[CAND] Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ủng hộ, khuyến khích phản biện xã hội và coi đây là biện pháp quan trọng để tiếp thu mọi ý kiến của các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những ý
kiến đóng góp tích cực, trên tinh thần xây dựng thì vẫn còn một số tổ chức, cá
nhân lợi dụng phản biện xã hội để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước,
chế độ ta.
Đội lốt phản biện xã hội để phá bĩnh
Phản biện xã hội là sự nhận xét, đánh giá, nêu
chính kiến khẳng định những nội dung đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án, đồng
thời phát hiện những điểm chưa chính xác, chưa phù hợp với đời sống xã hội và
lợi ích chính đáng của nhân dân để kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem
xét sửa đổi, bổ sung cho chính xác và phù hợp. Khác với đả kích, nói xấu, bôi
nhọ mang tính chống đối, lật đổ, xuyên tạc sự thật, phản biện xã hội mang tính
xây dựng, hỗ trợ, vì mục tiêu chung.
Thực tế cho thấy, cùng với nhiều đóng góp chân
thành có ý thức xây dựng của nhân dân thì một số kẻ đã lợi dụng phản biện xã
hội để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch lợi dụng
phản biện xã hội để tập hợp lực lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối
kháng trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập. Từ “phản biện” đến phản đối và
chống đối, mục đích sâu xa là bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Trước đây, một số hội, đoàn tự xưng như “Hội
Nhà báo độc lập”, “Văn đoàn độc lập Việt Nam” (thành lập trái pháp luật) đã rêu
rao, tự cho mình là tổ chức nghề nghiệp nhưng thực chất là tổ chức đối lập, mở
ra các diễn đàn để thu hút các nhà báo, nhà văn tham gia nhưng thực chất là lợi
dụng phản biện xã hội đã đăng tải những bài viết xuyên tạc đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thời gian gần đây, lợi dụng chủ trương lấy ý
kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã xuất hiện một số
trang mạng xã hội, blogger tham gia với động cơ xấu, cố tình đánh tráo bản
chất, làm cho người dân hiểu sai từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước
đại diện chủ sở hữu” thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước”. Thậm
chí, số đối tượng xấu còn xuyên tạc rằng việc sửa luật nhằm tạo “lợi ích nhóm”
cho quan chức, từ đó cố tình kích động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân
tộc.
Bên cạnh đó, một số đối tượng giả danh phản
biện thông qua các “thư ngỏ”, “thư kiến nghị” gửi các cấp, ngành, gửi các đồng
chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đăng tải trên các mạng xã hội, trả lời phỏng vấn
của các báo, đài nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam để trình bày ý kiến cá
nhân về những chủ trương, chính sách. Họ cố tình miệt thị, công kích, bóp méo
sự thật, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Mặt
khác, họ thổi phồng những tồn tại, hạn chế của đời sống xã hội, quy chụp cực
đoan rằng mọi hạn chế và tiêu cực ở nước ta là do sự trì trệ về chính trị và
“do độc Đảng”.
Một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, cực
đoan còn núp bóng “nhà phản biện” có hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên
truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước như Phạm Đoan Trang,
Nguyễn Lân Thắng… Sau khi các đối tượng bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam,
xét xử theo quy định của pháp luật thì một số tổ chức, hội nhóm phản động kêu
oan, bẻ lái, tẩy trắng tội danh rồi vu cáo chính quyền Việt Nam “bịt miệng
người bất đồng chính kiến”, “ở Việt Nam có quyền tự do phản biện nhưng chỉ phản
biện theo hướng của đảng”…
Những âm mưu, thủ đoạn trên đối lập hoàn toàn
với phản biện xã hội mà chính là phá bĩnh xã hội. Thực chất phá bĩnh xã hội là
công cụ được các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, số tổ chức, hội nhóm
cơ hội chính trị, cực đoan, các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí với
Việt Nam thường xuyên sử dụng.
Thông qua các trang mạng xã hội, các cá nhân,
tổ chức thù địch, phản động luôn tìm mọi cách tán phát những thông tin sai
trái, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống và chụp mũ, đả kích, nói xấu; tùy tiện đưa
ra luận điệu sai trái, xuyên tạc đánh lừa nhận thức dư luận, phản đối chế độ và
chính sách hiện hành; phủ nhận thành tựu và sự phát triển của đất nước, gây
nghi ngờ, tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết
dân tộc, phá hoại lòng tin, sự đồng thuận xã hội trong nước, hạ thấp vị thế, uy
tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Không thể xuyên tạc quyền tự do phản biện ở Việt Nam
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của
phản biện xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu những
ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội.
Điều đó được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống chính sách, pháp luật Việt
Nam. Theo đó, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện
xã hội”.
Đối tượng phản biện xã hội là tất cả những
hoạt động có liên quan đến tổ chức và thực hiện quyền lực nhân dân, liên quan
đến công quyền. Tất cả các hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị
từ bộ máy Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đều thuộc đối tượng phản
biện xã hội. Đối tượng phản biện xã hội còn là các chính sách do cơ quan công
quyền đề xuất ban hành trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội như: Kinh tế,
chính trị, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, quốc
phòng - an ninh…
Mọi công dân, tổ chức xã hội ở Việt Nam là
những chủ thể phản biện xã hội. Ở nước ta hiện nay, các tổ chức xã hội tồn tại
dưới nhiều hình thức khác nhau và cũng có những nét đặc thù nhất định bao gồm:
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội. Các hình thức phản biện xã hội hết sức
đa dạng, phong phú phụ thuộc vào chủ thể và đối tượng cũng như nội dung phản
biện xã hội.
Đối với chủ thể là các tổ chức chính trị - xã
hội, tổ chức xã hội thì thông qua các hình thức đối thoại, hội nghị, tư vấn …
Chẳng hạn, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì có thể có những hình thức như:
Tổ chức cuộc họp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường
trực; Ban Chấp hành, Ban thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức các
hội nghị chuyên đề của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, các chuyên gia, nhà
khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn; các hoạt động chuyên môn có liên quan
của các tổ chức thành viên; tổ chức để nhân dân góp ý kiến phản biện xã hội vào
các dự thảo của cơ quan, tổ chức Đảng, nhà nước.
Đối với người dân, thực hiện quyền phản biện
bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua lấy ý kiến cử tri của Quốc hội, Hội
đồng nhân dân các cấp; thông qua sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố; qua các tổ chức
chính trị - xã hội mà người dân là một thành viên của tổ chức đó… Ngoài ra,
nhân dân vẫn có thể tự mình phản biện bằng con đường gửi thư, gửi ý kiến đến
các cấp có thẩm quyền, thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng
đăng tải ý kiến của mình.
Hoạt động phản biện xã hội ở Việt Nam diễn ra
sôi nổi, sinh động, đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham
gia của nhân dân. Ngay sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội đối với các dự án luật
như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của
Bộ Giáo dục và Đào tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
năm 2015; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)… Đối với dự án luật quan
trọng, thu hút nhiều ý kiến, phản biện của nhân dân như dự án Luật Đất đai, chỉ
trong vòng 2 tháng rưỡi (từ 3/1/2023 đến 15/3/2023), Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã nhận được hơn 12 triệu lượt phản biện, góp ý thể hiện sự quan tâm đặc
biệt của nhân dân.
Đặc biệt, trong tham gia xây dựng dự thảo các
văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng có những con số hết sức ấn tượng về phản
biện xã hội thực hiện trong nhiệm kỳ Ðại hội XII. Trong đó, Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề,
lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách đối với toàn xã hội; phản biện một số văn bản quan
trọng của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Thông qua việc lấy ý kiến
cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của
nhân dân.
Như vậy, ở Việt Nam, phản biện xã hội là một
trong những quyền của công dân, mọi ý kiến đóng góp xây dựng tập thể, đất nước
đều được tôn trọng, ghi nhận, song pháp luật Việt Nam cũng nghiêm trị hành vi
lợi dụng phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân. Phản biện xã
hội để tìm ra điểm bất hợp lý của chính sách nhằm giải quyết vấn đề phát sinh,
từ đó có thể kiến nghị điều chỉnh hay thậm chí là hủy bỏ chính sách đó, đề xuất
chính sách mới, phù hợp hơn một cách thiết thực, hiệu quả nhất, vì lợi ích
chung, sự tiến bộ khác xa bản chất, thủ đoạn phá bĩnh xã hội mà các thế lực thù
địch đã và đang làm.
Trịnh Thúy - Chu Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét