Quần đảo Trường Sa có lẽ là địa danh mà bất cứ người dân đất Việt nào cũng mong muốn được một lần đặt chân đến. Trong chuyến hải trình thay, thu quân đầu năm 2020 vừa qua, trên con tàu Kiểm Ngư 491 phóng viên An ninh Thủ đô đã hiểu thêm được phần nào nhịp sống của những chàng trai đang độ tuổi đôi mươi, chắc tay súng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Dáng đứng Việt Nam giữa biển khơi
Xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, “chiến đấu” với những con sóng cao hàng mét, chúng tôi có mặt trên đảo Đá Lát. Đá Lát là một đảo chìm, khi tôi hỏi vì sao đảo lại có tên là Đá Lát, chiến sỹ Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Cái tên ấy đã có từ bao đời nay rồi. Ngày đầu tiên ra đảo, em cũng hỏi chỉ huy câu ấy và câu trả lời cũng như vậy. Ở những đảo chìm như Đá Lát, diện tích rất nhỏ hẹp. Xung quanh tòa nhà làm việc của ban chỉ huy và cán bộ chiến sỹ trên đảo là mênh mông một màu xanh của biển cả. Quanh đảo là những rạng san hô rộng lớn. Phía dưới rạng san hô ấy có một thảm thực vật phong phú, từ con ốc biển đến cá tôm, dù nhỏ cũng được những cán bộ chiến sỹ trên đảo nâng niu, giữ gìn”.
Trong suốt hải trình hơn 20 ngày thay, thu quân trên quần đảo Trường Sa, điều đọng lại trong tôi không chỉ là hình ảnh những người chiến sỹ Hải quân với làn da bóng màu đồng giữa cái nắng mặn mòi, khô ráp của biển cả, mà còn là cuộc sống hết sức bình dị ở những nơi thiêng liêng nhất của Tổ quốc. Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ phải kể tới những chiếc cọc bê tông được cắm xung quanh các đảo chìm. Qua thời gian bao năm tháng, chúng bị rêu phong phủ xanh.
Không chỉ có tác dụng kè sóng, những chiếc cọc này còn định vị giúp cho xuồng của cán bộ chiến sỹ đi vào đúng luồng, lạch, tránh cho chân vịt va vào đá hay san hô ngầm. Ngồi trên tầng 2, nơi đặt ống nhòm quan sát biển tại đảo Đá Tây B, nhìn những chiếc cọc ấy tưởng như đó chính là những dấu tích mà các tiền nhân như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo… đã dựng lên dọc sông Bạch Đằng.
Đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, những cảm xúc lịch sử hào hùng của cha ông ta ngàn đời nay tưởng chừng như dội về, dữ dội như chính sóng gió Trường Sa. Không chỉ là những cán bộ chiến sỹ vai sắt chân đồng đang ngày đêm chắc tay súng đứng gác ở cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, từ con ốc, gốc cây, ngọn cỏ, con sóng, cho đến tảng đá, cột trụ bê tông sừng sững, hiên ngang trên biển… tất cả đều có dáng đứng kiêu hùng như dáng đứng Việt Nam giữa biển khơi biêng biếc sắc xanh.
Quân và dân trên quần đảo Trường Sa
Tình yêu với biển cả quê hương
Ngoài những cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm bám biển, giữ đảo, ở Trường Sa còn có những người dân với cuộc sống bình dị. Ngôi nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng giống như bao ngôi nhà khác, từ bao đời nay, gia đình chị lấy nghề đánh bắt cá làm công việc mưu sinh. Cứ mỗi buổi sáng khi mặt trời còn chưa ló rạng, anh đã khoác chài lưới lên vai ra biển.
Chị ở nhà lo cơm nước, dạy dỗ các con, làm những công việc thường ngày của người phụ nữ. Những chiếc vỏ ốc, sò, trai biển đủ màu sắc qua bàn tay khéo léo của chị trở lên đẹp lung linh trong hình thái của cành hoa, hay bức tranh làng quê Việt. Ngồi ở nhà vợ chồng chị Mỹ Dung, nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy màu của biển, hình hài của biển. Hộp đựng bút của hai cháu nhỏ được làm bằng vỏ sò tai tượng, cây mai trang trí đón Tết cũng được làm từ những vỏ ốc, vỏ sò.
Sáng mùng 1 Tết, dưới hàng quân đứng nghiêm trang chào cờ trong tiếng nhạc Quốc ca còn có những người dân, học sinh của đảo Trường Sa. Đứng cuối hàng các cháu nhỏ là thầy giáo Bành Hữu Tình, quê ở Cam Lâm, Khánh Hòa. Thầy Tình tình nguyện ra Trường Sa gieo con chữ cho những học sinh nơi đây. Trước khi ra Trường Sa dạy học, thầy đã có 13 năm công tác tại các trường tiểu học của tỉnh. Lá đơn tình nguyện được ra Trường Sa dạy chữ cho con em ngư dân sinh sống trên đảo của thầy đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đồng ý, bởi những tâm huyết, trách nhiệm và đặc biệt là tình yêu biển đảo quê hương.
Khi đặt chân lên đảo Trường Sa, được chào đón bằng những cái bắt tay thật chặt, nụ cười ấm áp của quân và dân trên đảo, đặc biệt là những lời chào lễ phép, bẽn lẽn của các cháu nhỏ, trong thầy dâng lên một cảm xúc vô cùng mạnh mẽ. “Lúc ấy tôi thật sự hiểu rằng, mình đang và sẽ có những tháng ngày tươi đẹp nhất, huy hoàng nhất của cuộc đời dạy học. Dạy cho các em những nét chữ đầu đời, dạy cho các em thêm yêu về biển đảo nhỏ quê hương, về truyền thống đánh giặc ngoại xâm, giữ gìn đất nước của đất Việt trong hàng nghìn năm lịch sử” - thầy Tình tâm sự. Dù lớp học với sỹ số học sinh ít hơn so với các lớp trong đất liền, nhưng tinh thần học tập của thầy và trò nơi đảo xa vẫn luôn say sưa, hăng hái.
Còn nhiều những cái tên, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió biển trên quần đảo Trường Sa. Quê quán của mỗi người dù có khác nhau, nhưng tất cả đều có một quê chung, đó là quê hương Việt Nam thân yêu. Và những con sóng, những màu xanh của cỏ cây, hoa lá, những viên sỏi, vỏ sò con ốc, nơi đảo xa, đối với họ cũng là nhà, là quê hương thiết tha và gần gũi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét