Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nhìn từ cơn bão Yagi

[QĐND] Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản đối với nhiều địa phương ở phía Bắc nước ta. Song qua đó đã giúp người dân trong nước và cộng đồng quốc tế nhìn nhận rõ hơn hai vấn đề, đó là: Chính sách nhất quán, những hành động cụ thể của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm các quyền cơ bản của người dân; bộ mặt thật của các thế lực thù địch, phản động chuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền để chống phá Việt Nam.

Bảo vệ người dân là ưu tiên hàng đầu

Ngay từ khi bão Yagi chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc đã đã sớm đề cao tinh thần cảnh giác, đưa ra các phương án chủ động phòng, chống. Thế nhưng, thật khó để tránh được thiệt hại nặng nề khi Yagi được đánh giá là siêu bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.

Ngay sau khi bão số 3 suy yếu, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức cuộc họp về chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão gây ra, trong đó thống nhất phải huy động tất cả các nguồn lực để nhanh chóng bảo đảm an toàn và ổn định đời sống cho nhân dân sớm nhất có thể, đồng thời đề ra một số mục tiêu nhằm khắc phục hậu quả cơn bão. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho những người xấu số. Bên cạnh đó, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các em học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám, chữa bệnh.

Với tinh thần tất cả vì tính mạng, tài sản và cuộc sống ổn định của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký công điện về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, đồng thời quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sau bão.

Thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nhân dân thấy các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trực tiếp đến những điểm nóng về mưa lũ để có chỉ đạo sát sao công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Song song với đó là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ không quản nguy hiểm và thời tiết khắc nghiệt tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển lương thực, nước uống cho người dân ở các khu vực bị cô lập.

Cũng trong cơn bão Yagi, chúng ta đã được chứng kiến một “làn sóng” các chương trình quyên góp nhằm giúp đỡ người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng. Đó không chỉ là tiền, là gạo, là nhu yếu phẩm mà trên hết là sự chia sẻ bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách". Ngay cả người dân ở các tỉnh miền Trung vốn thường xuyên phải chống chọi với mưa bão, lũ lụt nay cũng tự nguyện góp công, góp của gửi nhu yếu phẩm ra giúp đỡ đồng bào miền Bắc. Bên cạnh đó là sự chia sẻ về tinh thần, sự hỗ trợ quý báu, kịp thời về vật chất từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế.

Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: VIỆT TRUNG 

Tất nhiên, bão số 3 đã để lại những bài học lớn, cần từng bước khắc phục liên quan tới việc tổ chức, chỉ đạo phối hợp phòng, chống thiên tai ở các cấp, vấn đề nhân lực, hạ tầng hay cụ thể nhất là phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn... Nhưng nhìn chung, nhờ sự ứng phó, khắc phục một cách quyết liệt và kịp thời, thiệt hại do bão gây ra đã giảm phần nào, cuộc sống và công việc của người dân, doanh nghiệp ở các địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão Yagi cũng dần ổn định trở lại.

Những hành động trong cơn bão Yagi chính là minh chứng cụ thể cho nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người. Qua đó còn khẳng định chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Bão Yagi cũng chứng minh một thực tế khác, đó là chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam nhận được sự đồng lòng, ủng hộ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.

Bộ mặt thật của những kẻ chuyên chống phá

Phản ứng của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước, trong và sau cơn bão Yagi đã được dư luận quốc tế đánh giá cao, dù rằng vẫn còn đó những tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai để phủ nhận những thành quả về bảo đảm quyền con người ở nước ta.

Đề cập tới những thiệt hại và cách Việt Nam chống chọi trước bão Yagi, trong bài viết đăng tải hồi tháng 9 vừa qua, tờ Enfoque Noticias của Mexico đã đề cao những nỗ lực phi thường của Chính phủ và người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống bão, cứu hộ, cứu nạn khi phải đối mặt với bão Yagi. Tờ báo này đưa ra dẫn chứng cụ thể, đó là bên cạnh việc huy động tổng lực các lực lượng chức năng, Việt Nam đã triển khai hàng trăm nghìn quân nhân tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, qua đó giúp sơ tán người dân đến khu vực an toàn.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Đáng chú ý, tại phiên họp này, đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Các nước cũng ghi nhận những tiến bộ mọi mặt của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Thế nhưng, trong thời điểm cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong nước đồng lòng hướng về các địa phương chịu hậu quả nặng nề bởi bão Yagi, khi các nước bạn bè, đối tác quốc tế dành cho người dân vùng bão lũ của Việt Nam sự đồng cảm, chia sẻ quý báu về cả vật chất và tinh thần thì một số tổ chức, cá nhân phản động lưu vong lại làm điều ngược lại, điển hình nhất trong số đó là tổ chức Việt Tân. Ngay từ lúc bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc nước ta, trên trang Facebook của Việt Tân thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc, đại ý như: Đảng và Nhà nước Việt Nam phản ứng chậm chạp, thiếu khoa học, thậm chí thờ ơ, khoanh tay đứng nhìn người dân kêu khóc và đơn thân chống chọi với mưa bão, lũ lụt...

Bên cạnh đó, vẫn với phong cách “bới bèo ra bọ” thường thấy, tổ chức phản động Việt Tân còn lôi ra đủ loại vấn đề như cơ sở hạ tầng, cây xanh, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, thậm chí là công tác thiện nguyện... nhằm hạ uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn, khi phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đang diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước, Việt Tân cố tình suy luận rằng trong lúc nhân dân Việt Nam khó khăn nhất, cần sự giúp đỡ nhất thì Đảng và Nhà nước lại phó mặc trách nhiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và giới nghệ sĩ. Dễ thấy, với hầu hết là thông tin tiêu cực, tổ chức này muốn "dựa hơi" cơn bão Yagi để bi kịch hóa cuộc sống của người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng, khiến họ hoài nghi về vai trò lãnh đạo, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản và các quyền của nhân dân.

Đáng mừng là những thông tin tiêu cực, phản cảm mà Việt Tân tung ra trong giai đoạn bão Yagi xem ra chỉ có tác dụng chiều lòng những kẻ “cùng chung chí hướng” với tổ chức này. Bằng chứng là rất nhiều người thẳng thừng đáp trả rằng, “độc chiêu” chống phá của Việt Tân giờ đây không có gì đặc biệt ngoài luận điệu xuyên tạc, bới móc.

Nói cách khác, bão Yagi đi qua cũng là lúc tấm mặt nạ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của Việt Tân bị lật tung, phơi bày rõ chân tướng của một tổ chức chuyên chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

NINH GIANG

Không có nhận xét nào:

Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người - nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

[CAND] Gần 40 năm tiến hành đổi mới đã đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội, là cơ sở qua...