Những
luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được che đậy dưới những thủ đoạn tinh vi
và được tung ra trong thời điểm chuẩn bị bầu cử nên gieo rắc hoang mang, gây
nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ nhân dân. Nếu ai mất cảnh giác, có thể lầm tưởng,
thậm chí bị dẫn dắt và tin theo.
I - Xuyên tạc bản chất, ý nghĩa cuộc bầu cử
Gần đến ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại ráo riết thực hiện các âm mưu, hoạt động chống phá, đưa ra những luận điệu sai trái, đòi hỏi phi lý nhằm phá hoại bầu cử. Bởi vậy, cần nhận diện âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá, từ đó nâng cao cảnh giác, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, đi ngược lại với mong muốn đó, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu lại xem đây là thời cơ để chống phá.
Họ dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, kích động, chống phá cuộc bầu cử, đưa ra các luận điệu xuyên tạc bản chất của cuộc bầu cử, một số đối tượng còn lợi dụng quyền “tự ứng cử” để phát động các chiến dịch truyền thông hô hào “ký tên” ảo, gây rối.
Âm mưu của họ là nhằm gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi trong dư luận, xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng, bôi lem chế độ, từ đó gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá hoại cuộc bầu cử; làm cho cuộc bầu cử không diễn ra theo kế hoạch, dự kiến.
Những thủ đoạn đang được các đối tượng sử dụng để xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử là:
- Tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về cuộc bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử này chỉ là hình thức, người dân không có vai trò gì.
Các đối tượng đăng tải trên Internet những luận điệu cho rằng: “Cuộc bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”, “Bầu cử chỉ là hình thức bởi nhân sự đã do Đảng chọn”, “Cuộc bầu cử không có gì mới so với trước đây”, Đảng “phân biệt đối xử với người tự ứng cử”, “Việc quy định con số và tỷ lệ đại biểu do Đảng áp đặt là tùy tiện, trái Hiến pháp”... Từ đó, quy kết rằng, ở Việt Nam không có “dân cử, dân bầu”, đó chỉ là diễn kịch, trò hề…
Không những vậy, các đối tượng còn tung ra các luận điệu kiểu như: Quốc hội qua các nhiệm kỳ chưa làm tròn chức trách là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phần lớn đại biểu chỉ là cơ cấu để bấm nút bỏ phiếu, chưa thể hiện được tiếng nói và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân; tổ chức bầu cử như hiện tại chỉ gây lãng phí tiền của nhân dân; cuộc bầu cử này là không chính danh, chỉ là “hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”... Từ đó, các đối tượng kêu gọi phải mở rộng “dân chủ trong bầu cử”, Đảng cần ủng hộ những người “tự ứng cử”, phải vận động, tranh cử công khai để cử tri lựa chọn...
- Kêu gọi, kích động người dân không đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Để cổ suý luận điệu “Quốc hội chỉ là hội nghị mở rộng của Đảng”, các đối tượng thông qua Internet kêu gọi, kích động người dân không đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Đối với những người đi bầu cử, các đối tượng tuyên truyền gạch chéo tất cả những phiếu bầu.
- Tán phát cái gọi là “thư ngỏ”, “thư kiến nghị”, “góp ý” nhằm tuyên truyền luận điệu kêu gọi thay đổi cơ chế, chính sách, quy định về bầu cử. Lấy cớ những nhà trí thức, nhà khoa học, với những “ý kiến tâm huyết” với Đảng, Nhà nước, một số đối tượng đã chủ động viết, tán phát “thư ngỏ”, “thư kiến nghị”, “góp ý” kêu gọi Đảng, Nhà nước thay đổi cơ chế, chính sách, quy định về bầu cử hiện nay. Họ kêu gọi Đảng, Quốc hội phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do. Còn nếu với cách tổ chức bầu cử và cơ chế bầu cử theo quy định hiện nay thì họ tuyên truyền rằng, đối với nhiều đại biểu có thể tự mình công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn tiền thuế của dân. Họ hô hào: Để lập được một Quốc hội có năng lực thì trước hết phải kiên quyết bỏ hẳn cách Đảng cử dân bầu, mặt trận độc quyền giới thiệu. Phải mở rộng đường cho việc tự ứng cử và vận động ứng cử tự do...
- Lợi dụng quyền tự ứng cử, phát động các chiến dịch truyền thông hô hào ký tên ảo trên Internet, tung hô, ủng hộ cho người này, người kia. Trước thời điểm bầu cử, các tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước thường chỉ đạo số thành viên, cơ sở trong nước đăng ký tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND các cấp. Không những vậy, các đối tượng còn phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, mạng xã hội để kêu gọi ký tên ảo nhằm tung hô, ủng hộ cho những nhà “dân chủ” tự ứng cử. Ý đồ của họ là tìm cách xâm nhập người vào các cơ quan dân cử. Trong trường hợp những người này trúng cử thì họ sẽ có điều kiện để phá hoại, tác động chuyển hóa nội bộ. Trường hợp những người này không trúng cử thì họ sẽ lợi dụng để vu cáo, xuyên tạc công tác bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử là thiếu minh bạch, thiếu dân chủ.
Có thể thấy, những luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được che đậy dưới những thủ đoạn tinh vi và được tung ra trong thời điểm chuẩn bị bầu cử nên gieo rắc hoang mang, gây nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ nhân dân. Nếu ai mất cảnh giác, có thể lầm tưởng, thậm chí bị dẫn dắt và tin theo.
Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp quy định: Cử tri bầu đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử để đảm bảo ý chí của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội. Việc lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nghiêm túc và người dân tự do thể hiện chính kiến của mình khi cầm lá phiếu bầu cử, hoàn toàn không có chuyện ép buộc như luận điệu các đối tượng rêu rao. Hoàn toàn không có việc “bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”, không có phân biệt đối xử với người tự ứng cử…
Hiện nay, các cơ quan chức trách đang tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện chính trị liên quan tới cuộc bầu cử để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có định hướng theo quan điểm, đường lối của Đảng và yêu cầu của xã hội cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảng viên, chủ động sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống; không nghe theo các luận điệu sai trái, thù địch, thủ đoạn kích động chống phá của các đối tượng.
(Còn nữa)
Nguyễn Sơn (Học viện ANND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét