Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Giá trị lý luận và kết quả thực tiễn

QĐND - LTS: Quá trình chuẩn bị Tọa đàm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Giá trị lý luận và kết quả thực tiễn”, Báo Quân đội nhân dân và Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (hai đơn vị phối hợp thực hiện) đã nhận được nhiều tham luận có nội dung sâu sắc, đánh giá khá toàn diện kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05).

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cuộc tọa đàm không thể thực hiện theo kế hoạch, Báo Quân đội nhân dân và Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, Tổng cục Chính trị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các địa phương trên địa bàn cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội... đã quan tâm động viên, gửi tham luận tới tọa đàm. Trong số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích đăng một số tham luận gửi tới tọa đàm.

Đồng chí ĐÀO HỒNG LAN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh:

Phát triển toàn diện, tiền đề vững chắc

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các chuyên đề hằng năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần đưa tỉnh Bắc Ninh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, làm tiền đề cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Nhất là, trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kinh tế tỉnh Bắc Ninh đạt tăng trưởng dương (riêng quý I-2021 đạt 8,16%); quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,3 triệu tỷ đồng, đứng đầu toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 30.500 tỷ đồng, đứng thứ 9 toàn quốc; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; phát triển 16 khu công nghiệp tập trung; thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đạt gần 20 tỷ USD, đã thu hút 1.650 dự án FDI còn hiệu lực, với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đến làm việc tại tỉnh Bắc Ninh. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, TP Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I; tỉnh Bắc Ninh được xếp loại đơn vị hành chính loại II và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại; quan tâm chăm lo đồng bộ, hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và thực hiện tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hộ nghèo giảm còn 1,04%. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa-xã hội được quan tâm với nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân cả nước. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và hệ thống chính trị được tăng cường.

Thời gian này, Bắc Ninh tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

--------------

PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I:

Phong cách lãnh đạo, quản lý - Một nét đặc sắc tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh

Phong cách lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh là một nét đặc sắc tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh-mẫu mực của một lãnh tụ chính trị và nhà khoa học chân chính, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả và triết lý hành động vì con người của một nhà văn hóa lớn.

Phong cách lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán, thống nhất trong việc bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Đảng, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và những phát sinh trong thực tiễn của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý “phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng”. Đây là phẩm chất chính trị cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất đối với mỗi người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong tư tưởng cũng như thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý, Hồ Chí Minh luôn giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuân thủ những vấn đề có tính cương lĩnh, quan điểm, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người xác định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Người đã khéo léo xử lý mối quan hệ tưởng chừng đối lập giữa tính kiên định về nguyên tắc, lý tưởng, niềm tin và tính linh hoạt, uyển chuyển trong phương pháp tư duy và hành động. Cốt lõi của quan điểm này chính là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Phong cách lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ ở các nội dung: Kết hợp giữa nhiệt tình cách mạng với tính khách quan, khoa học; thống nhất giữa lý luận với thực tiễn; sâu sát với cơ sở, gần gũi với quần chúng nhân dân; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khéo dùng người, trọng dụng nhân tài.

--------------

Thiếu tướng NGUYỄN QUỐC TUẤN, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3

Ba trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo học tập và làm theo Bác

Quân khu 3 là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước cả trong thời bình và thời chiến. Quá trình đồng hành cùng dân tộc, Quân khu 3 vinh dự hơn 50 lần đón Bác về thăm. Đây là tình cảm đặc biệt Bác dành cho Đảng bộ, quân và dân quân khu. Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự lan tỏa sâu rộng và đạt hiệu quả, Cục Chính trị quân khu đã tham mưu với Thường vụ Đảng ủy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, cách làm, trong đó chú trọng 3 vấn đề, đó là:

Một là, xác định việc học tập và làm theo Bác là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng trong Đảng bộ quân khu. Hai là, xây dựng hoàn chỉnh bộ tiêu chí là đích phấn đấu; lựa chọn khâu đột phá là cụ thể hóa việc học tập, làm theo thành chương trình hành động, khắc phục khâu yếu, tạo sự chuyển biến rõ nét cho cơ quan, đơn vị; tổ chức đăng ký, phấn đấu là cơ sở pháp lý, xây dựng quyết tâm, tạo lập tính tự giác cho cá nhân học tập, làm theo; nhân rộng điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa, đồng thuận, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao. Căn cứ tiêu chí chung, quân khu chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh tiêu chí, chuẩn mực theo hướng ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với từng cương vị, chức trách của tập thể, cá nhân; đồng thời khi lựa chọn khâu đột phá yêu cầu phải bảo đảm làm chuyển biến những hạn chế, yếu kém của cơ quan, đơn vị. Ba là, chỉ đạo tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng; xây dựng các mô hình, cách làm sáng tạo. Quân khu phát động nhiều đợt sinh hoạt chính trị về tổ chức sinh hoạt “tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật, kỷ luật bảo đảm an toàn trong đơn vị. Đặc biệt, Cục Chính trị đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng thành công các mô hình làm theo Bác hiệu quả (toàn quân khu đã xây dựng 16 mô hình). Thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 87 góp phần để Đảng bộ và LLVT Quân khu 3 luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

---------------

Thiếu tướng VÕ VĂN HƯNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5

Gắn kết thi đua chặt chẽ, kết quả rõ nét

LLVT Quân khu 5 đã gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ QUTƯ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, cùng với đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới và các đợt sinh hoạt chính trị “Sống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì người thân, gia đình, bè bạn”, “Giữ vững và phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” trong LLVT quân khu.

Kết quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sức lan tỏa, xây dựng cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có ý chí, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Biểu hiện cụ thể là: Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt kéo dài gây hạn hán, thiếu nước sinh hoạt xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên; bão lụt, sạt lở đất, cháy rừng ở các địa phương...,  LLVT quân khu luôn quán triệt, thấu suốt quan điểm “giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn bảo đảm lực lượng, phương tiện để giúp nhân dân. Đặc biệt, cuối năm 2017 xảy ra bão số 12 và năm 2020 bão số 9 tràn qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, các cơ quan, đơn vị LLVT quân khu đã huy động hàng nghìn lượt bộ đội cùng dân quân tham gia ứng cứu, di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chung tay dựng lại nhà cửa, tu sửa đường sá, cầu cống, kênh mương thủy lợi, giúp bà con kịp đón Tết Nguyên đán. Cũng trong năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, LLVT quân khu vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, tổ chức cách ly công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm phục vụ nhân dân chu đáo, tận tụy, góp phần làm tỏa sáng hình ảnh cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

--------------

Đại tá, PGS, TS VÕ VĂN HẢI, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng:

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân (QPTD), an ninh nhân dân (ANND), xây dựng LLVT nhân dân là định hướng xuyên suốt cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định rõ: “Củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.

Trong những năm tới, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp củng cố QPAN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Trong đó, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau: Một là, thường xuyên quán triệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD, ANND, xây dựng LLVT nhân dân vào sự nghiệp xây dựng QPAN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, ANND, xây dựng LLVT vững mạnh. Ba là, tập trung xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD; trước mắt, phải nỗ lực và quyết tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bốn là, kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND vững chắc. Năm là, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Quân đội nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 87 gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QPAN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

---------------

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN HỮU LẬP, Chủ nhiệm khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị:

Tiên phong, gương mẫu, sâu sát, lắng nghe

Trên cơ sở nắm vững những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kế thừa những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu chủ trương “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” để phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thống nhất tư tưởng, ý chí, quyết tâm và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo nên sự cộng hưởng về sức mạnh, hướng mọi hoạt động vào hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đã xác định.

Muốn thực hiện nhiệm vụ này, trước hết cần phải tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào tính đúng đắn của con đường phát triển đất nước và vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo đó, cán bộ, đảng viên phải luôn tích cực, chủ động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực sự tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn sâu sát quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, luôn sáng tạo trong triển khai thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, cần coi trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, chất lượng của đội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của mọi chủ trương, đường lối. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực tư duy tốt, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có phương pháp làm việc khoa học, có phong cách lãnh đạo, quản lý phù hợp, hiệu quả. 

--------------

Đại tá, ThS NGÔ ĐÌNH PHIẾM, Tạp chí Quốc phòng toàn dân:

Tự giác rèn luyện bản thân

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người cán bộ, đảng viên suốt đời “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Người còn là “mực thước” về sự thống nhất giữa nói và làm; tự giác rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là nội dung rất quan trọng trong học tập và làm theo Bác Hồ hiện nay. Bởi, cán bộ, công chức làm việc công, không giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

Thực tiễn cho thấy, mặt trái của nền kinh tế thị trường hiện nay đã sinh ra nhiều tác động có hại, coi trọng giá trị đồng tiền một cách mù quáng. Nó kích thích thói ích kỷ, tư lợi, đặt lợi ích cá nhân và gia đình lên trên lợi ích của tập thể và xã hội, rất dễ dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân-kẻ “giặc nội xâm”; do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức; tự phê bình, phê bình chưa nghiêm túc; nói chưa đi đôi với làm. Việc một số cán bộ, đảng viên đã suy thoái đạo đức “bất liêm, bất chính” và bị xử lý kỷ luật, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng vừa qua là một minh chứng rõ nhất về công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” là khó khăn, phức tạp, quyết liệt hơn so với đánh giặc ngoại xâm. Muốn chống “giặc nội xâm” hiệu quả thì việc làm thiết thực đầu tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự giác rèn luyện bản thân, ra sức thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giải pháp hữu hiệu là cùng với việc tự học tập để nâng cao trình độ mọi mặt thì còn phải: Giữ nghiêm kỷ luật, chống quan liêu; đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; gần gũi dân, hiểu dân, học hỏi dân và thường xuyên tự phê bình và phê bình; lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên. 

THẮNG HẢI (lược trích)

 

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...