Để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 100% công dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong độ tuổi theo quy định được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, góp phần đưa Tháng cao điểm nhanh chóng hoàn thành mục tiêu về đích sớm, những ngày này, CBCS Công an tỉnh Hà Nam đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, tăng ca, tăng thời gian thu nhận hồ sơ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân làm thủ tục hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp.
Không những vậy, với phương châm "Lúc dân cần, lúc dân
khó, có Công an", Công an các địa bàn tỉnh Hà Nam còn triển khai các tổ
công tác lưu động, không quản ngại khó khăn, nắng mưa vất vả, đi từng ngõ, gõ từng
nhà để làm thủ tục cấp CCCD cho người già yếu, người tàn tật đi lại khó khăn.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Nam đến tận nhà làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người già yếu. |
Theo một tổ công tác của Công an huyện Kim Bảng đến từng hộ
có người già yếu, neo đơn, người tàn tật ở xã Văn Xá để trực tiếp thu nhận hồ
sơ, làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp. Các bước tiến hành thu nhận hồ sơ cấp CCCD
tuy khá đơn giản, nhưng lại mất rất nhiều thời gian do có nhiều trường hợp công
dân bệnh nặng, già yếu, không thể ngồi dậy rất khó chụp hình hoặc tuổi cao bàn
tay chai sạn, vân tay mất nét, khó lấy dấu vân tay...
Xúc động khi tổ công tác đến tận nhà hỗ trợ cụ Trần Thị Khí
làm CCCD, chị Nguyễn Thị Phương - con gái cụ Khí xúc động nói: "Mẹ tôi năm
nay 85 tuổi, bị tai biến, nhiều năm nay nằm liệt giường không đi lại được. Khi
nghe được tin các anh, chị Công an đến tận nhà làm CCCD cho mẹ, tôi mừng lắm, cảm
ơn các anh, chị đã không quản vất vả đến tận nhà giúp đỡ mẹ tôi làm CCCD".
Chị Phương cho biết, mỗi lần đi bệnh viện làm thủ tục thanh
toán viện phí cho mẹ mình, nhiều khi phải chị mang theo rất nhiều loại giấy tờ,
nào là CMND, nào là thẻ bảo hiểm y tế… rất bất tiện. Khi được các CBCS Công an
giải thích những tiện ích khi làm CCCD gắn chíp cho cụ Khí, chị Phương và gia
đình rất vui, không ngớt lời cảm ơn các chiến sĩ Công an đã không quản vất vả đến
tận nhà làm thủ tục cấp CCCD giúp mẹ chị.
Gần nửa tháng qua, CBCS Công an tỉnh Hà Nam đã chạy đua với
thời gian, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp cho nhân dân. Quá
trình làm nhiệm vụ, có biết bao câu chuyện, hình ảnh đẹp về việc làm ý nghĩa,
nhân văn ấy đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân. Việc triển
khai cấp CCCD gắn chíp điện tử tận nhà cho người già, người bệnh và người khuyết
tật là một trong rất nhiều phần việc cụ thể, thiết thực thể hiện tinh thần
trách nhiệm "Vì nhân dân phục vụ"; đồng thời thể hiện tình cảm, sự gần
gũi, gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân.
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Cảnh
sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH Công an tỉnh Hà Nam, xác định tầm quan trọng
của việc cấp CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử mang lại nhiều lợi
ích cho công dân, Công an các đơn vị, địa phương trên toàn địa bàn tỉnh Hà Nam
đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của CCCD gắn chíp
và tài khoản định danh điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống
loa phát thanh, truyền thanh. Phân công CBCS xuống từng thôn, xóm, hộ gia đình
tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện...
Một trong những sáng kiến hay của Công an tỉnh Hà Nam trong
đợt thi đua cao điểm làm CCCD đợt này đó là đã tham mưu cho chính quyền các cấp
chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, đi đầu trong việc cài, sử dụng
định danh điện tử và CCCD gắn chíp trong thực hiện các giao dịch như: Khám chữa
bệnh, rút tiền ngân hàng, đăng ký tạm trú... đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền
để người thân hiểu, sử dụng. Song song với đó, Công an các địa bàn còn chủ động
triển khai nhiều tổ công tác đến tận nhà để làm thủ tục cấp CCCD cho người già
yếu, người tàn tật, người có hoàn cảnh neo đơn.
Một kinh nghiệm hay của Công an huyện Thanh Liêm đang tích cực
triển khai trong Tháng cao điểm này được Đại úy Trần Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng
Công an huyện Thanh Liêm chia sẻ, đó là: Công an huyện Thanh Liêm đã huy động
toàn thể lực lượng CBCS Đội Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an các xã, thị trấn
trên địa bàn đi từng nhà để chủ động rà soát danh sách những người già yếu, người
tàn tật không thể tự đi lại được để bố trí xe đưa, đón miễn phí công dân đến trụ
sở Công an hay các điểm đặt máy lưu động hoặc đến tận nhà làm CCCD cho người
dân. Mặc dù có vất vả nhưng với tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ CAND
và được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, nhân dân nhiệt tình hợp
tác nên chúng tôi cũng quên đi mệt mỏi...".
Hà Anh – H.Sâm - Báo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét