Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Xây dựng cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa về mặt chính trị

Xây dựng cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa về mặt chính trị, bởi tuyến đường này cũng giống như "con đường thống nhất Bắc - Nam" thời kỳ mới, có ý nghĩa kết nối vùng miền và lan tỏa về kinh tế xã hội.

Chiều 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, xây dựng cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa về mặt chính trị, bởi tuyến đường này cũng giống như "con đường thống nhất Bắc - Nam" thời kỳ mới, có ý nghĩa kết nối vùng miền và lan tỏa về kinh tế xã hội.

Về mặt kinh tế, cao tốc Bắc - Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, theo ông, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông là mũi đột phá quan trọng trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Góp ý về phương thức đầu tư, đại biểu đồng tình với phương án của Chính phủ là lựa chọn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, phục hồi nền kinh tế nhanh, song đó là phương án "cực chẳng đã".

"Hình thức đối tác công - tư lâu nay chúng ta đã thành công, thậm chí Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng ngay sau khi ban hành thì có tới 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP sang phương thức đầu tư công.

Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định pháp luật, Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thay vì Nhà nước phải đầu tư. Như vậy sẽ chuyển một phần vốn từ đầu tư công sang hỗ trợ đầu tư tư nhân.

Ít nhất 40.000 tỷ không thể giải ngân

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lại băn khoăn về tổng mức đầu tư dự kiến 146.000 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư 201 tỷ đồng/km tính cả giải phóng mặt bằng (GPMB), không GPMB là 175 tỷ đồng/km.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Trong khi đó so sánh với các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km; tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng/km; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng/ km.

"Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ 130.000 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư ở đây rất cần phải cân nhắc lại, nhất là trong đề án phục hồi kinh tế - xã hội chúng ta đề nghị chỉ định thầu", ông lưu ý cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án, nhất là trong việc thực hiện chỉ định thầu.

Về sử dụng nguồn vốn, dự án dự kiến sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói kích thích phục hồi kinh tế - xã hội, nhưng theo tiến độ thì trong năm 2022-2023 tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31.000 tỷ đồng, có nghĩa sẽ còn ít nhất 40.000 tỷ đồng không thể giải ngân.

Dẫn tới, việc cơ cấu nguồn vốn đầu tư và giải ngân gói phục hồi kinh tế vào dự án này rất cần phải tính toán lại. ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, với 12 dự án thành phần triển khai theo phương thức đầu tư công thì có 4 dự án vẫn có khả năng đầu tư PPP. Nhiều đại biểu lo ngại với tỷ lệ đầu tư Nhà nước ở mức cao, lên đến 54-65% và sợ không huy động được nguồn vốn. Nhưng nếu tách riêng gói GPMB ra thành một dự án riêng để tổng mức đầu tư giảm đi, toàn bộ phần GPMB Nhà nước bỏ ra thì phần đầu tư sẽ không còn nhiều, không còn tình trạng đầu tư Nhà nước vượt hơn 50%.

"Tờ trình cũng lý giải Nhà nước bỏ tiền vào đầu tư, sau đó sẽ nhượng quyền thu hồi phí thì kể cả có nhượng quyền, ngay trong Tờ trình cũng nói 12 dự án thu khoảng 10 năm chỉ được khoảng 37.000 tỷ. Điều đó có nghĩa là, 4 dự án này có thu trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỷ, chúng ta bị thiệt 10.000 tỷ, không thể nào bù lại được tiền Nhà nước bỏ ra. Cần cân nhắc lại phương án đầu tư PPP bằng cách tách dự án GPMB", ĐBQH Đoàn TP Hà Nội góp ý.

Thành lập Hội đồng liên bộ thẩm định công khai

Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ tiếp thu ý đầy đủ ý kiến của các đại biểu để cố gắng triển khai giai đoạn hai của đường cao tốc một cách tốt nhất. Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng khẳng định đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng km hầm, từng cái cống, kể cả địa chất, thủy văn..., tham khảo tính toán của tổ tư vấn, có căn cứ, cơ sở.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

"Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu chúng ta còn phải thuê tư vấn, lập dự án, lúc đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình, còn bước thiết kế kỹ thuật dự toán, tính toán rất kỹ. Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất", Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT tập trung tham mưu, ban hành một quy chế quy định trách nhiệm của địa phương, của Bộ GTVT, của các bộ, ngành, đặc biệt là liên quan đến từng hạng mục công việc. Trong đó có giải phóng mặt bằng, thời điểm nào phải xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào phải có nhà thầu, thời điểm nào khởi công... Chính phủ chỉ đạo dành 3 năm tập trung thi công để cuối năm 2025 xong. Có nghĩa là cố gắng cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu...

Đối với vấn đề chỉ định thầu, Bộ trưởng khẳng định sẽ thực hiện đúng luật, có hồ sơ yêu cầu, có yêu cầu năng lực, đầy đủ các tiêu chí và công bố công khai, rộng rãi. "Các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp sẽ đăng ký thực hiện tham gia. Chúng ta tổ chức xét tuyển đàng hoàng chứ không phải sơ sài chỉ định thầu. Chính phủ dự kiến sẽ thành lập Hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch", Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh – Báo CAND

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...