[QĐND] Cán cân lý tưởng - đồng tiền đang lệch hẳn về một phía ở một bộ phận người trẻ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nguy cơ lây lan, tác động tiêu cực của lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền đến phần còn lại của giới trẻ là điều không thể lơ là, xem nhẹ.
Câu trả lời từ thực tiễn sinh
động
Thực trạng đáng buồn của lối sống chạy theo vật chất khiến nhiều
người nghi hoặc rằng liệu giới trẻ ngày nay còn coi trọng lý tưởng, khát vọng
cống hiến?
Có thể khẳng định rằng, một nền tảng căn cơ cho niềm tin chân
lý, truyền thống tốt đẹp là trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta,
nhất là từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trải qua hai cuộc kháng
chiến vệ quốc vĩ đại, cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước ta “đàng hoàng
hơn, to đẹp hơn” luôn có những người trẻ với lòng yêu nước nồng nàn, anh hùng,
kiên trung, tài năng xuất chúng, tận hiến cả cuộc đời mình phụng sự cách mạng,
phục vụ nhân dân.
Ngay từ khi thành lập Đảng, nhiều đồng chí
được tin tưởng giao trọng trách đảm đương cương vị cấp cao khi tuổi đời còn rất
trẻ, như đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư khi 26 tuổi;
đồng chí Võ Nguyên Giáp ở tuổi 35 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng
chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng Tư lệnh kiêm
Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy và được phong quân hàm Đại tướng ở tuổi 37.
Đó là anh hùng Lý Tự Trọng, 16 tuổi nhận nhiệm vụ của Đảng trở lại Sài Gòn để
thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản, nổi tiếng với tuyên bố đanh thép: Con đường
của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác. Đó
là Kim Đồng, Đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, hy
sinh vì nước khi vừa tròn 14 tuổi. Đó là Vừ A Dính, người anh hùng tuổi nhỏ chí
lớn, 13 tuổi xung phong làm đội viên liên lạc của Đội vũ trang huyện Tuần Giáo,
tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên)...
Thanh niên và các lực lượng tình nguyện giúp nhân dân vùng lũ dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản |
Trong công cuộc
dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ít người trẻ ở các
lĩnh vực đã giành được nhiều thành tựu, góp phần khẳng định vị thế nước nhà
trên trường quốc tế. Rất nhiều tấm gương người trẻ truyền cảm hứng để thế hệ
thanh niên ngày nay thêm nhiệt huyết cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân. Những
câu chuyện kể về các thế hệ người trẻ giàu lý tưởng sống khiến chúng ta tin
tưởng rằng người trẻ hôm nay sẽ càng thêm tự hào, nhiệt huyết để cống hiến,
dựng xây quê hương, đất nước.
Từ giữa năm 2012,
Bộ Nội vụ triển khai dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình
độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó
khăn ở 64 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh trong cả nước. Mục tiêu của dự án nhằm tăng
cường nguồn nhân lực cho cấp ủy, chính quyền cơ sở các huyện nghèo, triển khai
có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Tại thời điểm kết
thúc nhận hồ sơ để tổ chức phỏng vấn, có hơn 2.000 hồ sơ của trí thức trẻ đăng
ký tham gia. Bộ Nội vụ đã tuyển chọn được 580 đội viên bảo đảm chất lượng theo
yêu cầu đề ra của dự án. Con số hơn 2.000 hồ sơ chứng tỏ rất nhiều người trẻ
mong muốn đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước giàu mạnh. Sau 5 năm
thực hiện, dự án đã đào tạo, bổ sung một đội ngũ cán bộ trẻ cho cơ sở và góp
phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các xã nghèo.
Kết quả rõ nhất của dự án là trong suốt 5 năm thực hiện nhiệm vụ, các đội viên
trí thức trẻ không ngại khó, ngại khổ để đến với đồng bào nghèo; giữ gìn đoàn
kết nội bộ; có tinh thần trách nhiệm cao và nhiệt tình trong công việc. Qua
đánh giá của nhiều địa phương, hơn 97% đội viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên,
góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh của các xã.
Thực tiễn cho thấy,
dù ở đâu, phần đa người trẻ đều mong muốn đem hết sức lực và tài năng cống hiến
cho quê hương, đất nước và cũng trả lời cho câu hỏi “Người trẻ thời nay thực sự
còn có lý tưởng?”. Một bộ phận người trẻ sa lầy trong bóng tối của “đồng tiền
vạn năng” không phản ánh bản chất của thế hệ thanh niên Việt Nam thời nay, với
mảng sáng bao trùm vẫn là những khát khao tận hiến. Lẽ dĩ nhiên, ở mỗi giai
đoạn khác nhau, khát vọng, mục tiêu, lý tưởng của người trẻ cũng có những sự
chuyển dịch cùng thực tiễn, nhưng điều căn cốt là không nằm ngoài, không đi
ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan trọng là chúng ta biết khơi nguồn
động lực, phát huy ý chí, sức mạnh, khát khao cống hiến ở mỗi người trẻ. Để làm
được điều này, song hành cùng yếu tố tiên quyết đến từ ý thức và trách nhiệm tự
thân của người trẻ, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Thành quả của sự
trao truyền, vun trồng lý tưởng sống trong thanh niên không chỉ có được từ ngày
một, ngày hai mà là cả quá trình ươm mầm, dung dưỡng trong tổng thể hài hòa từ
gia đình, nhà trường đến xã hội. Muốn tạo ra một thế hệ chủ nhân tương lai với
lý tưởng đẹp, trách nhiệm cao thì hành động phải đến từ hôm nay.
