[QĐND] Trong khi dư luận nói nhiều đến tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm khiến hàng loạt công việc đình trệ thì một hiện tượng khá phổ biến và cũng là “trọng bệnh” của đội ngũ cán bộ, công chức, đó là tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm với công việc, nhất là giải quyết công vụ. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi những hệ lụy mà nó gây nên.
1. Có việc liên quan đến giấy tờ nhà đất tôi buộc phải đến
Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (Bộ phận một
cửa) của quận để thực hiện. Khu vực chờ đợi của người dân đông đúc, ngột ngạt,
cũng không có nước uống. Để tiết kiệm thời gian, người dân chủ động phần
kê khai trên hồ sơ trước nhưng bàn viết không có, cứ tự kê lên đùi mà viết. Cán
bộ giải quyết công vụ ngồi ngăn cách với người dân qua vách kính chắn, thỉnh
thoảng lại đưa điện thoại lên nhắn tin, ai thắc mắc thì hướng dẫn đại khái qua
một ô kính nhỏ. Người có chút kinh nghiệm, tai thính thì ít hỏi lại, còn phần
lớn người đi làm thủ tục lần đầu đều bỡ ngỡ: “Cái gì cơ? Viết vào đây ạ? Chỗ
này viết gì anh, chị nhỉ? Rồi thỉnh thoảng lại có tiếng gắt gỏng, khó chịu kiểu
ban phát từ người nhận hồ sơ. Chỉ cách nhau qua tấm kính mà cảm giác như công
chức và người dân xa vời vợi. Trên thực tế, nhiều cán bộ nhận hồ sơ biết rõ
giấy tờ có sai sót nhưng không nói ngay, có số điện thoại trên hồ sơ cũng chả
gọi mà đến ngày trả kết quả mới nói là hồ sơ sai cần làm lại. Họ cứ vin vào các
quy định cứng nhắc, thậm chí có người cố tình làm cho nó cứng nhắc hơn vì lý do
khác.
Theo nghĩa hiểu chung nhất thì tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm
nghĩa là mặc kệ. Đây là trạng thái trơ lì của cảm xúc, dửng dưng với những hiện
tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Cách làm
việc này không khác gì một cái máy, không khẩn trương, không vội, không vì ai
và đặc biệt, không cảm xúc. Họ vẫn làm việc nhưng không có trách nhiệm với công
việc, với những người xung quanh; miễn là đánh trống, ghi tên đủ 8 tiếng ngồi ở
cơ quan. Cũng có thể chất lượng công việc không quá tệ nhưng hoàn toàn không có
tư tưởng đổi mới hay đột phá, còn đòi hỏi họ dấn thân, dám nghĩ, dám làm thì
thật xa xỉ. Đó là thứ văn hóa không nhúc nhích, đợi nhắc thì làm, không nhắc
cũng vẫn làm nhưng chậm trễ khi xử lý các nhiệm vụ được giao.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tựu trung lại, có thể lý giải cho hiện
tượng tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm với công việc của cán bộ, công chức đến từ
mấy nguyên nhân sau: Thứ nhất, đó là lối sống thực dụng, ngại va
chạm, "dĩ hòa vi quý". Lối sống này khiến cán bộ, công chức có nhận
thức và hành vi lệch lạc về trách nhiệm, về nghĩa vụ của mình, nhất là trong
vai trò "công bộc" khi tiếp xúc và hành xử với dân; cho rằng mình có
quyền ban phát, người khác phải cần mình mà không hiểu rằng, nghĩa vụ của mình
là phục vụ, cao nhất là phục vụ nhân dân. Thứ hai, đó là những người luôn
đòi hỏi cho cá nhân, nhất là lợi ích vật chất nhưng không bao giờ chịu hy sinh,
thiệt thòi vì tập thể. Khi không được đáp ứng lợi ích đó, họ cứ dửng dưng không
làm. Thứ ba, đó là những người thụ động. Mọi thứ với họ cứ làng nhàng, từ
học hành, kiến thức, kỹ năng đến động cơ, thái độ, trách nhiệm trong công việc.
Với họ “sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội”, vì làm việc trong môi trường bao
cấp nên lương đã có Nhà nước trả, không phải bận tâm đến cơm áo gạo
tiền. Thứ tư, đó là những người có xuất thân từ những gia đình có điều
kiện, hoặc về kinh tế, hoặc về chính trị. Họ chỉ cần có một chỗ làm
việc, một vị trí trong cơ quan công quyền để lấy vị thế và được bảo đảm các quyền
lợi cho cá nhân. Những người như thế cũng không mưu cầu sự thăng tiến, cũng
không có động lực phấn đấu cho công việc. Việc làm giàu của họ thường ở môi
trường khác, hoặc có người khác làm giàu cho họ.
2. Tâm lý, thái độ thờ ơ
gây ra bệnh vô cảm của công chức, một loại bệnh đang được xem là “trọng bệnh”.
Ngành y không có khái niệm bệnh vô cảm nên cũng không đưa ra phác đồ điều trị.
Đây là căn bệnh do lối sống, môi trường và cách hành xử của con người tạo ra.
Hệ lụy của tình trạng thờ ơ, vô cảm của công chức là vô cùng tệ hại, mà tệ hại
nhất là thủ tiêu động lực làm việc, vươn lên của tập thể. Những cán bộ, công
chức thờ ơ, vô cảm thường rất lười đi cơ sở và xa rời thực tiễn cơ sở. Chính vì
lười đi cơ sở, không chịu va chạm với thực tiễn nên không nắm được công việc,
quan liêu trong lĩnh vực mình quản lý, giải quyết. Thậm chí nếu được giao chức
năng tham mưu để ban hành những chủ trương, chính sách, quyết sách thì đó là
những “quyết định trên trời” gây bức xúc dư luận.
Trong một tập thể có những
người thờ ơ, vô cảm với công việc thường dễ lây lan tâm lý này sang những người
khác. Bởi nếu anh “sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội” mà không bị xử lý thì tôi
cũng sẽ thế được, dần trở thành tâm lý đám đông. Khi con người không có động
lực làm việc, giải quyết công việc không vì người khác thì sẽ không bao giờ
dành hết trí lực cho công việc, không có tư tưởng nghĩ ra việc, tìm đến việc.
Tệ hại là, số cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, làng nhàng này lại không dễ gì
đưa họ ra khỏi bộ máy công quyền. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng
Tháp) từng phát biểu trước Quốc hội khi thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) rằng: “Có những người mặc dù đã
đến tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành, trong khi công việc làm năng suất không
cao, "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ
nhưng không muốn nghỉ hưu, chờ cho đến đúng tuổi mới nghỉ”. Vì điều đó mà những
người mới, nhất là những người trẻ có hoài bão, tâm huyết và trí tuệ, muốn được
cống hiến trong bộ máy công quyền cũng khó có vị trí.
Trên thực tế, nghiên cứu khái
quát của các nhà quản lý trong lĩnh vực công chức, viên chức đưa ra con số
khoảng 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Xin dẫn lại một
phát biểu năm 2013 của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi ấy tại cuộc
họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức:
“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm
việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả
công việc nào”. Điều này khiến cho bộ máy công quyền cồng kềnh trong khi công
việc vẫn bị xem là chưa chạy. Trong khi đó, ngân sách nhà nước để nuôi bộ máy
là không hề nhỏ mà đáng ra một phần số ngân sách này có thể tiết kiệm được.
Không chỉ vậy, những cán bộ
có tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm trong giải quyết công vụ luôn ám ảnh người dân
có suy nghĩ tiêu cực về đội ngũ cán bộ công quyền, những người được xem là công
bộc của dân. Họ rất ngại đến cơ quan công quyền, trừ việc bất đắc dĩ. Tâm lý,
thái độ thờ ơ, vô cảm của công chức đã hình thành nên tư tưởng cho mình là
người có quyền ban phát. Bởi thế lâu nay, khi người dân làm việc với cơ quan
công quyền thường bị mặc định từ “xin” ở đó. Nguyện vọng, quyền lợi gì cũng mặc
định trong “Đơn xin...”. Xin cho con đi học, xin giấy khai sinh, xin giấy khai
tử, xin xác nhận hộ khẩu... Đây là quyền lợi chính đáng của người dân, đặc
quyền của công dân được hưởng thụ dưới chế độ của Nhà nước ta. Vậy thì cán bộ
cơ quan công quyền phải có nghĩa vụ thực hiện cho người dân chứ không phải là
ban phát hay đặc quyền ở đó.
3. Dưới chế độ của Nhà
nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì cán bộ, công chức là công bộc của dân. Cũng
có nghĩa, mọi cán bộ, công chức phải hết lòng, hết mình trong giải quyết công
vụ, vì nhân dân phục vụ, tự mình đấu tranh với chính mình để loại bỏ tâm lý,
thái độ thờ ơ, vô cảm, cách làm việc làng nhàng không hiệu quả.
Trở lại từ lý luận, Các Mác
từng có một luận điểm mang tính kinh điển, đã trở thành nền tảng, cơ sở khoa
học khi nghiên cứu, giải quyết vấn đề bản chất con người: “Trong tính hiện thực
của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Luận điểm này đã
được ông luận giải một cách rất thuyết phục. Những cán bộ, công chức và chính
mỗi người có tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm với công việc nguyên nhân chính là
do họ và họ là người quyết định điều đó trong môi trường đó. Môi trường làm
việc rất quan trọng và có tác động lớn đến tình cảm, thái độ, trách nhiệm của
mỗi người. Con người trong tập thể nếu không chịu va đập, không bị va đập,
không qua trải nghiệm, gắn mình với thực tiễn sẽ ngày càng thờ ơ và ít sự cảm
thông trong đời sống xã hội. Bởi thế, ở đâu môi trường làm việc yêu cầu cao, sự
nghiêm túc, trách nhiệm, sự đánh giá công tâm, công bằng, thì ở đó mỗi cán bộ,
công chức sẽ có động lực để thay đổi mình, buộc phải thay đổi mình.
Từ thực tiễn, chính các tổ
chức, cơ quan, đơn vị trong bộ máy Nhà nước phải đánh giá đúng thực chất hiệu
quả công việc của công chức do mình quản lý. Ai cũng thấy nhiều cán bộ, công
chức làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” diễn ra
ở các cơ quan công quyền nhưng tỷ lệ báo cáo đánh giá chất lượng cán bộ, công
chức hằng năm của hầu hết các cơ quan, đơn vị thường trên 90% hoàn thành tốt và
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều cơ quan, tỷ lệ này rất cao, thậm chí gần
100%. Chính việc đánh giá cán bộ không đúng, phân loại nể nang, không bám vào
tiêu chí đã dẫn đến tình trạng “đánh bùn sang ao”, cán bộ làm tốt cũng như chưa
tốt. Bất cập này khiến người làm tốt bị mất động lực phấn đấu, trong khi người
chưa hoàn thành, hoàn thành thấp nhiệm vụ vẫn nghiễm nhiên tại vị, vẫn được
hưởng đầy đủ các chế độ của một công chức. Và đương nhiên, họ cũng không có
động lực để thay đổi chính mình. Dù Luật Cán bộ, công chức quy định nếu cán bộ
hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ loại ra khỏi đội ngũ nhưng trên thực
tế hằng năm vô cùng ít cán bộ bị loại khỏi bộ máy công quyền với lý do là không
hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, cốt lõi để làm cho mọi cán bộ, công chức thay đổi
thái độ, trách nhiệm làm việc của mình thì tổ chức phải đánh giá đúng hiệu quả
công việc của họ.
NGUYỄN HÀ MY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét