Nô lệ của “người chủ xấu”
[QĐND] Xã hội
phát triển, sự cám dỗ của đồng tiền cũng hiện diện trong muôn mặt đời sống. Tư
tưởng thực dụng, tôn sùng đồng tiền ở vị trí độc tôn của một bộ phận người trẻ
càng bùng phát mạnh mẽ trong thời buổi kinh tế số. Suy nghĩ có tiền là có tất cả,
nhiều tiền đồng nghĩa với thành công, việc đánh đồng tiền bạc với mục tiêu, lý
tưởng sống đã dẫn dụ một bộ phận người trẻ vào chỗ lầm đường lạc lối.
Bàn về tính hai mặt của đồng tiền, dân
gian ví von rằng đồng tiền là đầy tớ trung thành nhưng là người chủ xấu. Tiền
bạc là người đầy tớ trung thành khi ta sử dụng vào mục đích tốt đẹp, lương
thiện, làm chủ được nó. Trái lại, khi con người bị đồng tiền sai khiến, vì tiền
mà gây ra tội ác thì nó lại trở thành người chủ xấu. Một bộ phận giới trẻ tự
biến mình thành nô lệ của đồng tiền khi bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp lương
tâm, đạo đức và pháp luật, cốt sao kiếm được tiền bạc, của cải để thỏa mãn nhu
cầu hưởng thụ.
Vì tiền mà những thanh niên như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện
không ghê tay thảm sát người vô tội, nguy hại thay lại trở thành “thần tượng”
trong mắt một số người trẻ. Bởi muốn nhanh kiếm được nhiều tiền để đua đòi ăn
chơi, một số thanh thiếu niên dù gia đình không thuộc diện khó khăn đã sớm bỏ
học, rủ nhau đi trộm cướp hoặc làm ăn phi pháp. Do hám tiền mà không ít người
bỏ qua lương tri, đạo đức, đứng trên sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người
khác để kiếm lời từ kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả, đủ các loại hàng giả.
Rồi biết bao nhiêu vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện bởi bàn tay của
những người trẻ đã bị phanh phui...
Đồng tiền từ chỗ là phương tiện duy trì
cuộc sống trở thành mục đích sống tối thượng khiến người trẻ trở nên hám lợi,
ích kỷ. Khi quá coi trọng đồng tiền, họ dễ bị chi phối bởi những toan tính nhỏ
nhen, quên đi các giá trị đích thực của cuộc sống, bất chấp mọi giá để đạt được
mục đích cá nhân.
“Mình bịa CV để đi xin việc như thế
nào”, “Mình kiếm tiền trên Tinder như thế nào”, “Mình sinh ra không phải để đi
làm và bạn cũng thế”... Ít ai ngờ rằng, đây là các tiêu đề được đặt công khai
trên các trang mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem.
Đáng nói ở chỗ, những đoạn video với nội
dung và tiêu đề phản cảm như vậy được chính người sáng tạo nội dung thừa nhận
là cách bản thân chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình, từ đó muốn lan
tỏa, chia sẻ, truyền đi nguồn cảm hứng, phong cách sống tới cộng đồng người
trẻ. Không chỉ là những mánh khóe bịa hồ sơ ứng tuyển, moi tiền từ ứng dụng hẹn
hò mà cả những tệ nạn trầm kha khác như cờ bạc, khoe thân cũng là những thứ
giới trẻ đang truyền cho nhau trên mạng xã hội-không gian vô hình từ trước đến
nay vốn đã khó bề kiểm soát hết.
Không chỉ làm dậy sóng, bức xúc trong dư
luận từ những video đăng tải trên mạng xã hội, thời gian qua, hàng loạt buổi
livestream đánh bạc, hướng dẫn những mánh khóe gian lận cờ bạc thu hút lượng
theo dõi có lúc lên tới hàng nghìn người xem trong một buổi phát trực tuyến,
với đa dạng thành phần và một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ. Nhiều người chỉ từ
những lần xem để giải trí cho vui, cho biết, nhưng nghe lời hướng dẫn, mách nhỏ
của chủ livestream mà lấn sâu vào con đường nghiện cờ bạc lúc nào không hay.
Ảnh minh họa: Báo Thanh niên |
Đánh mất mình không chỉ bởi ham muốn
vật chất tầm thường, một bộ phận người trẻ bị chếnh choáng bởi cái hư danh được
nhìn nhận, tôn sùng là người giàu có, thành đạt. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng
“nghèo mà sang chảnh” là lối sống khá phổ biến hiện nay của một số người trẻ.
Thu nhập không cao, tiền bạc không rủng rỉnh nhưng luôn muốn xuất hiện với vẻ
ngoài sáng chói, mạnh tay mua sắm hàng hiệu xa xỉ, mỹ phẩm đắt tiền, điện thoại
sang bắt nhịp xu thế công nghệ mới nhất... trong khi những món đồ ấy vượt quá
thu nhập của bản thân, là lý do cụm từ “nghèo mà sang chảnh” xuất hiện trong
đời sống của người trẻ.
Lối sống "nghèo mà sang
chảnh" bắt nguồn từ thói quen chi tiêu theo cảm xúc, nhất là sự ganh đua
thể hiện bản thân bằng cái vẻ hào nhoáng bề ngoài và khát khao được giống với
những “idol”, “KOL” với lối sống xa hoa, mỹ miều, ảo vọng hão huyền được là
người giàu có trong mắt thiên hạ. Lâu dần, thói quen ăn sâu bén rễ khiến một số
bạn trẻ bất chấp, sẵn sàng làm nhiều cách để sống ảo.
Có bạn khoe chiếc điện thoại đời mới
nhất được mua bằng giá trị cả năm tiền lương của mình, thế nhưng đằng sau đó là
sự chắt bóp chi tiêu để trả góp hằng tháng. Có bạn để sắm được những món đồ
hàng hiệu cho bằng bạn bằng bè đã đi vay mượn khắp nơi, ngập trong nợ nần rồi
sa chân vào tín dụng đen, nợ xấu. Một số người tìm đủ cách nói dối để rút hầu bao
của bố mẹ, phục vụ nhu cầu chi tiêu quá đà của bản thân...
“Nghèo mà sang chảnh” không còn đơn
giản là một lối sống mà trở thành sự lệch lạc trong nhận thức của người trẻ. Tự
ti, không dám đối mặt với hoàn cảnh và nỗ lực vươn lên mà cho rằng chỉ cần khoác
trên mình những bộ cánh lộng lẫy, đắp thật nhiều thứ hào nhoáng ra ngoài sẽ tự
khắc trở nên đẳng cấp, là cách sống và tư duy độc hại biến người trẻ trở thành
nô lệ của đồng tiền.
Gục ngã trước cám dỗ nguy hại
Bàn về nguyên nhân của thực trạng
người trẻ tha hóa vì tiền, một số chuyên gia xã hội học nhắc đến sự tác động
tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường. Xã hội càng phát triển, đời sống vật
chất càng cao thì đồng tiền càng có vị thế. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật
chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị
tinh thần nếu như người ta “bán rẻ” nó, chẳng hạn như quyền lực, danh tiếng, sự
trọng vọng của xã hội.
Với không ít người, đồng tiền còn
chính là cái căn cơ của vui, buồn, sướng, khổ, là thứ quyền lực vô song có thể
đưa đẩy người ta tới thành công hay thất bại. Bởi vậy mà ngày nay, nhiều người
vẫn truyền tai nhau câu thơ như một cách bày tỏ sự ngao ngán mặt trái của xã
hội kim tiền: “Thế thái nhân tình gớm chết thay/ Lạt nồng trông chiếc túi vơi
đầy/ Hễ không điều lợi, khôn thành dại/ Ðã có đồng tiền, dở cũng hay”.
Trong điều kiện Việt Nam hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng, cơ hội để thanh niên mở rộng giao lưu và tìm kiếm
khả năng phát triển ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, với những đặc trưng riêng
của lớp trẻ, mặt trái của giao lưu, hội nhập quốc tế lại càng dễ tác động nhanh
và sâu sắc đến tầng lớp thanh niên.
Do các bạn trẻ thiếu kỹ năng nhận
diện những giá trị tích cực, đôi khi bắt chước một cách máy móc, lai căng, xa
rời định hướng xã hội chủ nghĩa, ca ngợi một chiều các giá trị của chủ nghĩa tư
bản, sùng bái vật chất, không điều khiển được bản thân trước sức hút ghê gớm
của đồng tiền. Hành vi sai lệch bắt đầu từ đó di chuyển vào đời sống và trở
thành định hướng cá nhân để rồi đồng hóa lý tưởng sống với việc đi nhanh, đi
gấp... cốt sao có được nhiều tiền.
Tác động xấu của cơ chế thị trường
với tư tưởng thực dụng đã ăn sâu, len lỏi vào đời sống của nhiều gia đình kể từ
sau khi đất nước mở cửa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, lý tưởng của con trẻ.
Nhìn ở những góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, môi trường giáo dục còn chưa
đề cao đạo đức, nhân cách, hay do gia đình quá bận rộn chỉ lo kiếm tiền mà
thiếu đi sự quan tâm, sát sao với con cái.
Việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tình
cảm của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên từ các bậc phụ huynh, nhà
trường, ngành giáo dục và các ngành chức năng còn chưa theo kịp thực tiễn. Bên
cạnh đó, vai trò của Đoàn, Đội và công tác quản lý học sinh, sinh viên còn
nhiều bất cập, chưa đổi mới và chưa có sức thu hút các lực lượng thanh
thiếu niên tham gia. Công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục đạo đức,
lối sống cho thanh niên chưa được đổi mới, còn mang nặng hình thức, chưa thường
xuyên và thiếu sức thuyết phục...
Suy cho cùng, xã hội, gia đình, nhà
trường đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, chăm lo, định hướng, còn yếu tố
quyết định vẫn nằm ở bản thân, ý thức chủ quan của mỗi người trẻ. Gia đình, nhà
trường, xã hội khó có thể gieo vào tâm hồn, nhận thức của thanh niên những lý tưởng
đẹp nếu bản thân họ từ chối tiếp thu, hoặc cố tình tiếp nhận sai lệch, biến
tướng.
Tư tưởng “ăn xổi” muốn đổi đời nhanh
chóng, đặt đồng tiền bao trùm lên nhân cách, phẩm giá, lương tri chính là sản
phẩm, hệ quả của sự yếu kém về bản lĩnh, lệch lạc về nhận thức và bản ngã tham
lam không biết cách chế ngự, kiểm soát ở người trẻ. Một số khác ôm mộng hão
huyền muốn có gia tài, sự nghiệp lớn nhưng bản thân thì sợ khổ, sợ khó, lười
học hỏi, không có mục tiêu phấn đấu, dẫn đến suy nghĩ nông cạn, mù quáng, thực
hiện hành vi trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật để có tiền ăn chơi sa đọa.
Không chỉ có người trẻ mà hẳn ai cũng
có những ước mơ, khát vọng, nhưng khác nhau chính là cách thực hiện. Bản thân
đồng tiền không có lỗi, vấn đề là cách mỗi người làm ra tiền, mục đích sử dụng
tiền. Dân gian có câu: “Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật/ Bạc xài lầm, bạc ác
hơn ma”.
Kiếm tiền và làm giàu đúng pháp luật
là nhu cầu chính đáng của công dân, được Đảng, Nhà nước khuyến khích. Tiếp nối
tinh thần của các đại hội trước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu mục tiêu
phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”. Mục tiêu tốt đẹp làm cho "dân giàu" phải được hiện thực
hóa bằng những việc làm, cách làm giàu, phương thức tạo ra của cải vật chất một
cách chân chính, đúng pháp luật. Giá trị của đồng tiền chỉ thực sự song hành
bền vững cùng lý tưởng khi góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp, nhân văn.
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét