Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Nhận diện và đấu tranh phản bác luận điệu sai trái về con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay (bài 2)

[CAND] Thực tiễn đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặt ra yêu cầu cần tìm đường để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc và tự do, dân chủ cho nhân dân. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước biến nước ta trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ chịu sự chi phối bởi hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và ách đô hộ của thực dân Pháp; mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Để giải quyết mâu thuẫn đặt ra đã có nhiều phong trào đấu tranh theo lập trường phong kiến và tư sản mặc dù anh dũng, yêu nước nhưng đã không tránh khỏi thất bại.

Mô hình CNXH ở nước ta ngày càng sáng rõ

Từ thực tiễn khủng hoảng, bế tắc, yêu cầu về con đường cứu nước, trong hành trình bôn ba nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nghiên cứu lịch sử cách mạng Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc…; tìm hiểu lịch sử cách mạng Nga, nhất là Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Hồ Chí Minh nhận định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật…

Đi lên Chủ nghĩa xã hội, đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh, thể hiện diện mạo mới.

Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Sau khi trở thành người cộng sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là con đường có triển vọng giải quyết triệt để hai nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, mang đến độc lập dân tộc thật sự.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930), Đảng ta xác định “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đại hội II của Đảng (2/1951) nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến CNXH”. Đại hội III (1960) khẳng định: “Đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại hội IV của Đảng (1976) chỉ rõ: “Cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”. Đại hội lần thứ V của Đảng (1982) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới: “Một là, xây dựng thành công CNXH; hai là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau”.

Đại hội lần thứ VI, Ðảng ta khẳng định: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) xác định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”. Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), Đảng tiếp tục xác định bài học quan trọng đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Bước sang thế kỷ XXI, với nhiều cơ hội và thách thức mới, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) khẳng định: Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng nhấn mạnh bài học: “Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Và trong bối cảnh mới, tại Đại hội XIII Đảng ta xác định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tiễn sống động minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn

Nhờ giải quyết, xử lý đúng đắn quan hệ dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã quy tụ được sức mạnh toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám (1945), đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân dân, đế quốc và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979); thực hiện thành công công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, nhờ kiên định độc lập dân tộc và CNXH, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra trên các lĩnh vực. Trong đó, năm 2023 kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%.

Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm. Nếu như ở thời điểm năm 1988, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ có 86 USD thì đến năm 2023 ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022, tầng lớp trung lưu đang hình thành - hiện chiếm 13% dân số, tức khoảng hơn 13 triệu người.

Hiện nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%. Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt cũng là một điểm nhấn góp phần mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân như: hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, thương binh, gia đình liệt sĩ... Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế được chú trọng, triển khai thực hiện với những kết quả tích cực. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, năm 2023 là 73,7 tuổi, xếp vào nhóm cao giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Trong những năm qua, Việt Nam đã ngừng nỗ lực để người dân được sống trong một môi trường hạnh phúc. Điều này đã được ghi nhận qua việc tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 lên 65 trong xếp hạng chỉ số hạnh phúc thế giới 2023 của Liên hợp quốc.

Ở Việt Nam, công dân tự do làm những việc mà pháp luật không cấm. Vấn đề tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do Internet… luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tự do làm giàu chính đáng; mọi ý kiến, đóng góp xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc luôn được khuyến khích, bảo vệ. Mọi người dân đều được hưởng lợi về chính sách giáo dục. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển, bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng nền giáo dục công bằng và tiến bộ.

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Trước một thế giới đầy biến động, diễn biến phức tạp khó lường, Việt Nam luôn là điểm đến của hòa bình, hữu nghị, nơi các nước lớn trên thế giới luôn xem Việt Nam là đối tác quan trọng. Mặt khác, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được được đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ nét, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những nỗ lực vì con người, vì hạnh phúc nhân dân đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới là to lớn, đánh dấu một bước tiến chưa từng thấy trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của con đường đi lên CNXH. Thực tế những chặng đường lịch sử cách mạng đã chứng minh, đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng đắn của dân tộc Việt Nam. Mặc dù hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là vấn đề lâu dài với vô vàn khó khăn, thách thức, song toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được. Kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, tiếp tục đồng sức, đồng lòng vững bước trên con đường đã chọn và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Chu Thắng – Trịnh Thúy

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...