VOV.VN - Ít có nhiệm kỳ nào mà mới nửa nhiệm kỳ, Trung ương đã họp đến 4 kỳ đột xuất. Những kỳ họp đột xuất này chủ yếu để xử lý vấn đề về cán bộ cho kịp thời, với tinh thần “kịp thời thay thế những cán bộ phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút để bố trí người khác phù hợp hơn, tốt hơn".
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Quy định 96 của Đảng (Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023).
Điểm đáng chú ý của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này so với nhiệm kỳ khóa XI và khóa XII, đó là kết quả phiếu tín nhiệm không chỉ có ý nghĩa tham khảo mà theo Quy định 96 của Bộ Chính trị, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Cần phải làm gì để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt được kết quả thực chất, thực sự là căn cứ quan trọng để bố trí cán bộ cho nhiệm kỳ tới? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương về nội dung này.
PV: Việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 có ý nghĩa thực tiễn ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá cán bộ mà quan trọng nhất là để cán bộ xem mức độ tín nhiệm của mình như thế nào, cao hay thấp, để thấy mình hiện nay đã tốt chưa, còn hạn chế khuyết điểm nào không.
Ví dụ, cán bộ được phiếu tín nhiệm cao thì thấy mình đã có cố gắng, có tiến bộ, thấy mình đã bỏ rất nhiều công sức cho công việc; nếu cán bộ tín nhiệm chưa được cao thì bản thân đồng chí đó biết mình vẫn còn khuyết điểm này, hạn chế kia và còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Cho nên, mục đích chính của việc lấy phiếu tín nhiệm là để mỗi cán bộ tự nhìn lại bản thân mình, qua đó “tự soi”, “tự sửa”. Và cũng thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ khách quan hơn, chính xác hơn và cuối cùng để chọn đúng người có phẩm chất, năng lực và bố trí đúng vào các công việc phù hợp với năng lực, sở trường của họ.
PV: Điểm đột phá quan trọng của Quy định 96 là thông qua bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm. Ông nghĩ sao về điểm đột phá đáng chú ý này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là một kênh tham khảo, một căn cứ để xem xét nữa. Lần này, Quy định 96 của Bộ Chính trị nêu rất rõ, trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì đủ cơ sở, căn cứ cho từ chức. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì xem xét miễn nhiệm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Ở đây có mặt tích cực là để khuyến khích những cán bộ khi thấy năng lực hạn chế, phiếu tín nhiệm ở mức thấp thì nên từ chức. Như vậy, khuyến khích cán bộ từ chức một cách nhẹ nhàng. Chính Đảng ta cũng đang khuyến khích, nếu cán bộ thấy năng lực hạn chế, tín nhiệm ở mức thấp và uy tín giảm sút rồi thì nên từ chức để giành cơ hội cho người khác đảm nhiệm công việc.
PV: Tiêu chí về sự gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ là rất quan trọng để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. Tiêu chí này có ý nghĩa như thế nào khi vừa qua chúng ta xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên mà vợ, con có liên quan đến những vi phạm, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Quy định 262 trước đây, Bộ Chính trị đã nói đến việc ngoài bản thân, thì gia đình cũng phải gương mẫu. Lần này, trong Quy định 96, Bộ Chính trị nói cụ thể, nhấn mạnh hơn, vì thực tiễn vừa qua cũng có những cán bộ mặc dù bản thân rất tốt nhưng bị ảnh hưởng bởi vợ, con, người thân trong gia đình có chuyện nọ, chuyện kia mà làm giảm uy tín của cán bộ đó.
Chính vì vậy, ngoài việc đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực hay kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lần này Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm nêu gương của bản thân từng cán bộ.
Chưa bao giờ vấn đề nêu gương được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhấn mạnh như trong thời gian vừa qua, cho nên, 3 cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung ương đều ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương.
Ban Bí thư khóa XI ban hành quy định 101- QĐ/TW, Bộ Chính trị khóa XII ban hành quy định 55 - QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương, Ban Chấp hành Trung ương cũng ban hành Quy định số 08 - QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương.
Chính vì thế, lần này nhấn mạnh cả vấn đề gương mẫu của bản thân trong gia đình, tề gia trị quốc bình thiên hạ. Nếu người thân không gương mẫu, lợi dụng vị trí, chức trách của mình để trục lợi thì sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu như chúng ta đã thấy trong thực tiễn.
PV: Khi tổng kết Quy định số 262 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm, bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ những hạn chế trong lấy phiếu tín nhiệm. Đó là, một số cán bộ đạt phiếu “tín nhiệm cao” nhưng sau đó lại phát hiện vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Theo góc nhìn của ông, vì sao có thực tế này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Diện lấy phiếu tín nhiệm rất rộng từ các cơ quan Trung ương đến cấp ủy địa phương. Trong thực tiễn cũng có chỗ này, chỗ kia, ở tỉnh này, tỉnh kia hay ở cấp này, cấp kia đúng là có chuyện đó xảy ra. Đó chính là việc nể nang, né tránh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói “yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu”, cho nên có khi cũng bỏ qua, nương nhẹ, cục bộ dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng thực chất.
PV: Thực tế này đặt ra yêu cầu gì để không còn cán bộ đạt phiếu “tín nhiệm cao” nhưng sau đó lại phát hiện vi phạm kỷ luật, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Vấn đề đặt ra không chỉ là việc lấy phiếu tín nhiệm mà còn có cả việc đánh giá, quản lý cán bộ thế nào. Lần này khắc phục tình trạng là người được lấy phiếu tín nhiệm ngoài báo cáo kiểm điểm chung thì từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư có báo cáo kiểm điểm riêng của mình, kiểm điểm phẩm chất, đạo đức ra sao, gương mẫu thế nào, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, ưu, khuyết điểm như thế nào để cung cấp cho người ghi phiếu tín nhiệm nắm chắc hơn. Nếu anh làm không tốt thì sẽ không thể báo cáo tốt được. Bên cạnh đó, phải đề cao trách nhiệm của người ghi phiếu. Tất cả điều đó nhằm mục đích để làm sao lá phiếu phản ánh đúng thực chất.
PV: Theo ông, cần làm gì để không xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII?
Ông Nguyễn Đức Hà: Để đánh giá đúng cán bộ thì không chỉ có lấy phiếu tín nhiệm, mà ngay các cơ quan quản lý, đánh giá cũng phải quản lý chặt chẽ hơn, nắm chắc tình hình hơn, nắm chắc cán bộ hơn.
Bên cạnh đó, phải đề cao trách nhiệm của người ghi phiếu tín nhiệm, phải phản ánh đúng khách quan. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, nếu người nào không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, nếu có vi phạm, bị phát hiện ra thì chắc chắn phải xử lý; phải khắc phục cho được tình trạng rủ rỉ thầm thì, vận động… nhất là việc nói không đúng về cán bộ thì phải kiên quyết đấu tranh, phản bác và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
PV: Ông có niềm tin vào thực tế, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đi vào nề nếp, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh?
Ông Nguyễn Đức Hà: Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh và coi trọng về công tác cán bộ. Đại hội xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng và xác định là công tác cán bộ là then chốt của then chốt.
Thực tế cho thấy, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung rất nhiều công sức, trí tuệ và thời gian cho công tác cán bộ, dành nhiều thời gian để thể chế công tác cán bộ nói riêng và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị nói chung.
Có rất nhiều quy định, quy chế quyết định về công tác cán bộ đã được ban hành để từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, để anh có muốn tiêu cực không tiêu cực được, qua đó góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tôi tin rằng, với sự hoàn thiện về thể chế, với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Tổng Bí thư, công tác cán bộ từng bước đi vào nề nếp, chuẩn chỉ hơn, bài bản hơn, chọn đúng người, đúng việc và kịp thời thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu.
Thực tế cho thấy, ít có nhiệm kỳ nào mà mới nửa nhiệm kỳ thôi, Trung ương đã họp đến 4 kỳ họp đột xuất. Những kỳ họp đột xuất này chủ yếu để xử lý vấn đề về cán bộ cho kịp thời, với tinh thần “kịp thời thay thế những cán bộ phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút, để bố trí người khác phù hợp hơn, tốt hơn".
Trung ương đã rất quyết liệt, khẩn trương, kịp thời. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, công tác cán bộ tới đây chắc chắn sẽ đi vào nề nếp, bài bản hơn, thực hiện đúng tinh thần “cán bộ là then chốt của then chốt”.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét