[QĐND] Các thế lực thù địch luôn cố tình phủ nhận những giá trị phát triển của Việt Nam. Với tâm địa xấu, họ xuyên tạc rằng “dưới chế độ cộng sản, đất nước Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới”, “đời sống người dân khổ cực”... Thế nhưng tất cả những tuyên truyền thiếu khách quan, thiếu tử tế và sai trái đó đều bị thực tiễn tại Việt Nam vạch trần. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đuổi kịp và vượt qua nhiều nước đã phát triển trước, người dân được chăm lo toàn diện, có cuộc sống ngày càng khấm khá.
Kinh tế Việt Nam dần vươn lên nhóm trên
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm
nội địa (GDP) của nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt
10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô nền
kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 thế giới theo bảng xếp hạng của Trung tâm
Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh ở Anh (CEBR). Theo dự báo, nếu tiếp tục duy
trì đà phục hồi và tăng trưởng thì đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt
1.559 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt qua các nền kinh tế khác
trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines
(1.536 tỷ USD), Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD) để lọt
nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thủ đô Hà Nội nhìn từ phía cầu Nhật Tân. Ảnh: TUẤN HUY |
Thậm chí, nếu xét về GDP (PPP) hay còn gọi là GDP theo sức
mua thì theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam hiện xếp thứ 3
khu vực Đông Nam Á và thứ 25 thế giới. Theo đó, năm 2023, Indonesia là quốc gia
có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.391 tỷ USD.
Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.563 tỷ USD. Việt Nam
xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.438 tỷ USD. Philippines xếp thứ 4 với
quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.280 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP
(PPP) đạt khoảng 1.221 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 759,52 tỷ USD, xếp
thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2026, quy mô GDP (PPP) Việt Nam được
IMF dự báo đạt khoảng 1.833 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, vượt
qua Thái Lan (đạt khoảng 1.807 tỷ USD) và chỉ xếp sau Indonesia (đạt khoảng
5.402 tỷ USD).
Xét trên quy mô thế giới, đến năm 2023, quy mô GDP (PPP) Việt
Nam đã xếp trên Hà Lan và Thụy Sĩ. Cụ thể, GDP (PPP) Hà Lan đạt khoảng 1.290 tỷ
USD, xếp thứ 27 trên thế giới và Thụy Sĩ đạt khoảng 787 tỷ USD, xếp thứ 35 trên
thế giới vào năm 2023. Cùng với đó, khoảng cách với Australia (đạt khoảng 1.724
tỷ USD, xếp thứ 20 thế giới) và Ba Lan (đạt khoảng 1.706 tỷ USD, xếp thứ 21
trên thế giới) không còn quá xa. Đến năm 2029, IMF dự báo quy mô GDP (PPP)
Việt Nam (2.343 tỷ USD) vượt qua Australia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới.
Xét một cách toàn diện thì GDP (PPP) mang lại bức tranh kinh
tế toàn diện hơn so với GDP. Bởi GDP (PPP) đo lường giá trị toàn bộ hàng hóa và
dịch vụ sản xuất của một quốc gia trong một năm dựa trên sức mua của tiền tệ địa
phương. GDP (PPP) thường được sử dụng để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc
gia và để xác định mức sống của người dân trong các quốc gia khác nhau. Nó cung
cấp một cái nhìn tổng quan về khả năng mua sắm của một quốc gia và giúp đánh
giá sự phát triển kinh tế và tiêu dùng của nó.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là quốc
gia còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để tăng tốc phát triển kinh tế. Do đó, những
mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Người dân được hưởng thành quả của phát triển
Tại một số nơi trên thế giới, kinh tế phát triển nhưng
đời sống của đại bộ phận người dân còn khó nhọc, nước phát triển nhưng dân
không giàu, không sung sướng. Tại Việt Nam, khi nền kinh tế đang thăng hạng
nhanh thì cùng với đó, cuộc sống người dân đã được cải thiện nhanh. Theo số liệu
Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4-2024, thu nhập bình quân đầu người tại Việt
Nam giai đoạn 2012-2022 đã tăng hơn 2,3 lần, từ 1,99 triệu đồng/người/tháng lên
4,67 triệu đồng/người/tháng. Mỗi người Việt Nam có thể tự so sánh để cảm nhận mức
sống của bản thân được nâng lên rất nhiều và toàn diện so với 5 năm, 10 năm trước.
Tại các thành phố lớn, xuất hiện rất nhiều khu đô thị hạng sang. Do mức sống
tăng, có tài sản tích lũy nên người Việt Nam có cơ hội đi công tác, du lịch, học
tập ở các nước phát triển trên thế giới và thấy rằng, điều kiện sống, điều kiện
sinh hoạt tại Việt Nam không còn thua kém nhiều so với các nước trên.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện chính sách phát triển bao
trùm, quan tâm đến các chính sách xã hội, chăm lo người nghèo, thúc đẩy sự phát
triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước
chỉ còn 3,4%. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi theo hướng mở rộng
về đối tượng, tăng về mức hưởng trợ cấp. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,356 triệu
người (chiếm khoảng 3,356 % dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại
cộng đồng. Từ ngày 1-7-2024, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng
lên 500.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 38,9% so với mức trợ cấp trước đó.
Các phúc lợi xã hội trong giáo dục, y tế, nhà ở tại Việt Nam
đều được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cả hệ thống chính trị tại Việt
Nam đang nỗ lực chung tay hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà để đến hết năm 2025 sẽ
xóa được toàn bộ 400.000 nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Nếu mục tiêu này được
thực hiện thành công sẽ là một thành tựu rất ý nghĩa.
Cảm nhận về hạnh phúc
Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) năm nay, Việt Nam đón nhận
thông tin tích cực khi trong Báo cáo hạnh phúc thế giới 2024, đất nước ta đứng
thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí
thứ 6. Đây là bảng xếp hạng do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên
hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ số hạnh phúc tại Việt Nam tăng đều qua các năm cho thấy kết quả đạt được rất
quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đem lại
hạnh phúc cho nhân dân. Trong lúc tình hình an ninh của nhiều khu vực trên thế
giới rất phức tạp với cảnh bom rơi đạn lạc thì người dân Việt Nam càng cảm nhận
được sự vô giá của hòa bình, hạnh phúc mà mình đang được hưởng.
Dù mức sống chưa bằng nhiều quốc gia trên thế giới nhưng người
Việt Nam dù có đi khắp năm châu, bốn bể vẫn thấy quê cha đất tổ là nơi hạnh
phúc nhất, an toàn nhất đối với mình. Có những giá trị nằm ngoài vật chất tạo
ra sức hút của mảnh đất hình chữ S. Đó là cuộc sống thanh bình, là giá trị về
văn hóa, tinh thần. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người,
gia đình tại Việt Nam vẫn được gìn giữ. Nhiều khách nước ngoài chỉ cần đến Việt
Nam lần đầu cũng đã yêu mảnh đất, con người Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài. Đó
là vì họ thấy cuộc sống ở Việt Nam rất dễ chịu, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp,
con người thân thiện, mến khách. Do đó, dựa vào phản hồi từ du khách, Flight
Centre-một trong những công ty lữ hành lớn nhất thế giới-đã xếp Việt Nam là một
trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới dành cho khách du lịch.
Vì thế, có thể thấy rõ rằng, những giá trị của kinh tế phát
triển, đời sống người dân hạnh phúc đều đã được thể hiện trên thực tế tại Việt
Nam và được quốc tế công nhận. Do đó, dù các thế lực thù địch, những kẻ xấu có
cố công xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên
đó, mà chỉ khiến họ trở nên nực cười.
HỒ QUANG PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét