[CAND] Tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý các chủ thể trong hệ thống chính trị cần phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hoạnh họe với dân là không được...
Tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc
hội đã được ấn định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Với cử tri các quận Đống Đa,
Hai Bà Trưng, Ba Đình (đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội), niềm tin và sự trông đợi
sau mỗi kỳ họp Quốc hội còn mang ý nghĩa lớn hơn khi cử tri, nhân dân được trực
tiếp dự, lắng nghe chia sẻ của đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng;
cùng với đó là những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đề đạt, gửi tới Tổng Bí thư.
Buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước thềm Kỳ họp thứ 6,
Quốc hội Khóa XV lần này cũng thể hiện niềm tin, ý nghĩa như vậy.
Với tư cách thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội
TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri lại
thấy Thủ đô có nhiều thay đổi, càng ngày càng phát triển, đẹp, văn minh, hiện
đại hơn. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn nhưng mang tầm khái quát, sâu sắc, tâm
huyết và có trách nhiệm, nêu rõ vấn đề, thể hiện trình độ của cử tri ngày càng
cao. Các ý kiến được ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị
các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ,
trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung
chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công.
Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào
từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Do đó, các
cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức thiết thực, tránh hình thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với đại biểu và cử tri tại quận Đống Đa, TP Hà Nội trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, Quốc
hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền
lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng xây dựng luật pháp, giám sát
tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh
đạo của Đảng. Đảng ta lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đề ra đường lối chủ
trương, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là “ba chân kiềng” rất chắc
chắn, quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện
đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cấp, các ngành
phải nắm chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân
dân bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Tổng Bí thư lưu ý các chủ thể trong hệ thống
chính trị cần phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh tình trạng
“cua cậy càng, cá cậy vây”, anh nào cũng nghĩ quyền mình to. Đối với các đại
biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri phải tuyệt đối tránh tình trạng hình thức,
ngồi ra vẻ chú ý lắng nghe nhưng lại không nghe, không hiểu. “Cứ cậy mình là
cán bộ cấp trên đi xuống hoạnh họe với dân là không được. Nhưng, dân lại bảo
dân làm chủ rồi, nói tôi chẳng nghe thì cũng không được nên cần có luật pháp,
Nhà nước phải có kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng” - Tổng Bí thư chia sẻ.
Theo Tổng Bí thư, cử tri và nhân dân có vai trò quan trọng trong hoạt động giám
sát, kiểm tra, đây là điều cơ bản và tất cả được quy định bởi pháp luật. Ý kiến
của nhân dân là quan trọng vì dân là người trực tiếp thụ hưởng và hiểu tất cả.
Chủ đề phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm
cán bộ, đảng viên vi phạm luôn được cử tri quan tâm, đặt câu hỏi trước và sau
mỗi kỳ họp Quốc hội. Phải tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tránh
“quyền anh, quyền tôi” trong công tác cán bộ, thực hiện quyền lực Nhà nước là
vấn đề được Tổng Bí thư lưu ý nhiều lần, tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như
tại các hội nghị, phiên họp về công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng. “Cua
cậy càng, cá cậy vây”, thực chất đó là cậy quyền cậy thế, thể hiện rõ chủ nghĩa
cá nhân. Khi quyền lực của Đảng, Nhà nước giao cho cán bộ, đảng viên đảm trách
mà người cán bộ, đảng viên lại có tư tưởng “cậy càng, cậy vây” thì quyền lực đó
sẽ bị lạm dụng, biến quyền lực Nhà nước thành cái “gậy” để vun vén lợi ích
riêng, thành “vũ khí” để trục lợi. Đó là nguồn cơn nảy sinh tham nhũng, quan
liêu, hách dịch, hoạnh họe dân, những biểu hiện trái với đạo đức công vụ “cán
bộ là công bộc của dân”.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 5/2023,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, phòng chống tham nhũng không phải “phe
nọ phe kia”. Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để “chấm mút”.
“Đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham
nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín”
- Tổng Bí thư lưu ý. Do đó, cái gốc của phòng, chống tham nhũng không chỉ là
chống sự câu kết, móc ngoặc với nhau để chia chác mà phải làm sao chống suy
thoái về tư tưởng, chính trị. Nếu người có đạo đức, tư tưởng tốt thì tham ô,
tham nhũng làm gì? Phải biết khinh bỉ cái đó, biết cái đó là cái xấu, tránh xa
ra. Tại sao phải quan hệ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông góp chân giò, bà
thò chai rượu”?
Việc xử lý cán bộ, đảng viên, từ hành chính
đến hình sự cần phải hiểu với góc nhìn khách quan, với phương châm “xử một vài
người để cứu muôn người”. Còn nhớ, trả lời tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp
thứ 3, Quốc hội Khóa XV vào chiều 16/6/2022 về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc
hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế với ông Nguyễn Thanh Long, Tổng Thư
ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ “rất bùi ngùi khi phải đọc những nghị quyết
bãi miễn đồng chí, đồng nghiệp của mình”. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, những
thành tựu mà ngành y tế đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 là rất
quan trọng, trong đó cá nhân ông Nguyễn Thành Long cũng có nhiều đóng góp. Tuy
nhiên, theo quy định của pháp luật, để giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chúng ta
buộc phải thực hiện những quyết định như vậy. Như Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2,
Quốc hội Khóa XV đã khẳng định “không có vùng cấm, ngoại lệ” trong việc thực
thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. “Cũng phải thấy
rằng, những đóng góp của ngành y tế, trong đó có đóng góp của cựu Bộ trưởng
Nguyễn Thanh Long trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là
phòng chống COVID vừa qua là quan trọng nhưng sai phạm vẫn phải xử lý để bảo
đảm kỷ luật, kỷ cương” - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh. Ông cho biết, khi Ban
Chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường để thi hành việc kỷ luật này,
Tổng Bí thư rất nghẹn ngào phát biểu đánh giá những thành tích, song Tổng Bí
thư cũng chỉ rõ, kỷ luật của Đảng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai
vi phạm phải bị xử lý.
Trong rất nhiều vấn đề đặt ra sau mỗi kỳ họp,
những chia sẻ của người “cầm trịch” công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây
dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là điểm nhấn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri,
nhân dân. Với lối nói chuyện thân mật, ân tình, bằng ngữ điệu và tác phong bình
dị, cởi mở, những câu chuyện, thông điệp mà Tổng Bí thư chia sẻ tại các buổi
tiếp xúc cử tri thực sự lôi cuốn, khơi truyền cảm hứng. Nhiều khi thời gian đã
hết, trời đã xế trưa mà cử tri vẫn bịn rịn nán lại, vẫn muốn nghe thêm những
câu chuyện thẩm thấu, thức tỉnh lòng người. Tôi từng dự những buổi tiếp xúc cử
tri như vậy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tôi hiểu, niềm tin khắc sâu
trong mỗi cử tri không chỉ bởi những việc lớn lao, việc quốc gia, đất nước mà
Tổng Bí thư với vai trò chèo lái; không chỉ bởi dũng khí và uy tầm của người
“cầm trịch” công cuộc “nhóm củi, đốt lò” vốn vô cùng gian lao, thách thức mà
còn bởi phong cách bình dị, gần gũi với những chia sẻ ân tình của người đứng
đầu Đảng ta với bà con, với cử tri, đồng bào. Chẳng phải bằng những bài viết
được trau chuốt với ngôn từ khoa học mang nặng tính biểu mẫu mà chính những câu
chuyện gần gũi, đời thường với lối diễn đạt thân tình, cởi mở đã khiến cuộc
tiếp xúc cử tri tổ chức ngay tại địa bàn, khu phố luôn mang bầu không khí đầm
ấm, cử tri đến để lắng nghe, để cảm nhận, để đề đạt với Tổng Bí thư. Chính sự
cởi mở, ân tình đó mà cử tri cảm nhận gần gũi hơn, được chia sẻ hơn, từ đó tin
tưởng và phát biểu, đề đạt ý kiến, kiến nghị một cách sát thực nhất. Sự cởi mở
ấy khơi dậy niềm tin, khơi dậy cảm xúc và tình cảm, xóa đi những rào cản ngăn
cách hay ái ngại giữa người dân và lãnh đạo - rào cản có thể khiến họ không
muốn hay không dám đề đạt vốn thường gặp giữa cử tri, người dân với những vị
cán bộ, lãnh đạo có lối sống quan cách, xa dân. Chúng ta học Bác Hồ từ tư tưởng
đến đạo đức, phong cách, học ở sách vở và học ở cuộc sống, ở đời thường. Những
buổi tiếp xúc cử tri, những buổi gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện, tìm hiểu, sẻ
chia với người dân trong cuộc sống thường nhật như thế này của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng chính là hiện thực sinh động về sống và học, làm theo Bác.
Đăng Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét