Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Phòng, chống tham nhũng chính sách - vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay

[QĐND] LTS: Đại hội XIII của Đảng xác định, hoàn thiện đồng bộ thể chế là đột phá đầu tiên trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Tính đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật thể hiện ở hệ thống pháp luật đầy đủ, cụ thể, minh bạch, làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trên tất cả lĩnh vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, một trong những yêu cầu mà Bộ Chính trị đưa ra là phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

Bài 1: Tham nhũng chính sách lợi cho thiểu số, nguy hại cho nhân dân, đất nước

“Có 3 dạng tham nhũng: Tham nhũng tài sản vật chất, tham nhũng quyền lực chính trị và tham nhũng chính sách. Dạng tham nhũng nào cũng để lại nhiều hậu quả tai hại cho đất nước và nhân dân. Nếu tham nhũng vật chất gây thiệt hại tài sản Nhà nước, tham nhũng quyền lực chính trị gây thiệt hại cán bộ, thì tham nhũng chính sách gây thiệt hại niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Đó là dạng tham nhũng nguy hại nhất hiện nay”. Đó là nhận định của Thiếu tướng, Tiến sĩ (TS) luật học Nguyễn Mai Bộ, thành viên Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, nguyên Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

 Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ.

Cảnh báo những hiện tượng cài cắm “lợi ích nhóm” và “bảo kê” chính sách

Phóng viên (PV): Cách đây một năm, ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV". Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh, những năm qua, hệ thống pháp luật ở nước ta cơ bản đầy đủ, ổn định, tuy nhiên còn một số quy định còn bất cập, gây kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước. Theo đồng chí, sự bất cập đó là gì?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ: Trước hết phải khẳng định rằng, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp, nhiều bộ luật, luật được ban hành góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông những ách tắc, thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước phát triển, mọi mặt đời sống xã hội có chuyển biến rõ rệt. Chỉ tính nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 80 văn bản pháp luật, trong đó đa số các luật đều được chuẩn bị cơ bản chu đáo, công phu, vì lợi ích chung của nhân dân, của doanh nghiệp, của đất nước.

Tuy nhiên, như Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, công tác xây dựng pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Vẫn còn tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống” còn nhiều. Trong khi đó, vẫn còn biểu hiện tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật biểu hiện ở những khía cạnh nào?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ: Theo luật định, quy trình soạn thảo, ban hành luật bao gồm các bước cơ bản như: Soạn thảo luật, nghị quyết; lấy ý kiến vào dự án luật, dự thảo nghị quyết; thẩm định dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội; thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết; thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết; công bố về luật. Về tổng thể, đó là quy định hết sức chặt chẽ, nếu làm đúng quy trình, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng ở tất cả các bước thì có thể phòng ngừa được "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có thể nảy sinh, xuất hiện ở cả 3 công đoạn.

Ở công đoạn đưa ra sáng kiến dự thảo luật, bộ, ngành là cơ quan chủ trì đưa ra mô hình tổng thể của dự thảo luật, chứng minh sự cần thiết, tính cấp bách phải xây dựng và ban hành luật. Ở công đoạn này, cơ quan quản lý nhà nước luôn cố gắng chứng minh, giải trình phương án chính sách đưa ra theo hướng có lợi cho bộ, ngành mình. Khi dư luận hoài nghi về sự cần thiết khách quan của dự thảo luật thì chủ thể xây dựng dự thảo luật tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để rộng đường dư luận. Nhưng tôi được biết, thời gian qua, một số bộ, ngành chỉ mời những người ủng hộ quan điểm của họ, những người có ý kiến phản biện nghiêm túc, trách nhiệm thì họ không mời, từ đó dẫn tới kết quả hội thảo, tọa đàm chỉ toàn ý kiến ủng hộ, nhất trí. Điều đó phản ánh không thực chất, khách quan về dự thảo luật.

Ở công đoạn soạn thảo luật, xây dựng chi tiết các chương, điều, những người được giao trách nhiệm soạn thảo dễ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ nên thường đưa ra những quy định có lợi cho bộ, ngành mình, thậm chí có lợi cho một nhóm lợi ích thực thi chính sách sau này. Chẳng hạn, có không ít dự thảo luật đưa ra quy định về lập quỹ tài chính. Dưới vỏ bọc “xã hội hóa”, tưởng như những loại quỹ vận động tài chính từ các tổ chức, cá nhân là hợp pháp, nhưng khi đi vào cuộc sống, những quỹ này có thể được sử dụng không đúng mục đích, thậm chí bị “nhào nặn” biến tướng để mang lại lợi ích cho một nhóm người.

Ở công đoạn thẩm định, thẩm tra dự thảo luật, nếu người có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra dễ dãi, nể nang và thiếu trình độ, kỹ năng, năng lực thẩm định, thẩm tra thì để tồn tại những kẽ hở trong luật. Đấy là chưa kể có hiện tượng “đi cửa sau” mà nói thẳng là có sự thông đồng giữa người soạn thảo dự luật và người thẩm định, thẩm tra dự thảo luật. Thậm chí, vì đồng tiền chi phối, mua chuộc, có người được giao trọng trách thẩm tra nhưng sẵn sàng chà đạp lên lợi ích chung của nhân dân, của đất nước để “bảo kê” chính sách cho cơ quan soạn thảo.

PV: Như đồng chí vừa nói, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có thể được ngăn chặn ngay từ khâu thẩm định, thẩm tra dự thảo luật. Nhưng thời gian qua, vì sao có một số luật có yếu tố “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong đó mà vẫn được thông qua?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ: Những người manh nha xây dựng nên “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ vốn là những con người phá vỡ nguyên tắc; họ “ăn cơm nhà nước, gánh vác việc công” nhưng lại không thật sự vì dân, vì nước, mà vì những lợi ích cá nhân hẹp hòi. Có những người còn bị hướng lái bởi sự vận động hành lang tinh vi, thiếu lành mạnh của cơ quan soạn thảo chính sách, mà thực chất là họ đã bị đồng tiền “xuyên thủng” sự liêm chính của mình. Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đã nhầm vai giữa hành pháp và lập pháp, “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên không đủ dũng khí phản biện nghiêm túc và không thể hiện bản lĩnh để bảo vệ chính kiến, chân lý xác đáng của mình.

Thế nên, không ngẫu nhiên mà trong buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật, tư pháp, nghiên cứu lập pháp tại Quốc hội, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11-2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: “Đã là cán bộ làm công tác pháp luật, hơn ai hết phải là những người làm rất chuyên nghiệp và cũng phải rất bản lĩnh. Tôi rất mong muốn là trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, dù làm công việc gì cũng phải quán triệt các cơ sở chính trị rất quan trọng của Nhà nước ta trong công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ pháp luật. Hơn ai hết, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có bản lĩnh dám nói thẳng. Luật pháp chỉ là đúng, sai chứ không có khái niệm ở giữa”.

Tham nhũng chính sách tạo thêm "điểm nghẽn" gây cản trở sự phát triển của đất nước

PV: Việc cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật sẽ gây ra những hệ lụy gì cho xã hội, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ: Tôi nhớ một lần trong nghị trường, khi được chất vấn về vấn đề cục bộ lợi ích trong xây dựng chính sách, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long từng cho rằng, quy trình làm luật của chúng ta, cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này, cách khác vẫn có cái nhìn thiên vị, có phần dành thuận lợi hơn cho bộ, ngành mình. Bên cạnh đó, tình trạng cục bộ còn xảy ra khi xây dựng văn bản pháp luật quy định về chế độ, chính sách có lợi cho bộ, ngành mình, mà không quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Theo tôi, hệ quả của vấn đề này là hết sức nguy hại. Khi những chính sách cài cắm “lợi ích nhóm” ra đời sẽ chồng chéo với văn bản pháp luật trước đó, từ đó dẫn tới xung đột trong thực hiện pháp luật. Mặt khác, các luật ra đời có tuổi thọ ngắn, khó khả thi, từ đó buộc phải sửa đổi luật nhiều lần. Nếu bộ, ngành nào cũng chỉ vì lợi ích của bộ, ngành mình mà không nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, của nhân dân, của đất nước thì không bao giờ chúng ta xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ, ổn định và có tính khả thi cao.

“Lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ cài cắm trong các văn bản chính sách, văn bản pháp luật là một dạng tham nhũng chính sách. Khi tham nhũng chính sách không bị phát hiện, ngăn chặn sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội; nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật bị xâm hại; nguồn lực đất nước bị phân tán, năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm. Một chính sách phát triển ngành có sự lồng ghép lợi ích cục bộ mà được thông qua có thể làm lợi rất lớn cho một số người, cho một bộ phận người trong ngành đó, nhưng cũng có thể làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước và xã hội. Một quyền năng không chính đáng được cài cắm vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu của một số người, nhưng cũng có thể làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp thêm khó khăn.

PV: Nếu phát hiện có những văn bản pháp luật bị ảnh hưởng chi phối bởi “nhóm lợi ích”, theo đồng chí, cần tính đến xem xét trách nhiệm liên quan của các tổ chức, cá nhân nào?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ: Gắn với 3 công đoạn dự thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản pháp luật, nếu để lợi ích chi phối thì có 3 nhóm chủ thể, đó là nhóm chủ thể xây dựng dự thảo luật; nhóm thứ hai là nhóm thẩm định của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan; nhóm thứ ba là hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Chúng ta cần coi trọng xử lý ở cả 3 công đoạn này mới ra được một văn bản có hiệu lực cao và không mâu thuẫn với những văn bản pháp luật trước đó. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là phải đề cao sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật.

PV: Vì sao phải coi trọng và thực hiện sự liêm chính trong xây dựng pháp luật?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Mai Bộ: Vì sự liêm chính được ví như tấm áo giáp có thể chở che, bảo vệ uy tín, danh dự, phẩm giá của những người gắn bó với trọng trách xây dựng pháp luật; đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và đất nước.

Pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, cho nên rất cần thiết phải có sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật. Bởi, có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, ít chồng chéo với các văn bản pháp luật ban hành trước đó. Đặc biệt, có liêm chính sẽ không lồng ghép lợi ích cục bộ của bộ, ngành khi soạn thảo, xây dựng dự án luật.

Tôi cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật có ít nhất 3 khuyết tật. Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa trước đã dày công ban hành. Khuyết tật thứ hai là công cụ để ban soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ, ngành khác và trái với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khuyết tật thứ ba là vòng đời của các văn bản luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành luật khác thay thế.

Do vậy, tôi đề nghị các cơ quan được giao soạn thảo dự án luật rất cần khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật; các cơ quan thẩm định, thẩm tra, các đại biểu Quốc hội cũng phải luôn liêm chính trong thẩm tra, phát biểu về dự án luật.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 “Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật”.

(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Bộ Chính trị tổ chức ngày 30-6-2022)

(còn nữa)

THIỆN VĂN (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...