[CAND] Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín
ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một
số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần
13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội
tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành
nghề. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ
(chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc
cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên
147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự… Thực tế cho thấy, các tín
ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều mang những nét đặc trưng riêng nhưng có một
điểm chung đó là hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ và có sự dung hợp, đan
xen, hòa đồng với truyền thống, văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Qua đó tạo nên một đất nước đa sắc màu tôn giáo, cũng chính vì thế có đánh giá
cho rằng, Việt Nam như “bảo tàng tôn giáo” của thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở Việt Nam còn xuất hiện một số loại hình tín
ngưỡng, tôn giáo pha tạp những yếu tố mê tín dị đoan như: Hội Thánh đức Chúa
trời mẹ, đạo bà Điền, đạo Dừa… Có những hiện tượng tôn giáo mới nhưng mang đậm
chất tà đạo, tạp đạo như “Thanh Hải vô thượng sư”, “tà đạo Hà Mòn”, “Bà Cô Dợ”,
“Tin Lành Đề Ga”, “Dương Văn Mình”… Ngoài ra, nhiều địa phương nổi lên hoạt
động mê tín dị đoan trá hình dưới hình thức xem tử vi, bói toán, đoán vận mệnh
kết hợp với “đuổi tà ma”, “trục vong đeo bám”… Những hiện tượng, tín ngưỡng tôn
giáo này đều có một điểm chung là không được Nhà nước ta công nhận tư cách pháp
nhân hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động do được lập ra với mục đích xâm phạm an
ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các
loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trên vẫn được một số cá nhân, tổ chức tìm cách
nuôi dưỡng, lén lút hoạt động, thậm chí có lúc, có nơi, các đối tượng còn tìm
cách qua mặt cơ quan chức năng, công khai hoạt động.
Hiện nay, những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố mê tín dị đoan
đang có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, quản lý khi vẫn còn một bộ phận quần
chúng nhân dân tin theo và gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội.
Dưới góc độ tư tưởng, mê tín dị đoan khiến cho họ xa rời với khoa học
hiện đại, phủ nhận những tiến bộ xã hội, mất niềm tin với đời sống xã hội khi
dành niềm tin tuyệt đối, mù quáng vào một thế giới siêu nhiên, vào sự quyết
định và chi phối của thần linh, ma quỷ. Trong đời sống sinh hoạt xã hội hàng
ngày, mê tín dị đoan gây nên những lãng phí, bất ổn, đau thương, mất mát, tiêu
hao của cải, vật chất của con người. Ở mức độ nguy hiểm hơn, đã có không ít
trường hợp từng có nhiều người bị mắc bệnh nhưng lại tin vào sự mê tín rằng chỉ
làm lễ để cúng bái thì có thể “đuổi con ma”, chữa khỏi bệnh, từ đó dẫn đến mất
mạng hoặc mang thương tật, tàn phế.
Những hệ lụy của mê tín dị đoan rõ ràng đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhận
thức, đời sống của người dân. Đặc biệt, có một thực tế nguy hại khi trong số
những người tin theo thần linh, đi theo tà đạo, tạp đạo ngoài bộ phận quần
chúng có đời sống khó khăn, nhận thức hạn chế thì có cả người có học thức, có
hiểu biết nhưng vẫn tin và làm theo những chỉ dẫn hoang đường, tin theo lời nói
của những người tự nhận mình có “khả năng tâm linh”! Thực tế đó không thể phù
hợp trong một xã hội mà chúng ta đang xây dựng - xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh.
Trong khi những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố mê tín dị đoan
đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội thì những hiện
tượng tín ngưỡng tôn giáo có yếu tố tà đạo, tạp đạo do một số tổ chức, cá nhân
có ý đồ xấu về chính trị thành lập, nuôi dưỡng đang có những hoạt động gây ảnh
hưởng đến an ninh, trật tự. Có đối tượng còn trở thành tay sai, quân cờ của các
thế lực thù địch để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn
giáo ở Việt Nam; kích động, lôi kéo tín đồ cực đoan, quá khích chống lại chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo,
tín ngưỡng để gây rối, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn
trong nội bộ nhân dân. Một số đối tượng cầm đầu trong các tổ chức như “Tin Lành
Chrish”, “tà đạo Hà Mòn”, “Tin Lành Đề Ga”, “đạo Bà Cô Dợ”, “tà đạo Dương Văn
Mình”… còn lợi dụng vấn đề tôn giáo để lừa bịp, kích động bà con đồng bào dân
tộc thiểu số tham gia các hoạt động ly khai tự trị, chống đối chính quyền. Hành
động này không chỉ xâm phạm đến trật tự trị an tại địa phương mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền
lãnh thổ…
Ngoài ra, các cá nhân này còn lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,
lợi dụng niềm tin của tín đồ để kích động và tiến hành các hoạt động chống
chính quyền, chống chế độ dưới chiêu bài đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ,
nhân quyền… Số này biến mình thành những quân cờ dưới sự hà hơi tiếp sức của
các tổ chức chống phá ở nước ngoài, điển hình là Human Rights Watch, Ủy ban Tự
do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF)… Đổi lại, các tổ chức thiếu thiện chí với
Việt Nam nêu trên sẽ có thông tin sai lệch từ các đối tượng chống đối trong
nước cung cấp. Đây là cơ sở để họ cho “ra lò” các báo cáo thường niên về nhân
quyền, về tự do tôn giáo toàn cầu với nội dung chứa đựng những luận điệu phiến
diện, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, vu
cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo”! Đây chính là cái cớ để họ gây sức ép về mặt
chính trị, ngoại giao, tìm cách can
thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc nhận diện đúng đắn những loại hình tín ngưỡng, tôn
giáo có yếu tố mê tín dị đoan, các tà đạo, tạp đạo nêu trên sẽ góp phần nâng
cao nhận thức của mỗi người dân. Qua đó giúp chúng ta hiểu rõ đâu là chính đạo,
đâu là tà đạo, nắm được tác hại của các tà đạo, tạp đạo đối với đời sống vật
chất, tinh thần của người dân và những ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã
hội. Từ đó hình thành tính tự giác trong công tác phòng ngừa, tham gia đấu
tranh ngăn ngừa hoạt động của các tà đạo. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các
cơ quan chức năng nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân, tạo thế trận lòng
dân trong việc tẩy chay các hiện tượng tà đạo, tạp đạo; xử lý nghiêm số đối
tượng cầm đầu, cốt cán lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng vi phạm pháp
luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tranh thủ sự đồng
tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân ngay tại cơ sở, tuyên truyền vận động
người dân tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn,
lành mạnh.
Phạm Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét