Minh viết thư gửi Hội nghị các nhà văn Á-Phi lần thứ hai. Bức thư có đoạn: “Cây
bút phục vụ chính nghĩa trong tay các nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ
mạnh mẽ”(20). Ngày 23-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về
tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại. Người đề nghị “Cần có sự kiểm tra,
đôn đốc các cán bộ ngoại giao và nhắc nhở họ: Ra ngoài đừng tham”(21). Ngày
21-3-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị và Hội nghị BCH Trung ương
lần thứ 7 bàn về kế hoạch 5 năm phát triển công nghiệp. Người lưu ý: Phát triển
công nghiệp đồng thời phải chú ý phát triển nông nghiệp. Người nhấn mạnh: “Ta
có họp, có nghị, có quyết rồi, giao cho ai phải giao trách nhiệm rõ ràng, ai
làm được thì khen nhưng thấy ai làm sai thì phải có thái độ rõ ràng, làm không
được thì cách chức ngay”(22).
Ngày 12-4-1962, Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề con người. “Mục đích
xây dựng CNXH là nâng cao đời sống nhân dân. Lực lượng chính để xây dựng CNXH
là nhân dân. Vì vậy phải có kế hoạch giáo dục, củng cố chi bộ, công đoàn, thanh
niên. Ba lực lượng ấy mạnh thì mới lên được. Có người nói máy kéo là gốc, cũng
có người nói cái khác là gốc, tôi nói chính cái này là gốc”(23). Ngày
24-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp
của Đảng và Nhà nước về “Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường
quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Người chỉ rõ:
“Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa
cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu...
Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình,
biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày càng tiến bộ
chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”(24).
Ngày 30-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về công tác kiểm tra
kế hoạch Nhà nước. Người nhấn mạnh: “Vấn đề con người là hết sức quan trọng.
Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi
của quần chúng. Làm tất cả là do con người. Người thì phải do Đảng lãnh đạo, do
đó phải chỉnh đốn chi bộ, phải làm cho chi bộ vững mạnh...”(25).
Cuối tháng 8-1962, Người đến thăm và nói chuyện với lớp bồi dưỡng về
công tác mặt trận do Ban Mặt trận Trung ương tổ chức. Người chúc mọi người thực
hiện đúng khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”(26). Ngày 8-9-1962, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo
Việt Nam. Đây là những chỉ dẫn quan trọng về báo chí và nghề nghiệp làm báo.
Người dặn, “Mỗi khi viết, nên tự hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế
nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Cuối cùng, Người kết luận: “Cán bộ
báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.
Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải rèn luyện đạo đức
cách mạng. Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập
chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào
thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(27). Ngày 23-10-1962, Chủ tịch Hồ Chí
Minh dự họp Bộ Chính trị bàn công tác tổ chức. Người đã nhấn mạnh: “Tổ chức trước
hết là con người. Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không
sao, đi đâu cũng được... Đâu cần thì cán bộ có, đâu khó thì cán bộ đến...”(28).
Ngày 26-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn phương hướng thu,
chi tài chính năm 1963. Người nhấn mạnh: “Cần có một số đồng chí cương quyết
tìm ra bài thuốc cho bệnh, tìm ra được rồi thì phải cắt thuốc, không thì năm
nào cũng nói đi nói lại mãi”(29).
Ngày 1-12-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Văn
nghệ toàn quốc lần thứ 3. Người căn dặn: “Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia
cách mạng”; “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong
phú, có hình thức trong sáng và vui tươi”. Người nhắc nhở văn nghệ cũng cần có
khen, có chê: “Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người
được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thu”(30).
Đây là năm Dần cuối cùng trong cuộc đời Bác Hồ.
-----
(1), (2), (7), (8), (13), (14), (17) (19), (21), (22), (23), (25),(28),
(30) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 1, tr.272, tr.272-273, tập 4,
tr.420-421, tr.425, tr.456-457, tr.457-458, tr.478, tập 8, tr.197, tr.218,
tr.231, tr.239, tr.272, tr.309, tr.328. (3), (4), (5), (6), (9), (10), (11),
(12), (15), (16), (18), (24) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 6,
tr.55, tr.14, tr.4-5, tr.7-8, 13, tr.85, tr.88-89, tr.92-93, tr.95, tr.108-112,
tr.114, tr.678, tr.511, tập 10,
tr.572-579. (20), (26), (27), Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 10, tr.513,
tr.604-607, tr.613-616.
Trần Xuân Đỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét