Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

LẬT TẨY NHỮNG "THẦY PHÁN" TRONG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO

Lẽ thường, khi chủ quyền biển đảo bị xâm hại, người dân bày tỏ lòng yêu nước, sự quan tâm, theo dõi diễn biến. Lợi dụng tâm lý này, trên mạng internet, một số đối tượng “thầy phán” đã đưa ra “rao giảng” phải yêu nước ra sao, hành động thế nào, song âm mưu chính là kích động người dân, lợi dụng vấn đề chủ quyền biển đảo để chống phá Đảng, Nhà nước.

“Thêm dầu vào lửa”


Những “thầy phán” này là ai? Đó chính là những đối tượng lợi dụng lòng yêu nước của người dân, tìm cách đẩy vấn đề lên cao trào theo kiểu “thêm dầu vào lửa”, tung hoả mù về thông tin, từ một thành hai, ba, thậm chí sự thật bị thổi phồng lên gấp bội.

Hơn tháng qua, nhiều trang báo thiếu thiện chí ở nước ngoài đăng tải nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn liên quan đến việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung của các bài nói, bài viết, thông tin được đưa ra lại có nhiều vấn đề sai lệch, mang tính kích động người dân. Một mặt, họ cho rằng, hành động của Trung Quốc là “ngang ngược”, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của Việt Nam. Mặt  khác, từ việc đánh giá tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng, họ phê phán hành động của Việt Nam, cho rằng phản ứng chậm chạp, né tránh, không dám nhìn thẳng sự thật, thậm chí một số bài viết còn xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề xử lý chủ quyền biển đảo, quy chụp “theo phe phái”, “lừa mị người dân”.

Cần thấy rằng, trong việc xử lý các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán: Chủ quyền biển đảo là một bộ phận không thể tách rời của chủ quyền đất nước, đây là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Khi Trung Quốc có các hành động xâm phạm, Việt Nam đã có các biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật”.

Nhận diện thủ đoạn:

Xâu chuỗi các sự kiện, diễn biến trên Biển Đông những năm qua cho thấy, các thế lực phản động đang triệt để lợi dụng vấn đề này để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Có thể nhận diện các thủ đoạn đó như sau:

Thứ nhất, kích động người dân tuần hành, biểu tình dưới danh nghĩa yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực tế, đây là cái cớ, đánh vào lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để gây rối. Dưới vỏ bọc tuần hành thể hiện tình yêu nước và bảo vệ Tổ quốc, các đối tượng rêu rao việc xuống đường đấu tranh là ôn hoà, phi bạo lực. Tuy nhiên, mưu đồ là tiến hành ném bom xăng, tấn công trụ sở cơ quan công quyền, tấn công cảnh sát, cán bộ cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, các đối tượng lợi dụng vấn đề chủ quyền để xuyên tạc trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của người dân, cho rằng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thì người dân phải xuống đường, phải gây áp lực để Nhà nước “vào cuộc”, kêu gọi phải huy động quân đội “thể hiện bản lĩnh”. Cùng với đó, các đối tượng còn cổ suý, đưa luận điệu “tự người dân có thể bảo vệ Tổ quốc”, không cần sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, âm mưu nhằm kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, họ tìm cách xuyên tạc chủ trương, hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Đảng, Nhà nước ta. Từ những phân tích đánh tráo bản chất, các đối tượng này miệt thị, phê phán đường lối, quan điểm giải quyết của Đảng, Nhà nước, từ đó đánh vào tâm lý người dân, cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước “vì phe này, phe kia” không giải quyết tình hình, để chủ quyền bị xâm lấn.

Cảnh giác với các “thầy phán”

Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trước tình hình đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương, đường lối và nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia, ngăn ngừa xung đột, tạo môi trường hoà bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển. Trong việc giải quyết các vi phạm chủ quyền tại biển Đông, Đảng, Nhà nước ta đã có các biện pháp thích hợp, vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa kiên quyết, nhất quán.

Tính chất nhất quán của quốc phòng Việt Nam là: Tự vệ, chính nghĩa, quốc phòng hòa bình, dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nguyện vọng và cũng là lợi ích cao nhất của dân tộc Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển…

Trước tình hình vi phạm chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn ra phức tạp, đặt ra yêu cầu cao phải tăng cường tổ chức lực lượng và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đấu tranh toàn diện, bằng các hình thức, biện pháp linh hoạt, thông qua chủ trương, kế hoạch chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Điều quan trọng là người dân cần cảnh giác với các “thầy phán”, các luận điệu, hành động lợi dụng, kích động của kẻ địch nhằm phá hoại đất nước, gây phân tâm trong xã hội.

(#poca)danviet.vn

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...