Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong dự thảo Chiến lược chuyển đổi
số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cùng với việc xác định các
quan điểm trong chuyển đổi số báo chí, Bộ TT&TT cũng đề xuất tầm nhìn, mục
tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đặt mục tiêu phát
triển báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng. |
Theo đó, tầm nhìn của dự thảo là
xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương
tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp
thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc,
mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng
thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh
tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Mục tiêu chung của dự thảo là xây
dựng báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ,
đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền
thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả.
Người dân, tổ chức, doanh nghiệp
được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi
nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Cùng với đó,
thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn
thu báo chí.
Phát triển một số cơ quan truyền
thông chủ lực đa phương tiện, đa nền tảng, đi đầu trong chuyển đổi số báo chí.
Đổi mới chương trình đào tạo báo chí bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ
và truyền thông hiện đại.
Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số
báo chí cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội
dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi
hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có
nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
để tối ưu hóa hoạt động; 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã
hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa;
quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.
Bên cạnh đó, phát triển 6 cơ quan
truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia và cơ quan truyền thông chủ lực đa
phương tiện địa phương tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ
quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng, giảm sự phụ thuộc
vào các nền tảng xuyên biên giới; các cơ quan báo chí khác sử dụng nền tảng
trong nước để phân phối nội dung trên không gian mạng...
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã
đề ra, dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đề xuất các nhóm nhiệm vụ trọng
tâm gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế, chính
sách và các quy định pháp luật; Tái cơ cấu tổ chức và quy trình tác nghiệp của
các cơ quan báo chí; Phát triển dữ liệu số ngành báo chí; Phát triển các sản phẩm
báo chí số; Phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ
thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí; Phát triển và nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Hùng Quân – Báo điện tử CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét