Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

Thông điệp của ngành điện

[CAND] Ngày 31/3/2007, thành phố Sydney (Australia) quyết định tắt toàn bộ đèn trong 1 giờ, với hơn 2,2 triệu cá nhân, công ty và tổ chức cùng tham gia. Một trong những đô thị náo nhiệt bậc nhất thế giới đã đồng lòng làm một việc khó khăn đối với bất kỳ đô thị nào: Tạm thời từ bỏ tiện nghi.

Cắt điện và câu chuyện Giờ Trái đất

Sau gần 2 thập kỷ, khoảnh khắc ấy đã đi vào lịch sử, khởi đầu cho một sự kiện sẽ lan tỏa khắp hành tinh về sau: Giờ Trái đất. Trong suốt Giờ Trái đất, từ 8 giờ đến 9 giờ tối, người dân Australia đã tắt các thiết bị điện trong nhà, các tòa nhà lớn và các công trình công cộng khác trên toàn quốc. Hành động này không chỉ giúp giảm thiểu lượng điện tiêu thụ mà còn nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Sau đó, chiến dịch Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng đã lan rộng đến các quốc gia và vùng lãnh thổ mới, thậm chí cả trạm không gian vũ trụ quốc tế ISS. Hơn một thập kỷ qua, phong trào này đã truyền cảm hứng, khuyến khích hàng triệu người ủng hộ và tham gia các dự án khí hậu và bảo tồn quan trọng do WWF lãnh đạo, thúc đẩy các bước tiến trong chính sách về khí hậu, nhận thức và hành động của các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ.

Bức ảnh huyền thoại tuyên truyền về Giờ Trái đất - một trong những chiến dịch toàn cầu thành công bậc nhất lịch sử. Ảnh: Getty

Có lẽ rất ít người biết rằng vào giai đoạn ấy, Sydney lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Cuối năm 2006, Peter Debnam, lãnh đạo phe đối lập ở bang New South Wales, đã chỉ trích gay gắt chính quyền bang vì tình trạng mất điện thường xuyên của thành phố, cho rằng thời tiết nắng nóng không phải là lời bào chữa thuyết phục: “Chính phủ phải thừa nhận rằng vấn đề lớn lúc này là thiếu sự đầu tư nâng cấp trạm biến áp, mạng lưới và nâng cấp nguồn phát điện”.

Một ngày trước khi ông Debnam lên tiếng, hơn 30.000 hộ gia đình ở Tây Nam Sydney đã bị mất điện. Tòa nhà Nghị viện bang New South Wales cũng bị cắt điện 2 lần chỉ trong một ngày, cùng với rất nhiều cao ốc khác ở quận thương mại trung tâm Sydney.

Giờ Trái đất giải quyết rất nhiều việc. Kể từ khi nó xuất hiện, Australia không những tiết kiệm được điện mà còn giảm đáng kể lượng phát khí thải ra môi trường.

Năm 2009, Australia ghi nhận mức lượng khí thải CO2 trên đầu người cao nhất thế giới. Theo chỉ số phát thải năng lượng CO2 (CEEI) của Maplecroft bấy giờ, Australia đã thải ra 20,58 tấn CO2/người/năm, vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ đó đến năm 2017, lượng khí thải bình quân đầu người đã giảm mạnh. Thêm vào đó, cường độ phát thải của nền kinh tế cũng đã giảm nhiều trong khoảng thời gian này. Người dân vui vẻ và tích cực tham gia tiết kiệm điện vì họ cảm nhận được rằng đây là chiến dịch phục vụ cho cuộc sống tương lai.

Năm 2016, Huế trở thành thành phố đầu tiên ở Việt Nam được WWF công nhận về cam kết phát triển carbon thấp, trong khuôn khổ dự án toàn cầu “Thử thách thành phố Giờ Trái đất”. Cắt điện không còn là một chủ đề đau khổ, một khi người ta đã hiểu được ý nghĩa của nó.

Cuối năm ngoái, khi Nhật Bản lâm vào cuộc khủng hoảng bão giá năng lượng và thực phẩm, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tuyên bố rằng đất nước sẽ xây dựng một hệ thống điểm thưởng dành cho những gia đình tiêu thụ điện tiết kiệm, để họ nhận được các chính sách ưu đãi khi thanh toán hóa đơn điện. Trước đó, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một dự luật yêu cầu tất cả các tòa nhà mới xây phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về tiết kiệm điện.

Khi đối diện với khủng hoảng năng lượng, các quốc gia giàu có nhất đều phải làm một chuyện nghe có vẻ quá giản dị, nhưng hiệu quả: Tiết kiệm. Bạn không thể tính chuyện giời bể gì với nguy cơ thiếu điện, nếu người dân không chịu giảm bớt nhu cầu một chút.

Và, họ đã làm gì? Một là kể những câu chuyện “đẹp” hơn, để mọi người cùng tham gia vào các chiến dịch tiết kiệm; hai là mở ra hành lang pháp lý khuyến khích người dân tiết kiệm. Lời nói đi đôi với hành động.

Nhân viên EVN mang loa đi tuyên truyền về tiết kiệm điện trên đường phố Hà Nội. Ảnh: VNE

Khác biệt nằm ở cách thức truyền tải thông điệp

Đầu tháng 6 vừa rồi, một tờ báo đăng clip nhân viên EVN cầm loa đi khắp phố để tuyên truyền tiết kiệm điện. Trong video, 2 người mặc đồng phục cam trên chiếc xe Dream cũ, lang thang ngõ ngách, người ngồi sau ôm loa đang phát “hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn, để phục vụ tiết kiệm điện...”.

Dưới bài viết ấy, nhiều người bình luận khá tiêu cực: “Thật không thể tin nổi, thế kỷ 21, thời đại 4.0 rồi mà”. “Còn giải pháp nào độc đáo, sáng tạo hơn không?”. Có người lại góp ý luôn giải pháp: “Thay vì phát loa thì chạy chương trình, nếu như tháng này số điện giảm 10% so với tháng trước thì tháng sau được hoàn tiền 50.000 đồng, 20% thì 100.000 đồng... thì hiệu quả hơn”.

Cuối cùng thì một clip kêu gọi tiết kiệm điện lại trở thành một diễn đàn góp ý về cách thức truyền thông. Chính những người nghe cảm thấy khó chịu với việc phải tiếp nhận thông điệp theo kiểu này và ngay cả với một việc có ích như tiết kiệm điện, cách thức người ta phát đi thông điệp đôi khi cũng có thể đẩy nó vào ngõ cụt.

Các lý thuyết về tiếp thị đã chỉ ra điểm cơ bản để một chiến dịch có thể thành công: Cảm xúc. Giờ Trái đất vượt xa hình ảnh của 1 giờ cắt điện toàn hệ thống thông thường, vì bên trong nó là một câu chuyện khơi dậy cảm xúc: Những người tắt điện, dù chỉ 1 giờ thôi, đã tham gia vào chiến dịch chung tay xây dựng tương lai và bảo vệ môi trường sống trong nhiều năm nữa.

Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, chúng ta lại phải chứng kiến xung đột khá cũ kỹ giữa người tiêu dùng và ngành điện: Một bên dường như không có khả năng truyền tải những thông điệp sao cho thuyết phục và một bên nhất quyết đối xử với điện như một mặt hàng tiêu dùng thuần túy, miễn cứ trả đủ tiền là không cần phải tiết kiệm.

Bây giờ, nếu đi qua bất kỳ trung tâm thương mại lớn nào vào một trưa nắng đỉnh điểm, bạn sẽ thấy sảng khoái tức thì. Máy lạnh mở với công suất lớn đến nỗi nó phả hơi mát lan khắp mặt đường.

Bạn có lẽ sẽ không thấy điều này có gì vô lý. Các câu chuyện xoay quanh điện lực được kể hiện tại loanh quanh chỉ là giá điện, hay mối quan hệ thuần túy thị trường giữa một bên là nhà cung cấp dịch vụ (điện lực) và một bên là người tiêu dùng. Nó không được kể đúng với bản chất rằng điện cũng là một tài nguyên cần phải được tiết kiệm.

Các câu chuyện có sức mạnh của riêng nó. Tháng 3 vừa rồi, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2023, cả nước đã tiết kiệm được gần 300.000 kWh, tương đương 555,6 triệu đồng, theo thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia của EVN.

Bức ảnh tuyên truyền cho chiến dịch Giờ Trái đất đưa con mắt chúng ta ra ngoài vũ trụ, để ngắm lại hành tinh từ một điểm nhìn rất xa. Rằng, tắt điện là để phục vụ cho một mục tiêu lớn lao hơn, vượt qua lợi ích nhỏ bé của mỗi cá nhân. Một thông điệp đẹp và giàu cảm xúc đã làm cho chuyện cắt điện trở thành một sứ mệnh kéo được mọi người vào cuộc.

Tôi vào trang chủ EVN những ngày nắng nóng đỉnh điểm này và bắt gặp những thông điệp khô khốc kiểu loa phường một lần nữa. Ngay đầu trang là khẩu hiệu “Tiết kiệm thành thói quen” và ở dưới là 4 gạch đầu dòng liệt kê các việc phải làm để phục vụ cho khẩu hiệu. Tôi đọc xong và không có cảm xúc gì với lời kêu gọi ấy.

Nhiều người có lẽ đã nghe thông điệp qua loa phát trên xe máy của EVN và thay vì trở thành một người tiếp lửa cho một sứ mệnh tiết kiệm vì tương lai nào đó, họ quay trở lại trạng thái một người tiêu dùng bất mãn, không những chịu thiệt thòi vì tình trạng độc quyền điện lực, lại còn phải đèo bòng thêm cả trách nhiệm sử dụng sản phẩm tiết kiệm nữa.

Nhiều khi, khác biệt để biến một ai đó thành bạn đồng hành hay một người bất mãn đến từ việc bạn kể một câu chuyện như thế nào.\

Ban Cầm

 

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...