Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Hiện thực ưu việt của chế độ sẽ phủ nhận những luận điệu xuyên tạc

QĐND - Một trong những nội dung quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là khẳng định những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Việt Nam đã, đang từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống.


Những giá trị cốt lõi đó là: Xã hội thực sự quan tâm, coi trọng con người, tất cả vì con người, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người, làm cho con người có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Con người được sống trong xã hội đề cao tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như lời Bác Hồ mong muốn. Con người ứng xử đúng mực, thân thiện với môi trường để giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau và phát triển bền vững đất nước.

Con đường Việt Nam đang đi không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, phù hợp với ý Đảng-lòng dân, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Kể từ khi lập quốc theo chế độ mới đến nay, Việt Nam đã trải qua chặng đường gần 80 năm. Trên con đường đi lên CNXH ở Việt Nam không hề bằng phẳng, trơn tru, thậm chí có lúc vấp váp, sai lầm, song với tinh thần cầu thị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kết hợp và phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dân tộc Việt Nam thêm một lần minh chứng với thế giới là không chỉ chiến thắng những kẻ thù cường bạo nhất thời đại mà còn nỗ lực chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, từng bước tiệm cận gần hơn với những mục tiêu cao cả của CNXH-cũng là những mục tiêu tốt đẹp nhất mà nhân loại tiến bộ hướng tới.

Danh nhân văn hóa người Đức J.Goethe từng nói, đại ý: Lý luận chỉ là màu xám, còn cây đời mãi xanh tươi. “Cây đời” được ươm mầm, chăm sóc và đang lớn lên, tươi cành xanh lá trên mảnh đất Việt Nam chính là cuộc sống của gần 100 triệu người dân được hưởng thụ hương thơm trái ngọt nhờ thành quả cách mạng XHCN đã mang lại. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, người dân đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, trong đó một tầng lớp trung lưu, thịnh vượng đang hình thành, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong xã hội.

Giữa bộn bề, phức tạp của thời cuộc, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, làm chao đảo nhiều quốc gia, dân tộc khiến hàng triệu người dân nghèo trên thế giới có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo thì hầu hết người dân Việt Nam vẫn sống trong an toàn, bình yên. Càng trong hoàn cảnh thiên tai, địch họa, dịch bệnh, tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí cố kết cộng đồng, tình yêu thương chia sẻ của người Việt Nam càng tỏa sáng và trở thành một trong những giá trị văn hóa nổi bật làm nên sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam, uy tín Việt Nam trên thế giới.   

Những năm gần đây, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước thực hiện hiệu quả những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Nhiều mô hình, sáng kiến của Việt Nam như giải quyết đói nghèo, bất bình đẳng giới; phòng, chống thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực... đã được nhiều nước có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Ðặc biệt, những thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn, kiểm soát, phòng, chống đại dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều hãng truyền thông quốc tế đánh giá cao. Theo công bố từ một khảo sát toàn cầu có uy tín, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng của người dân cao nhất thế giới về phản ứng của Chính phủ đối với dịch Covid-19. Những nhận định khách quan đó như một bằng chứng sinh động về sự quan tâm chăm lo chu đáo của Ðảng và Nhà nước ta đối với cuộc sống, sức khỏe của nhân dân trong mọi hoàn cảnh; đồng thời, đó cũng là “chỉ số lòng dân” góp phần đo lường tính chính danh, tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta.

Có được thành quả đó là sự kết tinh của trí tuệ, mồ hôi, lao động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân ta; và sâu xa hơn là bắt nguồn từ sự hy sinh xương máu của gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó có gần 160.000 đảng viên liệt sĩ. Vì vậy, Việt Nam đi theo con đường CNXH không chỉ từng bước hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng “độc lập-tự do-hạnh phúc” mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra mà còn là sự tiếp nối hành trình tri ân các thế hệ người Việt Nam đã anh dũng ngã xuống, dâng hiến trọn đời mình vì những khát vọng cao cả đó.

Sống trong chế độ XHCN, ai cũng có cơ hội, điều kiện được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị của hạnh phúc. Và trên thực tế, hạnh phúc đã, đang đến với mỗi người, mỗi nhà trên dải đất hình chữ S. Tuy quan niệm về hạnh phúc của mỗi người dân không giống nhau, song đều có chung cảm giác là hài lòng về đời sống vật chất, tinh thần tốt đẹp mà thể chế chính trị ưu việt đã kiến tạo và mang lại cho họ. Khi đất nước bình yên, xã hội an toàn, cộng đồng hưởng niềm vui, chắc chắn không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là cội nguồn sâu xa, là xuất phát điểm để chúng ta vững tin vào chế độ XHCN mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung tay xây dựng; đồng thời cũng là cơ sở thực tiễn, căn cứ khoa học để bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc những giá trị tốt đẹp của chế độ XHCN và phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Trung tướng, PGS, TS PHẠM QUỐC TRUNG, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị


Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...