Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Đại úy Công an kiêm Phó Bí thư Đoàn xã năng nổ, sâu sát địa bàn

[CAND] Một trong những gương mặt tiêu biểu vinh dự được tặng giải thưởng "Thanh niên Công an Hà Nam tiêu biểu” năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vừa qua đó là Đại úy Nguyễn Văn Hải, cán bộ Công an xã, Phó bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Nhật Tựu (huyện Kim Bảng, Hà Nam).

Chúng tôi đến thăm, chúc mừng Đại úy Nguyễn Văn Hải vừa vinh dự được tặng giải thưởng Thanh niên “Công an Hà Nam tiêu biểu” đúng dịp anh đang cùng các đoàn viên, thanh niên Đoàn Thanh niên xã Nhật Tựu tham gia Lễ hội Xuân hồng năm 2024 do Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kim Bảng phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức tại địa phương. Nụ cười hiền hậu, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát cho chúng tôi phần nào cảm nhận về tính cách sôi nổi, nhiệt thành ở anh - một người cán bộ Đoàn đầy năng nổ. Hải cho biết, đây là lần thứ 12 liên tiếp anh tham gia hiến máu tình nguyện.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, Nguyễn Văn Hải được phân công về công tác tại Công an thị xã Duy Tiên. Trải qua nhiều vị trí công tác, tháng 9/2020, thực hiện Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, anh Hải viết đơn tình nguyện về cơ sở và được điều động về công tác tại Công an xã Nhật Tựu.

Đại úy Nguyễn Văn Hải đến tận nhà làm thủ tục thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân
gắn chíp cho người dân.

Nhớ lại những ngày đầu về cơ sở, anh Hải kể: Tiếp nhận vị trí công tác mới với những khó khăn bộn bề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh luôn lấy Sáu điều Bác Hồ dạy CAND làm kim chỉ nam cho mọi hành động, tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, nhanh chóng nắm chắc tình hình địa bàn để kịp thời tham mưu, đề xuất chỉ huy Công an xã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương nhiều mô hình, biện pháp đảm bảo ANTT, góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an xã điều tra, giải quyết nhiều vụ phạm pháp hình sự. Cá nhân anh Hải đã trực tiếp phát hiện, điều tra, đấu tranh, triệt phá 36 vụ vi phạm pháp luật tại địa bàn; tham mưu đưa 5 đối tượng đi Cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và Tỉnh ủy Hà Nam về giới thiệu cán bộ Công an xã chính quy tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức danh Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã kiêm nhiệm. Đại úy Nguyễn Văn Hải được bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nhật Tựu. Phát huy vai trò của người CBCS Công an, nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn đã được anh quan tâm lồng ghép, gắn với công tác Công an như: tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân địa phương nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Hải còn trực tiếp đề xuất chính quyền, Đoàn Thanh niên xã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư không phát sinh thanh, thiếu niên mắc các tện nạn xã hội” tại thôn Văn Bối (xã Nhật Tựu). Đến nay, chỉ qua hơn 6 tháng triển khai thực hiện mô hình, thôn Văn Bối không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội; 418 thanh, thiếu niên, trong đó có hàng trăm thanh niên đang sinh sống tại địa phương đều chí thú làm ăn, tích cực tham gia các phong trào đoàn, đội và nói không với tệ nạn xã hội.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Kiều Tiến Lập, Trưởng thôn Văn Bối, xã Nhật Tựu chia sẻ: “Từ khi triển khai mô hình, thanh thiếu niên trong thôn đã có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội. Các phong trào thể dục, thể thao trong đoàn viên, thanh niên phát triển mạnh mẽ. Bà con địa phương yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế…”.

Song hành cùng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, những ngày dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến phức tạp, Đại úy Nguyễn Văn Hải luôn xung kích tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch, thường xuyên ứng trực tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là đội ngũ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch. Trong thực hiện thu thập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân và Đề án 06/CP của Chính phủ, Đại úy Nguyễn Văn Hải đã cùng CBCS Công an xã làm việc không có ngày nghỉ để thu thập hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và cập nhật, bổ sung dữ liệu dân cư bảo đảm luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; phát huy vai trò nòng cốt phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm thẻ CCCD, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử… qua đó góp phần phục vụ hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, Đại úy Nguyễn Văn Hải đã cùng Ban chấp hành Đoàn Thanh niên xã Nhật Tựu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở cơ sở. Anh luôn trăn trở phải làm sao để gắn hoạt động của Đoàn thanh niên với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, qua đó phát huy vai trò, sức trẻ của đoàn viên, thanh niên, góp phần bảo đảm ANTT, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

Gần 4 năm gắn bó với cơ sở, vượt qua khó khăn, Đại úy Nguyễn Văn Hải cùng tập thể Công an xã Nhật Tựu đã từng bước khẳng định được vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở. Với những nỗ lực của bản thân trong công tác chuyên môn cũng như trong công tác Đoàn, nhiều năm liền Đại úy Nguyễn Văn Hải đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; được các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

P. Tâm – H. Sâm

Nhận diện luận điệu xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài

[CAND] Ngày 23/6/2004, Bộ Chính trị (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Gần 20 năm qua, Nghị quyết 36 đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhịp cầu góp phần gắn kết chặt chẽ người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội vẫn tìm cách đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc.

Những luận điệu lạc lõng với quê hương

Với truyền thống yêu nước, hướng về Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một nguồn lực quan trọng, có nhiều đóng góp cho tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín, không những đóng góp tích cực vào phát triển của nước sở tại mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, các đối tượng chống phá vẫn cố tình bóp méo, vu cáo chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong cùng một số đối tượng chống đối cực đoan lập các trang web, facebook, youtube, twitter, tiktok, zalo… tuyên truyền bịa đặt, bôi nhọ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với những luận điệu xuyên tạc như: Nhà nước không giúp gì, chỉ tìm cách khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại; việc thành lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cách cho thấy “Đảng Cộng sản Việt Nam đang tham vọng định hướng chính trị”; cộng sản xâm nhập, phá hoại và lũng đoạn các cộng đồng, các hội đoàn, các cơ sở thương mại, trường học của người Việt tại hải ngoại… Thậm chí các đối tượng còn rêu rao rằng, Việt Nam đang tìm cách “đảng hóa” với cả những hội, đoàn trong tương lai mà Đảng hậu thuẫn tại hải ngoại! Các đối tượng cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng kể từ Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai “thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ”!

Gần 40 năm đổi mới đất nước, các chủ trương và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước ngày càng được bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn. Ảnh: tuyengiao.vn

Đây là những luận điệu xuyên tạc xuất phát từ tư tưởng thù địch nhằm bóp méo bản chất, ý nghĩa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về nguồn cội, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có những đóng góp to lớn về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc

Gần 40 năm đổi mới đất nước, các chủ trương và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước ngày càng được bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn. Một trong những dấu mốc quan trọng đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó là các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Để góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12). Kết luận 12 là sự kế thừa, tiếp nối của Nghị quyết 36 (2004) và Chỉ thị 45 (2015) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ đạo là hòa hợp dân tộc, chăm lo cho kiều bào và huy động nguồn lực kiều bào cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Các văn bản trên đã thể hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân, thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX đã chứng minh, mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng đồng bào ta vẫn luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Trong các công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc đã có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đi liền với đó là những thành tựu to lớn của đất nước sau giai đoạn đổi mới cùng với vị thế ngày càng tăng của đất nước ở khu vực và trên thế giới đã khích lệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về với cội nguồn, đóng góp cho quê hương. Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của nhiều doanh nhân, trí thức người Việt Nam có trình độ cao ở nước ngoài, luôn tích cực tham gia hiến kế cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, các mô hình phát triển kinh tế… Hiện đã có 385 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng mạnh, không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, bổ sung dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, nguồn lực từ kiều hối góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo động lực tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo số liệu báo cáo của các đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối, năm 2023, lượng kiều hối chuyển về nước ta đạt 16 tỷ USD, tăng 32,5% so với năm 2022. Trong đó, tổng lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 8,92 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh dự báo lượng kiều hối năm 2024 chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.

Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận người dân đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dần dần tạo chỗ đứng vững chắc và có tiềm lực đáng kể về tri thức, trình độ khoa học, kỹ thuật. Không chỉ đóng góp bằng những nguồn lực đầu tư và chất xám, người Việt Nam ở nước ngoài còn tích cực bảo tồn, lan tỏa và trao truyền văn hóa Việt. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống, văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài và cụ thể hóa Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” nhằm nâng cao nhận thức, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế.

Năm 2024 là năm bản lề cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị bước sang một trang mới. Việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là dịp để các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đánh giá một cách khách quan những ưu điểm, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thiết thực để phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới; tiếp tục khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là cơ sở để Đảng ta bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, tạo điều kiện phát huy nguồn lực kiều bào đóng góp cho quê hương, đất nước. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là minh chứng thực tiễn góp phần xóa bỏ những mối nghi hoặc, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch.

Liêm Chính - Bình Nguyên

Thư của Bác Hồ động viên, khích lệ chiến sĩ Điện Biên 70 năm trước

VOV.VN - Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi sát sao tình hình ngoài chiến trường và cổ vũ, khích lệ tinh thần, động viên kịp thời các chiến sĩ Điện Biên.

 

Thực hiện kế hoạch Nava từ giữa năm 1953, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Đến khi ta nổ súng tiến công, chúng đã có gần bốn tháng để xây dựng và củng cố hệ thống phòng ngự ở Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Các tướng tá của Pháp và Mỹ coi đây là một "tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm".

Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết tâm của ta là "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh". 

Trư­ớc ngày b­ước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã tặng cờ "Quyết chiến Quyết thắng" làm giải thưởng luân lưu để khích lệ động viên, thể hiện niềm tin của Người đối với quân dân trên mặt trận Điện Biên Phủ. Bác đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận một chiếc ca rất đẹp có in đậm hai hàng chữ đỏ tươi: "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ".

Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ, ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, trước khi quân ta nổ súng tiến công vào cứ điểm Him Lam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ. Trong thư Bác căn dặn: "Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú". 

Trước tình cảm của Bác, sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", chiều 7/5/1954 cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí đã đã khắc phục mọi khó khăn và thành công tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay ngày 8/5/1954, Bác đã có "Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ": "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang".

Sau đó vài ngày, Bác gửi tiếp thư chúc mừng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác nói: "Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu".

Trong tâm trí các chiến sĩ Điện Biên lúc ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác, đặc biệt là bữa cơm thân mật với Bác. Mở đầu bữa cơm, Bác nói vui: "Đây là bữa cơm riêng Bác mời các cháu, chứ không phải Nhà nước mời đâu. Toàn cây nhà lá vườn cả, nhưng các cháu phải ăn no. Các cháu ăn nhiều. Bác sẽ vui, sẽ khỏe". Một bữa cơm đơn giản, không sơn hào hải vị nhưng cũng khiến các chiến sĩ xúc động nhớ mãi không quên. Bởi họ đã cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc Bác dành cho mọi người.

Những món quà, bức thư, điện văn thật sự là món quà tinh thần vô cùng quý giá đối với những người chiến sĩ Điện Biên, tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi gian khổ, quyết chí một lòng, chiến đấu anh dũng, giành chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". 

Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công".

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người đặt nền móng cho công tác kiểm tra Đảng

VOV.VN - Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là người đặt nền móng cho công tác kiểm tra của Đảng, với trên 20 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương.

Những ngày tháng 3, nhà tưởng niệm Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng ở quê hương Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương rất đông các đoàn khách và người dân đến dâng hương. Du khách đến đây được tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng ((2/4/1904 - 2/4/2024) và tỏ lòng thành kính đối với người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng và Cách mạng Việt Nam.

Ông Vũ Thế Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết, dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, chính quyền và nhân dân xã Thanh Tùng tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua sôi nổi để tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương: "Để xứng đáng với quê hương của bác Nguyễn Lương Bằng, trong thời gian qua, đảng bộ luôn ổn định về chính trị cũng như tư tưởng. Cán bộ đảng viên luôn noi theo truyền thống quê hương cách mạng. Về phát triển kinh tế năm 2023, mức độ thu nhập bình quân đạt 77,3 triêu đồng/người/năm. Điện, đường, trường trạm khang trang. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, năm 2023, nhân dân vào cuộc rất tích cực, thực hiện được 12 tuyến đường giao thông nông thôn."

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là lớp thế hệ các chiến sỹ cách mạng đầu tiên của Đảng, giác ngộ theo con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời là một trong những người tham gia tích cực vào quá trình thành lập Đảng và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1945, Cố Phó Chủ tịch nước được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, chuyên trách công tác tài chính và binh vận; sau tổng khởi nghĩa, kiêm công tác ở Tổng bộ Việt Minh.

Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn của buổi ban đầu vừa mới giành được chính quyền, Cố Phó Chủ tịch nước được Đảng tin tưởng giao trọng trách Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương.

Theo ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Cố Phó Chủ tịch nước, công tác kinh tế - tài chính của Đảng đạt được nhiều thành tựu quan trọng: "Trong những năm phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề xuất và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng tạo về kinh tế, tài chính; xây dựng những cơ sở sản xuất, kinh doanh bằng tài chính Đảng và góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế nước nhà; góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đến thắng lợi. Đồng chí cũng là người lãnh đạo chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính của Đảng có phẩm chất và năng lực, đóng góp những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính của Nhà nước."

Trong quá trình hoạt động, công tác, Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, như: Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Liên Xô; Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Quốc hội khoá III, kỳ họp thứ 5 (năm 1969), đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (kiêm Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra Đảng), sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở bất cứ cương vị công tác nào, Cố Phó Chủ tịch nước cũng gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, kiên trung bất khuất trước quân thù, một người cộng sản mẫu mực có đủ phẩm chất Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: "Trong công tác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn kiên trì thực hiện những phương pháp thích hợp theo trình tự, vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa đảm bảo sự hài hòa trong quan hệ, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Đồng chí thể hiện rõ phong cách của một nhà lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi, hòa mình với quần chúng, quan tâm, yêu thương nhân dân và rất mực trong sáng, giản dị. Đồng nghiệp, bạn bè đã dành cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng những tên gọi thân thương như "Sao Đỏ", "Anh Cả", coi đó là "biểu tượng của sự mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em."

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cũng là người đặt nền móng cho công tác kiểm tra của Đảng, với trên 20 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Theo TS Trần Văn Tĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Trong quá trình công tác, Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất với Trung ương và nêu lên một số vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng. Đó là những vấn đề cơ bản về vị trí, vai trò, nguyên tắc, phương châm, quy trình, nội dung của công tác kiểm tra; chức năng, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác kiểm tra của Đảng. Những ý kiến đề xuất và các quan điểm chỉ đạo của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị vận dụng vào công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng cho tới ngày nay.

TS Trần Văn Tĩnh nói: "Học tập tấm gương các đồng chí cách mạng tiền bối, trong đó có Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, ngành kiểm tra Đảng tích cực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 31 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực và ban hành 39 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, làm cơ sở cho Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ. Trọn cuộc đời, Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta".

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương), trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Hiện nay, tên ông được đặt cho nhiều tuyến phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và đại lộ chính tại thành phố Hải Dương; một thị trấn thuộc huyện Kim Động (Hưng Yên); Khánh Hoà; Tây Ninh. Và ông cũng được đặt tên đường ở Thành phố Hải Phòng thuộc quận Kiến An.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Vạch trần bản chất lừa bịp của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”

[CAND] Thời gian qua, trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên xuất hiện hoạt động của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”. Tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã xuyên tạc Kinh Thánh để lừa mị, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia vào hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp phát triển lực lượng lập “Nhà nước Mông”.

Ảnh minh họa

Các đối tượng cầm đầu các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” ở nước ngoài đã triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm họp trực tuyến để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tham gia với mục đích kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng lập “Nhà nước Mông”. Mặc dù đã được lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi các luận điệu tuyên truyền của các đối tượng cầm đầu bên ngoài, vẫn còn lén lút tin theo và tham gia sinh hoạt tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trên mạng xã hội hoặc ẩn thân vào các tổ chức tôn giáo hợp pháp để chờ thời cơ thuận lợi để tái hoạt động trở lại gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Vậy bản chất hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” là gì? Tác động, ảnh hưởng các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trong vùng đồng bào dân tộc Mông sẽ như thế nào?

Bản chất hoạt động của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”

 - Về đối tượng cầm đầu: Tà đạo “Giê Sùa” và tà đạo “Bà Cô Dợ” đều do các đối tượng là người dân tộc Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện đang sinh sống ở Mỹ lập ra. Tà đạo “Giê Sùa” do đối tượng David Her (tên thật là Hờ Chá Sùng, khoảng 60 tuổi, người Mông, quê quán ở huyện Phông Xa Vẳn, Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa DCND Lào, hiện đang định cư ở bang California, Mỹ) tự lập ra năm 2000 và bắt đầu tác động, ảnh hưởng vào vùng dân tộc Mông ở Việt Nam vào thời điểm từ đầu năm 2015. David Her đã sáng tác lôgô của tà đạo “Giê Sùa” gồm chữ YESHUA ở phía trên, ngôi sao 6 cánh ở giữa cùng một số họa tiết và phía dưới là dòng chữ “House of Healing” (tạm dịch là “Ngôi nhà an lành”), lợi dụng một số câu, điều trong Kinh Thánh của đạo Tin Lành soạn ra giáo lý, giáo luật của tà đạo “Giê Sùa” và tuyên truyền vào vùng đồng bào dân tộc Mông. Trong khi đó, tà đạo “Bà Cô Dợ” (Tiếng Mông: “Pawg ntseeg vajtswv hlub peb” nghĩa là “Hội thánh Đức Chúa trời yêu thương chúng ta”) do Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, người Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện đang sinh sống tại thành phố Milwaukee, bang Wiscosin, Mỹ lập ra và làm “Hội trưởng” từ cuối năm 2016. Vừ Thị Dợ đã tuyên truyền lôi kéo một số người Mông sinh sống gần nhà để thành lập ra nhóm đạo và tuyên truyền, phát triển qua các nước, trong đó có Việt Nam thông qua các đoạn video clip tuyên truyền trên mạng xã hội YouTube để lôi kéo mọi người tin theo nhằm lập “Nhà nước riêng” của người Mông.

- Về đối tượng tham gia và địa bàn hoạt động của tà đạo: Đối tượng tham gia của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” chủ yếu là người Mông theo các hệ phái Tin lành như: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Truyền giáo Phúc âm…, thân nhân, người nhà của số đối tượng cầm đầu, cốt cán và một bộ phận người dân tộc Mông thiếu hiểu biết, khó khăn về đời sống kinh tế nên dễ bị lôi kéo, mua chuộc. Địa bàn ảnh hưởng và hoạt động của “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” chủ yếu tại các bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới các tỉnh phía Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn…) và một số tỉnh vùng Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk).

- Về phương thức truyền giáo: Kết hợp giữa truyền giáo thông qua hệ thống công nghệ thông tin, còn sử dụng lực lượng tại chỗ; nội dung tuyên truyền vừa vẽ ra viễn cảnh tạo hi vọng như theo đạo không làm cũng có ăn, được sung sướng, có đất đai, còn dùng biện pháp đe dọa tạo nên nỗi sợ hãi với người tin theo. Chúng tuyên truyền “sắp có chiến tranh xảy ra, Chúa dạy phải tích lũy lương thực, than đá...”, khiến một số hộ tin theo mua, tích trữ lương thực, than đá với số lượng lớn, gây hoang mang trong dân chúng, ảnh hưởng đến ANTT. Số cầm đầu “Bà Cô Dợ” bên ngoài thường xuyên thông qua mạng xã hội (YouTube, Facebook) đăng tải, chia sẻ bài viết, video clip để tuyên truyền cho tà đạo “Bà Cô Dợ” hoặc lập các hội kín thông qua ứng dụng Zoom để mọi người tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, rao giảng về Kinh Thánh và chỉ đạo hoạt động trong nước. Số đối tượng cầm đầu ở bên ngoài thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, tài trợ cho số đối tượng cốt cán ở trong nước để sử dụng vào mục đích tuyên truyền, phát triển tà đạo.

- Về kinh sách: Tà đạo “Bà Cô Dợ” sử dụng Kinh Thánh cựu ước và tân ước, in bằng chữ Mông Latinh (chữ Mông mới) và chữ phổ thông giống đạo Tin lành đang sử dụng. Ngoài ra, một số trường hợp nghiên cứu Kinh Thánh và tự biên soạn tài liệu có nội dung giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của mình để tuyên truyền, hướng dẫn người tin theo.

- Về giáo lý, giáo luật: Tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đều chưa hình thành hệ thống giáo lý, giáo luật riêng mà chủ yếu cắt xén, cóp nhặt, xuyên tạc từ Kinh Thánh. Những người tuyên truyền “Bà Cô Dợ” phủ nhận vai trò cứu thế của Chúa Giê Su, chỉ có chúa tái lâm lần thứ 2 mới là chúa thật. Vừ Thị Dợ tự nhận mình là nhà tiên tri được “Chúa Cha” chọn làm sứ giả giúp cai quản công việc ở trần gian, hơn nữa bà còn được “Chúa Cha” chọn làm người sinh ra chúa tái lâm lần 2, tên là Nu-Long (con trai út của Vừ Thị Dợ) để cứu giúp người Mông và cai quản công việc trần gian; những người theo đạo khác sẽ bị đày xuống hỏa ngục, ai theo chúa tái lâm lần 2 sẽ được lên thiên đường; khi có chiến tranh xảy ra, chúa tái lâm sẽ cứu sống những người tin theo và đưa họ về vùng đất do chúa tái lâm lần 2 đứng đầu để sinh sống. Những người theo “Bà Cô Dợ” không thờ cúng ông bà, tổ tiên, không thừa nhận Chúa Giê Su, chỉ thừa nhận chúa tái lâm lần 2. Còn tà đạo “Giê Sùa” không thừa nhận tên chúa là Giê Su mà gọi là “Giê Sùa”; không thừa nhận các nhân vật Adam và Eva trong Kinh Thánh mà thay thế bằng nhân vật khác có tên là “Chàng Ong” và “Cô Ía” theo truyền thuyết của người Mông. David Her tự nhận mình chính là thiên sứ (người đưa tin), sứ giả của Chúa Giê Sùa và biết trước ngày chúa tái lâm và sẽ làm vua của người Mông, ai tin và đi theo Chúa Giê Sùa sẽ có đất nước riêng; cho rằng, đạo Tin lành không phải là tôn giáo của người Mông, chỉ có Giê Sùa mới là tôn giáo của người Mông. Những người theo “Giê Sùa” cũng không thờ cúng ông bà, tổ tiên, phủ nhận Chúa Giê Su mà chỉ thờ Chúa Giê Sùa.

- Về sinh hoạt: Những người tin theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” sinh hoạt đạo bằng hình thức trực tuyến là chủ yếu; các đối tượng và người tin theo sử dụng mạng xã hội Facebook, qua ứng dụng Zoom, điện thoại thông minh để hội họp, nghe, xem đối tượng cầm đầu ở Mỹ giảng trực tiếp, sử dụng Kinh tân ước và cựu ước như đạo Tin lành. Khi giảng đạo họ trích nguyên câu Kinh Thánh nhưng lại giải thích khác đi theo ý của mình. Ngoài ra còn tập trung tại nhà riêng của số đối tượng cầm đầu để sinh hoạt, các điểm nhóm tụ tập sinh hoạt không có nhóm trưởng mà nhiều người thay nhau chủ trì buổi sinh hoạt.

Tà đạo “Bà Cô Dợ” không tổ chức lễ Phục sinh, chỉ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 23/11 hằng năm vì cho rằng đây là ngày sinh của chúa tái lâm lần 2; không bắt tín đồ đóng 10% thu nhập mà ai theo sẽ được chia tiền khi những người ở nước ngoài gửi về; thời gian sinh hoạt do “Bà Cô Dợ” đưa ra từ 22h ngày thứ bảy đến 3h ngày chủ nhật, nhưng ở Việt Nam các điểm nhóm thường sinh hoạt vào buổi sáng (7-9h), chiều (13-15h) ngày chủ nhật. Còn tà đạo “Giê Sùa” không tổ chức lễ Giáng sinh, Phục sinh, coi đây là bịp bợm, chuyển ngày sinh hoạt từ chủ nhật sang sáng thứ bảy hằng tuần với lý do chúa đã làm việc và tạo dựng đất trời, muôn loài trong sáu ngày, đến ngày cuối cùng chúa phải được nghỉ ngơi.

Tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trong vùng đồng bào dân tộc Mông

Sự du nhập và phát triển của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” vào vùng đồng bào dân tộc Mông các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên đã có những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Thứ nhất, hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, làm hủy hoại các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống: Nhiều người sau khi tin theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã từ bỏ các hoạt động văn hóa cộng đồng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tâm lý trong tình trạng hoang mang khi số đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” thường xuyên tuyên truyền về ngày tận thế, chúa tái lâm, chiến tranh... Đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân bị xáo trộn, tạo sự hoang tưởng khiến bà con không nghĩ đến việc lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế gia đình gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ trong từng gia đình, dòng họ, giữa các tôn giáo với nhau, gây chia rẽ giữa một bộ phận quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Những đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” thường xuyên đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống người dân tộc Mông; tuyên truyền gây chia rẽ người Mông với các dân tộc khác, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Thứ ba, hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã gây cản trở việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương: Sự xâm nhập của các tà đạo vào địa bàn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chế độ chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Một số đối tượng theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã hướng dẫn cách thức đối phó với chính quyền khi được mời lên làm việc, hướng dẫn cách thức thu thập thông tin, tài liệu, viết bản tường trình, báo cáo cho các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí nước ngoài và tuyên truyền cho số người tin theo không thực hiện tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 trong thời điểm dịch đang bùng phát.

Thứ tư, lợi dụng tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” để hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”. Bản chất của “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” là một tà đạo, lợi dụng những yếu tố đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông để tuyên truyền, kích động gây chia rẽ dân tộc Mông với các dân tộc khác; tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng ly khai, tự trị thành lập “Nhà nước Mông”. Điển hình như trong quá trình tuyên truyền, David Her đã kích động người Mông ở các nước, trong đó có Việt Nam, kéo về Lào để chiến đấu, xây dựng “Nhà nước Mông” tại Xiêng Khoảng, Lào. Các đối tượng cầm đầu đã tuyên truyền: “Đức Chúa trời Giê Hô Va đã chia đất nước cho người Mông nhưng người Mông không đoàn kết nên bị các nước khác xâm chiếm; người Mông không có lãnh thổ, nhà nước riêng, suốt đời đi làm thuê cho các dân tộc khác, thời gian tới chúa sẽ tái lâm làm vua của dân tộc Mông. Ai tin tưởng chúa “Giê Sùa” thì có được đất nước riêng của người Mông, cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc…

Số đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” ở Mỹ thường xuyên tuyên truyền luận điệu cho rằng đây là tôn giáo chính thống của người Mông; coi các tôn giáo khác là tà giáo để từ đó gây chia rẽ những người theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” với các tôn giáo khác, tập hợp lực lượng, hình thành tôn giáo riêng của người Mông. Sự xuất hiện của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” gắn liền với vấn đề “Nhà nước Mông” và gần đây các đối tượng có xu hướng sử dụng tà đạo như một dạng của Tin lành của người Mông. Hoạt động này cùng với sự hậu thuẫn của các cá nhân, tổ chức chống phá bên ngoài và một số đối tượng phản động trong vùng dân tộc Mông tiềm ẩn nhiều yếu tố, gây phức tạp về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Phan Dương – Lường Tuấn

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Người mang những tủ sách lên vùng cao

Năm 2017, cô nữ sinh lớp 10 Lê Minh Ngọc tham gia Câu lạc bộ (CLB) tình nguyện trái tim Việt, trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hải Phòng, với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đồng hành cùng CLB trong các chương trình hiến máu tình nguyện, thăm, tặng quà và dạy học cho bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hải Phòng và nhiều chương trình “Đông ấm vùng cao”, Ngọc được các thành viên trong CLB tin tưởng và bầu là Phó Chủ nhiệm CLB. Minh Ngọc cũng là người khởi xướng chuỗi sự kiện hiến máu tình nguyện “Giọt nắng hồng” tại TP Hải Phòng, thu về hơn 7.000 đơn vị máu cho ngân hàng máu TP Hải Phòng.

Tốt nghiệp THPT, Lê Minh Ngọc theo học Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với khát vọng được cống hiến, Ngọc đã chủ động tìm đến Trung tâm tình nguyện quốc gia, làm điều phối viên của Trung tâm một thời gian. Cũng qua Trung tâm, Ngọc biết đến Dự án Nuôi em (dự án của nhóm thiện nguyện "Niềm tin" nhận nuôi – nuôi cơm trưa cho trẻ em vùng cao) và bắt đầu bằng công việc hỗ trợ gửi email trả thông tin cho các anh chị nuôi. Bén duyên với dự án nhiều hơn, Ngọc tham gia quản lý thông tin của tỉnh Điện Biên, một địa phương mà dự án đang hỗ trợ nuôi cơm cho các em nhỏ. Tháng 3/2023, dự án Tủ sách Nuôi em được thành lập, do Lê Minh Ngọc trực tiếp quản lý. 

"Ở đây, chúng tôi kêu gọi quyên góp sách cũ và đồ chơi cũ để chuyển lên trước mắt là các điểm trường mà dự án Nuôi em đang thực hiện nuôi cơm, với một mong muốn giúp các em không chỉ no bụng bữa trưa mà còn no đủ cả về tri thức".

Sau 1 năm thành lập, dự án Tủ sách Nuôi em đã vận động và chuyển được hơn 730 tủ sách, hơn 350 tủ đồ chơi lên hơn 1.000 điểm trường của 11 tỉnh tại khu vực miền Bắc và Tây Nguyên. Theo cô Lò Mù Khé, giáo viên trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nhờ Tủ sách Nuôi em mà học sinh điểm trường đã có thêm nhiều kiến thức mới, các em học sinh của điểm trường đã đạt giải Nhì và giải Ba cuộc thi “Cùng em đọc sách”: "Dự án Tủ sách Nuôi em thực sự rất ý nghĩa đối với các trường học vùng cao. Các em học sinh vùng cao thì điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên Tủ sách nuôi em đã mang đến cho các em những đầu sách thiếu nhí, những câu chuyện cổ tích, truyện dân gian, những bài thơ hay. Từ những câu chuyện các em được đọc cũng phục vụ việc học của các em".

Minh Ngọc kể, lần đầu tiên lên vùng cao khi đang là sinh viên năm thứ nhất với điểm đến là tỉnh Sơn La. Bất chợt, một em nhỏ chạy đến nắm tay Ngọc và chính thời khắc chạm vào bàn tay lạnh giá trong cái rét 3 độ C của miền núi khiến Ngọc cảm nhận được sự thiếu thốn của những em nhỏ vùng cao. Hình ảnh các em say sưa đọc sách, ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy những quyển sách với những tranh ảnh đầy màu sắc đã gây ấn tượng mạnh và thôi thúc Ngọc làm gì đó để chia sẻ những khó khăn với các em.

Ngọc và các thành viên trong dự án không làm tình nguyện một cách thụ động, không chờ mọi người gửi sách và đồ chơi, rồi gửi lên các điểm trường, mà xây dựng kế hoạch theo tuần, theo tháng, theo năm để làm sao số lượng tủ sách đến với các điểm trường vùng cao không ngừng tăng lên. Với vai trò là chủ nhiệm và quản lý dự án Tủ sách nuôi em, Ngọc phân chia các thành viên trong nhóm thành các ban, như: Ban vận hành, ban truyền thông, ban đối ngoại.., tiếp cận tối đa các nguồn lực để có thể giúp dự án của mình lớn mạnh hơn. Ngọc hiểu rằng, khi dự án của mình lớn mạnh đồng nghĩa với việc các em sẽ nhận được sách nhiều hơn và có thể tiếp cận gần hơn với tri thức.

Phạm Tiến Đạt, một thành viên trong Dự án được Ngọc hướng dẫn và truyền cảm hứng với các hoạt động từ thiện cho biết: "Em cảm thấy mình rất may mắn khi khoảng thời gian gần 4 năm vừa qua đã được hướng dẫn và được đồng hành cùng với một người “mentor” siêu tận tụy và tâm huyết như chị Ngọc. Chị Ngọc thật sự như một tấm gương của một người chỉ khoác lên mình ngọn lửa nhiệt huyết. Hình ảnh chị Ngọc luôn sẵn sàng mang vào chân một đôi giày trắng đã sờn lên những địa bàn vùng cao, em được truyền cảm hứng bởi những mục tiêu và ý nghĩa của các hoạt động mà chị Ngọc đang làm".

Lê Minh Ngọc hiện là sinh viên năm cuối khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ước mơ của Ngọc là trở thành một giáo viên để dạy và truyền cảm hứng cho những học sinh hạnh phúc... và đó cũng là hạnh phúc của Ngọc, hạnh phúc trong từng việc làm, trên từng hành trình cống hiến.

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...