“Cơn bão” Việt Á lần lượt khui lộ những mảng tối của ngành y. Sau khi người đứng đầu Bộ Y tế phải “vào lò”, nay đến lượt người đứng đầu cấp ủy tại địa phương - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng được xác định là “củi tươi”! Đến lúc này, tiêu cực trong vụ Việt Á không còn giới hạn trong ngành y và 800 tỉ hoa hồng của Việt Á hay cái tên Phan Quốc Việt chỉ là “tranh màu” trong một nhóm lợi ích tồn tại đan xen.
Vụ Việt Á ban đầu chỉ được xem như tiêu cực xảy ra trong phạm
vi một công ty, sau lộ dần ra CDC các tỉnh. Tuy nhiên, nay nhìn lại, Việt Á giống
như cơn bão, những khui lộ ban đầu thực ra vẫn chỉ là “rìa bão”, cho đến khi những
mảng tối phía trong tiếp tục được bóc ra. Hãy cùng nhìn lại những ảnh hưởng của
Việt Á từ lúc phát lộ đến nay đã diễn ra như thế nào.
Ngày 17-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi
tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại
Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Việt Á là ai, cơ ngơi thế nào mà có thể thao túng cả một “quần
thể” rộng lớn như vậy?
Liên quan vụ Việt Á, cơ quan điều tra thi hành quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Đỗ Đức Lưu - Giám đốc CDC Nam Định. Ảnh: TTXVN |
Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được thành
lập năm 2007, có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh với vốn đăng ký thành lập
doanh nghiệp rất khiêm tốn, chỉ 80 triệu đồng. Công ty Việt Á là công ty chuyên
về lĩnh vực sinh học phân tử và tự giới thiệu có đội ngũ cán bộ chuyên môn kinh
nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử. Đây cũng là một trong những
doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ
rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR và lai phân tử. Những năm gần
đây, Việt Á được biết tới là "ông lớn" trong ngành y dược tại Việt
Nam và là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đại trà bộ kit
test nhanh. Khi đó, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng
Giám đốc Công ty Việt Á từng phát biểu với báo chí rằng, ông là một người con
ngành y, lại may mắn đi vào chuyên ngành khá “hot”, đó là sinh học phân tử Trường
Đại học Quốc gia Hà Nội.
Và, công ty của ông được Học viện Quân y lựa chọn đối tác
hơn chục năm qua, đặc biệt là việc hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành
công kit xét nghiệm COVID-19 mang tên “made in Vietnam” vào tháng 3-2020. Tháng
4-2020, công ty được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test COVID-19.
Tại thời điểm đó, Phan Quốc Việt cho biết năng lực sản xuất
của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất
lên 3 lần. Giá mỗi bộ từ 400.000 - 600.000 đồng/test, thấp hơn thế giới nhiều lần.
Trước khi sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19 mang tên “made in Vietnam”, Việt
Á cũng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất kit thử. Ngoài kit test, Việt Á cũng
trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước. Phan Quốc Việt khẳng định,
ông không cổ súy cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần người Việt
dùng hàng Việt để đẩy giá sản phẩm lên cao.
“Quan điểm của tôi là người Việt dùng hàng tốt giá tốt.
Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình. Vậy tại
sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân mình” - Phan Quốc Việt khẳng định.
Tuy nhiên, trái với những tuyên bố nêu trên, sự việc được cơ
quan điều tra lần lượt phanh phui. Kết quả điều tra cho thấy, lợi dụng tính cấp
bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc
danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt chủ động
cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh,
thành phố sử dụng. Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức
hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ
chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản
xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với
số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt
còn thỏa thuận, thống nhất chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng số tiền
rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt
và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu
đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit,
thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh,
thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ
sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải
Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Việt đã chi tiền phần
trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỉ đồng.
Tại Kỳ họp thứ 19, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập
trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh và một
số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong
phòng, chống dịch, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty
Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái
quy định; mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, cung ứng
thuốc; chi hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; cải tạo, sửa chữa các cơ sở y
tế; một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương và các ông Phạm Xuân Thăng, Ủy
viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái,
nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Lương Văn Cầu, nguyên Phó
Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Trọng Hưng,
nguyên Giám đốc Sở Tài chính. Vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên đã gây hậu
quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội,
gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa
phương. Ngày 17-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố, bắt tạm
giam đối với ông Phạm Xuân Thăng và Phạm Mạnh Cường về tội “Lợi dụng chức vụ
quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật
Hình sự.
Liên quan vụ Việt Á, đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ
Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố hơn 80 đối tượng, trong đó có cựu
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Chu Ngọc Anh. Doanh thu Việt Á bán kit test cho 62 tỉnh, thành phố là gần 4.000
tỷ đồng, Việt Á đã chi “hoa hồng” cho các đối tác lên tới 800 tỷ đồng.
Vụ án Việt Á được xem là lớn nhất trong ngành y tế từ trước
tới nay khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi chưa dễ trả lời. Đó là tại sao một
công ty chỉ “thường thường” như Việt Á, thậm chí nếu so sánh trong giới y tế,
Việt Á hoàn toàn “không có tuổi” khi mới thành lập năm 2007 và vốn điều lệ hết
sức khiêm tốn, chỉ 80 triệu đồng. Một công ty non trẻ, vốn bé nhỏ như vậy, hỏi
“tuổi gì” để chi phối lĩnh vực đầy sức mạnh như đấu thầu trong y tế?
Về Giám đốc Phan Quốc Việt, nhân thân của nhân vật này cũng
khiến người ta bàng hoàng khi không cho thấy tài năng, kinh nghiệm gì, vậy làm
sao một giám đốc được xem “non” lại có thể điều phối công ty, lũng đoạn cả lĩnh
vực kit test, gây nhiễu động kinh hoàng đến thế? Cần thấy rằng, trước vụ kit
test, Việt Á đã trúng thầu nhiều mảng miếng lớn trong ngành y. Một Việt Á tưởng
“bé và nhỏ” với giám đốc “yếu và non” mà lại thao túng được “miếng ngon” tới
hơn 4.000 tỉ, mặc nhiên rút, chia 20% (800 tỉ) dễ như ăn kẹo? Vậy, xung quanh
Việt Á là gì, phía sau Phan Quốc Việt là gì?
Chúng ta xoáy sâu vào sai phạm của Việt Á trong kit test
nhưng với góc nhìn nêu trên, tiêu cực không chỉ trong kit test và có lẽ, cái
tên Việt Á cũng chỉ là một “bóng cây” lộ ra trong khu vườn rậm được nhìn thấy
mà thôi. Không có Việt Á này sẽ có Việt Á khác. Sai phạm không phải mang tính
hiện tượng của một, hai cá nhân mà liên quan nhiều lãnh đạo, theo ê-kíp với sự
liên kết chặt chẽ. 800 tỉ “hoa hồng” của Việt Á hay cái tên Phan Quốc Việt chỉ
là “tranh màu” trong một nhóm lợi ích tồn tại đan xen.
Gần đây, có ý kiến phát biểu rằng, nếu cứ xử lý nhiều như thế
thì lấy đâu ra cán bộ để làm và “anh em lo lắng, không còn tinh thần làm việc”.
Chúng tôi cho rằng, những lý lẽ nói trên là mang tính ngụy biện. Với một ngành
được coi thiết yếu như y tế, sai phạm, tiêu cực kéo theo bao nhiêu hậu quả đau
lòng, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và niềm tin xã hội. Việc Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, xử lý các vụ án liên quan đến vụ
Việt Á vừa thể hiện rõ tính nghiêm minh của luật pháp, vừa là cuộc “đại phẫu” để
cứu một lĩnh vực hệ trọng của xã hội tránh chệch đường ray, buộc trở lại quỹ đạo
của nó. Do đó, không thể nói xử nghiêm là “hết cán bộ để làm”. Không có chuyện
dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của
Nhân dân.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không sợ thiếu
cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân, với đất
nước. Không sợ mất uy tín, chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự
đánh mất uy tín của mình...
An Nhi – Báo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét