Điều 11, Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quy định: “Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Từ đó đến nay, hằng năm, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư trong cả nước.
Năm nay, ngày hội được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, tại
các địa bàn, khu dân cư thôn, bản, ấp, làng, tổ dân phố, khu dân cư… với đa dạng
hình thức, tạo khí thế sôi nổi, đoàn kết. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dành thời gian về dự chung vui ngày hội với
bà con, đồng thời thăm hỏi, tặng quà những cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh
khó khăn…
Vậy nhưng, khi đồng bào ta phấn khởi, chung vui Ngày hội đại
đoàn kết toàn dân tộc thì cũng là lúc các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong ở
nước ngoài, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị giở trò xuyên tạc, chống
phá.
Ảnh minh họa |
Mượn chuyện hòa hợp để chia rẽ đoàn kết, kích động hận thù
Trên trang mạng xã hội của một số hội, nhóm phản động đưa ra
những luận điệu xuyên tạc về chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Mới đây, trang mạng xã hội của Đài Á châu tự do (RFA) dựng lên câu chuyện sai
trái, kệch cỡm khi cố tình đánh tráo bản chất, chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng,
Nhà nước ta là “chiêu nạp” lại cộng đồng người Việt ở nước ngoài; bôi lem, phủ
nhận chính sách hòa hợp dân tộc khi xem đó là những mục tiêu chính trị nhất thời;
phớt lờ những cố gắng, thành tựu trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc;
vu cáo “cộng sản Việt Nam muốn nhận của kiều bào nhưng vẫn chưa muốn cho”… Họ cố
tình kích động, chia rẽ đoàn kết bằng việc đưa ra trò so sánh lố bịch rằng người
Việt Nam ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài “mang bản sắc riêng”, như nước
với dầu không thể “trộn” vào nhau, không thể dung hòa, không thể đại đoàn kết!
Một số cá nhân còn đưa ra “yêu sách” bằng cách quy chụp công
cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là cuộc “nội chiến”!. Tổ chức Việt
Tân đăng bài viết bôi nhọ sự thật, đánh đồng người có công với cách mạng giống
như những người thương phế binh từng làm việc cho chính quyền Sài Gòn trước
đây. Từ đó, đòi xóa bỏ chính sách xã hội đối với người có công với cách mạng.
Chiêu trò chống phá chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc
được xáo đi xáo lại nhiều lần, xét về bản chất là không mới nhưng qua mỗi năm lại
được biến tấu, nhào nặn theo các hình thức khác nhau. Tựu trung thủ đoạn, mưu
mô rất nguy hiểm, biểu hiện ở chỗ số đối tượng phản động, cơ hội chính trị thường
lựa chọn thời điểm nước ta tổ chức các sự kiện trọng đại, kỷ niệm các ngày lễ lớn
như kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) hay
ngày Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11)… Các đối tượng đánh tráo bản chất
sự việc theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, nói không thành có, nói có thành
không…
Họ bẻ cong lịch sử, đảo ngược chân lý nhằm làm cho người dân
Việt Nam, nhất là kiều bào ta ở xa Tổ quốc hiểu sai, dẫn tới thiếu niềm tin,
hoài nghi về chủ trương, chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc; gợi lại vết
thương trong quá khứ; gây chia rẽ, nghị kỵ lẫn nhau, cố tình tạo ra sự phân biệt,
ngăn cách, kỳ thị trong nhân dân. Họ cố tình làm cho thế giới hiểu sai về một
Việt Nam nhân văn, hòa hiếu, trọng tình, trọng nghĩa; làm giảm sự chung tay, đồng
lòng trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc; cản trở, tiến tới xóa bỏ con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
Hãy tôn trọng lịch sử, đừng phủ mờ chân lý
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cũng có những
trường hợp người ăn ở hai lòng, khi gặp khó khăn, gian nan thì làm tay sai cho
giặc. Nhưng với sự nhân văn “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”,
dân tộc ta luôn thể hiện hành xử độ lượng, bao dung với số này khi họ nhận ra lỗi
lầm của mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật quan điểm nhân văn:
“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn,
ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người
cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ
tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc,
cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Sau này Người khẳng định
chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi
có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Kế thừa truyền thống nhân văn hòa hiếu của dân tộc, tư tưởng
Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, từ trong quá khứ cho đến hiện tại, chính sách hòa
giải, hòa hợp dân tộc luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà
nước ta. Theo đó, năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng đã ban
hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về phát huy sức mạnh
đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh”; Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”; Nghị quyết số 36-NQ/TW
(2004) của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước
ngoài”; Chỉ thị 45-CT/TW về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước
ngoài của Bộ Chính trị (2015).
Trong Chỉ thị 45 đã khẳng định “Đề cao tinh thần dân tộc,
truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng,
thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến;
chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi
người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị
xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được
tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Người Việt Nam ở nước ngoài
là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam… Mọi
người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm
quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh mục tiêu: Xây dựng
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển ổn định, đoàn kết, có
địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước
sở tại, tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc,
nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc...
Hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng,
Nhà nước ta. Ở trong nước hiện nay, đồng bào thuộc mọi thành phần xã hội, kể cả
những người từng làm việc trong chế độ cũ đều không bị phân biệt đối xử, bình đẳng
về quyền lợi và nghĩa vụ như những công dân khác. Với đồng bào ở nước ngoài, Đảng,
Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện ngày càng
thuận lợi hơn cho kiều bào trên nhiều lĩnh vực như: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi
hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu
nhà ở tại Việt Nam…
Đối với kiều bào Việt Nam ở Mỹ, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt
ASEAN - Mỹ từ ngày 11/5 đến 17/5/2022, trong đẩy mạnh hợp tác song phương và đa
phương, Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Mỹ công nhận cộng đồng người Việt tại Mỹ
là một dân tộc thiểu số. Nếu đề nghị này được Chính phủ Mỹ chấp thuận sẽ là một
bước tiến quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ, là cơ sở để mang lại nhiều
quyền lợi và giá trị to lớn đối với kiều bào ta.
Trong năm 2021, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía
sau”, Nhà nước ta đã tích cực hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở nước
ngoài, huy động các doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ vật tư y tế cho hơn 20 quốc
gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2015 đến năm 2020, tổng lượng kiều hối đạt hơn 71
tỷ USD. Năm 2021, dù chịu tác động bất lợi của đại dịch COVID-19, lượng kiều hối
về Việt Nam vẫn đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Tính đến cuối
năm 2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án đầu tư trực
tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trên
phương diện nghĩa đồng bào những đóng góp xây dựng quê hương, đất nước của kiều
bào là rất quý giá và trân trọng; xét về mặt kinh tế, việc đầu tư sản xuất kinh
doanh dịch vụ trong nước mang lại lợi ích cho chính kiều bào và lợi ích quốc
gia dân tộc. Điều này khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khích,
hỗ trợ kiều bào và chính kiều bào luôn hướng về Tổ quốc. Đây là những con số biết
nói cho thấy những chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước là
vô cùng đúng đắn, hợp lòng dân; đồng thời, thể hiện rõ nét nghĩa tình đồng bào,
góp phần đập tan những mưu mô chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ly gián đồng
bào trong và ngoài nước.
Để có được thành quả cách mạng như ngày hôm nay, đất nước ta
đã kinh qua bao gian khổ, hy sinh, mất mát. Hậu quả của chiến tranh để lại là hết
sức nặng nề, cả nước có 1.146.250 liệt sỹ, trong đó 191.605 liệt sỹ trong kháng
chiến chống Pháp, 849.018 liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ và hơn 4 triệu dân
thường đã thiệt mạng hoặc bị thương tật suốt đời. Chúng ta không gợi lại quá khứ
để sự hận thù che mờ hiện tại và tương lai nhưng chúng ta không được lãng quên
lịch sử mà phải luôn ghi nhớ sự mất mát trong chiến tranh để trân trọng hòa
bình, độc lập, tự do và thực hiện cho bằng được hòa hợp dân tộc. Chúng ta ghi
nhận thái độ chân thành hòa giải, thiện chí hòa hợp, đóng góp xây dựng đất nước
từ phía những người từng lầm đường, lạc bước.
Hòa hợp không phải là cái cớ để những người định kiến, những
kẻ thù địch gieo rắc sự hận thù; đưa ra những đòi hỏi vô lý đối với đất nước, đối
với dân tộc; bóp méo lịch sử, đảo ngược chân lý, phủ nhận những nỗ lực, thành tựu
trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng
6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp gỡ với kiều bào tại quận
Cam đã bày tỏ cảm xúc: “Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi, nhưng Quốc văn
giáo khoa thư nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất... Tôi mong bà con của
mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết
lại, cùng nhau xây dựng Mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường”.
Đại Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét