Như Báo CAND đã thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh bậc THCS và THPT. Điểm đáng chú ý trong Dự thảo quy chế là Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất "bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10, cho phép địa phương tự quyết định song "việc lựa chọn môn thi thứ 3 phải có sự thay đổi hằng năm và công bố trước ngày 31/3".
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định môn thi thứ 3 thay đổi hàng
năm như trong Dự thảo là không phù hợp bởi môn thi vào lớp 10 cần rõ ràng, minh
bạch và có tính ổn định lâu dài. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 cũng nên giao quyền
chủ động hoàn toàn cho các địa phương.
Trong Dự thảo quy chế tuyển sinh bậc THCS và THPT do Bộ
GD&ĐT vừa công bố, ngoài hình thức thi tuyển, Bộ GD&ĐT cho phép các địa
phương có thể chọn phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Riêng về
phương án thi tuyển, Bộ GD&ĐT bỏ quy định "bốc thăm" môn thi thứ
3 vào lớp 10 từng gây tranh cãi trước đây.
Để đảm bảo thống nhất và quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không
gây tốn kém, Bộ GD&ĐT sẽ quy định chung thi vào lớp 10 bằng 3 môn: Toán, Ngữ
văn và môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp. Môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp sẽ
do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố
trước ngày 31/3 hằng năm. Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có
đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Tuy vậy,
Bộ GD&ĐT yêu cầu việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm
thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản…
Phụ huynh và học sinh lo lắng nếu môn thi thứ 3 vào lớp 10 thay đổi theo từng năm. Ảnh minh họa. |
Em Bùi Nam Khánh, học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Liệt, quận
Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Khi mới đọc qua thông tin Bộ GD&ĐT bỏ đề xuất
"bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10 em đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy
nhiên, đọc kỹ lại Dự thảo thông tư thì thấy Bộ GD&ĐT vẫn quy định "môn
thi thứ 3 phải có sự thay đổi hàng năm". Điều này khiến bản thân em và rất
nhiều bạn cùng lớp vô cùng lo lắng. Theo chia sẻ của Khánh, quy định "môn
thi thứ 3" thay đổi hàng năm tạo áp lực không đáng có và không công bằng đối
với học sinh lớp 9 vốn đã căng thẳng với việc "học ngày, cày đêm" để
chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.
Thực tế cho thấy, ngoài các môn học mang tính xương sống như
Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, mỗi học sinh đều có những thế mạnh riêng. Khi thời
gian ôn tập bị hạn chế (do môn thi thứ 3 công bố vào ngày 31/3), nếu môn thi thứ
3 được chọn ngẫu nhiên, một số bạn sẽ có lợi thế hơn số còn lại. Điều này sẽ tạo
ra sự không công bằng đối với học sinh thi cả hệ đại trà lẫn hệ chuyên trong kỳ
thi có tính cạnh tranh cao như lớp 10.
Chị Ngô Thúy Vân, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại quận
Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho rằng, về bản chất, việc yêu cầu môn thi thứ 3 phải
thay đổi hàng năm không khác nhiều so với việc phải bốc thăm để lựa chọn môn
thi. "Cơ sở khoa học của việc năm nay chọn môn học này, năm sau chọn môn học
khác là gì? Việc chọn lựa đó theo nguyên tắc gì, môn nào lựa chọn thi trước,
môn nào thi sau? Nếu điều này làm không khéo sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề tiêu cực
có thể nảy sinh như liệu có hay không việc các Sở GD&ĐT "bật đèn
xanh" trước cho các trường hoặc phụ huynh thân thiết về môn thi được lựa
chọn hàng năm", chị Vân bày tỏ lo lắng.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên
nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm là không cần
thiết và gây thêm những áp lực không đáng có cho cả phụ huynh và học sinh, thậm
chí, việc này còn làm nảy sinh tâm lý đoán già đoán non về môn thi. Thay vào
đó, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ ràng, minh bạch và có sự ổn
định trong nhiều năm. Cũng theo ông Vinh, để đảm bảo mục tiêu giáo dục kiến thức
toàn diện cho học sinh ở bậc THCS thì cần siết việc kiểm tra đánh giá định kỳ tại
các nhà trường chứ không phải bằng cách luân phiên thay đổi môn thi thứ 3 hàng
năm để tránh việc "học tủ, học lệch" như trong dự thảo.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên
Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đề xuất mới của Bộ GD&ĐT là giao địa phương chọn
môn thi thứ 3 nhưng thay đổi hàng năm về cơ bản cũng gần tương tự việc bốc
thăm. Theo phân tích của TS. Nguyễn Tùng Lâm, mong muốn của Bộ GD&ĐT là học
sinh phải học đều tất cả các môn nhằm đảm bảo kiến thức căn bản ở bậc THCS nên
môn thi thứ 3 không cố định mà thay đổi hàng năm bởi học sinh ta thường có thói
quen "thi gì học nấy, không thi sẽ không học".
Trong khi đó, mong muốn của phụ huynh và học sinh là các môn
thi cần mang tính ổn định lâu dài để giảm bớt áp lực không cần thiết và đảm bảo
sự công bằng cho kỳ thi có tính cạnh tranh cao như thi vào lớp 10. Và để đảm bảo
hài hòa cả hai mục tiêu là tính toàn diện của kiến thức và tính ổn định của kỳ
thi thì môn thi thứ 3 nên cố định là môn thi tổng hợp dưới dạng trắc nghiệm.
Trong đó, các câu hỏi được thiết kế ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng
sáng tạo mang tính căn bản mà một học sinh phổ thông cần phải biết, nắm vững…
Điều này giúp học sinh được chủ động việc học ngay từ đầu, không phải lo lắng về
chuyện luân phiên chọn môn thi hàng năm ít nhiều may rủi, cũng không phải băn
khoăn về việc không đảm bảo công bằng…
PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục,
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, kỳ thi vào lớp 10 THPT
ngoài mục tiêu tuyển sinh còn phải đảm bảo công tác phân luồng và định hướng
nghề nghiệp một cách công bằng với các thí sinh có chung nguyện vọng học tiếp
THPT. Môn thi thứ 3 không nên "bốc thăm" hay thay đổi hàng năm vì điều
đó sẽ không mang lại tác động gì cho việc định hướng nghề nghiệp phân luồng sau
THCS cũng như thúc đẩy việc học toàn diện.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng, thực tế cho thấy, áp lực
thi đỗ lớp 10 THPT của học sinh ở mỗi 1 địa phương là khác nhau. Có những địa
phương có rất nhiều học sinh có nhu cầu học tiếp lên THPT nhưng cũng có nơi,
ngành giáo dục phải hỗ trợ để học sinh theo học được THPT. Ngay trong Hà Nội
hay TP Hồ Chí Minh, sự phân luồng định hướng này tại mỗi địa bàn là khác nhau,
áp lực tuyển sinh mang tính cục bộ.
Vì vậy, tùy từng địa phương có thể đề xuất phương án đặc thù
để phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của mình nhưng dù phương án đó là gì
cũng phải hướng người học tới việc học tập suốt đời; cần có nghiên cứu dữ liệu
cụ thể để khẳng định sự phù hợp của đề xuất đó với các địa phương khác. Do đó,
trong bối cảnh hiện nay, việc trao quyền chủ động cho các địa phương cấp tỉnh/thành
phố trực thuộc trung ương để quyết định phương án thi tuyển sinh vào lớp 10,
trong đó có cách thức lựa chọn môn thi thứ 3 là hợp lí.
Huyền
Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét