Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

Phòng, chống suy thoái đạo đức, trước hết phải “nói là làm”- Bài 1: Sự thất bại tất yếu của những người đứng đầu nói mà không làm

[QĐND] LTS: Một trong những yêu cầu cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới theo Quy định số 144-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 9-5-2024, đó là: “Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm”.

Câu chuyện về “nói và làm” không phải là điều gì to tát, mới mẻ, thậm chí nghe nhiều có vẻ cũ mòn, nhưng sự thật nó đang là chuyện thời sự nóng hổi, liên quan đến thanh danh, uy tín của Đảng nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành-bại, được-mất của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng.

Một ngành có thời điểm gần như bị tê liệt toàn bộ hệ thống vì những người “đứng mũi chịu sào” chỉ nói mà không làm là rất đáng báo động. Càng báo động hơn khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh thời gian qua cũng "nói một đằng, làm một nẻo" đã gây hậu quả tiêu cực về kinh tế-chính trị, làm xáo trộn nhân sự trong bộ máy công quyền và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của hàng vạn cán bộ, đảng viên và người dân địa phương.

Hậu quả không nhận thức đúng về giá trị và hệ lụy của lời nói

Nói là một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng hàng đầu của người làm cán bộ, vì thế ai cũng phải chú trọng trau dồi ngôn ngữ, rèn luyện phong cách diễn đạt nhằm không ngừng nâng cao năng lực làm chủ lời nói và thể hiện phong cách phát ngôn, phát biểu đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực để góp phần dẫn dắt, định hướng, thuyết phục số đông.

Thời nay, nhờ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube...) phát triển mạnh mẽ, lan tỏa nhanh nhạy nên mọi lời nói, phát ngôn của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ cao, sức ảnh hưởng lớn luôn trở thành tiêu điểm của dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Đối với cán bộ chủ chốt các ngành, các địa phương, phát ngôn của họ trong những sự kiện quan trọng của ngành, của tỉnh thường được phóng viên báo chí ghi lại, chụp ảnh, quay phim rồi được đăng/phát rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và lan tỏa nhanh trên các nền tảng mạng xã hội. Thế nên đừng ai đơn giản nghĩ rằng, lời nói như mây bay gió thoảng mà nó có thể đi theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Ảnh minh họa/ Tuyengiao.vn

Ở chiều hướng tích cực, nếu cán bộ lãnh đạo nói đi đôi với làm, đã nói là làm, làm thực chất như họ phát ngôn thì đó là “lời nói gói vàng”, rất có ý nghĩa, giá trị và tự thân đó là tấm gương có sức hút, sức lan tỏa, sức thuyết phục đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền và nhân dân.

Còn ở chiều ngược lại, nếu cán bộ lãnh đạo chỉ nói hay, nói giỏi, diễn thuyết, hùng biện sôi nổi trong hội nghị, trước đám đông mà lại không làm, làm dở, làm khác với nói; cố ý “làm màu” để lấp liếm những lời nói kiểu mị dân nhằm che đậy những việc mờ ám, khuất tất mà vẫn chứng tỏ ta đây là người đàng hoàng, quang minh chính đại thì tự thân đó là “lời nói đọi máu”, hủy hoại thanh danh, uy tín của họ.

Trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, bất cứ lời nói nào của cán bộ lãnh đạo sau khi được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều là bằng chứng cụ thể để người dân, công luận theo dõi, giám sát lời nói và việc làm của họ có nhất quán với nhau hay không.

Thực tế thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều người có chức, có quyền chỉ nói mà không làm, chỉ hứa mà không thực hiện, nói hay làm dở, thậm chí làm những việc trái ngược hoàn toàn với những điều họ đã nói, làm trái nghị quyết của Đảng và pháp luật. Những cán bộ như thế không chỉ làm ra tấm gương xấu trong bộ máy công quyền mà còn là sự vi phạm pháp luật.

Người đứng đầu miệng nói phòng, chống tham nhũng, tay lại “nhúng chàm”

Chẳng nói đâu xa. Chuyện gần đây thôi, rất thời sự, rất được dư luận xã hội quan tâm bởi những cán bộ đứng đầu ngành, đầu tỉnh một thời từng nói về quyết tâm hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng chính tay họ lại “nhúng chàm”.

Ông Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) sau khi lên làm Cục trưởng (từ đầu tháng 8-2021) đã ký ban hành nhiều văn bản gửi các phòng, ban, đơn vị trực thuộc về tăng cường các biện pháp quyết liệt để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành. Ông Hà cũng từng nói rằng, ngoài nhiệm vụ quản lý chuyên môn thì người đứng đầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải đặt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng lên hàng đầu. Nhận thức, phát ngôn thì như vậy nhưng chính bản thân ông Hà lại là người nhũng nhiễu, tiêu cực ở đại án ngành đăng kiểm, vừa bị đưa ra xét xử vào trung tuần tháng 7-2024.

Theo cáo trạng, đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Có 254 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tổng cộng 11 tội danh, trong đó có 2 bị cáo là cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, 101 đồng phạm bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Nhận định về tính chất nguy hại và hệ lụy khôn lường của vụ án này, Luật sư Vy Văn Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, việc người đứng đầu ngành đăng kiểm Việt Nam chỉ nói mà không làm trong công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những căn nguyên làm tê liệt tính minh bạch của hệ thống đăng kiểm Việt Nam. Hệ lụy kéo theo là hàng nghìn người dân sở hữu phương tiện ô tô có thời điểm phải điêu đứng, khổ sở vì rất nhiều trạm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động.

Một ngành có thời điểm gần như bị tê liệt toàn bộ hệ thống vì những người “đứng mũi chịu sào” chỉ nói mà không làm là rất đáng báo động. Càng báo động hơn khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh thời gian qua cũng "nói một đằng, làm một nẻo", gây hậu quả tiêu cực về kinh tế-chính trị, làm xáo trộn nhân sự trong hệ thống bộ máy công quyền và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của hàng vạn cán bộ, đảng viên và người dân địa phương.

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 7 cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bắc Giang. Trong số đó có 3 Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tỉnh, gồm: Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Điểm chung của cả 3 cán bộ lãnh đạo cao nhất ở các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang là từng có những phát ngôn, đăng đàn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhiều lần họ tỏ rõ quyết tâm phải kiên quyết đẩy lùi “giặc nội xâm” trong bộ máy công quyền ở địa phương; nhưng chính các cán bộ lãnh đạo này lại có hành vi nhận hối lộ với số tiền không nhỏ từ các doanh nghiệp để “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng...

“Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu". Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên. (Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ) 

NHÓM PHÓNG VIÊN

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...