[CAND] Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lại tìm cách xuyên tạc bản Di chúc bất hủ của Người. Đây vốn là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi chúng ta cần nhận diện và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc.
Luận điệu xuyên tạc bản
Di chúc
Xuyên tạc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế lực thù
địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị khai thác ở dưới nhiều góc độ khác
nhau, nhân danh nghiên cứu khoa học, hội đàm, hội luận, mượn cớ bàn lại lịch sử,
tìm tòi góc nhìn, cách tiếp cận mới để xuyên tạc Di chúc và tư tưởng của Người.
Họ cho rằng, bản Di chúc chỉ “mang tính chất cá nhân” chứ không có giá trị chỉ
đạo thực tiễn đối với dân tộc, “không thật sự có giá trị” của Đảng và Nhà nước
Việt Nam. Họ xuyên tạc Di chúc “không thể hiện đúng tư tưởng của chủ nghĩa Mác
– Lênin” và ngày nay “không còn ý nghĩa”. Từ đó, họ tung ra những luận điệu sai
trái như: Thực hiện Di chúc của Người về quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất
đất nước là “đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nồi
da nấu thịt, tạo cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền, đưa đất nước đi
theo con đường không có tự do, dân chủ, nhân quyền”; thực hiện Di chúc đẩy nhân
dân “vào con đường nghèo đói, lạc hậu”; nội dung Di chúc “cho thấy sự bế tắc”…
Để tầm thường hóa giá trị của Di chúc, một số đối tượng
trích dẫn trong Di chúc để xuyên tạc. Trong Di chúc, Bác viết: “Tôi để sẵn mấy
lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn
anh khác”. Đây là cách nói giản dị, hóm hỉnh đời thường nhưng đối tượng xấu lại
cho rằng, Bác Hồ khẳng định “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin là có thế giới bên
kia”, là “đặt nền móng khoa học tâm linh”, mê tín trái với khoa học, từ đó hướng
lái để tuyên truyền xuyên tạc.
Mục đích của họ là xuyên tạc tư tưởng, hạ bệ thần tượng, tư
tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm suy yếu nền tảng tư tưởng
của Đảng. Vì thế, kịp thời nhận diện, đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc
một cách có hiệu quả là góp phần bảo vệ, phát triển, nâng cao nhận thức, niềm
tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ
nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên con đường xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Văn kiện lịch sử vô
giá
Di chúc - Bác khiêm tốn gọi là thư, song giá trị, ý nghĩa vô
cùng to lớn. Di chúc là Bảo vật quốc gia - Quốc bảo, di sản tinh thần vô giá của
dân tộc, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bản Di chúc thể hiện đầy đủ sự kết
tinh những tinh hoa về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, như Đảng ta
đánh giá: “Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của
nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy
gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.
Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất
của Tổ quốc ta”.
Căn dặn về xây dựng Đảng là di nguyện đau đáu được Người đề
cập trên hết, trước hết trong Di chúc. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền
thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các
chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt
mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự
phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và
thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Chủ tịch Hồ
Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Vận dụng
sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã kết hợp chặt chẽ giữa nhận
thức lý luận, hoạt động phong phú, tổng kết thực tiễn sâu sắc, xác lập hệ thống
tư tưởng Hồ Chí Minh. Những quan điểm, tư tưởng đó là những vấn đề có tính quy
luật, liên quan đến sự hình thành, vị trí, vai trò, bản chất, nội dung đặc biệt
quan trọng trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là trong điều
kiện trở thành Đảng cầm quyền. Tư tưởng của Người trở thành nguyên tắc tổ chức,
hoạt động cơ bản của Đảng hiện nay là tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất,
phê bình và tự phê bình, liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, tạo thành sức
mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, cầm quyền của Đảng.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng
cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh
về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng
nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư
tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt
yếu của công tác xây dựng Đảng về cán bộ và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu
cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của mỗi
cán bộ, đảng viên. Chính vì lẽ đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta
xác định là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò
lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải
thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô
tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là
người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý
chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự
nghiệp cách mạng. Người nói “suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục
vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có
điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều
hơn nữa”. Thể hiện cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng
ngời chí khí cách mạng kiên cường, lòng yêu thương nhân dân thiết tha, đạo đức
cách mạng trong sáng, tác phong khiêm tốn, giản dị, suốt đời hy sinh, hiến dâng
trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân.
Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối
từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển thế hệ
cách mạng đời sau vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công
lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ
cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công
việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn
luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng XHCN.
Mỗi lần đọc lại Di chúc thiêng liêng, mỗi chúng ta lại thấu
cảm, thấm thía tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Thời gian càng xa, giá
trị bản Di chúc càng tỏa sáng, trở thành định hướng chiến lược trong xây dựng Đảng,
xây dựng, phát triển đất nước; mỗi cán bộ, đảng viên “học Bác lòng ta trong
sáng hơn”, tự răn, tự soi, tự sửa, rèn luyện đạo đức, tác phong, năng lực, phấn
đấu tốt, làm việc tốt hơn theo chức trách, nhiệm vụ của mình. Do đó, không thể
ngụy biện xảo trá rằng, bản Di chúc chỉ “mang tính chất cá nhân” chứ không có
giá trị chỉ đạo thực tiễn đối với dân tộc, “không thật sự có giá trị” của Đảng
và Nhà nước Việt Nam.
Tiếp tục soi sáng con
đường cách mạng Việt Nam
Quán triệt, thấm nhuần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng
ta đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư
tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh,
để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh. Cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính
trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định như Nghị quyết Trung ương
4 - khóa XI, XII, XIII, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định
về kiểm soát quyền lực, về trách nhiệm nêu gương, về phẩm chất đạo đức cách mạng
của cán bộ, đảng viên thời kỳ mới, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực…
Chúng ta kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng
cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn
đời cống hiến và hy sinh. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt
qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh
toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán
bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước
ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người.
Trong giai đoạn cách mạng mới, Việt Nam hướng tới năm 2030
(kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) và hướng đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm
thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) với
mục tiêu: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng
đất nước Việt Nam ta ngày càng "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh
phúc", vững bước đi lên CNXH. Thực hiện mục tiêu trên, đất nước ta đang đứng
trước nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức.
Vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được khẳng định và phát huy, năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của Đảng càng phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu mới.
55 năm Người đã đi xa nhưng bản Di chúc và tư tưởng của Người luôn sống mãi, tiếp tục dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam. Việc học tập, thực hiện tâm nguyện của Người trong Di chúc đã, đang và tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta cụ thể hoá bằng các chủ trương, kế hoạch hành động cụ thể. Do đó, cần cảnh giác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, đả kích nội dung bản Di chúc cũng như việc học tập, thực hiện Di chúc của Người.
TS Lê Thế Cương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét