Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Nhớ những ngày “ba cùng” với đồng bào Tây Nguyên

[CAND] Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), bao ký ức về một thời làm báo gian khó ở Tây Nguyên lại hiện về trong tôi. Địa bàn Tây Nguyên có những năm tháng tôi làm báo giữa thời bình nhưng tình hình an ninh trật tự nóng như nước sôi, lửa bỏng, và trong gian khó ấy, càng nung nấu thêm ý chí kiên cường của người cầm bút…

Những năm tháng không thể nào quên

Nửa đêm, chuông điện thoại réo rắt, tay lọ mọ cầm máy, liền nhận được lệnh chỉ huy yêu cầu phải có mặt gấp ở hiện trường để ghi hình vụ gây rối, bạo loạn... Tôi bật dậy như phản xạ, tay xách, nách mang gấp gáp túi máy, phóng xe lên đường. Chuyện tác nghiệp khi đột xuất, lên đường gấp gáp lúc nửa đêm hay bất chấp mưa rừng, bụi đỏ của đời người làm phóng viên lăn lộn ở vùng Tây Nguyên các năm tháng “bão giông” giai đoạn năm 2001 không phải là hiếm, nhưng lần này thật sự lo lắng…

Rộn ràng lễ hội ăn mừng lúa mới của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Khi đến nơi, phát hiện từng đoàn người chia thành nhiều nhóm cứ lao về phía trung tâm thành phố Pleiku, tôi bấm máy liên tục và di chuyển theo đám đông. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh biểu tình bạo loạn nên bản thân cố lấy bình tĩnh, tìm cách len lỏi vào đám đông để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhớ khi ấy, có người trong nhóm gây rối thấy tôi bấm máy quay, họ reo lên: “Báo chí quốc tế đến rồi!”. Lúc ấy, tôi lặng người đi và sau này mới hiểu về câu chuyện nhiều người tham gia gây rối đã bị bọn phản động FULRO lừa phỉnh, kéo nhau đi biểu tình, gây bạo loạn sẽ được nhận tiền, có “báo chí quốc tế” lên tiếng…

Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, ghi hình các đối tượng gây rối và đặc biệt là những tên cầm đầu các nhóm để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Đến cuối ngày, nhóm người gây rối đã giải tán hoàn toàn vì phần lớn họ được lực lượng chức năng khuyên giải, thuyết phục và nhận ra sự thật do bị bọn phản động lừa phỉnh đi biểu tình để được cho tiền, hưởng lợi nhưng thực tế không có gì nên tự nguyện quay về làng. Đến lúc này, tôi cùng đồng đội ai cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng thấy người mệt vã mồ hôi vì bụng cồn cào đói, chợt nhớ cả ngày chỉ uống nước lã...

Tôi nhớ một lần khác, mới dọn cơm tối ra chưa kịp ăn thì có lệnh xuất quân với các Tổ trinh sát An ninh xuống làng. Vậy là húp vội chén canh rau rồi vai đeo máy ảnh, tay xách máy quay (camera) lên đường. Cả đêm ấy cùng thức với đồng chí, anh em trên hành trình bám sát làng Lao (ở Nhơn Hòa, Chư Pưh, Gia Lai bây giờ). Đêm ẩn mình bên vườn tiêu, đến rạng sáng cùng chịu trận bị ném đá, gậy gộc, cung tên bắn như mưa của những phần tử quá khích... Đến gần trưa hôm sau, những kẻ cầm đầu nhóm phản động FULRO ẩn trú ở làng Lao đã bị tóm gọn, lúc này anh em chúng tôi mới được ngồi dưới gốc cây làng gặm ổ bánh mì khô khốc...

Đời làm báo ở buôn làng những năm tháng khó khăn, hàng ngàn cuộc “phiêu diêu” với đồng bào Tây Nguyên đã cho tôi nhiều bài học quý giá. Bản thân tôi cũng đã nhận ra rằng đồng bào Tây Nguyên phần lớn thật thà, chung thủy trước sau và chịu thương, chịu khó... Tuy nhiên, do một phần hủ tục còn sót lại và những kẻ phản động FULRO dã tâm gieo rắc tội ác nên có số ít người trở thành nạn nhân của chúng.

Những năm tháng ở buôn làng Tây Nguyên cũng có lần lên ngọn Chư Gông tìm những người bị quy kết cái gọi là “ma lai” theo lời của một số dân làng có nhận thức lạc hậu xua đuổi. Nhớ lần ấy gặp bà H’Đoai và người con gái bị nhiều năm xua đuổi vào rừng mà nước mắt cứ rưng rưng. Bà H’Đoai không còn nhớ cái ngày cả gia đình, anh em kéo nhau vào rừng tạm lánh nạn vì bị dân làng Ngol đòi giết, nhưng áng chừng cũng khoảng hơn hai mươi mấy cái mùa rẫy qua rồi. Khi ấy vì cuộc sống mưu sinh, có chuyện xích mích nhỏ với người trong làng về chuyện thả con heo, con gà qua vườn nên xảy ra những cuộc cãi vã hơn thua. Có lẽ trong tâm thức ẩn chứa những điều chưa thoả mãn hằng ngày trong cuộc sống nên đêm ngủ, người hàng xóm nằm mơ thấy bà H’Đoai đến đòi giết cả nhà mình. Thế là hôm sau thức dậy bà ta đi báo với làng: “H’Đoai là con ma lai giết người”.

Luật làng phán xuống xử ép, H’Đoai và con gái là H’Djrek bị mọi người đánh đập, xua đuổi nên phải trốn vào rừng lánh nạn. Hơn nửa đời con gái ở rừng, tuổi thanh xuân của H’Djrek đã héo mòn theo cái hoang vu của rừng núi. Ở chốn rừng hoang, không biết ai mà bắt chồng, họ quanh năm chỉ biết vui với chim chóc, thú rừng lấy làm niềm tâm sự riêng tư của một kiếp người. Nhớ khi ấy vào rừng tìm hiểu câu chuyện kỳ lạ này, chúng tôi về kể với lãnh đạo xã, sau đó mẹ con bà H’Đoai đã được chính quyền giúp đỡ trở về với buôn làng trong niềm vui không sao tả xiết. Chuyện đã hàng chục năm qua nhưng bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn thấy lòng mình rưng rưng...

Làm Báo CAND ở buôn làng Tây Nguyên những năm tháng ấy, có khi về làng không chỉ để viết bài, đưa tin mà cái lớn hơn nữa là làm công tác vận động quần chúng. Có những chuyện người dân chưa hiểu rõ dẫn đến không tin, không nghe, làm điều sai trái… nhưng nhà báo diễn giải thì lại “lọt tai” người dân, họ tin tưởng làm theo. Hàng chục năm sống và làm việc ở Tây Nguyên có muôn ngàn góc khuất thầm lặng ở buôn làng mà trên mặt báo chưa thể viết hết nên mỗi dịp về Tây Nguyên tôi vẫn thấy mình còn nhiều nặng nợ với dân làng.

Một lần tác nghiệp của tác giả ở buôn làng Tây Nguyên.

Duyên phận với nghề…

Tôi không được học ở trường báo chí nhưng đến với nghề như lẽ tự nhiên. Vèo như cơn gió thoảng, thấy mình đã già. Giờ nhớ lại những ngày đầu tập tễnh viết báo kiếm nhuận bút cũng thú vị nhưng đó là cuộc mưu sinh đầy vất vả. Khi ấy, tuy chưa chính danh nhà báo nhưng đã góp công nuôi sống bản thân và gia đình. Nhớ lúc mới ra trường làm báo như nghề tay trái kiếm cơm. Ban đầu cộng tác cho các báo rồi thấy mê mẩn mỗi khi có tin bài được đăng.

Làm báo ở Tây Nguyên thời đó phải thuê đánh máy hoặc viết tay rồi ra bưu điện để chuyển phát nhanh. Bài nào “nóng” cũng phải 3 ngày mới được in vì các công đoạn chuyển tải từ người viết đến toà soạn là thủ công. Vào giai đoạn sau những năm 2005 làm báo có phần nhẹ hơn vì có hệ thống Internet ở nhiều nơi.

Báo chí giai đoạn này cũng bắt đầu phát triển khá phong phú. Tuy nhiên, thời ấy tôi làm báo ở vùng Tây Nguyên còn khá khó khăn so với vùng đồng bằng. Nhất là việc đi lại vào mùa mưa, đường đất đỏ Tây Nguyên trơn như đổ mỡ, công tác về xã nhiều nơi phải đi bộ. Mọi việc chuyển tin bài phải về trung tâm thị xã mới có internet. Cái hay của thời đó là làm việc gì phóng viên cũng phải có mặt tận nơi chứ không thể ngồi nhà lướt mạng, sao chép được. Có khi đi cơ sở cả tuần mới viết được một bài báo chứ không phải như bây giờ mỗi ngày phóng viên ở nhà có thể làm được nhiều bài, tin...

Làm phóng viên thường trú ở Tây Nguyên, nhiều lúc tôi cũng thấy mình còn trẻ người, non dạ nhưng may mắn thường được các nhà báo lão thành khuyên: Cái vốn quý cần giữ gìn của người làm Báo CAND là dù khó khăn mấy cũng phải gắng sức giữ lòng tin yêu của nhân dân. Bởi chúng ta luôn quan niệm, lòng tin và niềm tin yêu của nhân dân không dễ mà có được. Nhất là làm Báo CAND những năm tháng ở vùng Tây Nguyên như nước sôi lửa bỏng ấy thì cần tuyệt đối phải đảm bảo tính định hướng cao, thông tin chính xác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, mỗi khi viết cái gì cũng phải cân nhắc, thận trọng, làm sao đúng tôn chỉ mục đích của Báo CAND mà vừa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, không để bọn phản động suy diễn, tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ngọc Như

Thông cáo báo chí chung Việt Nam-Trung Quốc: Thúc đẩy kết nối chiến lược giữa 2 nước

VOV.VN - Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới.

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 6 năm 2023.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường; lần lượt có các cuộc gặp với Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Trong không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn đi khảo sát Khu mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).

2. Hai bên nhất trí cho rằng, hiện nay quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung phát triển tốt đẹp, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thu được thành quả thiết thực. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện tốt “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, duy trì chặt chẽ giao lưu cấp cao, tăng cường giao lưu kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau trong tiến trình sự nghiệp thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước và tìm tòi hiện đại hóa mang đặc sắc của mỗi nước.

Phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, làm sâu sắc giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như ngoại giao, quốc phòng, thực thi pháp luật, kinh tế thương mại, nhân văn.

3. Hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, đều nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân, sự giàu mạnh của đất nước, nỗ lực cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại.

Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Việt Nam đánh giá cao Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu do Trung Quốc đưa ra, hai bên sẽ đi sâu trao đổi về các biện pháp cụ thể.

4. Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ; bảo đảm thông suốt cửa khẩu biên giới, đẩy nhanh việc nâng cấp mở cửa và kết nối cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thúc đẩy hợp tác cửa khẩu thông minh, đẩy nhanh thực hiện phát triển hài hòa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhà nước, tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt. Phía Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam.

5. Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh khu biên giới; tăng cường giáo dục về tình hữu nghị Việt - Trung cho nhân dân hai nước đặc biệt là thế hệ trẻ; tổ chức tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị như Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung, Liên hoan nhân dân biên giới Việt - Trung, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung.

6. Hai bên sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng liên quan đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

7. Phía Việt Nam nhất quán kiên định chính sách “một Trung Quốc”, tái khẳng định Đài Loan là bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, kiên quyết phản đối các hoạt động chia rẽ đòi “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức; không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.

8. Hai bên chủ trương các nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau triển khai giao lưu, hợp tác về vấn đề nhân quyền, thúc đẩy tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế trong vấn đề nhân quyền, kiên quyết phản đối chính trị hóa vấn đề nhân quyền.

9. Hai bên đồng ý kiên trì chủ nghĩa đa phương chân chính, cùng bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, tăng cường phối hợp trong các vấn đề lớn và quan trọng của quốc tế, khu vực; tiếp tục tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN - Trung Quốc, Mê Công - Lan Thương.

Thực hiện tốt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định.

10. Trong thời gian chuyến thăm, hai Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giám sát thị trường, cửa khẩu thông minh, lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển…

Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thành công tốt đẹp, làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp hữu nghị, nhiệt tình của phía Trung Quốc, trân trọng mời Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam. Thủ tướng Lý Cường vui vẻ nhận lời.

Bắc Kinh, ngày 29 tháng 6 năm 2023.

Chủ tịch nước tiễn lực lượng lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo TPHCM, đại diện LHQ tại Việt Nam. 

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4) làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, có 63 đồng chí, trong đó có 11 nữ, được lựa chọn từ các Quân khu 5, 7, 9; Quân đoàn 4; Bệnh viện Quân y 175; Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và một số đơn vị khác. Lực lượng tham gia được huấn luyện kỹ lưỡng về mọi mặt, cả chính trị, quân sự, hậu cần kỹ thuật, chuyên môn y tế, kiến thức gìn giữ hòa bình sát với diễn biến tình hình thực tiễn, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của LHQ và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.

Đội Công binh số 2 thay thế Đội Công binh số 1 tại khu vực Abyei, có 184 đồng chí, trong đó có 19 là nữ, được điều động từ nhiều quân khu, binh chủng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các đơn vị trong toàn quân. Các công binh được huấn luyện chuyên ngành như Luật nhân đạo quốc tế, phòng chống bạo lực tình dục, nhận biết vật liệu nổ, trao đổi chuyên môn công binh, ngoại ngữ, y tế, hậu cần kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu của Phái bộ cũng như các yêu cầu của LHQ.  

Cùng với việc được trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư phục vụ nhiệm vụ, 100% cán bộ, nhân viên của hai đơn vị đều có quyết tâm cao và đã sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan trong môi trường khắc nghiệt, chiến sĩ Nguyễn Phước Tường, trợ lý hành chính, tài chính của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5, năm nay 26 tuổi, chia sẻ, dù có chút lo lắng nhưng luôn vững tâm vì nhận được sự ủng hộ của gia đình, nhất là người vợ.

"Khi thực hiện nhiệm vụ ở đất nước rất xa xôi, cách Tổ quốc hơn 10.000 km thì phải nỗ lực hơn 200, 300%. Phải mang tâm thế là người bộ đội Việt Nam, mang phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn trải nghiệm bản thân. Tuổi trẻ mà, phải cống hiến chứ", chiến sĩ Nguyễn Phước Tường bày tỏ.

Chị Phạm Mỹ Linh vợ của chiến sĩ Nguyễn Phước Tường chia sẻ, dù buồn vì phải xa chồng, nhưng vẫn rất tự hào khi thấy chồng tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình đi Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc.

Trao Quyết định, tặng cờ Tổ quốc cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại Lễ xuất quân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ, lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam, trong đó có cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 và Đội công binh số 1 về những kết quả đáng khích lệ đạt được.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng, tự hào về những kết quả đã đạt được của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam thời gian qua, đồng thời tin tưởng các đội hình đơn vị được triển khai đến địa bàn Phái bộ thay thế sẽ tiếp nối truyền thống, kế thừa những thành quả của lực lượng gìn giữ hòa bình đi trước, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, đáp ứng yêu cầu của LHQ, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ.  

"Hành trang mang theo của các đồng chí là niềm tự hào dân tộc, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp cùng những phẩm chất cao đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới. Cùng với sự đồng hành của LHQ và các quốc gia bạn bè, sự ủng hộ của các đối tác quốc tế, các đồng chí sẽ đóng góp hiệu quả, thiết thực cho hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, khẳng định một Việt Nam có trách nhiệm, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và có ý thức về nghĩa vụ cao cả, khát vọng mọi người dân trên toàn thế giới được sống trong hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nêu rõ, sau gần 10 năm kể từ khi Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ”, nước ta đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc cử lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã cử 533 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao.

Kết quả đạt được của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam được đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả, chung tay hiện thực hóa các “Mục tiêu phát triển bền vững” và “Mục tiêu thiên niên kỷ” của LHQ.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các lực lượng, cá nhân được giao nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quát triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đối ngoại, hội nhập quốc tế, với mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và Nghị quyết số 130 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.  

Cùng với bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất cho các lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ, Chủ tịch nước yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng Việt Nam tại các địa bàn phái bộ; Tích cực nghiên cứu, tham mưu chiến lược để từng bước tham gia sâu rộng hơn nữa, mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí chỉ huy, quản lý tại Trụ sở LHQ và các địa bàn phái bộ mà Việt Nam có thế mạnh như lực lượng kiểm soát quân sự, thông tin liên lạc, vận tải trực thăng… Đồng thời, tạo nguồn lực lượng bền vững, nâng cao tỉ lệ nữ quân nhân tham gia lực lượng, đáp ứng Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2018-2028 của LHQ.

Chủ tịch nước cũng đề nghị nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị lực lượng, huấn luyện về mọi mặt, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường và chủ động thích ứng trong thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ với điều kiện khó khăn theo sáng kiến “Hành động vì hòa bình” của LHQ.

Cho rằng hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, với tâm thế mới, thời cơ và thách thức mới, Chủ tịch nước tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan, các lực lượng, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam sẽ nỗ lực, bản lĩnh, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn LHQ, đối tác quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã có những đóng góp quý báu cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước, giữ gìn hòa bình và ổn định cho sự phát triển; tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị lực lượng, triển khai thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ.

Cho và nhận con nuôi trên mạng: Coi chừng vi phạm pháp luật

VOV.VN - Cho và nhận con nuôi trên mạng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, cả người cho và người nhận con nuôi đều có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, hoặc lợi dụng việc cho nhận con nuôi để trục lợi, thậm chí là lợi dụng việc cho và nhận con nuôi để thực hiện các hành vi mua bán trẻ em...

Nhận con nuôi là mong muốn chính đáng và nhân văn đối với nhiều gia đình hiếm muộn. Vì mục tiêu đó, nên hoạt động này được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, bất chấp quy định đó, chỉ cần gõ vài cụm từ tìm kiếm “cho và nhận con nuôi” trên các trang tìm kiếm sẽ cho nhiều kết quả, với hàng nghìn thành viên trên đó.

Tại các nhóm này, mỗi ngày đều có nhiều phụ nữ mang thai đăng tin muốn cho con với đầy đủ thông tin về tuần thai, ngày dự sinh, giới tính thai nhi, kèm điều kiện bồi dưỡng trước và sau sinh. Chưa biết thực hư việc cho và nhận con thế nào nhưng đó là hồi chuồng báo động về lối sống dễ dãi của các bạn trẻ. Đồng thời nó là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng mua bán trẻ em hoạt động.

Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc cho và nhận con nuôi là một nhu cầu thực tế và chính đáng trong xã hội. Do đó, Việt Nam đã ban hành Luật nuôi con nuôi số 52/2010/QH12 ngày 17/06/2010 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2011).

Theo đó: “Nhà nước bảo hộ quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.” (Điều 6). Tuy nhiên, việc cho và nhận con nuôi phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, cũng như phải thực hiện các thủ tục đăng ký tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp xã, Sở Tư pháp cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài) theo đúng quy định của pháp luật.

“Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.” (Khoản 2 Điều 4). Các hành vi “lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em ; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi, hoặc Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc” thì đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, không được phép thực hiện (Điều 13)- luật sư Hùng phân tích.

Theo luật sư Hùng, hiện nay, trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hội nhóm, diễn đàn về cho và nhận con nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các hội nhóm hoặc diễn đàn này đều không chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng, nhiều nội dung hoạt động không đúng quy định của pháp luật, luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, cả người cho và người nhận con nuôi đều có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, hoặc lợi dụng việc cho nhận con nuôi để trục lợi, thậm chí là lợi dụng việc cho và nhận con nuôi để thực hiện các hành vi mua bán trẻ em. Đây đều là các hành vi trái pháp luật, tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Về chế tài hành chính: Theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 62 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ thì các hành vi “lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, còn đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hâu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về chế tài hình sự : Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: “a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.”, thì sẽ phạm tội “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Và việc “lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội” được coi là tình tiết định khung tăng nặng của tội danh này, với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mặt khác, theo luật sư, những hành vi lợi dụng việc cho và nhận con nuôi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác cũng là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tại các diễn đàn, hội nhóm cho nhận con nuôi trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến rằng, nên làm giả các loại giấy tờ (Giấy chứng sinh hoặc các loại giấy tờ khác), để né tránh các thủ tục pháp lý, hợp thức hóa việc cho nhận con nuôi không đúng quy định pháp luật.

Luật sư Hùng khẳng định, đây đều là các hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, sẽ phải chịu các chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sụng là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo vị luật sư này, nếu người cho, người nhận con nuôi hoặc người môi giới có sự thông đồng, cấu kết với nhau để cố ý cùng thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên, thì đều bị coi là đồng phạm, và phải chịu các chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

“Khi có nhu cầu cho hoặc nhận con nuôi thì mọi người nên hết sức thận trọng, không nên tìm đến các kênh môi giới, trung gian trên mạng xã hội mà nên liên hệ, làm việc với các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em hoặc các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp khác, hoặc đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi mình thường trú. Nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết. (Điều 16 Luât nuôi con nuôi năm 2010)”- Luật sư Hùng nói.

Đồng thời, theo vị luật sư này, cũng nên có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về người cho hoặc người nhận con nuôi, cũng như người được nhận làm con nuôi và các quy định của pháp luật có liên quan. Và đặc biệt là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi, tuyệt đối không thực hiện theo các lời xúi dục, hướng dẫn trái pháp luật, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, để phòng tránh các rủi ro, rắc rối và các vướng mắc pháp lý có thể phát sinh./.

5 luật có hiệu lực từ 01/7/2023

VOV.VN - 5 luật được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Không thể lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương, 56 điều.

Luật được tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư

Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều. 

Luật dầu khí bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV).

Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí.

Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí

Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra giám sát.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Công dân thực hiện dân chủ tại nơi mình cư trú.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 91 điều.

Quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cơ sở là xã, phường, thị trấn (cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.

Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.

Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.

Quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của  cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng.

Cụ thể, luật bổ sung quy định về đặt ra giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần di động công cộng mặt đất mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong một băng tần hoặc trong  một nhóm băng tần xác định.

Cho phép cấp phép kèm theo điều kiện sử dụng đối với các trường hợp đặc biệt sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch bao gồm: sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.

Làm rõ trường hợp nào thực hiện cấp giấy phép sử dụng tần số thông qua đấu giá, trường hợp nào thông qua thi tuyển, trường hợp nào thông qua cấp trực tiếp.

Bổ sung quy định doanh nghiệp phải có cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển hoặc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Khi vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bổ sung quy định cho phép cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với toàn bộ khối băng tần đã cấp trước đó khi giấy phép đã cấp hết hiệu lực nếu quy hoạch băng tần không thay đổi các khối đã phân chia và doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, có đủ các điều kiện để cấp lại giấy phép theo quy định.

Luật Thanh tra (sửa đổi): Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra

Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều.

Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

Điều 78 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Điều 78 cũng quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.

Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...