Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Nhận diện hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước Việt Nam

Trong quá trình thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn chú ý lợi dụng vấn đề tôn giáo, coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Do đó, việc nhận diện và đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh minh họa

Tính đến tháng 9/2021, Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Ngoài ra, còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 1 triệu tín đồ, đa phần sinh hoạt tại gia hoặc thuê, mượn địa điểm sinh hoạt tôn giáo, không có cơ sở thờ tự. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo được kịp thời bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Các tổ chức tôn giáo được tạo thuận lợi trong hoạt động và ngày càng phát triển về mọi mặt; đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn bó, đồng hành với dân tộc. Một số lễ trọng của các tôn giáo lớn như: Lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh… đã trở thành lễ hội chung của đông đảo nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch không chấp nhận thực tế trên và chúng ráo riết tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, những năm gần đây, lợi dụng chính sách đối ngoại và chính sách tôn giáo của ta ngày càng cởi mở hơn, các đối tượng gia tăng lợi dụng vấn đề tôn giáo để tạo sức ép từ bên ngoài, tìm cách gây mất ổn định an ninh chính trị ở bên trong, nhằm tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nổi lên hiện nay là một số hoạt động sau:

Một là, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm quyền tự do tôn giáo. Lợi dụng tính chất nhạy cảm của tôn giáo và một số hạn chế, thiếu sót của chính quyền các địa phương trong công tác tôn giáo, thời gian qua, các thế lực thù địch cùng với bọn phản động trong và ngoài nước đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng cho rằng, hệ thống chính sách pháp luật về tôn giáo của Việt Nam không tương đồng với luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; thậm chí, chúng còn trắng trợn xuyên tạc việc xây dựng, ban hành quy định pháp luật về tôn giáo là "thòng lọng" đối với hoạt động của các tôn giáo; xuyên tạc việc xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, hành chính, dân sự… liên quan chức sắc, tín đồ tôn giáo là "đàn áp tôn giáo". Một số cá nhân, tổ chức bên ngoài nhiều lần đơn phương đưa ra cái gọi là "Báo cáo", "Phúc trình" thường niên về tình hình tôn giáo quốc tế; trong đó có nhiều nội dung sai sự thật về tình hình, kết quả công tác tôn giáo tại Việt Nam, qua đó gây áp lực đòi ta phải thay đổi chính sách pháp luật về tôn giáo, lấy vấn đề "tự do tôn giáo" làm điều kiện trong đàm phán hợp tác, đầu tư phát triển tại Việt Nam.

Đáng chú ý, những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để tán phát, chia sẻ nhiều tài liệu có nội dung vu cáo Đảng, Nhà nước "đàn áp tôn giáo"; công kích số chức sắc, tín đồ tôn giáo tiến bộ, yêu nước, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội; kêu gọi các nước lấy vấn đề tự do tôn giáo để làm điều kiện trong việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương cũng như đa phương, qua đó tìm cách can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam. Đặc biệt, có chức sắc còn công khai đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại Việt Nam, tuyên truyền, cổ xúy quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cho rằng "tự do tôn giáo" là quyền, không chịu sự quản lý của Nhà nước, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang và xây dựng xã hội dân sự Việt Nam theo mô hình các nước phương Tây.

Hai là, lợi dụng các vấn đề tiêu cực trong xã hội, các vụ việc phức tạp liên quan tôn giáo để kích động chức sắc, tín đồ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, không tránh khỏi một số hạn chế, khiếm khuyết trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực như: kinh tế, y tế, môi trường, giáo dục, đất đai, tư pháp…

Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước đã và đang ráo riết triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền nhằm thổi phồng các tiêu cực trong xã hội, quy chụp mọi tồn tại, hạn chế hiện nay là do sai lầm trong công tác lãnh đạo của Đảng, yếu kém trong công tác điều hành, quản lý của Chính phủ; từ đó, chúng móc nối, lôi kéo, kích động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tổ chức các cuộc tập trung đông người tuần hành, biểu tình với danh nghĩa bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo vệ người yếu thế để chống chính quyền; tăng cường phát triển lực lượng chống đối trong các tôn giáo, tạo thế liên tôn, liên kết trong - ngoài nhằm âm mưu tiến hành các cuộc tập dượt cho "cách mạng màu", "cách mạng đường phố" tại Việt Nam.

Điển hình như, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016, một số chức sắc cực đoan trong Công giáo với sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động bên ngoài đã tổ chức cho hàng ngàn giáo dân tuần hành, biểu tình gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, chiếm giữ quốc lộ, tỉnh lộ… Các hoạt động này đã gây tình hình phức tạp nghiêm trọng về an ninh trật tự, trực tiếp xâm hại đến hoạt động bình thường của chính quyền cơ sở, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền.

Đặc biệt, những năm gần đây, trước tình hình tranh chấp, khiếu kiện và vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng liên quan tôn giáo diễn ra phức tạp, một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo đã lợi dụng chiêu bài "bảo vệ quyền lợi của giáo hội" để kích động số đông quần chúng tín đồ gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, gây ảnh hưởng để việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nhiều địa phương. Thậm chí, nhiều vụ việc bị "chính trị hóa", "quốc tế hóa", từ vụ việc khiếu kiện đất đai đơn thuần đã trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, điển hình như vụ 178 Nguyễn Lương Bằng, 42 Nhà Chung (Hà Nội), vụ giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng), vụ chùa Liên Trì (TP. Hồ Chí Minh)… đã bị các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam.

Ba là, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Lợi dụng một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu…, thời gian qua các thế lực thù địch và bọn phản động lập ra nhiều tổ chức núp bóng dưới danh nghĩa tôn giáo để tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc; để từ đó, dùng thần quyền, giáo lý chi phối họ tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước.

Điển hình như: tại Tây Nguyên, năm 1999, số đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ đã tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà nước Đềga”, đồng thời chúng móc nối với số đối tượng phản động trong các dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai lập ra cái gọi là “Tin lành Đề ga” để lôi kéo, tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia “Nhà nước Đề ga” dưới ngọn cờ tôn giáo và dân tộc để kích động ly khai thành lập nhà nước cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; tại Tây Nam Bộ, số đối tượng phản động tăng cường sử dụng Internet, báo, đài nhằm kích động tư tưởng “ly khai” vào vùng đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, lập “Chính phủ Khmer Krôm lưu vong”, tiến đến thành lập “Nhà nước Khmer Krôm” trên vùng đất Tây Nam Bộ…; tại vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, số đối tượng phản động, cốt cán hoạt động “Nhà nước Mông” chủ trương phát triển cơ sở trong đạo Tin lành để tập hợp lực lượng, ráo riết móc nối, lôi kéo số chức sắc, số cầm đầu các điểm nhóm đạo Tin lành tham gia thành lập “Nhà nước Mông” tự trị…

Trên cơ sở nhận diện hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước nói trên, thời gian tới để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, các ban ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác tuyền truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Đảng, Nhà nước để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cũng như quy định khác liên quan. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và với nhiều hình thức đa dạng, đi vào đời sống của người dân.

Hai là, tiếp tục quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo để chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót và kịp thời có biện pháp khắc phục. Tổ chức tốt việc nắm bắt tâm tư, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của đồng bào chức sắc, tín đồ các tôn giáo.

Ba là, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, nhất là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo. Phải coi đây là một công tác trọng tâm, cơ bản đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền và huy động được các ngành, các cấp cùng tham gia.

Bốn là, thực hiện tốt công tác tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo nhằm thúc đẩy xu hướng hoạt động tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật và đồng hành cùng dân tộc. Chú trọng phát huy vai trò của chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước và góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong tôn giáo.

Năm là, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.

Thiếu tá Đỗ Xuân An, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...