Quốc hội họp tại hội trường ngày 2/11. |
Cụ thể: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Điểm nhấn nổi bật trong tuần này là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong chương trình làm việc của Quốc hội, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân.
Phiên chất vấn diễn ra từ ngày 3-5/11. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là: Xây dựng, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra.
Các Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời chính các chất vấn tại Quốc hội.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trả lời báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng nhất chất vấn không phải chỉ hỏi cho xong, mà là qua quá trình giám sát và với tư cách đại biểu Quốc hội phát hiện rất nhiều vấn đề cần được điều chỉnh. Vì vậy, chất vấn là cơ hội tốt để đại biểu Quốc hội trao đổi với các đồng chí tư lệnh ngành.
Điều mong muốn nhất sau khi chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành điều chỉnh những vấn đề đang tồn tại và thực tế cho thấy có tiến bộ, nhiều vấn đề đã được giải quyết sau chất vấn. Đây là lý do khiến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước.
“Vai trò của đại biểu, Quốc hội trong giám sát hậu chất vấn rất quan trọng, nếu lơ là giám sát sau chất vấn thì hoạt động chất vấn không có nhiều ý nghĩa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Theo Tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…
Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...
Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Cùng với đó, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đồng thời thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đánh giá, đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm. Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18-NQ/TW cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp.
Cùng với đó, rà soát sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét