Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, bài bác những luận điểm cơ bản nhất về thời đại.
Luận điệu sai trái về thời đại ngày nay
Nhận thức rõ đặc điểm và xu hướng phát triển của thời đại cũng như cục
diện và tình hình thế giới là một việc rất cần thiết. Hiểu biết sâu sắc về thời
đại giúp ta tìm thấy xu hướng tất yếu trong vô vàn những hiện tượng phức tạp,
mang tính ngẫu nhiên của đời sống xã hội, giúp ta nhìn xa trông rộng, nắm bắt
khuynh hướng và quy luật phát triển của nhân loại để vừa có thể lựa chọn được
hướng đi phù hợp với sự phát triển của lịch sử; lường trước được những thách thức
phức tạp, tránh được những vấp váp sai lệch trên đường đi; từ đó sẽ không bị
chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước phong ba bão táp của thời cuộc và đời sống
chính trị quốc tế.
V.I.Lenin từng chỉ rõ: Khi phân tích bất cứ vấn đề xã hội nào, phải đặt
trong bối cảnh lịch sử nhất định, vì chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc
điểm cơ bản của một thời đại, người ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi
tiết của nước này hay nước khác. Nói cách khác, vấn đề thời đại là căn cứ khách
quan và tiền đề cần thiết để các chính đảng đi theo Chủ nghĩa Mác phân tích
tình hình, xác định nhiệm vụ, phân chia trận tuyến, xây dựng chiến lược, hoạch
định chính sách, triển khai thực hiện một cách khoa học.
Chính vì lẽ đó, khi bàn về những vấn đề lớn của cách mạng, trước đây
cũng như hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta bao giờ cũng bắt đầu bằng việc
phân tích đặc điểm, nội dung, xu thế phát triển của thời đại và nhận định các mặt
của tình hình thế giới để xác định đúng con đường đi của cách mạng Việt Nam và
đề ra đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng tạo.
Ảnh minh họa/tuyengiao.vn |
Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn là như vậy, nhưng hiện nay, một
số luận điệu sai trái cho rằng: Thật không tưởng khi nói thời đại ngày nay là
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy, từ Đại hội XIII trở đi, không nên nói đến
chủ nghĩa xã hội nữa. Cụ thể hơn, họ cho rằng làm gì có thời đại quá độ; nội
hàm, đặc điểm, xu thế của thời đại là sự mơ hồ; hai nội dung cốt yếu của thời đại
đã bị lịch sử phủ định. Bởi thế, khi không còn Liên Xô và hệ thống XHCN nữa thì
Việt Nam làm sao có thể đi lên chủ nghĩa xã hội được.
Đây là luận điệu sai trái cần phải phê phán, vì những lý do cơ bản sau:
Thời đại mới do Cách mạng Tháng Mười Nga khai sáng
Theo nghĩa chung nhất, thời đại lịch sử được hiểu là toàn bộ thời kỳ
phát triển của một hình thái kinh tế-xã hội hoặc những giai đoạn chủ yếu trong
hình thái ấy.
Tuyên bố tại Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN
tháng 11-1957 tại Moscow (Liên Xô) đã khẳng định: “Nội dung cơ bản của thời đại
chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng
Cách mạng Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga”.
Thực tế cho thấy, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và nhà nước XHCN đầu
tiên ra đời năm 1917 đã đánh dấu chấm hết thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản,
mở ra thời đại mới, thời đại của sự quá độ lớn lao nhất trong lịch sử loài người,
tiến tới một xã hội hiện thực không còn người bóc lột người, không còn nô dịch
giữa người và người. Chế độ XHCN non trẻ đã vượt qua hàng loạt thử thách khắc
nghiệt nhất của lịch sử, hiện diện cả ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, phát triển mạnh
mẽ với nhiều ưu việt về chính trị, kinh tế, xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam
luôn xác định nhận thức rõ bản chất, nội dung của thời đại cũng như cục diện và
tình hình thế giới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong khi khẳng định thời
đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, Đảng
ta nhận rõ tình hình phức tạp, quanh co và rất lâu dài của quá trình chuyển biến
xã hội nên đã hướng vào đánh giá trực tiếp những động thái, đặc trưng, xu hướng
và tính chất trong giai đoạn hiện nay của thời đại.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
của Đảng năm 1991 đã nêu rõ: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời
đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước
vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện
đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước
quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì
đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đặc điểm nổi bật trong
giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với các chế độ xã hội và trình độ
phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt
vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình,
độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn,
thách thức nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử,
loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Thế giới có nhiều biến động nhưng khuynh hướng phát triển thời đại
không thay đổi
Xem xét trên cơ sở lý luận và thực tiễn lịch sử xã hội loài người đều
cho thấy, mỗi bước chuyển từ một hình thái kinh tế-xã hội này đến hình thái cao
hơn đều diễn biến trong thời gian rất dài, có khi vài trăm năm hoặc vài nghìn
năm. Vậy nên việc Đảng ta phân định giai đoạn hiện nay của thời đại “quá độ từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới” là tư duy
sáng tạo, có tính khoa học xác thực và cần thiết. Theo đó, việc nghiên cứu đặc
điểm và xu hướng phát triển của thời đại cũng được thực hiện trong khung khổ
giai đoạn hiện nay của thời đại.
Khi đã xác định thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản
lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga,
thì rõ ràng nội dung của thời đại ngày nay có hai vấn đề chính: Một là, thời đại
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; hai là, mở đầu bằng Cách mạng
XHCN Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga. Nhận định về nội dung thời đại như vậy là sự
khái quát mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết phục.
Tuy nhiên, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ,
các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa
Mác-Lênin, bài bác những luận điểm cơ bản nhất về thời đại. Lập luận của luận
điệu sai trái là, nếu nói thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư
bản lên chủ nghĩa xã hội thì nay chủ nghĩa xã hội sụp đổ rồi, thời đại này
đương nhiên là của chủ nghĩa tư bản; rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản
đã tàn lụi thì dù có trăm năm sau cũng không thể gượng dậy được nữa.
Cách nhìn nhận như vậy rõ ràng là thiếu kiến thức lịch sử và thiển cận.
Quá trình chuyển biến và thay thế một thời đại này bằng thời đại khác không thể
diễn ra nhanh chóng được mà phải qua một chặng đường dài. Quá trình đó là một
xu thế tất yếu của xã hội loài người, nhưng diễn ra quanh co, phức tạp, chứa đựng
nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh mẽ và cũng có cả những bước thụt lùi.
Sự đổ vỡ của XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề
đối với phong trào cộng sản. Sự sụp đổ ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nó không
thuộc về bản chất của chế độ XHCN, càng không phải vì thế mà làm mất đi nội
dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy thời đại tư bản chủ nghĩa thay thế thời đại
phong kiến đâu phải dễ dàng.
Quá trình chuyển biến đó diễn ra hàng mấy trăm năm, trải qua biết bao
phức tạp bởi sự chống trả quyết liệt của các thế lực phong kiến. Tình hình hiện
nay cũng tương tự như vậy. Thế lực đế quốc không từ một thủ đoạn nào để mưu
toan chặn đứng phong trào cộng sản. Điều đó càng thể hiện tính chất phức tạp của
thời đại ngày nay.
Kẻ thù tư tưởng của chúng ta công khai tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội ở
Liên Xô đã sụp đổ thì giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng chấm hết. Đây
là kết luận vội vã và hồ đồ. Đành rằng thành quả mà Cách mạng Tháng Mười Nga
đem lại đã bị đổ vỡ tại ngay quê hương của nó, nhưng đó không phải là sự chấm dứt
lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Vả chăng, lịch sử đã chứng minh, không có một cuộc cách mạng nào, kể cả
các cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lại đủ khả năng kết thúc ngay công việc xóa bỏ
xã hội cũ và xây dựng xong ngay xã hội mới. Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến
lên xã hội tư bản chủ nghĩa đã phải trải qua hàng trăm năm với nhiều cuộc cách
mạng tư sản: Cách mạng Anh năm 1688, các cuộc cách mạng tư sản Pháp vào các năm
1830, 1848, 1871.
Sự đột phá của Cách mạng Tháng Mười Nga làm cho chủ nghĩa tư bản bị đổ
vỡ một mảng lớn. Thế giới bừng tỉnh, bung ra với sức mạnh mới của sự hình thành
và phát triển của chủ nghĩa xã hội làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải
phóng xã hội, giải phóng con người.
Thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo cho loài người có khả
năng kìm giữ sự lộng hành của chủ nghĩa tư bản, làm thay đổi cả những yếu tố
bên trong của chủ nghĩa tư bản. Những thay đổi trong chiến lược kinh tế, chính
trị để thích nghi, những thay đổi trong các chính sách phúc lợi xã hội ở các nước
tư bản phát triển hiện nay đều bắt nguồn từ kết quả của xã hội đấu tranh của những
người lao động và sâu xa hơn là được ảnh hưởng những yếu tố tích cực của Cách mạng
Tháng Mười Nga.
Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định của
Đảng ta rằng, tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động
nhưng điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang
trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các mâu thuẫn
cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn, nội dung và
hình thức biểu hiện có nhiều nét mới.
Chặng đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội tuy không còn có sự giúp đỡ của
Liên Xô và các nước XHCN như trước nhưng trong giai đoạn mới của thời đại, khi
cách mạng khoa học-công nghệ và toàn cầu hóa đời sống thế giới, tất cả các nước
đều ở trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, không một nước nào sống biệt lập mà
có thể phát triển được.
Sự hợp tác kinh tế với các nước bằng nhiều hình thức sinh động trên
nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không
can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ tranh thủ
vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho việc phát
triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cơ sở
vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là một khả năng thực tế mà
chúng ta đã và đang cố gắng tận dụng, đưa nước ta hội nhập vào nền kinh tế khu
vực và thế giới.
Như vậy, từ một nước kinh tế kém phát triển, nếu chúng ta biết tranh thủ
những thời cơ, thuận lợi và biết vượt qua những thách thức, nguy cơ, chúng ta
có thể “phát triển rút ngắn” lên XHCN bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa theo quan
điểm của V.I.Lenin-người đã có đóng góp to lớn vào lý luận về sự “phát triển
rút ngắn” và Chính sách kinh tế mới (NEP). Nó đã được thực tiễn khảo nghiệm mà
ngày nay Đảng ta đang vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng
nước ta.
Xuất phát từ tình hình như thế, chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng
Việt Nam đang trong tư thế vươn tầm, kiên định con đường đã lựa chọn, đã có đủ
sức lực và trí tuệ để tiến bước cùng thế giới, tiến cùng thời đại; phấn đấu hiện
thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
GS, TS VŨ VĂN HIỀN, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét