(TG) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình để phấn đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc; ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam cũng như đấu tranh cho sư nghiệp giải phóng các dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
CHỦ
TỊCH HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI LÀM RẠNG RỠ DÂN TỘC TA, NON SÔNG ĐẤT NƯỚC TA
Lịch
sử cách mạng Việt Nam và thế giới hiện đại có khá đầy đủ thông tin, luận chứng
và các nghiên cứu khoa học cả ở trong và ngoài nước; được đăng tải rộng rãi
trên báo, tạp chí, xuất bản thành sách tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới
đều ghi nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc cách mạng giải phóng dân
tộc Việt Nam nói riêng, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và
phụ thuộc; với cuộc đấu tranh khỏi áp bức, bất công, vì hòa bình, tự do, công
lý của nhân loại tiến bộ nói chung. Lịch sử cũng ghi nhận rằng, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã dành cả cuộc đời mình để phấn đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ
quốc; ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam cũng như đấu tranh cho sư nghiệp
giải phóng các dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Nhân dân Thủ đô Warsawa nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (năm 1957) - Ảnh: hochiminh.vn
Đó
chính là việc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi
tìm con đường cứu nước hơn một thế kỷ trước; là việc Người quyết định đến với
chủ nghĩa Mác - Lênin, với con đường cách mạng vô sản; là tiến trình Người
chuẩn bị, sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Đảng đề ra đường
lối, chủ trương đúng đắn và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành thắng
lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; tiếp tục cùng nhân dân kiên cường tiến
hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975) để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, thực hiện khát vọng
giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; là việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Việt Nam chung sức, đồng lòng kiên đinh xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
theo con đường xã hội chủ nghĩa (1975 - nay) dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Vì
thế, trong trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam yêu nước thì Chủ tịch
Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại, mà Người còn “là Cha, là Bác,
là Anh/Quả tim lớn lọc trong dòng máu nhỏ/Người ngồi đó với cây chì đỏ/Vạch
đường đi từng bước từng giờ” như nhà thơ Tố Hữu viết trong bài thơ “Sáng tháng
Năm” để đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của phong kiến, thực
dân, đế quốc đi đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc. Không chỉ dừng ở đó, hành
trình đấu tranh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự
lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện trên
cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều
kiện cụ thể của Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã không chỉ khẳng định vị
trí, vai trò tiền phong, độc quyền lãnh đạo cách mạng của một Đảng Mácxít
Lêninnít kiểu mới; không chỉ góp phần đưa nhân dân Việt Nam “đặt mình lên vị
trí vẻ vang nhất trên thế giới”, mà còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Người
là Bác Hồ, bởi vì tuy thuộc nhân dân Việt Nam, Người vẫn thuộc vào gia tài của
nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành
đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”[1],
vì “ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá
cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài, Người muốn tiến hành một cuộc
chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và
nhờ thế mà cuộc cách mạng Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới”[2] đúng
như nhận định của Môhamét Lamari trong tham luận khoa học “Hồ Chí Minh trong
lòng nhân dân Angiêri” tại Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990.
Vì
thế, khi Người còn sống hay khi đã mất, thì mọi người dân Việt Nam đều trân quý
gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác/Bác Hồ” cũng như việc đồng bào các dân tộc
thiểu số ở Tây Nguyên hết mực yêu thương, gọi người là “Bok Hồ/Cha Hồ”. Đây là
một danh xưng thân thiết như một người anh của cha ở trong các gia đình của người
Việt Nam, dù đó là gia đình theo “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường”
và đó là biểu thị lòng yêu quý, là bởi sự kính trọng nhưng vô cùng giản dị
trong văn hóa Việt Nam, lối sống Việt Nam, chứ không phải việc mọi người dân
gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác”- là do bị “ép buộc” hay do Đảng Cộng sản Việt
Nam “thần thánh hóa lãnh tụ” như các thế lực thù địch xuyên tạc, cố tình bôi
nhọ.
Thực
tế, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh xưng “Bác” là trong “Trả lời thư chúc
mừng của Hội Nhi đồng Công giáo khu Thượng Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Đông”[3] ngày
10/5/1947. Cụ thể, Người viết: “Bác cảm ơn các cháu. Bác khuyên các cháu: -
Biết giữ kỷ luật. - Siêng học, siêng làm. -Yêu Chúa, yêu nước. Bác hôn các
cháu”. Phía dưới Người ký: Hồ Chí Minh, chứ không ký là Bác Hồ. Sau đó, trong
“Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám”[4] tháng
8/1947, Người viết ở trên cùng là “Hỡi các cháu yêu quý”… đến cuối thư Người
ghi rõ “Bác hôn tất cả các cháu” và ký: Bác Hồ. Từ đó, danh xưng “Bác/Bác Hồ” xuất hiện
và được sử dụng cho đến ngày nay.
Tuy
nhiên, có một điều đặc biệt là, không chỉ nhân dân Việt Nam mà ngay cả Jean
Lacouture - một nhà văn, nhà báo, nhà chính trị người Pháp (một trong những
người nước ngoài đầu tiên) đã sớm gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác Hồ” trong
cuốn tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình, khi ông viết “Bác Hồ bây giờ là một
người cao tuổi. Đời Bác đã trải qua cả nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng... Nhưng
nếu cậu bé Cung trở thành Nguyễn Tất Thành, trở thành anh Ba, trở thành Nguyễn
Ái Quốc, trở thành Vương, trở thành Line, rồi trở thành Hồ Chí Minh không được
tự mắt nhìn thấy nước Việt Nam độc lập và thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà
Mau, thì những người Việt Nam khác, những người được Bác Hồ đào tạo nên và cũng
đều được tôi luyện trong chiến đấu, họ sẽ thay mặt Người mà chứng kiến điều ấy
trở thành hiện thực”[5].
Cùng
với đó, nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ hiếm có trong thời
đại chúng ta. Người chẳng những được nhân dân Việt Nam mà còn được nhân dân thế
giới yêu mến và kính phục. Người đã cống hiến đời mình từ thuở còn niên thiếu
cho đến hơi thở cuối cùng cho cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc của nhân
dân Việt Nam. Người luôn luôn đứng về phía độc lập, công lý và phồn vinh của
loài người và đấu tranh để thực hiện những mục tiêu đó. Người là hình ảnh của
những đức tính khiêm tốn, giản dị và cần cù”[6] của
Tổng thư ký Hội đồng hòa bình Miến Điện cũng là một minh chứng bác bỏ mọi luận
điêu bẻ cong sự thật, xuyên tạc về Người như: Chủ tịch Hồ Chí Minh tự “tôn
vinh” mình và nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không “du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào
Việt Nam”; không đưa con đường cách mạng Việt Nam theo con đường mà Cách mạng
Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi theo và “sớm bị vứt bỏ từ lâu”; không lựa chọn
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội từ trong Cương
lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930) và nếu Đảng Cộng sản Việt
Nam không kiên định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; không kiên trì con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội được tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm
2011), thì Việt Nam đã không phải chịu cảnh “nội chiến dài 30 năm”, không phải
tụt hậu, kém phát triển so với Thái Lan, Sinhgapo hàng mấy chục năm…
Việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân giành thắng
lợi trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, vì phẩm giá con
người là không thể phủ nhận, nên chẳng ai có thể “bắt buộc toàn dân phải
tin theo sự lựa chọn ấy”, nếu sự thật đó không mang lại độc lập - tự do - hạnh
phúc thực sự cho mỗi con người. Thực tế, trong bất cứ một cuộc chiến tranh ái
quốc vĩ đại nào, của bất cứ dân tộc nào thì những tổn thất, mất mát cũng là
không thể tránh khỏi. Cho nên, càng được sống trong độc lập, tự do, hòa bình
thì càng phải trân trọng hơn sự phấn đấu, hy sinh của các thế hệ cha anh, của
các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, chứ không phải là dùng chiêu trò
"phủ nhận sạch trơn" về tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò của Người
đối với cách mạng Việt Nam để nhằm “hạ bệ thần tượng” như các thế lực thù địch
đã và đang làm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
NGƯỜI
SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ
Thế
giới ngày càng biến động với những âu lo về xung đột sắc tộc và chiến tranh, về
biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và dịch bệnh… thì càng thấy trân quý hơn
một Hồ Chí Minh luôn tiến về phía trước, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi
khó khăn, khổ ải để lãnh đạo nhân dân Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Một đất
nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và ngày càng giàu mạnh,
phồn vinh, hạnh phúc như hiện tại không chỉ là mong ước mà còn là sự nghiệp của
Người, của dân tộc Việt Nam; là của tất cả các dân tộc đang khát khao được giải
phóng, được tự do, độc lập... Vì thế, những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng
Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã không chỉ góp phần đánh bại tàn dư của chế độ
phong kiến, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở Việt Nam và thủ
tiêu chủ nghĩa thực dân ở ba nước Đông Dương, phá vỡ phòng tuyến phản cách mạng
của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Nam Á, mà còn thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc bị áp bức
khác vùng lên, dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập,
tự do, đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và góp phần to lớn vào
phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ của nhân loại, vì sự nghiệp
giải phóng hoàn toàn con người khỏi áp bức, bất công… Đồng thời, những thắng
lợi đó cũng cho thấy: “Thực tiễn ở Việt Nam đã chứng tỏ rằng nhờ có sự lãnh đạo
của đảng Mác - Lênin mà cách mạng đã thu được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp
giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7] và
càng khẳng định trên thực tế “tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm
toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của
sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể
của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân
tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn
và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng
của nhân dân ta giành thắng lợi”[8].
Hành
trình hoạt động cách mạng; sự lựa chọn đúng đắn; những nỗ lực không mỏi mệt của
Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế
giới đã được khẳng định trong Nghị quyết[9] của
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm
Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Nghị quyết không chỉ nêu rõ “Chủ
tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống
hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp
phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân
chủ và tiến bộ xã hội”, mà còn ghi nhận “những đóng góp quan trọng và nhiều mặt
của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật
chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt
Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân
tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường
sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Con đường cách mạng Người lựa chọn và
kiên định thực hiện; tấm gương đạo đức mẫu mực của một người cộng sản suốt đời
sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn hết lòng yêu thương
nhân dân và nhân loại khổ đau, cho đến tận phút cuối lìa xa trần thế cũng không
có gì là của riêng ngoài Tổ quốc và Nhân dân đã được K.C.Tiagi khẳng định: “Hồ
Chí Minh không bao giờ là một nhà độc tài về chính trị mà là người có một ảnh
hưởng mạnh mẽ trong sự lãnh đạo. Người là một người nồng hậu, có khả năng lôi
cuốn và thông cảm. Người thiết tha quan tâm tới đồng bào của mình. Người không
thay đổi trong suốt cả cuộc đời mình, từ những ngày đầu của cách mạng cho đến
khi giữ chức vụ cao nhất là chủ tịch nước. Người luôn coi mình là một người
lính được nhân dân cử ra mặt trận. Ở Người, tình yêu đối với nhân dân là một
tình cảm mãnh liệt”[10].
Sự ghi nhận và đánh giá đó cũng cho thấy, dù đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng Chủ
tịch Hồ Chí Minh “không phải là một kỷ niệm của quá khứ. Người là một con người
diệu kỳ cho tất cả mọi thời đại”. Vượt lên hẳn mọi sự nghi kỵ, xuyên tạc, với
những sự kiện ngụy tạo và tiểu xảo ngôn ngữ để bẻ cong sự thật thì Nguyễn Sinh
Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ là
một/là Người đã để lại một di sản quý giá cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc
tế. Vì thế, không thể xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh, vì ngay cả “những kẻ thù xấu xa nhất cũng bắt buộc
phải tôn trọng Người. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý nhất cũng không thể tìm
thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người. Đây
cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ
tịch Hồ Chí Minh: người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà
lại thiếu sót trong những việc nhỏ”[11].
Và
cũng vì thế, mỗi cấp ủy, chính quyền; mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ
lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đều không chỉ
phải nghiêm túc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị
về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Kết
luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử
lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"” cùng với các quy
định về nêu gương, trong đó có Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban
Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết
là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”,
với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những
điều đảng viên không được làm”, coi đó là nhu cầu tự thân, tự giác, trở thành
nền nếp để thấy “lòng ta trong sáng hơn”; để kiên định độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn phải quán triệt sâu sắc rằng: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên
tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các
nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây
dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa
sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững
chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả
nghiêng, dao động”[12] như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ths. Vũ Thị Kim Yến
[1] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.42
[2] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.43
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.149
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.223-224
[5] Người đầu tiên viết tiểu sử Hồ Chí Minh,
baolamdong.vn, ngày 15/2/2012
[6] Bài đăng trên báo Quan điểm, ngày 15/9/1969
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.488
[8]Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.32
[9] Bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO
Việt Nam, 7/2009: Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO (trích từ Tập biên bản của
Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Paris, ngày 20/10 - 20/11/1987, do UNESCO xuất bản
năm 1988, tr.144) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
[10] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.133
[11] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb.
Sự thật, Hà Nội, 1971, t. III, tr.83
[12]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.33
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét