Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Lật tẩy thủ đoạn phá rối bầu cử (kỳ 2)

Một số người nhân danh “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” đã tuyên bố tự ứng cử, hô hào phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online. Họ tung hô, ủng hộ cho các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, chống phá Nhà nước, đăng ký tự ứng cử nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại an ninh, trật tự kỳ bầu cử.



II - Màn kịch lợi dụng quyền “tự ứng cử” để phá rối

Lợi dụng quyền tự do, dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, một số người nhân danh “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” đã tuyên bố tự ứng cử, hô hào phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online. Họ tung hô, ủng hộ cho các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, chống phá Nhà nước, đăng ký tự ứng cử nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại an ninh, trật tự kỳ bầu cử.

Để thực hiện âm mưu, ý đồ lợi dụng quyền tự ứng cử, thủ đoạn của họ là:

Xây dựng trang mạng (facebook, fanpage, blog…) công khai vận động ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đưa tin, hình ảnh, bài viết về những người “tự ứng cử” nhằm tô vẽ, cổ vũ tinh thần, khuếch trương thanh thế, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Thành lập nhóm facebook, zalo kín để tập hợp số “tự ứng cử” cùng số đối tượng chống đối để bàn bạc thực hiện ý đồ. 

Trong đó, họ thành lập “tổ chuyên gia tư vấn” với số đối tượng cầm đầu, cốt cán nhằm xây dựng phương hướng, thẩm định chương trình hành động của các ứng viên; tư vấn, hỗ trợ ứng cử viên các hoạt động liên quan tự ứng cử; bàn bạc thành lập “ban hỗ trợ bầu cử” có nhiệm vụ hỗ trợ những người tự ứng cử về hồ sơ, quay phim, chụp ảnh, đưa tin, vận động xin kinh phí, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các ứng viên; thống nhất kế hoạch hành động như sẽ bố trí người đến ủng hộ, cổ vũ, động viên, gây sức ép đòi vào tham dự hội nghị cử tri, quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng Internet. Sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử, các đối tượng trực tiếp đi vận động quần chúng nhân dân nơi cư trú ủng hộ khi tổ chức hội nghị cử tri, tìm cách gặp gỡ nhân viên ngoại giao các nước để tìm kiếm sự ủng hộ, hậu thuẫn.

Phát động các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online nhằm tung hô, ủng hộ cho các đối tượng chống đối tự ứng cử. Để phát động các chiến dịch truyền thông, họ triệt để khai thác các trang mạng sẵn có, đồng thời thông qua các trang mạng của các đài phát thanh nước ngoài phỏng vấn, tung hô số đối tượng tự ứng cử, vu cáo Nhà nước ta tổ chức bầu cử không dân chủ, thiếu minh bạch… 

Đặc biệt, các đối tượng còn lập ra các kênh truyền thông trên nền tảng của mạng xã hội, nhất là kênh You Tube, hoạt động như một kênh truyền hình để tuyên truyền ca ngợi, cổ vũ, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online cho các “nhà dân chủ” tự ứng cử. Đưa tin, bài viết phê phán, xuyên tạc, vu cáo chính quyền, cho rằng Đảng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; những người “đấu tranh dân chủ” bị đưa ra “đấu tố”, “chỉ trích”, “hội nghị cử tri mất dân chủ, vi phạm pháp luật”… khi các đối tượng tự ứng cử mà không nhận được tín nhiệm của nhân dân tại hội nghị cử tri nơi cư trú.

Ở đây, chúng ta cần hiểu đúng về quyền tự ứng cử

Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Điều 27, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Thực tế cho thấy, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 2016 đã có 162 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó đã có những người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội như trường hợp đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định).

Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV năm 2021, theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả nước có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố. Trong đó Hà Nội có 30 người, TP Hồ Chí Minh có 16 người. Những con số trên cho thấy, Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự ứng cử trong bầu cử, không có phân biệt giữa người được đề cử và tự ứng cử. 

Vấn đề là người tự ứng cử phải đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, về năng lực, trình độ và uy tín trong quần chúng. Dù là đề cử hay tự ứng cử thì yêu cầu hiển nhiên khi tham gia Quốc hội, HĐND là để phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sự thực, các kỳ bầu cử vừa qua là minh chứng bác bỏ những nhận định cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là “mất dân chủ”, “không công bằng”, là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có “cửa” cho những người tự ứng cử.

Chúng ta cần thấy rằng, lịch sử các cuộc bầu cử cho thấy, có những người tự nộp hồ sơ ứng cử với động cơ rất trong sáng, muốn đóng góp sức mình vào cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp. Và thực tế đã có những người tự ứng cử có đủ phẩm chất, năng lực, được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt việc tự ứng cử với mục đích, động cơ trong sáng, tinh thần xây dựng với việc lợi dụng quyền tự ứng cử để phá rối, gây hại. Thời gian qua, việc một số người tự xưng là các “nhà đấu tranh cho dân chủ” hô hào, phát động phong trào tự ứng cử, nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thực chất chỉ là chiêu trò phá rối, vì động cơ xấu. 

Những người này biết rằng, cơ hội trúng cử đối với họ là không có bởi với bản “lý lịch đen” chống phá Đảng, Nhà nước, hồ sơ đó đương nhiên không nhận được sự ủng hộ của người dân ngay tại nơi họ sinh sống chứ chưa nói tới được cử tri bỏ phiếu. Thế nhưng, họ vẫn đăng ký tự ứng cử, vẫn hô hào ký tên ảo, bỏ phiếu online bởi mục đích thực là để đánh bóng tên tuổi với mong muốn sẽ trở thành “ngọn cờ” của “phong trào đấu tranh dân chủ” trong nước, qua đó khuếch trương hình ảnh, để được nhiều người biết đến. 

Khi những người này không được đưa vào danh sách bầu cử hoặc khi được đưa vào danh sách bầu cử nhưng không trúng cử, họ sẽ xem đó là cơ hội để xuyên tạc, vu cáo chính quyền, vu cáo Đảng, Nhà nước với luận điệu kiểu như: “Người tự ứng cử gần như không có cơ hội trở thành đại biểu Quốc hội”, “Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, giả hiệu trong việc tổ chức bầu cử”… Mặt khác, họ sẽ xem đây là “bằng chứng” về sự vi phạm dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, từ đó kêu gọi quốc tế, Liên hợp quốc lên tiếng can thiệp, giám sát quá trình bầu cử tại Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và đấu tranh kịp thời.

Nguyễn Sơn

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...