Lấy tự học, tự tu
dưỡng làm cốt
Thiếu bản lĩnh dẫn
đến nóng vội, cả tin, dễ bị lôi kéo... đã hình thành nên một bộ phận giới trẻ
lựa chọn lối sống ích kỷ, đề cao vật chất, xem nhẹ tình cảm gia đình, cộng
đồng, hành xử vô cảm, ích kỷ, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, cái tốt, cái
đúng, sẵn sàng đồng lõa, che giấu cái ác, cái sai, cái xấu. Một bộ phận người
trẻ thiếu bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn sống nghèo nàn, suy nghĩ nông cạn,
ngày càng giảm sút niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tương lai của
đất nước, không dám dấn thân, dễ bị mua chuộc bằng vật chất và sẵn sàng tiếp
tay cho các thế lực xấu.
Trong giai đoạn
hiện nay, cùng với yêu cầu về năng lực, tri thức, hiểu biết xã hội thì bản lĩnh
chính trị là một phẩm chất quan trọng hàng đầu của thanh niên. Bản lĩnh ấy giúp
mỗi người trẻ tạo lập cho mình định hướng phát triển tích cực, luôn biết cách
giữ vững lập trường, quan điểm, nắm bắt tình hình thực tiễn để từ đó kiểm soát
được hành vi, thái độ của bản thân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bản lĩnh đó còn
là sự kiên định, vững vàng, làm chủ bản thân cả về suy nghĩ và hành động, sẵn
sàng đối diện với những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Bởi vậy, việc xây
dựng bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện đúng mặt tốt, mặt xấu, không bị
hoang mang trước những tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường là việc
quan trọng hàng đầu đối với thế hệ trẻ. Bản lĩnh ấy được trui rèn, xây đắp, ngự
trị như bức tường thành vững chãi khi mỗi người trẻ biết lấy tự học, tự tu
dưỡng làm cốt.
Để nuôi dưỡng lý
tưởng, nhen lên những khát vọng đẹp đòi hỏi mỗi bạn trẻ không ngừng học tập,
rèn luyện, tích cực góp sức vào các hoạt động của cộng đồng, cùng chung mục
tiêu tạo nên hình tượng của thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, mạnh về thể
chất, giàu về tri thức, vững về kỹ năng, luôn sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu
của thực tiễn và đặc biệt là luôn tôi rèn bản lĩnh chính trị vững vàng trước di
biến của hoàn cảnh.
Mỗi thanh niên cần
nhận thức đúng đắn, xác định rõ động cơ, thái độ và trách nhiệm đối với bản
thân, gia đình và xã hội. Đó là yếu tố bên trong thôi thúc tính tích cực, chủ
động và sáng tạo nên những nhu cầu một cách thường xuyên và nghiêm túc đối với
việc tự học, tự rèn, tự nguyện cống hiến. Không chỉ phải ra sức học tập trong
nhà trường, ở gia đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và trau dồi kiến
thức, làm giàu tri thức của mình từ chính thực tiễn cuộc sống mà còn phải luôn
nghiêm khắc với bản thân, tự phê bình và phê bình để khắc phục nhược điểm nóng
vội, thiếu thực tế, hình thức, chủ quan; đồng thời nỗ lực học tập chính trị,
văn hóa, nghề nghiệp và rèn luyện đạo đức cách mạng. Với sức trẻ của mình, đoàn
viên, thanh niên, học sinh, sinh viên phải xung phong trong mọi công tác-đi
trước, làm trước, gương mẫu trước trên tinh thần chủ động, gan dạ, sáng tạo, có
chí khí hăng hái và tinh thần cầu tiến, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến bộ
không ngừng.
Tự học, tự tu
dưỡng, mục đích cuối cùng là để phục vụ cho bản thân, gia đình và cao hơn là
quê hương, đất nước. Kết quả của quá trình tự học, tự tu dưỡng phải được biến
thành sự đóng góp thiết thực, ích nước lợi dân.
Tu dưỡng, rèn luyện
đạo đức, lối sống là phương cách quan trọng để chống lại cám dỗ, kiểm soát ham
muốn. Bởi vậy, mỗi người trẻ cần không ngừng học cách lấy lý trí để kiểm soát
cảm xúc; lấy đạo đức, lương tri hướng dẫn nhu cầu, tiết chế ham muốn không vượt
qua “lằn ranh” pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội; lấy văn hóa làm nền tảng
tinh thần để sử dụng tài năng, trí tuệ một cách có trách nhiệm, tiêu dùng vật
chất thông thái, hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa cống hiến và
hưởng thụ.
Điều rất quan trọng là người trẻ cần biết rèn dũng khí đối mặt với những yếu điểm của chính mình, để tỉnh táo, cảnh giác, lường trước mọi khả năng cám dỗ tấn công. Không ngừng hoàn thiện, nghiêm khắc với bản thân; không phóng túng, buông thả, nêu cao ý thức tự chủ trước mọi hoàn cảnh. Đó cũng chính là bản lĩnh sẵn sàng vượt qua mọi thách thức, để lý tưởng luôn là ngọn đuốc soi đường trên hành trình lập thân, lập nghiệp cùng hơi thở của nhịp sống hiện đại.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét