Trong dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vừa qua, trên một số trang mạng nước ngoài lại gia tăng các bài viết phê phán Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp tục công kích vào những vụ việc mà cơ quan bảo vệ pháp luật đã, đang điều tra, xử lý liên quan một số đối tượng lợi dụng mạng Internet để viết bài chống phá Nhà nước, nhân dân.
Thực tế, trong chiến lược chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường lợi dụng quyền con người (QCN), đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do Internet để vu cáo Việt Nam là “chế độ độc tài toàn trị”; “Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người mà họ đã ký kết”, “Việt Nam kiểm soát và kiểm duyệt gắt gao báo chí, tự do Internet”; Việt Nam “bắt bớ nhiều blogger”; “bịt miệng những người… yêu nước”. Vậy thực chất quyền tự do ngôn luận báo chí ở nước ta như thế nào?
Trước hết, quyền tư do ngôn luận, báo chí trong các công ước quốc tế và trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam như thế nào?
Trong các văn kiện quan trọng nhất về QCN, trong đó có “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đều được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, những quyền này không phải là quyền tuyệt đối mà là một quyền bị hạn chế. Khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 ghi: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc hưởng thụ quyền này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định (những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật) để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội. Trong Hiến pháp Việt Nam 2013, quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được quy định tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25).
Đồng thời, những quy định trong Luật Báo chí về quyền tự do ngôn luận của công dân; về nghĩa vụ của cơ quan báo chí hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về QCN.
Thứ hai, thực tế sự phát triến báo chí Việt Nam như thế nào?
Sự phát triển của báo chí Việt Nam ngày nay cho thấy những quyền nói trên đã được bảo đảm không chỉ trong luật mà còn trong thực tế.
Đến nay, Việt Nam đã có có 859 cơ quan báo chí in; 135 cơ quan báo điện tử; 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình.
Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài “online”, trong đó có các kênh lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg...
Có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times...
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Theo cơ quan thống kê của Facebook, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người, bằng 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook. Trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Được biết nhiều cơ quan, tổ chức và công chức Việt Nam đã sử dụng mạng Facebook để trực tiếp liên hệ với người dân… Một cơ quan quốc tế về Internet đánh giá Việt Nam hiện là quốc gia có lượng người dùng Internet lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với báo chí như thế nào?
Thực tế không có chuyện “Hà Nội nghiêm cấm báo chí viết về tham nhũng, lợi ích nhóm” như một số tin nêu trên mạng. Trong một lần tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, rất nguy hiểm và hậu quả khôn lường. Về giải pháp, Tổng Bí thư nêu rõ “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”.
Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khuyến khích báo giới tham gia trận chiến chống tham nhũng và hơn nữa còn xem đây là một lực lượng chống tham nhũng có hiệu quả cao. Nhiều vụ việc tham nhũng, do giới báo chí phát hiện và Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu điều tra, xử lý.
Chẳng hạn vụ Trịnh Xuân Thanh mở đầu từ thông tin báo chí mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu cấp ủy và cơ quan chức năng của Nhà nước vào cuộc. Sau đó, báo chí cũng nêu vấn đề tài sản “khủng” không rõ ràng về “nguồn gốc” của bà Thứ trưởng Bộ Công Thương đã dẫn đến các cơ quan chức năng và Bộ Công Thương xác minh...
Không có bất cứ chế độ xã hội hiện đại nào ngày nay lại không bảo vệ quyền tự do ngôn luận báo chí. Vì đây là một điều kiện cho sự phát triển của xã hội. Đối với Đảng và Nhà nước ta thì quyền tự do ngôn luận, báo chí không chỉ là quyền cần phải bảo đảm hơn nữa còn được xem là một động lực cho sự phát triển của xã hội.
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng đề ra những quy định pháp luật để hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, tiêu biểu như: Điều 79, 88, 258 BLHS; Điều 6, 10, 28 Luật Báo chí; Điều 9, Nghị định 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ “về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet”… Việc trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng có những hình thức xử lý đối với các cá nhân như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Hữu Quốc Duy, Mai Phan Lợi, Đỗ Hùng… về hành vi lợi dụng quyền tự do cá nhân nhằm xâm hại đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, cơ quan, nhà nước đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.
Rõ ràng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc. Và những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
#AQ
#AQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét