Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng Việt Nam cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp.
Chiều 8/11, thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nói, tham nhũng có ở mọi nơi trên thế giới. Những nước dẫn đầu về chỉ số nhận thức tham nhũng như Đan Mạch hay New Zealand cũng chỉ đạt 88 điểm; Phần Lan, Singapore đứng thứ hai với 85 điểm. Việt Nam hiện đạt 36 điểm và không có quốc gia nào đạt tuyệt đối 100.
"Hầu như tất cả các nước phải chấp nhận tham nhũng như một phần tất yếu trong quá trình phát triển, và phải nỗ lực để phòng chống", ông Huân nói.
Theo đại biểu, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các nước phát triển. Trước hết, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền, khối doanh nghiệp cũng như tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bộ quy tắc này nếu làm tốt sẽ bảo vệ cán bộ chứ không phải để ngăn chặn hoặc gây ức chế trong quá trình công tác.
Một số nước cũng có bộ quy tắc phân định rõ hành vi tham nhũng. Ví dụ, "bôi trơn" và tham nhũng là khác nhau; vận động hành lang (lobby) đúng cách không phải là tham nhũng... Từ đó, cán bộ, công chức sẽ biết lằn ranh và những việc nào sẽ vượt khỏi lằn ranh này.
Bài học thứ hai theo ông Huân là phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức. Hiện nay, nếu công chức ở vị trí tương đương bên ngoài thì lương gấp nhiều lần. Chỉ khi nào khu vực công đảm bảo được thu nhập hấp dẫn thì mới thu hút được nhân sự đam mê, cống hiến và có trách nhiệm.
Cuối cùng, giải pháp cốt lõi là nâng cao nhận thức cho tất cả người dân, vì công cuộc phòng, chống tham nhũng không phải của một nhóm dân cư mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng. "Chỉ khi nào toàn xã hội cùng chung một nhận thức thì lúc đấy phòng chống tham nhũng mới thuyên giảm", ông Huân nói.
Đại biểu Hà Nội Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương) lo ngại nạn "tham nhũng vặt" ngày càng phổ biến. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi, từ khám chữa bệnh, hải quan, xây dựng, tuyển dụng, bổ nhiệm và thậm chí đến cả phong học hàm, học vị...
Hình thức của tham nhũng vặt rất đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt và thậm chí là hù dọa.
Ông Trí cho rằng tình trạng tham nhũng vặt với "vòi bạch tuộc vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp". Những việc này đã làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, thậm chí đổ vỡ, xói mòn lòng tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ.
"Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xử lý. Tuy vậy, phòng chống tham nhũng vặt chưa được nhiều", ông Trí nói, dẫn số liệu báo cáo cho thấy năm 2022 đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Số lượng này "quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra".
Theo ông Trí, các hạn chế nói trên có nguyên nhân chủ yếu từ vai trò của người đứng đầu; năng lực, đạo đức cán bộ, công chức, viên chức; việc thể chế hóa chủ trương, nhiệm vụ trong phòng, chống tham nhũng và thu nhập khu vực công.
Ông đề nghị phổ biến chính sách pháp luật để nhân dân hiểu và tham gia phòng chống tham nhũng. Chỉ khi nhân dân vào cuộc thì chống tham nhũng vặt mới hiệu quả. Các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam cần tăng cường giám sát.
Đại biểu tỉnh Bình Dương, ông Trần Công Phàn chia sẻ, nhân dân phấn khởi về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "nhưng dường như cái được mới ở khâu chống". Ông mong muốn, từ các vụ đấu tranh chống tham nhũng, cơ quan tư pháp tiếp tục chỉ ra nguyên nhân, từ đó phòng ngừa với tinh thần để không thể, không dám, không muốn tham nhũng.
"Hai đại án gần đây đều xảy ra đúng lúc người dân, xã hội khó khăn. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải chú ý đến khâu phòng ngừa tham nhũng", ông Phàn nói.
Theo Sơn Hà - Viết Tuân, VnExpess
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét