[CAND] Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5-11/3. Trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã trả lời báo chí, nhấn mạnh những điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt của chuyến công tác lần này.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. |
Phóng viên: Xin Thứ Trưởng cho biết những điểm nhấn có ý nghĩa
đặc biệt trong việc Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm
quan hệ ASEAN-Australia sắp tới?
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Phải nói rằng, chuyến công
tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN -
Australia và thăm chính thức Australia, New Zealand lần này có ý nghĩa rất đặc
biệt.
Điều đặc biệt đầu tiên chính là thời điểm. Năm nay là dịp kỷ
niệm 50 năm ASEAN và Australia thiết lập quan hệ, cũng là thời điểm Việt Nam vừa
kết thúc một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ với Australia và chuẩn bị cho dấu mốc kỷ
niệm 50 năm quan hệ với New Zealand. Đặc biệt, đây lần đầu tiên một Thủ tướng
Chính phủ ta đến thăm Australia và New Zealand trong vòng 7 năm qua, đồng thời
là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến 2 nước trên
cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Điểm đặc biệt thứ hai phải kể đến đó là quan hệ giữa ASEAN
và Australia trong 50 năm qua rất tốt đẹp. Tin cậy chính trị giữa hai bên ngày
càng gia tăng. Hợp tác giữa hai bên ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại,
kinh tế, văn hóa-xã hội… và các lĩnh vực mới đều đang được triển khai rất hiệu
quả. Các nước ASEAN đều đánh giá rằng, Australia là một trong những Đối tác Chiến
lược Toàn diện mà có nhiều hợp tác thực chất, hiệu quả với các thành viên của
khối.
Chính vì vậy, Hội nghị lần này được kỳ vọng là một dịp tốt để
lãnh đạo cấp cao ASEAN và Australia cùng nhìn lại, đánh giá một cách tổng thể
quan hệ giữa hai bên trong 50 năm qua, đặc biệt là quá trình triển khai quan hệ
Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa ASEAN và Australia được thiết lập từ năm 2021
đến nay.
Đồng thời, đây cũng là dịp để lãnh đạo hai bên trao đổi, đề
ra tầm nhìn, những phương hướng và biện pháp cụ thể để mở rộng hợp tác trong thời
gian tới. Dự kiến, hai bên, đặc biệt là phía Australia, sẽ trao đổi và đề xuất
những sáng kiến hợp tác mới. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sáng kiến
mang tính đột phá, góp phần tạo thêm nguồn lực và cơ sở để quan hệ
ASEAN-Australia phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 6/2023. |
Phóng viên: Trong chuyến công tác lần này, bên cạnh việc tham
gia Hội nghị quan trọng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thăm chính thức
Australia. Xin Thứ trưởng chia sẻ những điểm nhấn trong chuyến thăm chính thức
Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Trong năm 2023, Việt Nam và
Australia đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 50 năm vừa qua,
có thể nói quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến vượt bậc, vượt qua những
khác biệt trong quá khứ để thiết lập quan hệ ngoại giao, và bây giờ là quan hệ
Đối tác Chiến lược với mức độ tin cậy chính trị rất cao, thậm chí được đánh giá
là cao nhất từ trước đến nay.
Hợp tác Việt Nam - Australia có thể nói là rất toàn diện.
Bên cạnh hợp tác về kinh tế, đầu tư, Australia còn hỗ trợ Việt Nam thông qua
nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, với những biểu tượng như cây cầu ở
Mỹ Thuận, hay hàng nghìn học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học tại
Australia, những chương trình đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ Việt Nam từ những
ngày mà chúng ta còn đang phải chịu cấm vận. Có thể nói những hợp tác đó tạo
nên sự gắn kết rất chặt chẽ giữa Australia và Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính
phủ có rất nhiều ý nghĩa. Đây là dịp để hai nước cùng đánh giá những bước phát
triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt trong việc triển khai
quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai bên, cũng như những thoả thuận cấp cao mà
hai bên đã đạt được nhân những chuyến thăm của Toàn quyền Australia và Thủ tướng
Australia đến Việt Nam trong năm 2023 và trước đó là chuyến thăm của Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ đến Australia năm 2022.
Đồng thời, nhân dịp này, hai bên sẽ định hướng hợp tác thời
gian tới, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư từ
Australia vào Việt Nam và từ Việt Nam sang Australia. Đặc biệt, điểm nhấn của
chuyến thăm lần này sẽ là mục tiêu mở rộng hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó
có đào tạo nghề; mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng
những động lực mới hiện nay, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh và quá trình
chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Cùng với đó,
Việt Nam và Australia sẽ hướng tới việc đưa quan hệ song phương lên một tầm cao
mới.
Phóng viên: Sau khi rời Australia, Thủ tướng sẽ thăm chính thức
New Zealand. Vậy theo Thứ trưởng đánh giá, đâu sẽ là những lĩnh vực mà chúng ta
kỳ vọng là hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác nhân chuyến thăm lần này?
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Cùng với Australia, New
Zealand là một Đối tác Chiến lược quan trọng của Việt Nam ở khu vực Nam Thái
Bình Dương. Quan hệ Việt Nam – New Zealand là mối quan hệ song phương có bề dày
lịch sử. Năm sau, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với
New Zealand. Trong thời gian qua, New Zealand là một đối tác đã hỗ trợ phát triển
cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đào tạo, đến các lĩnh vực về
bình đẳng giới, phát triển.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New
Zealand đã có rất nhiều hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, tin cậy chính trị giữa
hai bên ngày càng được củng cố. Chúng ta đã đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của
New Zealand sang thăm Việt Nam và hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác.
Trong chuyến thăm New Zealand lần này của Thủ tướng Chính phủ,
hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác
song phương, trong đó có hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như là
thương mại, đầu tư. Đồng thời, trọng tâm hợp tác giữa hai nước cũng sẽ bao gồm
các lĩnh vực mang tính gắn kết, giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác về lao động,
giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, nhất là về công nghệ mới trong nông nghiệp và
những biện pháp để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp chất
lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên.
Phỏng vấn: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng
vấn!
PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét