[CAND] Nhiều chuyên gia cho rằng giải quyết nguồn cung sẽ giúp kéo giá vàng về sát thế giới sau khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được sửa đổi.
Ngày 6/3, giá vàng tiếp tục dậy sóng trên thị trường tài
chính khi tái lập mốc 81 triệu đồng mỗi lượng – mức cao nhất mọi thời đại được
thiết lập vào ngày 5/3. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn và Vàng bạc đá
quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng ở mức 79,0 - 81,0 triệu đồng/lượng. Trước
đó, ngày 2/3, giá vàng SJC đã gần chạm mốc 81 triệu đồng/lượng nhưng sau đó đảo
chiều giảm nhẹ, rồi “dập dềnh” lên xuống trên “đỉnh cao”.
Đáng chú ý, giá SJC chiều mua vào cũng đã chính thức lập đỉnh
mới 79 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay, vì trước đó, ngày 2/3
khi giá bán ra gần đạt 81 triệu đồng thì giá mua vào chỉ 78,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng “chạy đuổi” theo vàng miếng, lên vùng
cao kỷ lục. Các thương hiệu cũng niêm yết giá có sự chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn
Bảo Tín Minh Châu đang áp dụng giá vàng nhẫn trơn 24k là 67,43 - 68,63 triệu đồng/lượng,
trong khi DOJI áp dụng mức 67,3 - 68,6 triệu đồng/lượng, còn Vàng bạc đá quý
Phú Nhuận niêm yết thấp hơn với 66,6 - 67,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng “miệt mài” tăng, nhiều người đổ xô đi mua bán. |
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang ở mức 2.128
USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại, giá vàng
quốc tế chỉ tương đương với 63,8 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí). Trong
khi ước tính theo tỷ giá USD trên thị trường tự do, giá vàng quốc tế đang tương
đương với khoảng 66 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí). Giá vàng tăng cao,
giao dịch cũng trở nên sôi động.
Thị trường tái diễn cảnh khách hàng ùn ùn kéo tới các cửa
hàng vàng, người mua kẻ bán. Nhiều cửa hàng quá tải đến mức phải phát phiếu cho
khách xếp hàng đợi đến lượt. Một số cửa hàng phải mở thêm các quầy giao dịch phục
vụ số đông khách hàng, thậm chí các cơ sở kinh doanh phân luồng khách hàng đến
mua bán để bảo đảm không gian mua sắm cũng như tránh tình trạng chen lấn xô đẩy.
Giá vàng tăng mạnh và lên đỉnh cao lịch sử trong tuần đầu
tháng 3 trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chính trên thế giới, trong đó
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ nới
lỏng hơn. Các chuyên gia phân tích diễn biến tăng giá mạnh của vàng miếng phần
nào ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng của giá vàng thế giới. Việc này đã tạo ra một
đà tăng giá tích cực trong thị trường vàng miếng, thể hiện sự ổn định và sự hấp
dẫn của loại tài sản này.
“Tuy nhiên, mặc dù thị trường vàng miếng vẫn cho thấy những
chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh giá, nhưng nhà đầu tư vẫn cần phải cẩn
trọng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn duy trì ở mức cao, đặt ra thách thức
cho những người muốn đầu tư vào vàng miếng, đặc biệt là đối với những nhà đầu
tư cá nhân. Do đó, trong bối cảnh này, việc ưu tiên chiến lược đầu tư dài hạn
là điều cần thiết. Nhà đầu tư nên tập trung vào việc xây dựng các khoản đầu tư ổn
định và bền vững trong thời gian dài, thay vì theo đuổi các chiến lược lướt
sóng ngắn hạn có thể gây ra rủi ro không mong muốn. Điều này giúp giảm thiểu
tác động của biến động ngắn hạn và tạo ra cơ hội lợi nhuận lâu dài và ổn định
hơn trong tương lai”, chuyên gia khuyến nghị.
Trong bối cảnh giá vàng tăng cao, chênh lệch giá nội – ngoại
tiếp tục trên 17 triệu đồng/lượng, thị trường tái diễn cảnh tấp nập mua bán,
câu chuyện quản lý thị trường vàng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Theo Chỉ
thị 06 ngày 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh
vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong
tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay. Lãnh đạo NHNN cho biết
quan điểm của cơ quan này là không chấp nhận mức chênh lệch giá như hiện nay.
“Dù thương hiệu SJC độc quyền vàng miếng hay các thương hiệu
khác vẫn phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là ổn định thị trường vàng miếng,
không ảnh hưởng các yếu tố vĩ mô khác, đảm bảo quyền lợi của người dân. Nhà nước
luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ vàng người dân. NHNN không bảo hộ giá cả
vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới hơn 20 triệu
đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Từ góc độ chuyên gia, Phó giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh
(Học viện Tài chính) thì cho rằng, Nghị định 24 vẫn nên tiếp tục duy trì thị
trường vàng có sự quản lý đặc biệt của Nhà nước, nhưng phải sửa đổi vấn đề độc
quyền vàng miếng SJC và tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, vàng là
ngành kinh doanh có điều kiện, nên chỉ có những doanh nghiệp đủ điều kiện mới
được nhập khẩu.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì để kéo hẹp mức
chênh lệch giá, nên cho phép một số tổ chức lớn, cụ thể các ngân hàng, cung cấp
những sản phẩm vàng thương hiệu như trước đây,
tất nhiên có một sự quản lý về số lượng hằng năm cho hợp lý, góp phần giải
tỏa cung cầu. Trong khi đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mong NHNN sớm
tăng nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới theo nhu
chỉ đạo của Thủ tướng và sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng Việt Nam
có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới, thu hẹp chênh lệch
giá…
Hà An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét