[QĐND] Tin giả đang nổi lên thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn nạn tin giả diễn ra tràn lan, gây thiệt hại lớn trên nhiều lĩnh vực, phương diện, nhất là các thế lực thù địch sử dụng tin giả để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Do vậy, ngăn chặn, triệt phá tin giả, thông tin xấu độc là nhiệm vụ cấp thiết trong kỷ nguyên số.
Tin giả - hậu quả thật
Tin giả còn được gọi là tin
rác hoặc tin tức giả mạo, là thông tin cố ý bịa đặt hoặc dùng thủ thuật lừa bịp
bằng cách lan truyền qua phương tiện truyền thông hay mạng xã hội (MXH). Tin giả
thường được tạo ra để tác động đến tư tưởng, quan điểm, tình cảm, cảm xúc, thái
độ, hành vi của người dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thực tiễn, nhằm
thực hiện các mục đích chính trị, lợi ích kinh tế hay ý đồ xấu xa của chủ thể
tiến hành.
Trong điều kiện mới với xu
thế phát triển nhanh của MXH và các nền tảng MXH xuyên biên giới, kéo theo việc
các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng, tung tin giả ngày càng phổ biến với
nhiều chiêu trò, cách thức, thậm chí rất khó nhận diện, đấu tranh, đẩy lùi.
Việt Nam là một trong những
quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet rất cao. Bởi vậy, khi tin giả xuất
hiện thì cường độ, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rất lớn đến đời sống trên
không gian mạng và cộng đồng xã hội. Ví như, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng
4-2022, loạt tin đồn thất thiệt trên MXH về việc một số doanh nghiệp ngoài nhà
nước niêm yết trên sàn chứng khoán bị thanh tra chuyên đề (hoạt động phát hành
trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán) gây hoang
mang cho nhà đầu tư và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp. Ngay
sau đó, dù có thông tin chính thống để đính chính, trấn an cổ đông, nhà đầu tư
nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp này vẫn liên tục giảm mạnh. Điều đó cho thấy,
chỉ vì tin giả mà kinh tế đất nước bị ảnh hưởng, chi phối rất nghiêm trọng.
Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản |
Tương tự, tin giả xuất hiện
trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề, lĩnh vực
"nóng", "nhạy cảm" liên quan đến công tác nhân sự, bầu cử,
bỏ phiếu tín nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao... Tin giả cũng thường xuất hiện
trước những sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước, Quân đội với tần suất
ngày càng nhiều và mức độ nguy hiểm, phức tạp khó lường. Đặc biệt, thời gian gần
đây xuất hiện nhiều tin giả về tình hình sức khỏe của một số đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, Quân đội, gây xáo trộn đến tư tưởng, tình cảm và niềm tin của
quần chúng; thậm chí còn tạo ra sự hoang mang, tâm lý tiêu cực trong đời sống
xã hội.
Rõ ràng, tin giả là một loại
thông tin không có thật, nhưng hệ quả và tác hại của nó thì có thật; ảnh hưởng
trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là an ninh chính trị, trật tự,
an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh. Chẳng hạn, vào những năm 80, 90 của thế kỷ
20, trên địa bàn Tây Nguyên, các thế lực phản động ở nước ngoài cấu kết với
FULRO tung tin giả về việc người Kinh đang chiếm đất của người Thượng, rồi kích
động, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tụ tập biểu tình, gây rối
chính trị ở nhiều địa bàn Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004. Tương tự, những sự
vụ, sự việc diễn ra ở Thái Bình (năm 1997), Mường Nhé, Điện Biên (năm 2011) và
các "điểm nóng" ở Tây Bắc, Tây Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... đều
bắt đầu từ những tin tức giả mạo, bịa đặt một cách trắng trợn. Hay sự kiện diễn
ra ở Bình Thuận và hàng chục địa phương trong nước năm 2018 là bài học đau
lòng, khi kẻ thù bịa ra tin giả về việc cán bộ Trung ương “tự quyết” cho nước
ngoài thuê đất đặc khu trong 99 năm là nhằm hiện thực lợi ích nhóm của một bộ
phận cán bộ... Tin giả ấy đã tạo ra sự bức xúc trên MXH, rồi lan ra đời sống,
gây nhiều tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần.
Làm gì để khống chế, đẩy lùi tin giả?
Là quốc gia có nhiều nỗ lực
và đạt kết quả quan trọng trong phòng, chống, xử lý tin giả, đến nay, Việt Nam
đã hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường biện pháp quản lý thông tin
trên MXH; ban hành các quy định, quy trình xử lý tin sai sự thật; tăng cường hợp
tác để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới loại bỏ thông tin sai lệch, vi phạm
pháp luật; thiết lập Trung tâm an ninh mạng quốc gia... Thế nhưng, những nỗ lực
nêu trên vẫn chưa đủ sức hạn chế, khống chế một cách hiệu quả tình trạng tin giả
đang có xu hướng gia tăng trên MXH.
MXH với đặc tính dễ ẩn
danh, lan truyền nhanh, khó xác minh, truy vết... đã và đang trở thành môi trường
thuận lợi cho việc tán phát tin giả. Hơn thế, trong điều kiện mới, các lực lượng
thù địch đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó, việc tung tin giả
được sử dụng như một mũi công kích chủ yếu.
Để khắc chế, đẩy lùi vấn nạn
tin giả, với trách nhiệm rất cao, Việt Nam đã đề xuất thành lập đội phản ứng của
ASEAN về tin giả và được các quan chức cao cấp ASEAN đồng thuận, ủng hộ. Tuy
nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, cách thức vận hành đội phản
ứng nhanh để đi vào hoạt động hiệu quả vẫn còn là bài toán nan giải. Cùng với
đó, việc phát huy vai trò của Trung tâm an ninh mạng quốc gia và Trung tâm
phòng, chống tin giả tuy đạt kết quả bước đầu khả quan nhưng vẫn thụ động; chủ
yếu là ứng phó, xử lý sự cố, sự việc khi có tình huống mà chưa đề cao đúng mức
tính chủ động trong dự báo, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả từ sớm, từ xa...
Cùng với đó, để khống chế,
đẩy lùi tin giả thì công tác cung cấp, định hướng thông tin chính thống phải được
xem là giải pháp trọng yếu, ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cơ quan chức năng phải
thực sự “đi trước, đón đầu” trong việc cung cấp thông tin chính xác, đồng bộ, rộng
khắp; biến thông tin chính thống thành dòng chủ lưu trong đời sống thông tin xã
hội để ngăn chặn, phòng ngừa, đẩy lùi tin giả. Khi xuất hiện tình huống tin giả,
cơ quan chức năng cần có ngay các giải pháp quản lý, khống chế cả về số lượng,
phạm vi, mức độ, cường độ lây lan của tin giả trên không gian mạng. Phải nỗ lực
khắc chế, đẩy lùi tin giả từ khi chúng vừa manh nha hình thành, hay chí ít là
khi chúng xuất hiện nhỏ lẻ, chứ không thể để tin giả lây lan rộng khắp, trở
thành "điểm nóng" trên MXH rồi mới “theo đuôi”, đi tìm cách khắc phục,
xử lý...
Vấn đề đáng bàn ở đây là vì
sao những tin tức giả mạo, bịa đặt trắng trợn vẫn có thể xuất hiện kéo dài trên
MXH, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa có cơ quan chức năng kịp thời đứng ra
nhận trách nhiệm hoặc chủ động đấu tranh, cung cấp thông tin chính thống nhằm
điều chỉnh, uốn nắn, định hướng dư luận ở những thời điểm nhạy cảm? Phải chăng
vẫn còn vướng mắc nào đó về mặt cơ chế, hay là do chi phối bởi căn bệnh sợ
trách nhiệm? Đây là vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo để nghiêm khắc rút kinh nghiệm
và có giải pháp khắc phục.
Trên tinh thần đó, cùng với
việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống,
đẩy lùi vấn nạn tin giả, Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc
xử lý khủng hoảng truyền thông; hoàn thiện quy định, quy chế phát ngôn định hướng
dư luận; quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu và cơ quan chức năng trong
việc quản lý, đấu tranh với vấn nạn tin giả. Đó là những vấn đề cần lưu tâm, ưu
tiên thực hiện.
Một giải pháp quan trọng nữa
là cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông Việt Nam và các
quốc gia trên thế giới trong việc phát hiện, khống chế, đẩy lùi tin giả; tăng
cường phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà
cung cấp MXH để đối phó với vấn nạn tin giả trong khu vực và trên thế giới;
tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, cơ quan, địa phương
trong cả nước nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các
tổ chức, cá nhân có hành vi tán phát, ủng hộ, cổ xúy tin giả nhằm những mục
đích tiêu cực, phản động, vi phạm pháp luật.
NGUYỄN TẤN TUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét