Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG ÂM MƯU LỢI DỤNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT ĐỂ CHỐNG PHÁ VIỆT NAM

Thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật nhằm thay đổi bản chất hệ thống pháp luật nước ta, từ đó chuyển hóa chế độ chính trị.
Các thủ đoạn mà kẻ địch thường sử dụng đó là: Thông qua tài trợ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, họ tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan thể chế chính trị, kinh tế, quyền con người ở Việt Nam. Lợi dụng tổ chức hội thảo, tập huấn hỗ trợ xây dựng văn bản pháp luật cho các cơ quan chức năng của ta để họ tác động vào việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người ở nước ta. Đặc biệt, các tổ chức phi chính phủ ở một số nước lấy danh nghĩa tài trợ cho giới luật gia Việt Nam, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho luật sư trong nước để tác động, khuyến khích họ phát biểu, phê phán hệ thống pháp luật Việt Nam; lôi kéo số luật gia có uy tín, nhưng có tư tưởng đa nguyên ra nước ngoài đào tạo làm thay đổi quan điểm, tư tưởng, thậm chí tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. 
Những năm tới, đất nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; đó cũng là xu thế tất yếu của sự phát triển. Do vậy, cần tiếp tục tận dụng những thuận lợi trong hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững; đồng thời, tích cực đấu tranh làm thất bại mưu đồ lợi dụng sự hợp tác quốc tế về xây dựng luật để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để chống phá cách mạng nước ta, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào những nội dung trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị có liên quan đến công tác tư pháp. Đó là Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 09-12-2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; Nghị định 113/2014/NĐ-CP, ngày 26-11-2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, quy định việc hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật, v.v. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần phát huy tốt vai trò tham mưu và làm nòng cốt trong hoạt động hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc trên lĩnh vực xây dựng pháp luật. Trong đó, tập trung tuyên truyền làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã và sẽ có thể tiếp tục lợi dụng việc hợp tác trong lĩnh vực này để chống phá Việt Nam; đồng thời, giáo dục để họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức tốt; luôn đề cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bảo vệ bí mật nhà nước; tích cực đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện sai trái, vi phạm luật pháp Việt Nam. Cùng với đó, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu để có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật.
Ba là, thường xuyên nắm chắc động thái của các cơ quan hữu quan, tổ chức phi chính phủ ở những nước có hợp tác với ta trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Các cơ quan chuyên trách cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, nhằm phát hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá để kịp thời có biện pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Tăng cường biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp giấy phép hoạt động cho các văn phòng đại diện, văn phòng dự án và xét duyệt dự án thực hiện ở trong nước; chú ý đến những dị biệt về văn hóa, tâm lý, tình cảm; chú trọng bảo mật dự án ngay từ giai đoạn khảo sát. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp làm lộ, lọt bí mật nhà nước, hoặc cung cấp thông tin để đối tác nước ngoài tác động, hướng lái đường lối, chính sách, pháp luật, nhằm chuyển hóa chính trị ở Việt Nam.
Bốn là, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật. Các bộ, ban, ngành và địa phương tiến hành rà soát, đề nghị sửa đổi, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, không tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng các chương trình, dự án nước ngoài tài trợ, nhất là trên lĩnh vực xây dựng pháp luật. Đối với các chương trình, dự án hợp tác do nước ngoài tài trợ, cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước từ khâu thẩm định, xét chọn các chương trình, dự án để tiếp nhận và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật, bảo vệ bí mật nhà nước,… đến mọi đối tượng đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, nhất là các đối tác nước ngoài có hoạt động hợp tác với nước ta về xây dựng pháp luật. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia giám sát của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, hạn chế vi phạm do thiếu hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong hợp tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta.
#AQ

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...